Người dân Mông Cổ hân hoan chờ đón Đức Phanxicô đến thăm
Ở đất nước ra đời sau khi Liên Xô tan rã, người công giáo ở Mông Cổ chỉ có khoảng 1.500 trong tổng số hơn 3 triệu dân, Giáo hội do hồng y người Ý Giorgio Marengo lãnh đạo, ngài là hồng y trẻ nhất trong số các hồng y.
famigliacristiana.it, Lorenzo Montanaro, 2023-08-28
Đức Phanxicô sẽ đến đất nước Mông Cổ từ ngày thứ năm 31 tháng 8 đến ngày thứ hai 4 tháng 9-2023. Hồng y Giorgio Marengo cho biết: “Chúng tôi rất xúc động khi biết người kế vị Thánh Phêrô sẽ đến thăm, đây là dấu chỉ của một niềm hy vọng”. Tại Mông Cổ, cộng đồng người công giáo chỉ có khoảng 1.500 giáo dân, trong tổng số hơn 3.300.000 dân. Và chúng tôi là một thiểu số rất nhỏ. Với giọng nhẹ nhàng, nhưng người nghe cảm nhận được niềm vui lớn lao qua lời của hồng y Giorgio Marengo, giám mục Oulan-Bator: “Chúng tôi là một phần của một Giáo hội rất lớn trên thế giới nhưng ở đây, chúng tôi là một Giáo hội rất rất nhỏ. Và Đức Phanxicô yêu mến sự nhỏ bé này, ngài mong muốn làm cho thế giới biết đến chúng tôi.”
Là nhà truyền giáo của Hội dòng Truyền giáo Consolata, sinh ra ở Cuneo nhưng lớn lên ở Turin, từ năm 2003, hồng y Marengo sống và làm việc ở quốc gia Trung Á này, năm 2020 ngài được phong giám mục và năm 2022, ngài được phong hồng y: ngài là hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn. Cùng với cộng đồng của mình, ngài sẽ làm chứng cho một sự kiện lịch sử: đây là lần đầu tiên một giáo hoàng đến thăm Mông Cổ. Để tìm một tiền lệ trong mối quan hệ với Tòa thánh, chúng ta phải đi lui hàng thế kỷ. Năm 1245 khi Giáo hoàng Innocent IV cử tu sĩ dòng Phanxicô Giovanni da Pian del Carpine làm sứ thần, đó là một trong những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến vùng đất này.
Nhưng lần này sẽ khác. Lần này là chính giáo hoàng đến. Hồng y Marengo nói: “Để chuẩn bị, chúng tôi sốt sắng cầu nguyện, đặc biệt chúng tôi phó thác tất cả cho Đức Mẹ, với việc lần chuỗi Mân Côi và đi hành hương. Tại các giáo xứ và cộng đồng, chúng tôi hành hương với một tượng Đức Mẹ rất đặc biệt, tượng được một phụ nữ tìm thấy trong bãi rác, gợi lên biểu tượng cho lòng biết ơn của chúng tôi, một cảm giác huyền bí và những câu hỏi sâu xa. Về các khía cạnh thực tế và tổ chức, chúng tôi tiến hành dựa trên các chỉ dẫn của Chính phủ, các ủy ban công tác và Tòa thánh.”
Lời mời chính thức đã được tổng thống Mông Cổ, Ukhnaagiin Khürelsükh gởi đi từ những tháng qua. Ngài giải thích: “Một lựa chọn can đảm, chúng tôi đánh giá cao và ủng hộ tiến trình này. Khi chúng tôi biết Đức Phanxicô ấn định ngày tông du, chúng tôi đã rất ngạc nhiên và bất ngờ. Trong những lúc đi thăm, qua những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện, những gương mặt của người dân, chúng tôi hy vọng Đức Phanxicô sẽ nếm những giây phút xinh đẹp và lịch sử của vùng đất này. Ở Mông Cổ, kể từ lâu đã có một truyền thống tâm linh rất sâu đậm, và ở đây, đất nước mang các hình thức phật giáo và thầy pháp.”
Còn đối thoại đại kết và liên tôn dù xa vời với thuật ngữ tâm linh, nhưng sẽ có một vị trí danh dự ở đây. Ngày chúa nhật ngày 3 tháng 9, Đức Phanxicô sẽ gặp các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo đại diện ở quốc gia Trung Á này. Phật giáo chiếm đa số giáo dân ở Mông Cổ, 53% dân số, nhưng cũng có sự có mặt của các phái đoàn ấn giáo, ba-hai, do thái, hồi giáo, chính thống giáo, tin lành chính thống giáo và tin lành.
Còn chuyến tông du của giáo hoàng đến đất nước có đa số người không theo thiên chúa giáo sẽ được nhìn như thế nào? Hồng y Marengo cho biết: “Có một tò mò thích thú và mong đợi, tất cả những cảm giác đó ngày càng lớn dần khi gần đến ngày Đức Phanxicô đến. Ngài được công nhận là một nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Và, ngoài việc liên kết tôn giáo, nhiều người đánh giá cao sự cam kết của ngài với hòa bình, hòa hợp và đối thoại. Đây là những điều kiện tiên quyết cho một cuộc gặp hướng tới tình bạn, vẻ đẹp và sự phong phú của nhau.”