Những nhà truyền giáo đã khai sinh Giáo hội Mông Cổ

126

Những nhà truyền giáo đã khai sinh Giáo hội Mông Cổ

cath.ch, I.Media, 2023-08-25

Đến Mông Cổ, sơ Lieve Striegier cảm thấy “Chúa đã ở đây rồi” | © Camille Dalmas/I.Media

Một số nhà truyền giáo đã thành lập một cộng đồng công giáo nhỏ, nơi ba mươi năm trước đây không có một tín hữu kitô nào. Bị cô lập và ở vùng ngoại vi của mọi thứ, các nhà truyền giáo này đến từ khắp nơi trên thế giới để loan báo Tin Mừng, bằng cách sống gần gũi nhất có thể với người dân Mông Cổ. Hai trong số họ làm chứng cho ơn gọi của họ trước khi Đức Phanxicô đến đất nước này ngày 31 tháng 8.

Nữ tu người Bỉ Lieve Stragier vui mừng cho biết, việc Đức Phanxicô đến đất nước này là “dấu hiệu hy vọng cho người công giáo Mông Cổ, những người là thiểu số trên chính đất nước họ”, đặc biệt là trước những thành công của đạo tin lành. Sơ là bề trên Tổng quyền của Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (ICM), và đã sống 15 năm ở Mông Cổ. Sơ cho biết: “Dù họ là thiểu số, dù cộng đồng của họ còn rất trẻ, trong những năm gần đây, nhiều người trong số họ đã rửa tội và họ rất vui khi biết họ được quan tâm và họ là một phần của cộng đồng công giáo.”

Còn linh mục Mathieu Ndjoek tin rằng chuyến tông du của Đức Phanxicô sẽ “làm cho tình yêu của Thiên Chúa được cảm nhận”. Linh mục người Cameroon thuộc Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã sống ở đây 10 năm (2008-2018), cha sẽ sớm quay trở lại Mông Cổ. Linh mục cho rằng Đức Phanxicô sẽ mang đến một thông điệp hỗ trợ “vô giá” cho các mục tử của Mông Cổ. 

Theo bước chân của Cha Verbist

Về mặt lịch sử, Mông Cổ là lãnh thổ truyền giáo mang ơn Giáo hội công giáo Bỉ rất nhiều: sự hiện diện của các nhà truyền giáo Bỉ tại khu vực này bắt đầu từ hậu bán thế kỷ 19 với linh mục Théophile Verbist (1823-1868). Linh mục Verbist đến từ khu phố Scheut, Anderlecht, năm 1862 cha đã thành lập Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, có biệt danh là “scheutist”, gồm các linh mục truyền giáo có ơn gọi để đi đến miền bắc Trung Quốc.

Các nhà truyền giáo scheutist đầu tiên được gởi đến giáo phận “Tartarie”, vùng đất rộng lớn ở tây bắc Trung Quốc | ©Pixabay

Linh mục Matthieu Ndjoek là thành viên của gia đình tôn giáo này – hiện nay Dòng có 598 thành viên – trải rộng trên 20 quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Brazil, Mexico và Indonesia. Sinh ra ở Cameroon trong một gia đình theo tôn giáo truyền thống, cha nhớ lại việc tiếp xúc với anh em scheutist trong làng đã thuyết phục cha thành người tín hữu kitô để sau đó cha dấn thân thực hiện sứ mệnh – đưa cha đến Mông Cổ, về nguồn của dòng tu.

Khi bắt đầu ở Trung Quốc, những người scheutist đầu tiên được gởi đến vùng “Tartarie”, một vùng đất rộng lớn ở phía tây bắc Trung Quốc. Từ thế kỷ 17, lãnh thổ giáo hội khổng lồ này đã được giao cho các nhà truyền giáo Lazarô – như cha Évariste Huc (1813-1860), nhà thám hiểm nổi tiếng đã đến Tây Tạng – nhưng họ cần được tiếp viện. Giống như các nhà truyền giáo Dòng Ladarô, những người scheutist hướng sứ mệnh của họ đến lãnh thổ rộng lớn của Nội Mông cổ – Trung Quốc – nơi linh mục Verbist qua đời năm 1868 vì bệnh thương hàn.

Linh mục Mathieu Ndjoek ở Mông Cổ từ năm 2008 đến 2018, chủ yếu chăm sóc một trung tâm trẻ em bị bỏ rơi ở Oulan-Bator | DR

679 thành viên Dòng của cha Verbist đã đi theo cha để truyền giáo ở Trung Quốc, dù gặp khó khăn của khí hậu và từ dân chúng. Từ năm 1899 đến năm 1901, trong Cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn, nhiều người của Dòng scheutist đã chết như những vị tử đạo ở vùng đất truyền giáo khó khăn này.

Vào đầu thế kỷ 20, những người scheutist có mặt ở Trung Quốc đã chuyển sang Ngoại Mông – Mông Cổ ngày nay và định cư ở đó – nhưng đã quá muộn. Cuộc cách mạng Liên Xô chiếm đất nước, Mông Cổ trở thành nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa và vô thần năm 1924, họ cấm các nhà truyền giáo đến đây. Các nhà truyền giáo người Bỉ vẫn ở Ngoại Mông cho đến cuộc cách mạng Trung Quốc (1945-1949), thời kỳ này 11 nhà truyền giáo đã chịu tử đạo, các người khác đều bị trục xuất.

Những người tiên phong truyền giáo ở Mông Cổ

Năm 1992, khi chế độ cộng sản sụp đổ, ba linh mục scheutist được giao nhiệm vụ tiếp tục công việc của những người tiền nhiệm. Trong số đó, có nhà truyền giáo Phi Luật Tân Wenceslao Selga Padilla, sẽ là giám mục đầu tiên của phủ tông tòa Oulan-Bator năm 2002. Những người tiên phong này xin các môn đệ của nhà truyền giáo vĩ đại người Bỉ, Mẹ Marie-Louise de Meester (1857-1928) tiếp viện. Ba nữ tu của Dòng Truyền giáo Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Maria đến Mông Cổ năm 1995. Năm 2022 họ có 506 thành viên.

Sơ Lieve Stragier nói: “Tôi xuống máy bay và tôi không thấy gì!”, sơ là một trong ba nữ tu đề cập đến sự phát triển nghèo nàn của đất nước và thủ đô vào thời điểm đó. Mông Cổ lúc đó rất nghèo và đang thoát khỏi tình trạng vô thần kéo dài bao nhiêu năm, nhưng sơ cũng nhớ cảm nhận đầu tiên của sơ: “Chúa đã ở đây rồi”.

Sơ Lieve nói: “Người Mông Cổ đi tìm ý nghĩa để thay thế cho những gì họ đã bị lấy đi trong những năm tháng sống dưới chế độ cộng sản.” Sơ nhớ lại sứ mệnh đầu tiên của Dòng trong những năm đầu tiên là phục vụ cho người nước ngoài ly hương. Những người này đi dự thánh lễ với người lái xe người Mông Cổ, sự hiện diện của nhóm người công giáo này nhanh chóng khơi dậy tò mò, đặc biệt là trong giới trẻ. Sơ giải thích: “Có một đam mê mọi thứ của người phương Tây.” 

Bên cạnh người Mông Cổ

Trong những năm đầu tiên, các nhà truyền giáo phải chờ một thời gian để học ngôn ngữ cho thông thạo, sau đó mới bắt đầu nghiên cứu cách phục vụ người dân trong cuộc sống hàng ngày. Sơ Lieve nói: “Chúng tôi phải học sống như một cộng đồng, đó là ưu tiên của chúng tôi”.

Vì vậy, sơ chăm sóc các trẻ em đường phố khi đó đang sống trong cống rãnh của Oulan-Bator – “nơi duy nhất các em được ấm áp trong mùa đông”. Sơ làm việc tại trung tâm dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ đầu tiên trong nước và mở một trung tâm cộng đồng ở ngoại ô thủ đô. 

Sơ Lieve chăm sóc trẻ em đường phố sống trong cống rãnh ở Oulan-Bator, một nơi ấm áp vào mùa đông | ©Pixabay

Chung quanh các hoạt động này, các công việc truyền giáo khác ra đời, đặc biệt là các buổi chia sẻ Kinh thánh, những trao đổi thiết thực được tổ chức cho người lớn chung quanh các bài Kinh thánh. Dần dần, cộng đồng nhỏ ngày càng lớn mạnh. Sơ Lieve Strieger dịu dàng nhớ lại kỷ niệm khung cảnh Giáng sinh sống động, búp bê Chúa Giêsu Hài đồng lần đầu tiên được một em bé Mông Cổ đóng, con của một cặp vợ chồng trở lại.

Cha Mathieu Ndjoek, sống ở Mông Cổ từ năm 2008 đến 2018, chủ yếu chăm sóc trung tâm dành cho trẻ em bị bỏ rơi ở Oulan-Bator do những người tiền nhiệm của cha thành lập năm 1995. Dù phải đối diện với những thời điểm khó khăn, như định kiến về nguồn gốc châu Phi của cha, cha rất xúc động trước lòng hiếu khách nồng ấm của người Mông Cổ, đặc biệt ở bên ngoài thành phố.

Cũng như sơ Lieve Stragier, linh mục cho rằng sứ mệnh truyền giáo không tiến triển như họ mong muốn, nhưng cha tin có những dấu hiệu rất tích cực trong cộng đồng nhỏ bé này. Đặc biệt là việc giám mục Giorgio Marengo, một tu sĩ người Ý thuộc dòng truyền giáo ở Mông Cổ đã lần đầu tiên được phong hồng y năm 2022, trước sự ngạc nhiên của mọi người.

Các nhà truyền giáo ở Mông Cổ 

Các dòng nam:

– Những người Scheutist (CICM)

– Dòng truyền giáo Consolata

– Dòng Salêdiêng

Các Dòng nữ:

– Nữ tử Bác ái

– Dòng Nữ tu Truyền giáo Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria (ICM)

– Các nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres

– Các nữ tu truyền giáo Consolata

– Dòng Salêdiêng

– Dòng Truyền giáo Consolata

– Dòng Bác Ái Thánh Thể (Hàn Quốc)

Marta An Nguyễn dịch

Mông Cổ: các nhà truyền giáo Hàn quốc phục vụ người công giáo

Đối thoại với phật giáo: một thách thức của Đức Phanxicô ở Mông Cổ