“Là tuyên úy phi trường, thách thức lớn của tôi là uyển chuyển”
Trong nhiều năm, bà Andrea Thali là tuyên úy tại nhà nguyện của phi trường Zurich Kloten, Thụy Sĩ. Bà chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi công việc, vì công việc của bà rất đa dạng và liên tục đặt ra cho bà những thách thức mới.
Bà Andrea Thali là tuyên úy tại phi trường Thụy Sĩ Zurich Kloten trong nhiều năm | © Sandra Leis
cath.ch, Sandra Leis,2023-08-11
Sự nhiệt tình với công việc của bà có thể nhìn thấy trên khuôn mặt vui tươi của bà. Bà Andrea Thali, tuyên úy tại phi trường Zurich Kloten từ năm 1999, bà thoải mái ở cương vị này: “Trong một môi trường năng động như vậy, công việc tuyên úy rất phong phú. Tôi thường liên lạc với các nhân viên làm việc trong các ngành nghề đa dạng nhất tại sân bay, với khách du lịch, với người xin tị nạn và cả người đến thăm”.
Một công việc không thể dự trù trước
Bà là thần học gia công giáo la-mã, bà quan niệm sứ mệnh tuyên úy của mình theo cách toàn cầu, bằng cách quan tâm đến cả thể xác và tâm hồn của người đối thoại với mình: “Tôi hỏi xem họ khát hay đói, giữ chỗ chuyến bay nếu cần và quan sát trạng thái tâm lý của họ”.
Giống như các phi trường khác, phi trường Zurich Kloten có dịch vụ tuyên úy | DR
Tôi thường gặp những tình huống xử lý phức tạp, như khi hành khách bị mắc kẹt hoặc có khi họ có ý định tự tử. Bà Andrea Thali giải thích, dù đương sự tuyệt vọng là trọng tâm của mọi chú ý, nhưng lúc đó vẫn cần có nhiều trao đổi với người thân, nhân chứng và cảnh sát.
Thách thức lớn nhất trong cương vị tuyên úy phi trường là sự uyển chuyển. Bà cho biết: “Công việc không thể dự trù trước được và nhu cầu của con người thì rất đa dạng. Vì vậy, bạn phải có khả năng thay đổi cách tiếp cận của mình từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác và hoàn toàn hiện diện ở đó.”
Cần thiết phải buông bỏ
Không giống như khi làm việc ở giáo xứ, nơi mà một giáo sĩ thường đồng hành với mọi người trong một thời gian dài, khách hàng tại phi trường luôn thay đổi. Khi được hỏi liệu điều này có làm bà nản lòng không, bà Thali trả lời chắc nịch: “Không. Phương châm của chúng tôi là ‘Cùng đi với bạn’. Chúng tôi làm những gì có thể làm, trước khi để mọi người ra đi. Ngoài ra còn có một cái gì đó giải phóng về việc buông bỏ.”
Mặc dù tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nhưng không phải ai cũng nói được tiếng Anh. Làm thế nào để bạn làm cho các khách từ Afghanistan, Trung Quốc hoặc Nhật Bản hiểu mình khi họ cần giúp đỡ? Bà Thali khẳng định: “Thật ngạc nhiên khi thấy chúng ta có thể hiểu và lắng nghe một người cả khi giao tiếp bằng ngôn ngữ không được thuận lợi. Ở đây tôi đã có những kinh nghiệm rất mạnh, dù trên thực tế việc đối thoại rất phức tạp, nhưng một cuộc gặp gỡ thân mật có thể có”. Và nếu việc đối thoại hoàn toàn không hiệu quả, thì tại phi trường luôn có nhiều nhân viên nói được ngôn ngữ mình mong muốn.
2001, năm của tất cả các bi kịch
Nhóm đại kết trung tâm của nhà nguyện phi trường gồm ba người cũng làm việc với các cộng tác viên: khoảng một nửa thời gian làm việc được dành cho họ. Những cuộc nói chuyện tâm linh này thường tập trung vào những khó khăn trong công việc, khủng hoảng trong các mối quan hệ hoặc vấn đề nghiện ngập. Các người trong ban giám đốc cũng thường xuyên đáp ứng lời đề nghị này.
Đa số chỉ ở lại phi trường một thời gian ngắn | DR
Ngay sau khi nhà nguyện phi trường được thành lập năm 1997, các sự kiện lớn đã đánh dấu Thụy Sĩ. Bà Andrea Thali đặc biệt nhớ đến vụ tấn công du khách ở Luxor, Ai Cập làm cho 36 người Thụy Sĩ thiệt mạng. Một năm sau, năm 1998, một chiếc máy bay của Swissair bị rơi ở Halifax, Canada.
Năm 2001 là năm thảm khốc, bà Thali đã trải qua trong cương vị tuyên úy ở phi trường Zurich, với vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, vụ đình chỉ hoạt động của hãng hàng không Swissair tháng 10, và cuối cùng là vụ tai nạn máy bay Crossair ở Bassersdorf tháng 11. Bà nói: “Chúng tôi có cảm tưởng như chúng tôi liên tục ở trong tình huống đặc biệt.” Bà vẫn còn nhớ sự yên tĩnh khác thường ngay sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9, mọi người kinh hoàng dán mắt vào màn hình trong các sảnh của phi trường.
Lo lắng trong thời gian đại dịch
Đại dịch Covid-19 cũng đáng kể: hành khách đột ngột biến mất, nhân viên ở nhà, trừ một vài trường hợp ngoại lệ; và nhân viên dọn vệ sinh cũng bị cắt giảm đến mức tối thiểu. Bà nói: “Trong một thời gian rất ngắn, nhiều cửa sổ ở khu vực quá cảnh đầy phân chim bồ câu và một khoảng trống đau đớn bao trùm cơ sở, bầu khí vô cùng ngột ngạt.”
Nhưng giai đoạn này cũng đã qua, lãnh vực hàng không đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, số lượng hành khách tăng bằng mức trước đại dịch: “Con lắc đang quay trở lại – mọi người lại muốn đi du lịch.” Khi được hỏi liệu du khách có cảm thấy xấu hổ khi dùng phương tiện máy bay không, bà cho biết: “Không, cho đến nay là không.” Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu là một vấn đề cấp bách và bà nhận thức rất rõ điều này. Nhưng với tư cách là tuyên úy phi trường, bà phải quản lý các vấn đề tế nhị một cách tốt nhất có thể, và trên hết là luôn ở đó cho tất cả những người cần đến sự hỗ trợ và giúp đỡ của bà.
Marta An Nguyễn dịch