Đức Phanxicô trả lời báo Vida Nueva: “Tôi là nạn nhân của Chúa Thánh Thần…”

109

Đức Phanxicô trả lời báo Vida Nueva: “Tôi là nạn nhân của Chúa Thánh Thần…”

Đức Phanxicô cùng tạp chí trong cuộc họp kỷ niệm 65 năm thành lập tạp chí.

Ngài chia sẻ trong buổi gặp ở Nhà Thánh Marta: “Thượng hội đồng là giấc mơ của Đức Phaolô VI. Mọi việc chưa chín muồi để có một Công đồng Vatican III.”

vidanuevadigital.com, 2023-08-04

“Từ một ý tưởng ngông cuồng và chúng ta đã gặp nhau ở đây.” Đó là  lời Đức Phanxicô mở đầu cuộc gặp. Với sự tự nhiên đã thấm vào mọi ngóc ngách của triều giáo hoàng từ 10 năm nay và không có dấu hiệu nào cho thấy sự hao mòn hay chấm dứt triều của ngài. Ít nhất, đó là những gì những người có mặt cảm nhận. Không chỉ là cảm nhận đầu tiên, mà cả khi cuộc trò chuyện đi sâu vào bất kỳ chủ đề nào.

Ngoài những hạn chế về thể chất do đầu gối bị đau, sức mạnh tinh thần của ngài là không chối cãi. Ngài không thiếu nhiệt tình. Vì thế sự cần thiết để hỏi ngài khi nào ngài sẽ từ chức đã không còn… cần thiết. Không thấy, không mong đợi. Trước hết là sự sáng suốt và nhanh nhẹn của một học sinh lớp ba tiểu học, nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác trong nhiều giờ đồng hồ. Ngài biết tất cả mọi người, như một cha xứ trong làng quen đối xử cùng cách với một phụ nữ đầu tắt mặt tối suốt ngày để làm việc nuôi gia đình, hay với một tay buôn ‘paco’ muốn móc túi những đứa trẻ hàng xóm.

 

Ngài trả lời. Ngài phản ánh. Hỏi. Đề nghị. Nói đùa. Và cười rất nhiều. Ngài không tương đối hóa, nhưng đưa ra tầm quan trọng đúng đắn cho các câu hỏi đặt ra. Mạnh mẽ với những gì là mọt gỗ. Ngoài các câu hỏi báo chí, ngài “có lòng thương xót” khi ai đó mở lòng, ngài ân cần an ủi những ai bị tổn thương. Ngài chia động từ hành động. Nhưng ngài cũng chia động từ chiêm nghiệm. Lắng nghe. Đón nhận. Và trên tất cả là chào mừng. Ngay từ giây phút đầu. Làm người trước mặt cảm thấy họ không phải là người xa lạ, người xa cách hay người bị phán xét. Đó là cảm nhận của nhóm ‘Vida Nueva’ khi bước qua rào cản tất nhiên, biết mình được người kế nhiệm Thánh Phêrô tiếp. Ngài có trách nhiệm xóa mờ khoảng cách để biến nó thành cây cầu.

Nhân kỷ niệm 65 năm thành lập tạp chí, Đức Phanxicô chia sẻ với những người, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, làm các ấn bản in và ấn bản kỹ thuật số của dự án truyền thông bắt đầu khi có một cơn gió nhẹ thổi dự đoán một cơn gió lớn, hòa giải và bây giờ như được đổi mới bằng một luồng gió mới tiếp tục hướng về Chúa Giêsu thành Nazareth và Tin Mừng. Không quy tắc, cũng không hạn chế, một đối thoại bắt đầu diễn ra trong một số cuộc họp, trong đó có cái nhìn về quá khứ, phân tích hiện tại và ước mơ về tương lai đan xen vào nhau.

Cũng một cách tương tự, đây là quan tâm của những người lên tiếng, không phải chỉ trong tư cách là biên tập viên, nhưng còn trong tư cách là tín hữu kitô bình thường. Hoặc như một người không tin. “Chúng tôi là những kẻ lông bông”, một người viết trong thư giới thiệu ở Nhà Thánh Marta. Vì họ là những người làm đủ thứ việc: trả lời điện thoại cho người mua báo, hoặc hét lên để các nhà quảng cáo tin ở họ. Từng người một, tất cả đều có mặt. Có người nói, kể từ sau làn khói trắng ngày 13 tháng 3 năm 2013, họ tin một điều gì khác ở Chúa Thánh Thần. Người được hỏi nhặt chiếc găng lên, như thử họ biện minh cho sự hiện diện của họ trong phòng.

Đức Phanxicô: Tôi sẽ nói với các bạn vài chuyện. Tôi là nạn nhân của Chúa Thánh Thần… Tôi nghĩ tôi sẽ về nhà sau mật nghị. Tôi đã chuẩn bị sẵn bài giảng cho chúa nhật Lễ Lá và ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở Buenos Aires. Trong mật nghị có một số dấu hiệu cho thấy, nhưng tôi thực sự không thấy bất cứ điều gì lúc đó. Sau một thời gian tôi mới nhận ra. Tôi còn không thấy lo khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra và một số phiếu có tên tôi.

Đêm đó, tôi lên tầng năm của Nhà Thánh Marta để đưa cho hồng y Jaime Ortega của Havana các ghi chú mà ngài xin tôi khi tôi nói trong các cuộc họp chung, khi tôi nói về niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, về sự nguy hiểm của một Giáo hội tự quy chiếu và tinh thần thế tục, cũng như nhu cầu đi ra các vùng ngoại vi. Khi đưa cho ngài tờ giấy, ngài nói với tôi: “Ôi, dễ thương làm sao! Tôi mang theo mình một kỷ niệm của giáo hoàng”. Tôi còn không nhận ra lời bình luận này lúc đó. Khi tôi đi thang máy để xuống tầng hai của tôi, hồng y Errázuriz đi lên tầng bốn và nói với tôi: “Anh đã chuẩn bị bài phát biểu chưa?” “Ai?” “Anh là người sẽ nói ở ban công.” Tôi cũng mặc kệ, xem như không có chuyện gì.

Cũng vậy, có một cái gì đó đã xảy ra trong bữa ăn sáng hôm sau ở phòng ăn. Một hồng y khác bắt đầu nói chuyện với tôi và xin tôi đến nói chuyện với một nhóm hồng y cử tri Âu châu: “Thưa cha, xin cha cho chúng tôi biết thêm về Châu Mỹ Latinh.” Tôi không nhận ra họ đang kiểm tra tôi. Cao điểm là sau đó, một hồng y bạn của tôi đến gặp tôi để hỏi thăm sức khỏe của tôi. Tôi phủ nhận một vài tin đồn về tôi, không xem trọng nó. Tôi chẳng để ý, tôi đi ngủ trưa, một giấc ngủ yên lành. Sau đó, tôi đi bỏ phiếu thêm một lần nữa. Trước khi đến Nhà nguyện Sixtine, tôi gặp hồng y Ravasi và chúng tôi đã nói chuyện khi đi dạo quanh đó. Tôi thú nhận với ngài, tôi đã dùng một số sách của ngài để học và từ đó, chúng tôi bắt đầu nói đủ thứ chuyện, cho đến khi chúng tôi nghe một giọng nói từ xa: “Anh có vào hay không? Vì tôi đóng cửa…”. Chúng tôi xém hụt…

Tôi nói điều này, vì trong sâu thẳm, tôi cảm thấy tôi là nạn nhân của Đấng quan phòng, của Chúa Thánh Thần. Đó là tâm trạng của tôi khi tôi bước vào mật nghị và đó cũng là tâm trạng khi tôi rời phòng. Trong lần bỏ phiếu đầu tiên của buổi chiều, khi mọi thứ gần như rõ ràng, hồng y Hummes, người đứng sau tôi, đến gần tôi và nói với tôi: “Đừng lo, đó là cách Chúa Thánh Thần hoạt động”. Và, khi tôi được bầu trong lần bỏ phiếu cuối cùng, đó là lúc ngài nói với tôi nhiều lần: “Đừng quên người nghèo”. Kết luận: Tôi chia sẻ điều này để các bạn thấy, Chúa Thánh Thần hiện hữu và tôi được Ngài ban ơn.

Các hồng y tiếp tục giới thiệu ai đang ở trong phòng, một cách hành động của Hồng y đoàn. Bây giờ không còn bầu khí của các hồng y, nhưng là bầu khí các tiếng nói khác nhau. Vì cuộc họp của tạp chí Vida Nueva với Đức Phanxicô là cuộc họp của những người ủng hộ Vatican ở Ý. Ngoài ra còn có những người báo cáo thời sự nước Mỹ của các phái đoàn đặt tại Mexico, Colombia và Argentina. Một số trực tiếp đến đây. Một số từ màn hình với chênh lệch múi giờ, họ xin rượu tequila, cà phê và trà maté. Những người đến trực tiếp với giáo hoàng, họ tặng ngài món quà cá nhân: một câu chuyện, một cây thánh giá, một ấn bản cũ của quyển sách “Noi gương Chúa Kitô” của Thomas of Kempis… Và một vài quyển sách.

Đức Phanxicô: Thượng hội đồng là giấc mơ của Đức Phaolô VI. Khi Công đồng Vatican II kết thúc, ngài nhận ra, Giáo hội ở phương Tây đã đánh mất chiều kích đồng nghị. Đó là lý do vì sao ngài thành lập Ban Thư ký cho Thượng Hội đồng Giám mục, để bắt đầu làm việc này. Vào cuối những năm 50, tài liệu có chữ ký của tôi được xuất bản, tôi chuẩn bị cùng một nhóm các nhà thần học, trong đó học thuyết đồng nghị rõ ràng và được củng cố.

Gần đây tôi có gọi đến một tu viện để nói chuyện với một nữ tu. Câu chuyện diễn ra tốt đẹp cho đến khi nữ tu nói với tôi: “Nhưng với thượng hội đồng này, học thuyết của chúng ta sẽ không thay đổi chúng ta sao?” Và tôi đã trả lời: “Xin sơ cho tôi biết, ai đã đặt điều đó vào đầu sơ?” Đó là tiến về phía trước để phục hồi chiều kích đồng nghị mà Giáo hội Đông phương có và chúng ta đã đánh mất.

Tôi nhớ trong thượng hội đồng giám mục năm 2001 (với chủ đề, Giám mục: người phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới), tôi phải làm thư ký. Buổi chiều, họ mang tài liệu của các nhóm đến cho tôi và tôi ở lại chuẩn bị phiếu. Sau đó, hồng y phụ trách điều phối đến, xem xét các giấy tờ và ngài nói: “Điều này không được bỏ phiếu… Điều này cũng không.” Tôi trả lời: “Nhưng thưa cha, điều này từ các nhóm đề nghị…”. Nhưng mọi thứ đã được ‘thanh lọc’. Còn bây giờ chúng ta đã tiến, mọi thứ đều được bỏ phiếu và được lắng nghe.

Một ví dụ ở Thượng hội đồng Amazon (năm 2019). Mọi người nói về việc phong chức linh mục cho các ông đã lập gia đình, viri probati và khi vào bên trong, chúng tôi đã thấy tác động của Chúa Thánh Thần đã dần theo dõi như thế nào. Họ nói về ‘viri probati’, đúng, nhưng cũng nói về những điểm quan trọng khác, như công việc của các giáo lý viên, phó tế vĩnh viễn, các chủng viện khu vực hoặc sự tham gia của các linh mục trong các vùng lãnh thổ. Đó là những tiến bộ đến từ bên trong và cuối cùng, vấn đề ‘viri probati’ vẫn còn đó.

Có một điều tôi không ngừng nhắc lại: trong Thượng hội đồng, nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Ai không tin vào Ngài và không cầu nguyện trong Thượng hội đồng, thì không thể đi đến đâu cả. Sẽ không thoát ra. Một ý thức hệ, một lập trường chính trị sẽ xuất hiện, và sẽ không có gì đúng nếu không có bầu khí cầu nguyện. Đó là lý do vì sao tôi nhấn mạnh, trong phương pháp làm việc, trong tất cả các phiên họp đại hội, cứ sau ba lần can thiệp, phải có một phút cầu nguyện và thinh lặng để suy niệm. Trong Thượng hội đồng, nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Và, nếu chúng ta trung thành, Chúa Thánh Thần sẽ đưa chúng ta đến nơi mà thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng được.

Chúng ta cũng đã có một ví dụ ở Thượng Hội đồng về Gia đình. Nhìn từ bên ngoài, việc rước lễ cho những người ly dị được áp đặt lên chúng ta như một chủ đề lớn. Trong trường hợp này, có tâm lý của làn sóng đang tìm cách mở rộng. Nhưng, may mắn thay, kết quả

Thượng hội đồng về tính đồng nghị này dường như bao gồm tất cả mọi thứ: từ những đề xuất canh tân phụng vụ đến nhu cầu có nhiều cộng đồng truyền giáo hơn, thông qua một lựa chọn ưu tiên người nghèo, một cam kết thực sự về mặt sinh thái học toàn diện, tiếp nhận các nhóm LGTBI… Có bao giờ thái độ này được xem như một hình thức của Công đồng Vatican III không?

Đức Phanxicô. Mọi việc chưa chín muồi cho một Công đồng Vatican III. Và cũng không cần thiết vào lúc này, vì Vatican II vẫn chưa được làm xong. Sẽ rất rủi ro và chúng ta phải đưa vào hành động. Nhưng luôn có nỗi sợ ngấm ngầm lan sang tất cả chúng ta từ những người ‘công giáo xưa cổ’, những người còn ở Vatican I, tự cho mình là ‘kho tàng của đức tin chân chính’. Tất cả những đề xuất ‘không tốt’ phải được hạ xuống với những lập luận rõ ràng. Quan trọng là phải thoát ra khỏi những ngụy biện.

Các linh mục trẻ…

Đức Phanxicô không phải không biết các phản đối cải cách của ngài. Nó làm cho ngài lo lắng, nhưng ngài không bị đè nặng. Khi đề cập đến vấn đề này, ngài có được thanh thản của một người biết những gì mình đang đề xuất không phải là một ngẫu nhiên, mà là một ‘đổ bộ’  công đồng, không tìm thấy dấu chỉ nào trong các giáo xứ, giáo phận và các tòa giám mục.

Một linh mục sống ở Nhà Thánh Marta và tham dự vào nhóm Vida Nueva phát biểu. Những điều của Quan phòng. Linh mục có một chân trong Giáo triều và chân kia trong giáo phận của mình, lặp lại lời của giáo hoàng về sự chống đối mà ngài cảm thấy ở Rôma… và ở xa Rôma: “Tôi lo ngại về sự cứng nhắc của các linh mục trẻ…”. 

Đức Phanxicô. Sự cứng nhắc đó là của những người tốt muốn phục vụ Chúa. Họ phản ứng như vậy bởi vì họ sợ giai đoạn bất an mà chúng ta đang trải qua, và nỗi sợ đó đã làm cho họ không bước đi được. Chúng ta phải loại bỏ nỗi sợ này và giúp đỡ họ. Mặt khác, lớp vỏ đó che giấu nhiều chuyện thối rữa khác. Tôi đã phải can thiệp vào một số giáo phận ở nhiều quốc gia khác nhau với các chuyện tương tự. Đằng sau chủ nghĩa truyền thống này, chúng ta đã phát hiện ra những tệ nạn và những vấn đề đạo đức nghiêm trọng, cuộc sống hai mặt. Tất cả chúng ta đều biết các giám mục, vì cần linh mục, đã nhờ đến những người mà họ đã trục xuất khỏi các chủng viện vì tội vô đạo đức.

Tôi không thích sự cứng nhắc vì đó là triệu chứng xấu của đời sống nội tâm. Mục tử không thể cứng nhắc. Mục tử phải giúp tất cả những ai đến với họ.

Gần đây có người nói với tôi, sự cứng nhắc của các linh mục trẻ là vì họ mệt mỏi với chủ nghĩa tương đối hiện tại, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tôi xin các giám mục hãy cẩn thận với sự lệch lạc này và hiểu rõ, không chỉ các ‘chân phước đơn sơ thánh thiện’ mới là những linh mục tốt nhất. Nếu ai đó làm vẻ mặt ‘thánh thiện’ và quay mặt đi, chúng ta phải dè chừng. Chúng ta cần những chủng sinh bình thường, với những vấn đề của họ, những người chơi bóng đá, những người không đi đến các khu phố để giáo điều hóa… Tôi xin thông tin từ các phụ nữ ở giáo xứ, ở các cha phó, ở các anh em nơi các chủng sinh đến…

Một khi những linh mục bị cho là “cứng nhắc” được thụ phong, làm thế nào để họ được tháp tùng để hiểu Công đồng Vatican II? Vì trong sâu thẳm, họ đau khổ vì không thể đón nhận những gì sắp đến…

Cần có những mục tử đã ngoài năm mươi. Họ có đủ kinh nghiệm và kiên nhẫn để đồng hành với các linh mục cứng nhắc. Từ từ, họ sẽ “làm mềm”. Khi họ thấy việc đón nhận Công đồng Vatican II không phải là mối đe dọa với huấn quyền, thì họ “mềm lòng”. Nhưng điều này không dễ dàng, vì chủ nghĩa giáo quyền luôn tồn tại.

Có những người sống bị mắc kẹt trong trong cẩm nang thần học, họ không thể đối phó với những rắc rối và làm cho thần học tiến lên. Thần học trì trệ nhắc nhắc tôi nhớ, nước tù đọng là thứ đầu tiên bị hư hỏng, và thần học trì trệ tạo sự hư hỏng. Cả hai phong trào tả và hữu nếu bị mắc kẹt sẽ làm thoái hóa.

Tôi nhớ khi cha Pedro Arrupe (Bề trên tổng quyền Dòng Tên từ năm 1965 đến năm 1983) nói giáo hoàng phải can thiệp vào phân tích thực tại của chủ nghĩa mác-xít trong Thần học Giải phóng, họ đã chống lại một thần học đang trì trệ và tước đi sự phong phú của Thần học giải phóng nghiêm túc nhất, được linh mục Gustavo Gutiérrez thực hiện. Một ngày nọ, tôi đã thấy bức ảnh của linh mục khi linh mục đã 95 tuổi và cách hồng y Pedro Barreto đã trao cho linh mục thánh giá của ngài….

Cha có đọc bản báo cáo mà cha yêu cầu về các chủng viện ở Tây Ban Nha?

Điều đầu tiên tôi cần nói là hai giám mục người Uruguay đã đến Tây Ban Nha – Arturo Fajardo và Milton Tróccoli – họ đã làm một công việc xuất sắc; đó là điều tốt nhất chúng ta có. Với ý tưởng này trước mắt, và bây giờ tôi đang nói một cách tổng quát, kể cả ở ngoài Tây Ban Nha, rõ ràng khi một chủng viện chỉ có hai, ba hoặc năm chủng sinh là điều không thể được. Các chủng viện lớn phải thành lập các cộng đoàn nhỏ, và những chủng viện ít chủng sinh phải nhóm lại với nhau. Chúng ta phải thay đổi chiều kích và phải tạo một cộng đồng năng động hợp lý. Con số là chìa khóa.

Mặt khác, chúng ta phải nhấn mạnh về mặt đào tạo nhân văn. Chúng ta mở ra với một chân trời văn hóa phổ quát, nhân bản hóa con người. Các chủng viện không thể là căn bếp tư tưởng. Các chủng viện là để đào tạo các mục tử, không phải các nhà tư tưởng. Vấn đề của các chủng viện là nghiêm trọng.

Chúng tôi xin thú nhận với cha, đã có một số chủng viện rút khỏi tạp chí Vida Nueva vì họ cho rằng “nội dung của tạp chí không phù hợp cho một ngôi nhà đào tạo linh mục”. Ngay sau đó có một lời thú nhận khác nảy sinh từ phản hồi đã làm rụng rời: “Nếu giáo hoàng đọc Đời sống mới, thì ngài sẽ nghĩ như thế nào…”. Tuy nhiên có nhiều người hoàn toàn tin tưởng tạp chí này. Cha thấy các giám mục Tây Ban Nha như thế nào?

Họ là những mục tử tốt lành. Như các bạn đã thấy trong các bổ nhiệm tân giám mục, không chỉ ở Tây Ban Nha mà trên toàn thế giới, tôi áp dụng một tiêu chuẩn chung: một khi một giám mục thường trú được bổ nhiệm, thì ngài ‘kết hôn’ với giáo phận đó. Nếu giám mục đó nhìn nơi khác, thì đó là ‘giám mục ngoại tình’. Bất cứ ai tìm kiếm sự thăng tiến đều phạm tội ‘ngoại tình giám mục’. Vì lý do này, tôi xin tìm các linh mục hoặc giám mục phụ tá. Một giám mục phụ tá là một góa phụ đã rời giáo xứ của mình, nhưng hiện đang ở xứ người, đi cùng với giáo dân. 

Vì sao cha không đến Tây Ban Nha?

Tôi sẽ không đi đến bất kỳ quốc gia lớn nào ở Âu châu khi tôi chưa đi xong các quốc gia nhỏ. Tôi bắt đầu với Albania và mặc dù tôi đến Strasbourg, nhưng không có nghĩa là tôi đi Pháp. Cũng như tôi sẽ đi  Marseille, nhưng không có nghĩa là tôi đi Pháp.

Cha có kế hoạch chuyến tông du nào ngoài những chuyến đi đã được thông báo chính thức không?

Chúng tôi đang làm việc với Kosovo, nhưng chưa được xác định. 

Còn Argentina, cha có đi?

Tôi xác nhận chuyến đi này có trong chương trình. Chúng tôi sẽ xem liệu có đi được hay không sau khi năm bầu cử kết thúc. Khi cuộc bầu cử kết thúc, tôi có thể đi. Lúc này tôi nghĩ đến Argentina… và có thể là Uruguay. Trước đây đã có một số nỗ lực, nhưng không thực hiện được vì có các cuộc bầu cử.

Các cuộc thương thuyết đã như thế nào với chiến tranh ở Ukraine?

Hồng Y Matteo Zuppi, tổng giám mục giáo phận Bologna, đang làm việc tích cực trong tư cách là người phụ trách các cuộc đối thoại. Ngài đã đến Kyiv, nơi duy trì một ý tưởng chiến thắng mà không chọn hòa giải. Ngài cũng đã đến Matxcova, nơi ngài thấy có một thái độ mà chúng ta có thể nói là ngoại giao của nước Nga. Bước tiến đáng kể nhất có được liên quan đến việc đưa trẻ em Ukraine về quê hương. Chúng tôi đang làm mọi thứ trong khả năng để các em có thể về lại gia đình.

Vì thế, tôi đang nghĩ đến việc bổ nhiệm một đại diện thường trực để làm cầu nối giữa chính quyền Nga và Ukraine. Với tôi, giữa nỗi đau chiến tranh, đó là một bước tiến lớn. Sau chuyến đi Washington của hồng y Zuppi, theo lịch trình, chuyến đi tiếp theo là Bắc Kinh, vì cả hai đều nắm giữ chìa khóa để làm hạ căng thẳng cuộc xung đột. Tất cả những sáng kiến này là những gì tôi gọi là “một tấn công cho hòa bình”. Ngoài ra, vào tháng 11, trước khi Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Dubai, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ hòa bình với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Abu Dhabi. Hồng y Pietro Parolin đang điều phối sáng kiến này, một sáng kiến tìm cách diễn ra ngoài Vatican, ở một lãnh thổ trung lập để mời gọi mọi người gặp gỡ. 

Còn ở Nicaragua? Chúng ta có thể làm gì hơn cho người dân và cho giám mục Rolando Álvarez đang bị ở tù?

Chúng tôi tiếp tục, chúng tôi đang cố thương lượng.

Trong cuộc gặp gần đây với tổng thống Brazil Lula da Silva ở Vatican, cha có nhờ ông can thiệp với tổng thống Nicaragua Daniel Ortega để trả tự do cho giám mục Álvarez không?

Có. Tôi có nhờ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch