Đức Phanxicô: “Chúng ta chỉ có thể chiến đấu chống lại hận thù khi can đảm chọn yêu thương”

54

Đức Phanxicô: “Chúng ta chỉ có thể chiến đấu chống lại hận thù khi can đảm chọn yêu thương

Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn nhật báo al-Ittihad của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng viết cho một tờ báo tiếng Ả Rập. Đối thoại và khoan dung là các chủ đề được bàn thảo.

Trang báo al Ittihad có bài phỏng vấn Đức Phanxicô  | al Ittihad

acistampa.com, Andrea Gagliarducci, 2023-07-03

Lần đầu tiên một giáo hoàng đồng ý trả lời trên một tờ báo tiếng Ả Rập. Đức Phanxicô trả lời các câu hỏi của giám đốc báo al-Ittihad, tờ báo xuất bản tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có lịch sử 53 năm và có lượng phát hành cao, nhưng không phải là ngoại lệ (khoảng 100.000 bản) ở vùng Vịnh. Một phần lớn cuộc phỏng vấn được dành cho Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, đã được Đức Phanxicô và Đại giáo sĩ Ahmed El-Talyeb ký tại Viện al-Azhar, Abu Dhabi năm 2019.

Kể từ đó, tài liệu đã trở thành công cụ ngoại giao của Đức Phanxicô, ngài thường tặng tài liệu này cho các nguyên thủ quốc gia đến thăm ngài. Và nó cũng đã thành công cụ đối thoại, đến mức ngài đã vạch ra các nguyên tắc tương tự trong cuộc gặp Đại giáo sĩ Ayatollah al-Sistani ở Iraq năm 2021, và sau đó cũng đã được đưa vào chuyến đi Bahrain năm 2022.

Đức Phanxicô nhấn mạnh ngài đánh giá cao sự cam kết của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trong việc “xây dựng tương lai và hình thành một bản sắc cởi mở, một bản sắc có khả năng vượt lên cám dỗ cô lập và cực đoan hóa”.

Trong cuộc phỏng vấn, ngài đề cập đến vấn đề giới trẻ và ảnh hưởng của tin giả và các thông điệp cực đoan có thể tạo ra: “Theo tôi, cách duy nhất để bảo vệ những người trẻ khỏi vướng vào những chuyện tiêu cực, những tin tức sai trái và bịa đặt cũng như những cám dỗ vật chất, hận thù và định kiến không phải là để các người trẻ một mình trong trận chiến này, nhưng cung cấp cho các bạn trẻ những công cụ cần thiết như tự do, sáng suốt và trách nhiệm”.

Ngài nhấn mạnh, “tự do là điều phân biệt con người. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, cho chúng ta tự do dù chúng ta có thể phủ nhận Ngài. Ngày nay chúng ta không còn có thể buộc người trẻ không suy nghĩ, không đặt câu hỏi, không hoài nghi, dù đặt câu hỏi là con đường dẫn đến sự thật. Vì tự do lương tâm, tự do tín ngưỡng, tự do suy nghĩ và tự do ngôn luận là điều cần thiết để giúp các bạn trẻ trưởng thành và học hỏi. Chúng ta không còn có thể buộc giới trẻ ngày nay, những người cầm điện thoại truy cập bất kỳ thông tin nào, trong bóng tối, trong thiếu hiểu biết, hận thù và cô lập”.

Theo Đức Phanxicô, chìa khóa cho các bạn trẻ là dạy các em “phân định”, phân định là “một nghệ thuật”, nhưng cũng là “ơn Chúa”, giúp “phân định giữa giả và thật”. Và sau đó là trao trách nhiệm, vì chúng ta không bao giờ được rơi vào cám dỗ, đối xử với người trẻ như những đứa trẻ không có khả năng lựa chọn và đưa ra quyết định. Đầu tư vào người trẻ có nghĩa là đảm bảo tính liên tục”.

Nói về Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, Đức Phanxicô cho biết ngài đã tặng cho tất cả các phái đoàn đến gặp ngài vì “tôi nghĩ, đây là văn bản quan trọng không chỉ cho đối thoại giữa các tôn giáo mà còn cho sự chung sống hòa bình của tất cả nhân loại”. Ngài mô tả tài liệu này là “lộ trình cho bất kỳ ai có can đảm quyết định là người kiến tạo hòa bình trong một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh, bạo lực, hận thù và khủng bố”. Cuối cùng, “tình huynh đệ giữa con người là liều thuốc giải độc mà thế giới cần để chữa lành cho chất độc của những vết thương này”.

Đối thoại liên tôn cũng là một chủ đề quan trọng của tài liệu. Ngài nhấn mạnh đến sự hợp tác liên tôn “dựa trên nguyên tắc có đi có lại, tôn trọng người khác và sự thật, vì thông điệp của mọi tôn giáo không chỉ là lời kêu gọi vạch mặt cái ác; nhưng còn kêu gọi thúc đẩy hòa bình và vì thế nhiệm vụ của chúng ta là biến ý nghĩa tôn giáo thành sự hợp tác, tình huynh đệ, những hành động tốt đẹp cụ thể”.

Đức Phanxicô khẳng định: “Ngày nay chúng ta cần nghệ nhân hòa bình, chứ không cần người sản xuất vũ khí; chúng ta cần người xây dựng hòa bình, chứ không cần kẻ xúi giục xung đột; chúng ta cần nhân viên cứu hỏa, chứ không cần kẻ đốt phá; chúng ta cần người ủng hộ hòa giải, chứ không cần người đe dọa hủy diệt.”

Sau đó ngài  đi vào chi tiết của tài liệu, nhấn mạnh đến việc công nhận tất cả chúng ta đều là anh chị em của nhau, và chấp nhận con người thật của mình, không phải “bằng lời nói mà bằng hành động và công việc bác ái, đặc biệt là với anh chị em nghèo khổ và thiếu thốn của chúng ta, vì điều tốt phải được gửi đến tất cả mọi người, không phân biệt”. Ngài nhấn mạnh, sẽ trở thành hiện thực khi chúng ta học cách tôn trọng sự khác biệt và xem khác biệt là một lợi thế hơn là một đe dọa.

Ngài xin phải xem “tôn giáo là nhân tố của hòa bình, chung sống và tình huynh đệ, chứ không phải là nhân tố của xung đột, hận thù và bạo lực”.

Ở Abu Dhabi có Ngôi nhà Gia đình Áp-ra-ham, một trong những thành quả của Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại, ở đó có một nhà thờ công giáo, một nhà thờ hồi giáo và một giáo đường do thái được xây dựng ở cùng một nơi. Ngài xem dự án này là “nơi tôn trọng sự đa dạng, điều mà Thiên Chúa muốn chứ không phải biến khác biệt thành khinh chê hoặc tạo xung đột. Đó là nơi của chung sống, của bao dung và của đức tin. Mỗi người chúng ta có thể sống đức tin của mình trong sự tôn trọng đức tin của người khác và tôn trọng tự do của con người. Chỉ những người không tin vào đức tin của mình mới sống trong sợ hãi khi gặp người khác và đối đầu nhau. Một tín hữu thực sự sống đức tin của mình không cảm thấy mình bị người khác đe dọa, và cũng không cần phải đi đe dọa người khác”, ngài nhắc lại tính cấp bách của việc đối diện với khủng hoảng môi trường, và nhấn mạnh “cách duy nhất có hiệu quả để đối diện với vấn đề này là tìm ra giải pháp thực sự cho vấn đề thực sự. Chúng ta cần biến những tuyên bố thành hành động trước khi quá muộn.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch