Hồng y Marengo trẻ nhất Giáo hội hy vọng ở chuyến tông du của Đức Phanxicô đến Mông Cổ
Phỏng vấn hồng y Giorgio Marengo
Hồng y Giorgio Marengo (Ảnh của hồng y Giorgio Marengo)
ncregister.com, Victor Gaetan, 2023-05-02
Tháng 2 năm 2023, khi từ Nam Sudan về Rôma, Đức Phanxicô cho biết ngài sẽ đi Mông Cổ vào tháng 9 này, đây sẽ là chuyến hành hương đầu tiên của giáo hoàng đến đất nước Mông Cổ. Nhà báo Victor Gaetan của hãng tin NCR đã liên lạc với hồng y Giorgio Marengo, giám quản Tông tòa ở Oulan-Bator, Mông Cổ, để tìm hiểu thêm. Cuộc phỏng vấn được thực hiện ở Bangkok, Thái Lan, tháng 10 năm ngoái khi hồng y Marengo gặp nhà báo ở cuộc họp Liên Hội đồng Giám mục châu Á kéo dài một tháng.
Đôi khi Giáo hội Mông Cổ được được gọi là Giáo hội mới nhất thế giới vì các nhà truyền giáo bắt đầu từ con số không năm 1992, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Toàn bộ đất nước là lãnh vực truyền giáo, với chín giáo xứ phục vụ 1.450 giáo dân. Hồng y Marengo, 49 tuổi được phong làm thừa sai cho Hội Truyền giáo Consolata năm 2001. Năm 2003, ngài đến Mông Cổ lần đầu tiên. Mông Cổ là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, với dân số chỉ có 3,3 triệu người. Theo thống kê dân số năm 2020, 52% người dân theo đạo phật, 41% tự cho mình ‘không có tôn giáo’, 3,2% theo đạo hồi và chỉ có 1,3% theo kitô giáo.
Thưa hồng y, không có tin tức nào về chuyến tông du của giáo hoàng trên trang web công giáo Mông Cổ, dù Đức Phanxicô đã tuyên bố rõ, ngài hy vọng sẽ đi. Cha đã sẵn sàng đón tiếp ngài chưa?
Hồng y Giorgio Marengo. Về mặt kỹ thuật thì chưa, vì chúng tôi chờ nhận chỉ thị từ Rôma, nhưng, tất nhiên, vì ngài đã đề cập trên chuyến bay từ Nam Sudan về Rôma, và vài ngày sau đó ngài đề cập thêm một lần nữa trong buổi tiếp kiến chung, nên chúng tôi đang ở trong tinh thần “sẵn sàng” chứ chưa bắt đầu chuẩn bị về mặt kỹ thuật.
Xin cha cho biết chuyến đi này sẽ quan trọng như thế nào với Mông Cổ?
Đây sẽ là chuyến đi lịch sử, có tác động lớn đến quan hệ giữa Tòa Thánh và Mông Cổ, và là một niềm vui lớn cho cộng đồng công giáo nhỏ bé ở Mông Cổ.
Nghi thức đòi hỏi phải có lời mời của tổng thống và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Những việc này đã thực hiện chưa?
Ồ, vâng! Lời mời của tổng thống là yêu cầu cơ bản cho chuyến đi của giáo hoàng đến bất kỳ quốc gia nào. Ngày 24 tháng 8 năm ngoái, vài ngày trước công nghị, một phái đoàn chính phủ Mông Cổ, trong đó có một cựu tổng thống đã đến Rôma và gởi lời mời chính thức của tổng thống đương nhiệm đến Đức Phanxicô.
Liên lạc giữa cộng đồng công giáo và phật giáo, nhóm tôn giáo ưu thế ở Mông Cổ như thế nào?
Trong những năm qua, một mối quan hệ rất tốt đã được phát triển. Ngay từ đầu, đối thoại với những người đại diện cho đa số người dân ở đây đã là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tôn giáo chiếm đa số ở Mông Cổ là phật giáo. Phật giáo đến Mông Cổ vào những thời điểm khác nhau trong lịch sử, chủ yếu là từ Tây Tạng. Vì vậy, nguồn gốc của phật giáo Mông Cổ là ở Tây Tạng, nhưng trong những năm gần đây, người dân bắt đầu nói đến một “phật giáo Mông Cổ” vì thế nó đã trở thành một hình thức phật giáo đặc biệt. Đó là lý do vì sao ngày 28 tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã được giáo hoàng tiếp kiến.
Tôi nhớ tôi đã đọc về cuộc họp đó… và cha cũng có mặt ở đó. Thật tuyệt vời!
Đúng. Trước đây đã có một số cuộc tiếp xúc giữa các nhà sư phật giáo và Đức Phanxicô, nhưng đây là lần đầu tiên ngài tiếp một phái đoàn các nhà sư phật giáo Mông Cổ.
Và ngày hôm sau, ngày 29 tháng 5, ngài công bố phong 21 tân hồng y, cha là một trong số các tân hồng y. Dường như đây là một cấp độ ngoại giao rất cao: cha đã đến thăm giáo hoàng với phái đoàn các tu sĩ Mông Cổ; sau đó ngay lập tức, cha được phong hồng y. Cha xem sự việc này như thế nào?
Dĩ nhiên đó là một bất ngờ lớn với tôi. Tôi không biết liệu sự việc này có được lên kế hoạch như đã xảy ra hay không, nhưng chúng tôi biết Đức Phanxicô rất xem trọng đối thoại liên tôn.
Cha có ăn mừng?
Hôm đó là ngày chúa nhật, tôi dự thánh lễ chúa nhật với hai linh mục công giáo Mông Cổ cùng đi với tôi, cùng với một tu sĩ phật giáo. Chúng tôi đến thăm cộng đoàn các nữ tu Hội Truyền giáo Consolata ở bên ngoài Rôma. Chúng tôi có một cuộc họp vui vẻ, khi đó tin tức bổ nhiệm các tân hồng y được loan báo trong giờ Kinh Truyền Tin. Chỉ sau đó chúng tôi mới nhận được tin và nhà sư phật giáo là người đầu tiên chúc mừng tôi được bổ nhiệm!
Việc cha được phong hồng y có làm tăng thêm khả năng để cha đại diện Giáo hội công giáo ở châu Á và Mông Cổ không?
Tôi rất biết ơn Đức Phanxicô vì ngài đã nghĩ Mông Cổ cần có một hồng y, qua đó quảng bá hình ảnh Giáo hội nhỏ bé của ngài. Chúng tôi tin tưởng quyết định này có thể góp phần tăng cường quan hệ chính thức ở cấp độ cao hơn. Mặt khác, vì truyền thống công giáo vẫn còn ít được biết đến ở Mông Cổ, nên vẫn cần nỗ lực đưa Giáo hội vào cơ cấu xã hội.
Mông Cổ được xem là lãnh thổ truyền giáo, được phủ doãn tông tòa quản lý, gồm 9 giáo xứ, 28 linh mục phục vụ, trong đó có 2 linh mục địa phương người Mông Cổ.
Hồng y Marengo và tổng giám mục người Malta, Alfred Xuereb, sứ thần Tòa Thánh tại Mông Cổ có trụ sở ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh của hồng y Giorgio Marengo)
Có hạn chế nào trong việc truyền giáo hay trở lại ở Mông Cổ không?
Hiến pháp Mông Cổ thỏa thuận một quyền cơ bản để giữ đạo hay không giữ đạo, vì vậy tự do tôn giáo có trong các quyền cơ bản mà Mông Cổ công nhận cho công dân của mình. Quyền cơ bản này được bảo vệ nên pháp luật cho phép giữ các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Giáo hội công giáo có được hiến pháp của đất nước công nhận không?
Mông Cổ chào đón tất cả các nhóm tôn giáo, nhưng tất nhiên, để thực hiện quyền cơ bản này, chính phủ có một bộ quy tắc và quy định theo đó các nhóm tôn giáo khác nhau phải đăng ký và được chính thức thừa nhận. Các quy tắc ở đó, và chúng tôi phải tuân theo các thủ tục. Trên cơ sở đó, quyền tự do tôn giáo được đảm bảo.
Nếu Đức Phanxicô đến Mông Cổ, các nhà lãnh đạo phật giáo khác từ châu Á sẽ đến đây trong dịp này không?
Tôi thực sự không biết việc này. Nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi không biết giới phật giáo sẽ phản ứng thế nào về chuyến đi này, nhưng chắc chắn sẽ có cuộc gặp của ngài với các truyền thống tôn giáo khác, không chỉ phật giáo. Tại Mông Cổ, chúng tôi có quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo của tất cả các tôn giáo: Có những cộng đồng năng động của tín hữu hồi giáo, tín hữu đạo shaman, đạo hinđu, đạo baha’i và các giáo phái kitô khác.
Từ 20 năm nay, cha là nhà truyền giáo ở Mông Cổ. Công việc truyền giáo khó khăn như thế nào với cha trong thời gian đầu và trong suốt những năm qua?
Chà, tôi – và chúng tôi – vì tôi đi cùng với một nhóm trong Hội Truyền giáo Consolata của tôi gồm các linh mục và nữ tu – chúng tôi đã mất một thời gian dài để hòa nhập vào thực tế mới. Đây là điều chúng tôi ý thức được khi chúng tôi thuộc về một hội dòng truyền giáo, mang năng lượng truyền giáo đến bất cứ nơi nào có nhu cầu, đặc biệt là những nơi Giáo hội chưa được thành lập vững chắc hoặc chưa có. Tất cả chúng tôi đều biết, chúng tôi sẽ mất nhiều thời gian, và thực sự chúng tôi mất rất nhiều thời gian.
Đó là thời điểm rất tế nhị và quan trọng trong cuộc đời của bất kỳ nhà truyền giáo nào: dành thời gian, thời gian tích cực để học hỏi; đầu tiên là ngôn ngữ, sau đó là lịch sử, văn hóa, truyền thống, chính trị, kinh tế của đất nước nơi mình được gởi đến.
Vì vậy, chúng tôi đã dành ba năm đầu tiên chỉ để học ngôn ngữ ở Oulan-Bator. Vào năm thứ ba, chúng tôi bắt đầu thực hiện một số dịch vụ nhỏ cho cộng đồng địa phương ở Oulan-Bator. Và khi nói chuyện với giám quản Tông tòa đầu tiên, giám mục Wenceslao Padilla – người tiên phong đầu tiên của Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ (CICM) – khi nói chuyện với ngài, chúng tôi cho ngài biết chúng tôi sẽ làm gì để thiết lập sự hiện diện của Giáo hội tại một vùng đất mà Giáo hội chưa từng đặt chân đến.
Đó là đâu?
Chúng tôi bắt tay vào cuộc phiêu lưu kỳ thú này, chúng tôi thành lập một cộng đồng nhỏ, ở một vùng tên là Arvaikheer, cách Oulan-Bator 450 cây số về phía tây nam, chính xác ở trung tâm địa lý của đất nước, nơi thành lập thủ đô ban đầu của đế chế Mông Cổ.
Công việc có phần mạo hiểm hơn vì không có nhà truyền giáo nào khác, ngay cả cũng không có người công giáo ở đây, vì thế chúng tôi là những người đầu tiên bước vào thực tế mới này. Đây là một ơn rất lớn cho tôi, một dịp để biết thêm về lịch sử, văn hóa và tôn giáo Mông Cổ, vì sống ở nông thôn chúng tôi thấy các khía cạnh này nhiều hơn là ở thành phố thủ đô.
Tôi ở đây 14 năm và cuối cùng một cộng đồng nhỏ đã được thành lập, với một vài người bạn quan tâm trong khu phố. Được nhà nước cho phép, chúng tôi xây được một nhà thờ nhỏ và một số dự án xã hội.
Tôi đến Mông Cổ năm 2003. Năm 2006, chúng tôi dọn về khu vực mới này, và tôi dành thời gian còn lại ở đó, cho đến hai năm trước, khi tôi được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa.
Khoảng cách quá lớn giữa cảnh nghèo đói và cô lập mà cha thấy ở Mông Cổ, so với đặc quyền và thuận tiện của nhiều người công giáo phương Tây đang sống. Cha đã học được những bài học nào về đức tin và tình yêu của Chúa Kitô ở Mông Cổ, mà có thể cha sẽ không có kinh nghiệm này khi cha ở một giáo xứ ở Ý?
Tất cả những gì chúng ta xem như đã thụ đắc, thì đó là một nguy cơ khi chúng ta sống trong những điều kiện thoải mái. Sự phong phú khi được sống 14 năm ở một vùng nông thôn Mông Cổ, tiếp xúc trực tiếp với lối sống theo mùa của tổ tiên và đời sống con người bị lâm vào cảnh cùng cực là một ơn mà tôi không muốn rời bỏ. Từ những người đơn sơ sống đức tin khi khí hậu bên ngoài 40 độ âm, bất chấp bão tuyết và những con chó đi lang thang để đến dự thánh lễ mỗi sáng vào giữa mùa đông, tôi phải tạ ơn mỗi ngày cho ơn đức tin lớn lao này. Chính những người này, được ơn Chúa tác động một cách huyền ẩn, đã khuyến khích tôi mang đến cho họ những điều tốt đẹp nhất, qua hành trình nhân bản và thiêng liêng trên tiến trình tăng tiến thường xuyên trong đức tin.
Lúc đầu, cha có bao nhiêu nhà truyền giáo Consolata ở với cha?
Chúng tôi là hai linh mục và ba nữ tu. Tôi là người Ý duy nhất trong số các linh mục. Đầu tiên, tôi ở với một linh mục người Argentina, hai nữ tu người Ý và một người Colombia; sau đó, linh mục người Argentina rời đi, và một linh mục người Ý khác đến.
Mọi người có được đón nhận không?
Nói chung, người Mông Cổ nổi tiếng là người chào đón nồng hậu. Lối sống du mục của họ làm cho họ trở thành những người rất hiếu khách. Thêm nữa, Mông Cổ đã bị cô lập trong 70 năm, là quốc gia cộng sản, không phải là thành viên của Liên Xô, nhưng lại là một trong những quốc gia đầu tiên thực sự đi theo “xã hội chủ nghĩa”. Vì thế, chúng tôi thận trọng và chú ý, nhất là khi nói về tôn giáo.
Sau đó, nhờ các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tôn trọng và hợp tác giữa con người, tôi có thể nói chúng tôi được đón nhận và được chấp nhận ở đây. Đặc biệt bây giờ, sau nhiều năm, chúng tôi có quan hệ rất tốt với các quan chức nhà nước và chúng tôi hợp tác trên nhiều mặt vì lợi ích xã hội.
Vì cha là người Âu châu, cha có thấy cảm thức siêu việt ở châu Á sâu sắc hơn ở Ý hay Tây Âu vào thời điểm này trong lịch sử không?
Đúng vậy, tôi tìm thấy điều này ở đây. Tôi đã dành một số nghiên cứu cho chủ đề này, đặc biệt là khi tôi làm luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu truyền giáo học. Kể từ thời đại Khai sáng, phương Tây đã xảy ra một rạn nứt giữa đức tin và lý trí, hoặc, chúng ta có thể nói, một rạn nứt giữa thái độ tôn giáo và khoa học. Đây không phải là trường hợp của châu Á. Ở một vài khía cạnh, việc đưa vào một ý thức phê phán lớn hơn có thể hữu ích cho châu Á, nhưng tôi nghĩ phương Tây có nhiều điều cần học hỏi từ thái độ khôn ngoan biết cách trân trọng các yếu tố cơ bản của các tôn giáo trong xã hội.
Khi cha nói chuyện với các quan chức, cha dùng ngôn ngữ nào?
Thông thường tôi nói với họ bằng tiếng Mông Cổ vì tôi biết tiếng Mông Cổ. Nhưng có những nhà sư cấp cao nói tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ không phải tiếng Mông Cổ như tiếng Nga. Nhưng tôi cảm thấy thoải mái với tiếng Mông Cổ nên tôi dùng tiếng Mông Cổ.
Tháng năm vừa qua, hồng y Giorgio Marengo đã đến Rôma cùng với hai nhà sư Mông Cổ. Họ thành lập một phái đoàn phật giáo Mông Cổ chính thức đầu tiên gặp giáo hoàng. Bên trái hồng y là nhà sư Ch. Dambajav, tiến sĩ, trụ trì Tu viện Dashchoilin; bên phải là nhà sư Altankhuu của Tu viện Dashchoilin. Các nhà sư trao cho hồng y bức tượng Phật Di Lặc, một bản sao của bức tượng mà họ đã dùng để khánh thành một tu viện Phật giáo ở Mông Cổ. Tăng cường các mối quan hệ liên tôn là ưu tiên hàng đầu của giáo hoàng, và các trao đổi giữa kitô giáo và phật giáo đã âm thầm tăng trong 10 năm qua. (Ảnh của hồng y Giorgio Marengo)
Tuyệt vời. Cha có khám phá đời sống phật giáo ở các nước láng giềng như ở Thái Lan chưa?
Ồ, tôi đã tham dự hai buổi nói chuyện phật giáo-kitô giáo, một sáng kiến của Vatican từ những năm 1990. Các cuộc họp này được chuẩn bị từ hai đến ba năm và luân phiên giữa các quốc gia châu Á khác nhau.
Đó là dịp để tôi biết thêm về thế giới phật giáo. Tôi đã dự lần họp năm 2015 ở Ấn Độ, tôi được mở mang hơn vì ở Mông Cổ, tôi chỉ biết phật giáo Mông Cổ. Sau đó, năm 2017 tôi dự ở Đài Loan, tôi đề nghị ban tổ chức mời một nhà sư phật giáo từ Mông Cổ vì họ chưa có mặt trong các cuộc họp trước đây. Nhà sư này là nhà sư nổi tiếng của một tu viện lớn ở Mông Cổ. Vì vậy, những dịp này cho tôi cơ hội để biết thêm về phật giáo nói chung, và được trải nghiệm sống trong tình huynh đệ.
Xin cha cho chúng tôi biết các tu sĩ công giáo đang phục vụ ở Mông Cổ hiện nay.
Chúng tôi có 2 linh mục địa phương người Mông Cổ và 26 linh mục truyền giáo nước ngoài, hơn 40 nữ tu, tất cả đều đến từ các quốc gia khác.
Đầu năm nay, ở Oulan-Bator, các anh chị em công giáo, các linh mục đang phục vụ tại Mông Cổ đã tổ chức Ngày Đời sống Thánh hiến. Hơn 40 nữ tu phục vụ tại Mông Cổ, cùng với 26 linh mục truyền giáo nước ngoài và hai linh mục địa phương người Mông Cổ. (Ảnh của hồng y Giorgio Marengo)
Từ những quốc gia khác?
Sự đa dạng của ơn sủng là rất lớn: họ đến từ 22 quốc gia khác nhau và thuộc về 10 hiệp hội và hội dòng. Các linh mục của chúng tôi đến từ Hàn Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Cameroon, Congo, Indonesia, Phi Luật Tân, một linh mục người Pháp, một linh mục từ Đông Timor, một người từ Cộng hòa Séc, một người từ Colombia, Kenya và Tanzania.
Nhóm lớn nhất là nhóm những người truyền giáo của dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, họ là những người tiên phong ở Mông Cổ. Giám mục Wenceslao Padilla là bề trên dòng này, là người tiền nhiệm của tôi. Hội có nguồn gốc từ Bỉ, được thành lập vào thế kỷ 19. Ngoài ra có một nhóm linh mục giáo phận đến từ Hàn Quốc, dòng Salêdiêng Don Bosco, và cộng đoàn Hội Truyền giáo Consolata của tôi.
Thánh lễ được cử hành bằng ngôn ngữ nào?
Thánh lễ hàng ngày luôn bằng tiếng Mông Cổ. Tại nhà thờ chính tòa, chúng tôi có một buổi lễ dành cho cộng đồng quốc tế, tôi cử một linh mục làm tuyên úy cho cộng đồng này, vì vậy chúng tôi cũng có thánh lễ bằng tiếng Anh.
Victor Gaetan là phóng viên của National Catholic Register về các vấn đề quốc tế. Ông cũng viết cho các báo Foreign Affairs, The American Spectator và Washington Examiner. Hiệp hội Báo chí Công giáo Bắc Mỹ đã trao nhiều giải cho ông. Ông có bằng cử nhân về Nghiên cứu Ottoman và Byzantine của Đại học Sorbonne ở Paris, bằng Thạc sĩ của Trường Luật Quốc tế và Ngoại giao Fletcher, và bằng Tiến sĩ về Hệ tư tưởng trong Văn học của Đại học Tufts. Quyển sách God’s Diplomats: Pope Francis, Vatican Diplomacy, and America’s Armageddon của ông được nhà xuất bản Rowman & Littlefield phát hành tháng 7 năm 2021.
Marta An Nguyễn dịch