lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2023-08-06
Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon đánh dấu sự hồi sinh sức khỏe không thể phủ nhận của thể chế công giáo.
Đây không phải là ảo tưởng hay tự thuyết phục: những người trẻ công giáo, cũng như các nhà lãnh đạo Giáo hội hiện diện ở Lisbon – 800 giám mục từ khắp nơi trên thế giới, tức là một phần tư số giám mục tại chức – đã có thể nhận ra, Giáo hội công giáo chắc chắn đã trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm với các vụ tai tiếng tình dục, nhưng Giáo hội còn lâu mới kết thúc. Thật khó để rút ra một kết luận chung từ sự quy tụ toàn cầu của hơn 1 triệu người trẻ, từ tất cả các quốc gia trên hành tinh, nhưng những Ngày Thế Giới Trẻ lần thứ 37 này đánh dấu một sự hồi sinh không thể phủ nhận về sức khỏe của thể chế công giáo. Hơn nữa, cuộc sống hàng ngày của Giáo hội không phải là cuộc sống của những lệch lạc đen tối của một thiểu số linh mục của Giáo hội – hiện nay chưa đến 1% trong tổng số 410.000 linh mục trên thế giới. Thực tế bình thường của Giáo hội là thực tế những gì chúng ta thấy trên đường phố thủ đô Bồ Đào Nha: các linh mục đã hiến đời sống của mình cho Chúa vì người khác, cho phục vụ, họ sống thoải mái. Những người trẻ sống trong thời của họ, kết nối với công nghệ nhưng lại có nhu cầu thiêng liêng cấp thiết khi đối diện với khoảng trống hiện sinh. Tất cả, họ không ngây thơ với các khốn cùng của Giáo hội – trong hai mươi năm, những người trẻ này chỉ nghe nói những chuyện này – nhưng họ nhận thức thực tế các vấn đề, họ là những người không muốn ở lại trong bóng tối và muốn đi tới trước. Một yếu tố khác mang tính quyết định của bầu khí Lisbon. Nó đến từ những người Tây Ban Nha và Châu Mỹ Latinh sống theo tinh thần Ngày Thế Giới Trẻ đông đảo ở Bồ Đào Nha, những người có tài tạo ra bầu khí rực lửa ở bất cứ nơi nào họ đến, họ giao tiếp qua ngôn ngữ, qua văn hóa tự phát với giáo hoàng Argentina, ngài nói tiếng mẹ đẻ của họ. Đây chủ yếu là các Ngày Thế Giới Trẻ ở Bán đảo Iberia rộng lớn – Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha – và ở Châu Mỹ Latinh. Ngày Thế Giới Trẻ tiếp theo ở Seoul, Hàn quốc năm 2027 khó cạnh tranh với bầu khí này.
Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon với những sai sót hậu cần không thể tránh khỏi luôn có trong tất cả mọi sự kiện vẫn sẽ là một thành công vang dội. Một thành công đến vào thời điểm mà Giáo hội, vẫn còn chìm trong cuộc khủng hoảng nội bộ, đã nghi ngờ chính mình một cách nghiêm trọng.
Một khởi đầu cho sự xuống dốc của một giáo hoàng đấu tranh nhưng mệt mỏi
Ở tuổi gần 87, ngài đã thành tựu một kỳ tích về thể chất và tinh thần khi đối diện với thử thách gặp gỡ hàng trăm ngàn người trẻ trong vài ngày. Ngài đủ lớn tuổi để không là ông nội ông ngoại, ngài là ông cố. Sau Lisbon, ngài là giáo hoàng lớn tuổi nhất đi dự Ngày Thế Giới Trẻ. Ngài vừa trải qua thời kỳ dưỡng bệnh sau phẫu thuật đường ruột… ngày 7 tháng 6 vừa qua. Hai tháng sau khi rời phòng mổ Bệnh viện Gemelli, ngài đứng trước hơn 1 triệu thanh niên ở Lisbon! Mặc dù có một ý chí sắt đá và một đời sống thiêng liêng nâng đỡ, nhưng sự mệt mỏi trên gương mặt ngài đã có thể nhìn thấy được, mọi người thấy trong năm ngày di chuyển và gặp gỡ căng thẳng này. Theo mong muốn của ngài, chương trình đã không làm nhẹ bớt như Đức Gioan-Phaolô II đã làm ở Toronto, Canada năm 2002. Ở Bồ Đào Nha, đã có một sự quá tải rõ ràng. Ngài thứ bảy 5 tháng 8, ngài đi trực thăng đến Fatima – ở đó và trở về vào buổi sáng -, tiếp tục cuộc gặp theo thông lệ với các tu sĩ Dòng Tên, sau đó là canh thức với các bạn trẻ cho đến 10:30 tối. Trong bốn lần, tối thứ sáu và thứ bảy, ngài bỏ bài diễn văn viết sẵn, ngài đọc đoạn đầu rồi ứng khẩu, luôn nhanh trí và nhanh nhẹn, nhưng cắt ngắn. Đến mức tối thứ bảy, lời huấn dụ rất hay, sâu sắc và thần nghiệm mà ngài đã chuẩn bị cho giới trẻ đã biến thành một số lời khuyên thực tế trong cuộc sống về việc “đứng dậy, giúp đỡ người khác, cùng nhau bước đi” với mệnh lệnh này: “Giây phút duy nhất được phép nhìn người khác từ cao, đó là giây phút giúp họ đứng dậy”. Đức Phanxicô mệt mỏi vì một ngày quá nặng nhọc. Sáng chúa nhật, trong thánh lễ bế mạc, ngài được nghỉ ngơi, là nhà hùng biện vĩ đại, ngài đã ứng biến nhiều lần, đi sát bài giảng, một cách khách quan ngài lấy lại khả năng sau một đêm nghỉ ngơi. Nhưng đến chiều, ngài ngủ gật khi ở trước mặt các tình nguyện đang nói chuyện với ngài.
Trong mười năm vừa qua, ngài thường giữ các bài phát biểu của mình cho đến cuối và nếu ngài ứng biến, ngài sẽ quay lại văn bản của ngài hoặc phát cho người tham dự đọc, nhưng không bỏ nửa chừng khi đọc, như ngài đã làm ngày thứ sáu và thứ bảy vừa qua ở Lisbon. Sự lặp lại này là dấu hiệu suy yếu bình thường của một người công chúng đã quá lớn tuổi và quá tải công việc, không có một ai tương đương với ngài trên hành tinh này. Cần phải quan sát kỹ chuyến đi của ngài đến Mông Cổ trong ba tuần nữa và sau đó là đi Marseille để xác nhận sự suy yếu theo thời gian.
“Bỏ điện thoại, gặp gỡ mọi người!”: một linh đạo “hiện thân”
Một chuyến tông du quốc tế của giáo hoàng, dù với mục đích nào (đi thăm một quốc gia, một Ngày Thế Giới Trẻ, v.v.) sẽ không bao giờ là một hoạt động ngoài địa bàn. Đặc điểm của Giáo hội công giáo là Giáo hội không bao giờ ngừng nghỉ, vì Giáo hội có mặt ở mọi kinh độ, mọi múi giờ và kết nối 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, kể cả chúa nhật trong nhịp đập của nhịp sống các quốc gia, nhất là khi thế giới đang có chiến tranh hoặc gặp khó khăn. Thật vậy, Giáo hội có “công dân” ở khắp mọi nơi, ở các văn hóa và quốc tịch khác nhau, cùng chia sẻ một đức tin chung. Người công giáo cầu nguyện mỗi ngày cho hòa bình. Họ được thông tin thường xuyên do văn hóa kitô giáo không biên giới và quan tâm đến những người khốn cùng nhất. Linh đạo của họ, dù thần nghiệm như thế nào, họ vẫn tự cho linh đạo của mình là linh đạo “hiện thân”. Họ muốn thổi thêm “tình yêu, quan tâm đến người khác, vui vẻ” theo như lời của Đức Phanxicô ở Lisbon, trong “tinh thần nhưng không” theo cách diễn tả tuyệt vời của ngài để đoàn kết hơn là chia rẽ – nhưng cuối cùng lại không được ngài đọc lên vào tối thứ bảy. Một trong những dấu ấn mạnh của Ngày Thế Giới Trẻ Lisbon là lời cảnh báo chống lại các mạng internet khao khát “dữ liệu, những người bạn vờ” mà Đức Phanxicô lên án. “Hãy đứng dậy bước ra khỏi nỗi buồn của các con”, đáng lý ngài sẽ đọc tối thứ bảy, nhưng ngài đã không đọc được. Và: “Xin các con bỏ điện thoại xuống, đi gặp mọi người!” Câu này có thể tóm tắt tất cả Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon.
Ukraine và thượng hội đồng tiếp theo được mời trong Đại hội Giới trẻ Thế giới
Bên cạnh lời kêu gọi giới trẻ này, mục đích của Ngày Thế Giới Trẻ rõ ràng không phải là tạo ra một khóa học địa chính trị về cuộc chiến ở Ukraine hay bài giảng về chiến lược cải cách nội bộ Giáo hội, nhưng hai chủ đề này xoay quanh cuộc họp. Theo Vatican, tại Fatima, Đức Phanxicô đã thinh lặng và đau buồn cầu nguyện cho hòa bình và trong giờ Kinh Truyền Tin sau thánh lễ ngày chúa nhật, khi trước tượng Đức Mẹ Fatima, ngài trực tiếp nói đến “nỗi đau khổ lớn lao của Ukraine thân yêu đang tiếp tục chịu nhiều đau khổ”. Cuộc xung đột này, giống như lớp áo nặng đè trên tương lai của những người trẻ, thực sự nó dường như hiện diện thinh lặng trong lương tâm mỗi người. Cuối cùng, trong những lần ứng khẩu và trong nhiều dịp, ngài đã chuẩn bị tâm trí cho thượng hội đồng tiếp theo. Các bài giáo lý của những Ngày Thế Giới Trẻ, không mang tính hàn lâm dưới sự hướng dẫn của một giám mục, đã trở nên lộn xộn, nhưng đó là cách tiếp cận mới của Giáo hội mà Đức Phanxicô mong muốn áp dụng. Ngài đã nhấn mạnh trong tuần này, ngài muốn một Giáo hội “mở cửa cho tất cả mọi người, tất cả, không trừ một ai” dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là chủ đề trọng tâm của thượng hội đồng sắp tới về cách quản trị mới của Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch