Đức Phanxicô lên kế hoạch cho chuyến tông du Kosovo

48

Đức Phanxicô lên kế hoạch cho chuyến tông du Kosovo

Nhà thờ Thánh Mẹ Teresa ở Pristina, Kosovo | © Jacques Berset

cath.ch, I.Media, 2023-08-04

Ý tưởng về một chuyến đi đến Kosovo là yếu tố mới trong cuộc phỏng vấn dài Đức Phanxicô dành cho tạp chí công giáo Vida Nueva của Tây Ban Nha.

Chuyến đi Marseille, chứ không phải Pháp, các chuyến đi có thể có của ngài là đi Argentina và Kosovo, các cuộc đàm phán ngoại giao về Ukraine hoặc Nicaragua… ngài đã dành cho tạp chí Tây Ban Nha Vida Nueva một cuộc phỏng vấn dài nhân dịp sinh nhật lần thứ 65 của tờ báo, ngày 4 tháng 8 năm 2023. Ngài cũng nói về Thượng hội đồng về tính đồng nghị và cho biết Giáo hội công giáo ngày nay không cần đến Công đồng Vatican III.

Hồng y Zuppi sẽ sớm đi Bắc Kinh vì Ukraine

Khi được hỏi về sứ mệnh hòa bình của hồng y Matteo Zuppi, đặc phái viên của ngài tại Kyiv, Matxcova và Washington vào đầu mùa hè, ngài xác nhận hồng y Zuppi, tổng giám mục giáo phận Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý có thể sớm đi Bắc Kinh.

Ngài giải thích các hành động gần đây như một “tấn công vào hòa bình”: “Sau chuyến đi Washington của hồng y Zuppi, nơi ngài sẽ đi tiếp theo là Bắc Kinh, vì cả hai đều nắm giữ chìa khóa để làm giảm căng thẳng của cuộc xung đột.”

Ngày thứ tư 2 tháng 8, trong bài phát biểu đầu tiên của ngài tại Bồ Đào Nha, Đức Phanxicô kêu gọi châu Âu đi tìm một triển vọng hòa bình ở Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, ngài thừa nhận hồng y Zuppi đã gặp phải ở Kyiv một ngoại giao “duy trì ý tưởng chiến thắng mà không lựa chọn giải pháp hòa giải”. Nhưng ở Nga, hồng y thấy có một thái độ có thể được mô tả là ngoại giao.

Ngài cho biết tiến bộ quan trọng nhất trong việc đưa trẻ em Ukraina hồi hương: “Chúng tôi đang làm tất cả trong khả năng của mình để đảm bảo gia đình được nhận lại con cái của họ.” Ngày 13 tháng 5 khi đến Rôma gặp giáo hoàng, tổng thống Zelensky đã đề nghị Vatican góp phần vào nỗ lực của Ukraine để đưa trẻ em Ukraine về nhà, các em đã bị cưỡng bức đưa sang Nga một cách bất hợp pháp.

Trong cuộc phỏng vấn, ngài nói ngài đang xem xét để bổ nhiệm một đại diện thường trực, người sẽ đóng vai trò “cầu nối” giữa chính quyền Nga và Ukraine.

Ngài cũng thông báo đang chuẩn bị một cuộc họp hòa bình với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Abu Dhabi. Cuộc họp sẽ được tổ chức trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Dubai (từ 30 tháng 11 đến 12 tháng 12). Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin là người điều phối cuộc họp này. Theo ngài, cuộc họp sẽ diễn ra bên ngoài Vatican, “ở một lãnh thổ trung lập”.

Đức Phanxicô đi Marseille, chứ không đi Pháp

“Ngay cả khi tôi đến thành phố Marseille, thì không phải đó là chuyến đi Pháp.” Vài tuần trước chuyến đi Marseille ngày 22 và 23 tháng 9 cho các cuộc Gặp Địa Trung Hải, Đức Phanxicô nhắc lại, ngài không xem chuyến đi này là chuyến đi Pháp. Một lần nữa, ngài khẳng định: “Tôi sẽ không đi bất cứ một quốc gia lớn nào của Âu châu trước khi đi xong các quốc gia nhỏ”, đồng thời ngài cũng bác bỏ giả thuyết về một chuyến đi Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, tại Marseille, trong chương trình do Tòa Thánh đưa ra, tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến Marseille đón Đức Phanxicô khi ngài đến đây. Ngài sẽ gặp riêng tổng thống vào ngày hôm sau.

Đức Phanxicô sẽ cử hành một thánh lễ lớn tại sân vận động Vélodrome, người công giáo từ khắp nước Pháp sẽ có mặt.

Một chuyến đi của giáo hoàng đến Kosovo?

Khi được hỏi về chuyến đi nước ngoài tiếp theo, ngài cho biết chuyến đi Kosovo đang được xem xét, nhưng ngay lập tức ngài uyển chuyển “nhưng chuyến đi chưa được xác định”. Trong những năm gần đây, Tòa Thánh chú ý rất nhiều đến tình hình hòa bình ở khu vực Tây Balkan. Dù đã có một đại diện tông tòa đã được bổ nhiệm cho Kosovo, nhưng Tòa thánh không công nhận nền độc lập của quốc gia này, quốc gia đã giành quyền tự trị từ Serbia vào năm 2008.

Đức Phanxicô cũng xác nhận một chuyến đi Argentina “đang ở trong chương trình”. Ngài giải thích: “Chúng tôi xem liệu có thể đi được hay không sau khi năm bầu cử kết thúc. Cuộc bầu cử tổng thống ở Argentina được tổ chức vào tháng 10 sắp tới. Đây sẽ là lần đầu tiên ngài về thăm đất nước sau 10 năm được bầu chọn.

Trước đây, khi lên kế hoạch chuyến tông du Argentina năm 2017, nhân chuyến đi kết hợp với Chi-lê và Uruguay, nhưng phải hoãn lại do bầu cử ở Chi-lê. Khi trở lại Châu Mỹ Latinh trong chuyến đi Chi-lê và Peru năm 2018, chuyến đi Argentina đã không thực hiện được. Trả lời báo Vida Nueva, ngài cho biết lần này ngài “chỉ nghĩ đến Argentina” và “có thể Uruguay”.

Về Nicaragua và giám mục Rolando Álvarez

“Chúng tôi tiếp tục, chúng tôi cố gắng thương thuyết.” Đó là câu trả lời của ngài khi được hỏi về tình trạng của giám mục Rolando Álvarez, giám mục bị bỏ tù vì chống đối tổng thống Daniel Ortega. Không cho biết thêm chi tiết, ngài chỉ gật đầu khi các phóng viên hỏi ngài có yêu cầu tổng thống Brazil Lula da Silva can thiệp với tổng thống Daniel Ortega để trả tự do cho giám mục Ávarez.

Giám mục Rolando Alvarez, giáo phận Matagalpa đã bị tù và phải đối mặt với phiên tòa cấp tốc sau khi ngài từ chối lên máy bay để trục xuất ngài đi Hoa Kỳ cùng với 220 tù nhân chính trị bị mất quyền công dân. Tháng 2 vừa qua, ngài bị kết án 26 năm tù. 

Không có triển vọng Công đồng Vatican III

“Mọi thứ chưa chín muồi cho một Công đồng Vatican III”, ngài quả quyết như vậy khi trả lời phỏng vấn. Theo ngài, điều này sẽ không cần thiết vào lúc này vì chưa thực hiện xong Công đồng Vatican II.

Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô nhắc nhở cần có thời gian để “hấp thụ” một công đồng và Vatican II sẽ mất một thế kỷ để hội nhập.

Trong cuộc phỏng vấn, ngài tố cáo “nỗi sợ hãi” đã lan rộng trong Giáo hội liên quan đến việc chấp nhận công đồng, ngài muốn ám chỉ đến “những người công giáo xưa”, những người trong Công đồng Vatican I đã tự cho mình là “kho tàng của đức tin chân chính”.

Ngài cũng nói rộng về Thượng hội đồng về tính đồng nghị, phiên họp đầu tiên ở Rôma sẽ khai mạc vào tháng 10. Ngài nhấn mạnh đến việc cầu nguyện là cần thiết cho sự thành công: “Nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Ai không tin vào Ngài và không cầu nguyện trong Thượng hội đồng, thì không thể tiến xa được. […] Một hệ tư tưởng, một quan điểm chính trị sẽ thoát thai từ đó, nhưng không có gì đích thực nếu không có cầu nguyện. Nếu chúng ta trung thành, Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến nơi chúng ta không thể hình dung nổi”.

Ngài cũng nhắc lại các Thượng hội đồng trước đó, trong đó các chủ đề đã trở thành tâm điểm, chẳng hạn như việc phong chức cho những người đàn ông đã có gia đình nhân dịp Thượng hội đồng về Amazon năm 2019 và những việc quan trọng, như công việc của các giáo lý viên, phó tế vĩnh viễn, các chủng viện trong vùng hoặc sự tham gia của các linh mục trong các địa phận. Đây là những tiến bộ đến từ bên trong và cuối cùng, vấn đề về ‘viri probati’ dừng lại ở đó”.

Trong cuộc phỏng vấn, một lần nữa Đức Phanxicô đề cập đến “sự cứng nhắc” của một số linh mục và chủng sinh. Theo ngài, đó là bộ giáp ẩn chứa sự “sợ hãi” nhưng cũng rất “thối nát”.

Ngài giải thích: “Đằng sau chủ nghĩa truyền thống này, chúng ta phát hiện ra những vấn đề đạo đức và những tệ nạn nghiêm trọng, một cuộc sống hai mặt. Chúng ta tất cả đều biết, các giám mục, những người cần linh mục, đã dùng lại những người đã bị trục xuất khỏi các chủng viện khác vì tội vô luân”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch