Fatima và nước Nga, một liên kết mang tính biểu tượng cao

91

Fatima và nước Nga, một liên kết mang tính biểu tượng cao

Đức Phanxicô sẽ đi Fatima ngày thứ bảy 5 tháng 8, một phần trong ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, thánh địa có tính lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa Giáo hội công giáo và nước Nga.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, 2023-08-04

Đức Mẹ Fatima trong một lần rước trong Ngày Thế Giới Trẻ.

Rõ ràng đây là cuộc hành hương đến Fatima của một giáo hoàng rất gắn bó với hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria. Bên lề Ngày Thế Giới Trẻ, ngày thứ bảy 5 tháng 8, Đức Phanxicô sẽ từ Lisbon đi Fatima, chuyến đi mang một ý nghĩa chính trị cao độ. Thánh địa Fatima cách thủ đô Lisbon 130 cây số về phía nam, gắn liền với các quan hệ giữa Giáo hội công giáo và nước Nga.

Năm 1929, một trong các em bé mục đồng được Đức Mẹ hiện ra  năm 1917 – năm có Thế chiến thứ nhất và cuộc cách mạng Nga – giải thích em đã được Đức Mẹ tiết lộ một điều đặc biệt về nước Nga.

“Người thiện tâm sẽ tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt”

Từ tu viện của sơ Lucia ở biên giới Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sơ tiết lộ Đức Mẹ đã nói với sơ phải thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Trong hồi ký năm 1941, nữ tu Lucia viết: “Mẹ đến để xin thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ (…). Nếu yêu cầu của Mẹ được chấp nhận, nước Nga sẽ trở lại và chúng ta sẽ có hòa bình; nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc những sai lầm khắp thế giới, gây chiến tranh và bách hại Giáo hội. Người thiện tâm sẽ tử vì đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt.”

Việc tiết lộ “bí mật” thứ hai này của Fatima tương ứng với thời kỳ mà sự vận động tôn giáo cho nước Nga, trở thành Liên Xô, gia tăng đáng kể. Tòa Thánh phát động các chiến dịch cầu nguyện cho nước Nga.

Đường chỉ đỏ

Bà Laura Pettinaroli, sử gia người Pháp, trong luận án nghiên cứu chính trị nước Nga của Tòa Thánh giữa năm 1905 và 1939 giải thích: “Được định nghĩa là hệ tư tưởng bài-kitô giáo sâu đậm, trong những năm 1930, chủ nghĩa cộng sản đã bị lên án: sự lên án này, được chỉ rõ và tổng hợp trong thông điệp Đấng Cứu độ, Divini redemptoris (1937), được nhập vào học thuyết xã hội của Giáo hội, muốn trở thành một giải pháp thay thế xã hội mang tính xây dựng.”

Nhà sử học giải thích tiếp: “Từ những năm 1930, việc cầu nguyện cho nước Nga bắt đầu phát huy tác dụng và huy động đông đảo người công giáo trên khắp thế giới. Việc huy động này được sắp xếp xung quanh một linh đạo hãm mình và đền tạ, sẵn sàng theo Đức Mẹ và luôn luôn theo Thánh Thể”.

Yêu cầu được tiết lộ ở Fatima là sợi chỉ đó trong việc xác định quan điểm của các giáo hoàng trong các năm sau đó. Năm 1942, giữa Thế chiến thứ hai, Đức Piô XII đã thánh hiến thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria. Năm 1952, ngài thay đổi cách tiếp cận tâm linh này, trong tông thư Sacro vergente anno, ngài thánh hiến nước Nga cho Đức Mẹ. Hành động này đã được Đức Gioan Phaolô II tái lập hàng năm từ năm 1981 đến năm 1984. Sau đó năm 1989, ngài đã tạ ơn Đức Mẹ sau khi Liên Xô sụp đổ.

“Một cử chỉ đầy lòng tin tưởng”

Năm 2000, bộ Giáo lý Đức tin bình giải: “Chắc chắn Fatima là cuộc hiện ra mang tính tiên tri nhất trong các cuộc hiện ra thời hiện đại. Các yếu tố mang lại cho nhân loại trong những tiết lộ này quan tâm trên hết là viễn cảnh kinh hoàng về hỏa ngục, lòng sùng kính Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Maria, Thế chiến thứ hai, cũng như dự đoán về thiệt hại rất nghiêm trọng mà nước Nga, từ bỏ đức tin kitô giáo và đi theo chủ nghĩa toàn trị cộng sản.”

Tháng 3 năm 2022, gần một tháng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Đức Phanxicô đã thánh hiến cả hai quốc gia cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ. Khi đó, ngài tuyên bố: “Một cử chỉ thể hiện lòng tin tưởng hoàn toàn trước cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa đang đe dọa thế giới”. Những lời này ngài có thể nói lại ở Fatima.

Marta An Nguyễn dịch