An tử, lằn ranh đỏ đối với Đức Phanxicô

56

An tử, lằn ranh đỏ đối với Đức Phanxicô

fr.aleteia.org, Cyprien Viet, 2023-06-03

Là người bảo vệ không mệt mỏi cho quyền được sống, gần đây, Đức Phanxicô lo ngại về việc hợp pháp hóa cái chết êm dịu ở Bồ Đào Nha, đất nước được cho là một trong những quốc gia công giáo nhất thế giới. Triều của ngài có nhiều quan điểm về chủ đề nhạy cảm này, đặc biệt trong chuyến tông du của ngài ở Canada năm 2022.

Ngày 13 tháng 5, khi kính nhớ Đức Mẹ hiện ra với các mục đồng ở Fatima, Đức Phanxicô đã lên tiếng: “Hôm nay tôi rất buồn vì đất nước Đức Trinh Nữ hiện ra đã ban hành luật giết người, thêm một bước nữa trong danh sách dài các quốc gia có cái chết êm dịu.” Một ngày trước đó, các nghị sĩ Bồ Đào Nha đã phê chuẩn Sắc lệnh 43/XV về trợ tử y tế, buộc tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa phải ban hành sắc lệnh này, dù có sự phản đối cá nhân của người công giáo sốt sắng này trước diễn tiến mà từ lâu bằng mọi cách ông đã ngăn cản bằng mọi biện pháp hiến pháp có thể.

Ngày Thế Giới Trẻ sẽ tổ chức ở Lisbon và Đức Phanxicô sẽ đến dự, đây là chuyến tông du thứ nhì ngài đến đất nước này sau chuyến đi Fatima năm 2017, như thế Bồ Đào Nha cùng với các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Canada và New Zealand nằm trong số các Quốc gia hợp pháp hóa hành vi trợ tử tích cực. Ở Pháp, một đạo luật đang được chuẩn bị và sẽ được thảo luận tại Quốc hội bắt đầu từ mùa hè này. Chủ đề này đã được nêu ra trong chuyến đi Vatican gần đây nhất của tổng thống Emmanuel Macron tháng 10 năm 2022. Đức Phanxicô đã nhiều lần trực tiếp phản đối dư thảo này, ngài xem đây là dấu hiệu của một “lãng phí văn hóa” khi loại trừ người bệnh và người cao tuổi ra khỏi phạm vi đời sống trong xã hội.

 “Một thất bại cho tất cả”

Giống như các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài, Đức Phanxicô luôn bảo vệ sự sống. Ngày 5 tháng 6 năm 2019, sau vụ tự tử của một thiếu niên Hà Lan 17 tuổi, ngài viết câu tweet: “An tử và tự tử được y tế hỗ trợ là một thất bại cho tất cả mọi người.”

Ngài gằn mạnh: “Chúng ta được mời gọi không bao giờ bỏ rơi những người đau khổ, chúng ta không được bỏ rơi, nhưng quan tâm và yêu thương để khôi phục lại hy vọng.”

Giáo hội Công giáo kiên quyết phản đối cả trợ tử – hành động cố ý làm cho bệnh nhân chết – và tự tử được y tế hỗ trợ – quy định pháp lý về phương tiện để kết thúc cuộc đời của một người. Tân hiến chương cho các nhà điều hành y tế do Tòa thánh công bố năm 2017 giải thích, an tử là một hành động “phi lý và vô nhân đạo”, một trong những “triệu chứng đáng báo động nhất của văn hóa sự chết”. Tài liệu này cho rằng, “đây là hành động giết người mà không có kết thúc nào có thể biện minh được”.

Trong chuyến tông du Canada tháng 7 năm 2022, ngài đã gởi một ‘lưu ý’ đến thủ tướng Justin Trudeau, người có mặt khi ngài phát biểu trước các chính quyền dân sự ở bang Québec. Ở đất nước đã hợp pháp hóa an tử và tự tử được y tế hỗ trợ, Đức Phanxicô đứng lên chống lại văn hóa hủy bỏ, một loại văn hóa thường bỏ bê các nghĩa vụ với người yếu đuối và mong manh nhất: người nghèo, người di cư, người già, người bệnh, trẻ em chưa chào đời… Họ là những người bị lãng quên trong xã hội thịnh vượng; họ là những người sống trong sự thờ ơ của mọi người, bị vứt bỏ như những chiếc lá khô chờ bị đốt cháy.

Ngoài những hợp pháp hóa chính thức, Đức Phanxicô còn thường xuyên cảnh báo chống lại cái chết êm dịu thụ động hoặc gián tiếp vẫn còn tồn tại trong một số bệnh viện, đặc biệt là do áp lực kinh tế.

Ngài đòi hỏi “không được gạt bỏ quyền chăm sóc và quyền lợi của gia đình nhân danh những nhu cầu sản xuất khả thi và lợi ích cá nhân”. Những từ mang một ý nghĩa đặc biệt ở Canada, nơi cái chết theo toa có xu hướng trở nên phổ biến trong khuôn khổ của kinh tế thị trường: hỗ trợ y tế cho cái chết còn được một giám đốc nhà quàn ở Québec đề nghị như một cách trả tiền cho việc này.

Ngài đảm bảo Giáo hội công giáo luôn hỗ trợ một “phục vụ hợp pháp vì lợi ích của sự sống con người trong tất cả các giai đoạn từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”. Tuy nhiên, sự cương quyết của ngài đã bị lu mờ do chủ đề chung của chuyến đi: Giáo hội xin người bản địa, nạn nhân của các vụ lạm dụng trong các trường nội trú công giáo tha thứ.

“Vinh danh” người già, họ “cần tình thương của chúng ta”

Vấn đề lập pháp về tự tử được y tế hỗ trợ đang được đặt ra ở một số quốc gia và mong đợi lời của Giáo hội ở đó. Gần đây, trong khi nhắc lại sự phản đối của mình với cái chết êm dịu, tổng giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Học viện Đời sống đã đề cập đến tình trạng phức tạp của Ý và xem khả năng hòa giải pháp lý về việc tự tử được y tế hỗ trợ là hợp pháp, trong một số trường hợp rất rất cụ thể. Đức Phanxicô đã không ngừng lên án văn hóa sự chết và thúc đẩy một diễn từ tích cực để bảo vệ sự sống.

Tháng 10 năm 2018 khi tiếp kiến những người tham dự đại hội về đạo đức trong quản lý y tế tại Vatican, ngài phát biểu: “Nếu bệnh nhân cảm thấy được yêu thương, được quan tâm và không bị đánh giá dựa trên ‘năng suất’ của họ thì yêu cầu trợ tử sẽ biến mất. Cái bóng tiêu cực của cái chết êm dịu sẽ biến mất ở các bệnh nhân kinh niên được điều trị tốt.”

Ngoài việc phản đối các hợp pháp hóa chính thức, ngài còn thường xuyên cảnh báo chống lại nhiều cái chết êm dịu thụ động hoặc gián tiếp tồn tại trong một số bệnh viện, đặc biệt là do áp lực kinh tế. Tháng 4 năm 2023, trước hiệp hội tôn giáo của các viện y tế xã hội Ý, ngài tố cáo “một cái chết êm dịu tiềm ẩn và dần dần” bao gồm việc tước đi các phương pháp điều trị mà họ cần, chỉ vì lý do để tiết kiệm tiền.

Chúng ta phải “tôn vinh” người già, thay vì “để họ chết hoặc làm cho họ chết”, ngài đã nhấn mạnh như trên ngày 5 tháng 3 năm 2015, trước những người tham dự đại hội đồng lần thứ 21 của Học viện Giáo hoàng về Sự sống, chuyên chăm sóc người lớn tuổi và chăm sóc giảm nhẹ.

Ngài van xin: “Những người đã giúp chúng ta lớn lên, chúng ta không được bỏ rơi họ khi họ cần sự giúp đỡ, khi họ cần tình yêu sự dịu dàng của chúng ta.”

Marta An Nguyễn dịch

Netflix chiếu phim Johnny về linh mục Ba Lan Jan Kaczkowski, người bảo vệ phẩm giá con người ở giai đoạn cuối đời