Giáo hội sẽ công nhận 21 tín hữu kitô bị Nhà nước Hồi giáo chặt đầu ở Libya năm 2015

181

Giáo hội sẽ công nhận 21 tín hữu kitô bị Nhà nước Hồi giáo chặt đầu ở Libya năm 2015

Hình biểu tượng 21 tín hữu kitô Lybia bị tổ chức khủng bố hồi giáo chặt đầu ngày 15 tháng 2 năm 2015 | DR

cath.ch, I.Media, 2023-05-11

Ngày thứ năm 11 tháng 5, Đức Phanxicô đã thông báo cho Thượng phụ coptic Tawadros II, Giáo hội công giáo sẽ công nhận 21 tín hữu kitô bị Nhà nước Hồi giáo Daesh chặt đầu năm 2015 là thánh. Một sáng kiến lịch sử: Giáo hội công giáo và Giáo hội chính thống giáo coptic đã có chung các thánh từ những thế kỷ đầu tiên, thì đây là những thánh đầu tiên được hai Giáo hội công nhận kể từ khi bị chia rẽ vào thế kỷ thứ 5.

Trong những ngày này, Đức Phanxicô và Đức Tawadros II kỷ niệm 50 năm cuộc gặp lịch sử giữa các tiền nhiệm của các ngài, Đức Phaolô VI và Thượng phụ Shenouda III (1973-2023), cuộc gặp đầu tiên giữa một giám mục Rôma và một thượng phụ của Giáo hội chính thống coptic.

Trong dịp này,  Thượng phụ đã tham dự buổi tiếp kiến chung ngày 10 tháng 5 cùng với Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 10 tháng 5.

 Rửa tội trong máu

Ngày thứ năm 11 tháng 5 trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican, Đức Phanxicô cám ơn Thượng phụ Tawadros, 70 tuổi người Ai Cập về “món quà quý giá là thánh tích của các vị tử đạo coptic bị giết ở Libya ngày 15 tháng 2 năm 2015, ngài tuyên bố: “Với sự đồng ý của Đức Thượng phụ, 21 vị tử đạo này sẽ được ghi vào Danh mục tử đạo Rôma như một dấu chỉ của sự hiệp thông thiêng liêng liên kết hai Giáo hội chúng ta”.

Những tín hữu kitô này, 20 người thuộc Giáo hội chính thống coptic và một tín hữu Ghana, đã bị những người thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo sát hại trên một bãi biển ở Libya ngày 15 tháng 2 năm 2015. Sáu ngày sau, Thượng phụ Tawadros II ghi tên họ vào danh sách “Synaxaire” – tương đương tử đạo Rôma đông phương – biến cố lịch sử ngày 15 tháng 2.

Đức Phanxicô tuyên bố: “Các vị tử đạo này đã được rửa tội không chỉ trong nước và Chúa Thánh Thần, mà còn bằng máu, máu là hạt giống hiệp nhất cho tất cả các môn đệ của Chúa Kitô”.

Thánh tích của các vị tử đạo ở Vatican

Thượng phụ Tawadros II đã tặng thánh tích của 21 vị tử đạo cho Đức Phanxicô, thánh tích được đựng trong chiếc hộp bằng gỗ và kính, lấy từ nhà thờ dành riêng cho 21 vị tử đạo xây năm 2018 tại ngôi làng al-Our, quê hương của họ.

Trong cuộc họp báo sau khi gặp Đức Phanxicô, Thượng phụ  Tawadros II giải thích: “Trong gần 3 năm, chúng tôi không có thông tin gì về tên tuổi cũng như khu vực họ ở. Mãi đến tháng 2 năm 2018, hài cốt của họ mới được tìm thấy và nhận dạng, sau đó được đưa về Cairo và một lễ đón tại sân bay đã được tổ chức.”

Ngài nói: “Thật đau đớn cho tất cả người dân Ai Cập. Những kẻ tàn sát muốn gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và sự đoàn kết của người dân Ai Cập.” Ngài nói đến đoạn video hành quyết do tổ chức khủng bố Daesh tung ra đã làm chấn động dư luận. Ngài nhấn mạnh: “Tuy nhiên, những hình ảnh này lại là một bằng chứng rất lớn cho thế giới. Chúng tôi tin rằng, ngày nay những vị tử đạo này đã mang ơn lành lớn lao đến cho chúng ta.”

Ngài vui mừng khi giáo hoàng Phanxicô công nhận sự tử đạo của họ, đây là một hành vi bổ sung cho mối quan hệ giữa hai Giáo hội.

Một hành vi lịch sử

Một chuyên gia của Vatican cho I.Media biết, sự công nhận này của Giáo hội công giáo nhấn mạnh đến “tinh thần đại kết của việc tử đạo. Theo thuật ngữ thánh hiến, 21 người này đã thực sự tử đạo chỉ vì họ là tín hữu kitô, chỉ vì đức tin kitô của họ bị căm ghét.

Chuyên gia này nhấn mạnh: “Trước đây hai Giáo hội đã có những vị thánh chung trước khi bị chia rẽ, ngày nay chúng ta có những vị thánh chung này.” Và giáo hoàng đã công nhận ý nghĩa lịch sử của hành vi này: “Họ sẽ là những vị thánh đầu tiên được công nhận theo cách này”.

Trên thực tế, Tử đạo danh mục la-mã gồm tất cả những người là đối tượng của việc thờ phụng công khai của công giáo và thuật ngữ này thường bao gồm các thánh đã được ghi trong lịch phổ quát của Giáo hội công giáo. Vì thế 21 vị tử đạo sẽ được là “thánh” của Giáo hội công giáo. Chuyên gia này giải thích: “Sự công nhận này chỉ có thể thực hiện được vì những người này đã được rửa tội và đã được Giáo hội coptic công nhận là thánh, nên trong lịch của các thánh công giáo sẽ ghi, đây là sự thánh thiện đã được người coptic công nhận.”

Theo thông tin của chúng tôi, vấn đề được tranh luận gần đây là liệu chúng ta có thể công nhận là thánh các vị đã được các giáo phái kitô giáo khác tuyên bố là thánh hay không. Nguồn tin của chúng tôi đảm bảo, “trong trường hợp các vị tử đạo ở Libya, hồ sơ hóa ra lại đơn giản vì không có vấn đề gì trong sự khác biệt thần học”.

Không hấp thụ cũng không thống trị

 Trong bài phát biểu trước Đức Thượng phụ Tawadros II, Đức Phanxicô cũng nhắc đến “việc ký một tuyên bố kitô học đáng nhớ” ngày 10 tháng 5 năm 1973, chấm dứt cuộc tranh cãi chung quanh Công đồng Chalcedon năm 451, đưa đến sự rạn nứt giữa Rôma và một số Giáo hội Đông phương.

Ngài nhắc lại, cuộc họp này đã dẫn đến việc thành lập Ủy ban hỗn hợp quốc tế giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội chính thống coptic vào năm 1979, và đã thông qua các nguyên tắc tiên phong trong việc tìm kiếm sự hiệp nhất. Một sự hiệp nhất không thể là “sự hấp thụ của người này với người kia, cũng không phải là sự thống trị của người này trên người kia” như Đức Gioan Phaolô II và Đức Shenouda III đã tuyên bố.

Trên hành trình đại kết, Đức Phanxicô cam kết sẽ “luôn nhìn về phía trước với sự nôn nóng lành mạnh và nồng nhiệt khao khát hiệp nhất dù gặp những lúc nản lòng”. Ngài cám ơn Thượng phụ Tawadros II vì đã quan tâm đến người coptic công giáo, cũng như quan tâm đến “Ngày Hữu nghị giữa người coptic và người công giáo” được tổ chức ngày 10 tháng 5 hàng năm kể từ năm 2013 – ngày đầu tiên Đức Tawadros II đến Vatican.

Cuộc gặp kết thúc với buổi cầu nguyện ở Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của dinh tông tòa. Ngày chúa nhật Thượng phụ coptic sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran cho giáo dân coptic.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Vì sao Vatican công nhận các vị tử đạo coptic

Cuộc gặp chưa từng có giữa giáo hoàng Phanxicô và giáo hoàng coptic Tawadros II