Phỏng vấn tiến sĩ Barbara Jatta, phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc các Viện bảo tàng Vatican

100

Phỏng vấn tiến sĩ Barbara Jatta, phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Giám đốc các Viện bảo tàng Vatican

Bà Barbara Jatta, tiến sĩ giám đốc các Viện bảo tàng Vatican

ewtnvatican.com, Colm Flynn, 2023-04-22

Trong cuộc phỏng vấn với ông Colm Flynn, phóng viên EWTN News tại Rôma, bà Barbara Jatta, tiến sĩ giám đốc các Viện bảo tàng Vatican chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc của bà trong chức vụ chăm sóc hơn 200.000 tác phẩm và bảy dặm hành lang bảo tàng Vatican. Bà bày tỏ lòng biết ơn cho chức vụ bà đảm nhiệm từ tháng 1 năm 2017, đồng thời nói về việc bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Bà cũng thảo luận về các cơ hội ngày càng tăng cho phụ nữ ở Vatican và cho biết Đức Phanxicô đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi này. Bà cũng chia sẻ suy nghĩ về cách Vatican quyết định những gì sẽ trưng bày trong bộ sưu tập khổng lồ này cho công chúng xem.

Hiện nay các Viện bảo tàng Vatican có hơn 200.000 hiện vật và bảy dặm hành lang. Làm sao để giám sát tất cả công việc này?

Tiến sĩ Barbara Jatta. Tôi cảm thấy được may mắn và vinh dự. Tôi đã ở đây gần bảy năm rồi. Tôi là phó giám đốc dưới quyền của cựu giám đốc Antonio Paolucci trong sáu tháng. Và sau đó, tháng 1 năm 2017, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc. Và thực sự đây là một ơn khi mỗi ngày tôi được bước chân vào nơi tuyệt vời này.

Tôi biết là bà không thích nói về chuyện này, nhưng Đức Phanxicô đã bổ nhiệm bà là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này. Bà cảm thấy như thế nào và bây giờ bà nghĩ về chuyện này như thế nào?

Mới đầu mọi người đều nhấn mạnh đến khía cạnh này, còn tôi thì giảm thiểu nó vì tôi nghĩ… Dĩ nhiên tôi luôn cảm thấy bất an và không mong chờ sẽ đảm nhận vai trò đặc biệt này. Tôi đã làm việc 20 năm ở Thư viện Vatican trong tư cách là nhà sử học nghệ thuật, nhưng tôi chưa bao giờ mong chờ được bổ nhiệm vào làm ở các Viện bảo tàng, vì thế đây là điều thực sự bất ngờ với tôi. Nhưng, sau đó, theo một cách nào đó, tôi đã giảm thiểu vai trò giới tính của tôi, nghĩ rằng có thể đó là một lựa chọn nội bộ, một sử gia nghệ thuật nội bộ biết xã hội Vatican.

Và trong khi chờ đợi, dĩ nhiên tôi cảm thấy vinh dự khi được bổ nhiệm. Và dần dần tôi ý thức trách nhiệm này, tôi xin kể cho bà nghe khi nào và vì sao tôi thay đổi ý kiến của tôi, tôi hiểu tầm quan trọng vai trò của tôi, phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm. Sau hai năm, khi tôi ở Mexico City. Tôi đang giảng dạy tại trường Đại học Công giáo Mexico City. Và sau hội nghị có hai nữ sinh viên đến gặp tôi, họ nói: “Chúng tôi muốn bắt tay bà, chúng tôi muốn biết bà vì với chúng tôi, bà là một tấm gương. Bà là người mẹ, người vợ, là phụ nữ nhưng bà cũng theo đuổi đam mê của bà và bà ở chức vụ hàng đầu trong các Viện bảo tàng, đó là Viện bảo tàng có lẽ tốt nhất thế giới và bà đã làm được.” Khi đó tôi tự nhủ: “Ồ, mình có thể là tấm gương cho các nữ sinh viên trẻ.” Và đó là cách tôi nhận ra tầm quan trọng của việc bổ nhiệm và sự lựa chọn đáng kinh ngạc mà Đức Phanxicô đã dành cho tôi.

Vì thế việc bổ nhiệm này đã có thể truyền cảm hứng cho các phụ nữ trẻ khác trên khắp thế giới.

Chính xác như vậy.

Vì nhiều người sẽ nói Vatican là môi trường của các ông hơn là nơi dành cho phụ nữ lãnh đạo, bà có thấy điều này đang thay đổi không? Dưới thời Đức Phanxicô, Vatican có thành nơi cởi mở hơn cho phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo không?

Một trăm phần trăm, đúng! Khi 27 hoặc 28 năm trước, tôi được bổ nhiệm… Thư viện Vatican đã thuê tôi; tôi là người phụ nữ thứ ba làm việc trong Thư viện Vatican. Và sau 20 năm khi tôi rời Thư viện Vatican, một nửa số nhân viên đã là phụ nữ, nhưng không ở những vị trí cao nhất. Kể từ khi tôi được bổ nhiệm, phụ nữ đã có được những vị trí cao nhất ngay cả trong Thư viện Vatican, các bộ khác và các tổ chức khác của Vatican. Nhưng không phải những vị trí cao nhất là vì sự nghiệp của họ nhưng vì họ là những người có trách nhiệm. Và bây giờ tôi đang ở cùng với Tổng thư ký của Chính quyền Thành phố Vatican, bà là một nữ tu. Sơ trẻ hơn tôi, nhỏ hơn tôi mười tuổi. Và sơ Raffaella Petrini thật tuyệt vời và phi thường. Sơ vừa được bổ nhiệm cách đây hai năm.

Vì thế bà thấy mọi thứ đã thay đổi?

Đúng vậy.

Khi Đức Phanxicô bổ nhiệm bà, ngài có nói điều gì đặc biệt với bà không, cụ thể là vì sao bà được chọn không?

Không, thực sự không. Khi tôi gặp ngài gần đây, một năm trước khi tôi được tái bổ nhiệm – tôi được bổ nhiệm lại thêm một nhiệm kỳ – ngài nói với tôi: “Phụ nữ có tổ chức hơn.” Và ngài có nói một điều gì đó về thiên tài của phụ nữ. Và tôi thấy rất dễ chịu vì ngài đã nói một cách thật tuyệt vời, tôi sẽ không bao giờ quên.

Tôi biết vào Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2023, ngài đã nói điều gì đó – và tôi muốn diễn giải – phụ nữ không chỉ sử dụng đôi tay cho trí óc của họ.

Chính xác. Nhưng tôi cũng nghĩ đàn ông cũng sử dụng như vậy. Vì thế tôi là một nhà nữ quyền nhưng dĩ nhiên tôi không chống lại đàn ông.

Bà cho biết có hơn 200.000 hiện vật trong các Viện bảo tàng Vatican, nhưng chỉ có một phần trăm được trưng bày. Rất nhiều bộ sưu tập bị ẩn hoặc để lại trong kho. Làm thế nào để bà quyết định nên triển lãm cho công chúng xem những gì? 

Dĩ nhiên nếu nhìn vào tỷ lệ phần trăm của những gì được trưng bày và những gì có trong kho thì điều này thật ấn tượng. Các bộ sưu tập cụ thể chỉ có 1% được trưng bày và 99% lưu trữ. Các bộ sưu tập khác, như bộ sưu tập Hy Lạp và La Mã cổ đại có nhiều hơn vì đó là bảo tàng lịch sử. Trong phòng chúng ta đang ngồi đây, ông thấy những bức tượng tuyệt vời, tất nhiên, rất quan trọng và có tầm vóc, các tác phẩm điêu khắc này rất khó giữ trong kho. Còn với một số tác phẩm triển lãm, chúng tôi giữ nguyên chương trình về mặt bảo tàng học. Các bộ sưu tập khác, như nghệ thuật đương đại hoặc hội họa, dễ di chuyển hơn vì các tác phẩm này đang được trưng bày. Và đó là lý do vì sao chúng tôi muốn triển lãm: toàn bộ sưu tập và kho lưu trữ rất lớn, tỷ lệ phần trăm là 25 đến 75%: 25% được trưng bày và 75% được lưu trữ. Chúng tôi có xu hướng quay vòng một số bộ sưu tập để triển lãm được tốt hơn.

Một trong những thách thức quan trọng với bà là không những bà phải giữ và duy trì kiến thức đáng kinh ngạc mà còn phải trưng bày và chia sẻ nó với thế giới. Đó có phải là một hành động cân bằng phức tạp để cố gắng thực hiện cả hai cùng một lúc không?

Không, tôi không nghĩ vậy. Đó là một phần nhiệm vụ của chúng tôi. Nhiệm vụ bảo tồn có nghĩa là khôi phục và bảo trì theo nghĩa rộng. Vì vậy, tất cả các bảo tồn về mặt sửa chữa, cũng như về mặt chăm sóc, nói chung, đó là một phần sứ mệnh của chúng tôi, nhưng cũng là DNA của chúng tôi. Vì vậy, đó cũng là một phần trong quan điểm của chúng tôi. Và đó cũng là sứ mệnh kể từ khi bắt đầu sưu tập ở triều giáo hoàng và sau đó ở Thành quốc Vatican. Tất cả các luật và tuyên bố pháp lý mà các giáo hoàng đã đưa ra trong suốt thế kỷ về việc bảo tồn và duy trì các tác phẩm nghệ thuật của Raphael được làm cứ mỗi 50 năm. Trong trường hợp này, chúng ta có một giáo hoàng hoặc một tuyên bố pháp lý để làm chứng về khía cạnh này. Và sau đó chúng tôi chia sẻ. Chia sẻ là công việc to lớn khác trong sứ mệnh của chúng tôi. Giao tiếp có nghĩa là chia sẻ theo nhiều cách: cách chúng tôi chào đón du khách… Hôm nay như ông thấy: chúng ta đang ở tháng ba và tháng ba là tháng bắt đầu một mùa tuyệt vời cho du khách, nhưng mùa tháng 1 và tháng 2, hoặc tháng 11 hiện nay là mùa cao điểm. Và tạ ơn Chúa, chúng ta gần như đã trở lại như trước đại dịch.

7 triệu lượt khách.

Đúng.

Bà dự đoán năm 2023 sẽ có những con số nào?

Thật khó để nói. Nhưng kết toán năm 2019, chúng tôi có gần 7 triệu khách và con số của hai tháng vừa qua nhiều hơn so với tháng 1 và tháng 2 năm 2019. Vì vậy, chúng ta chờ xem.

Việc đóng cửa các Viện bảo tàng trong thời gian đại dịch là một đòn giáng mạnh. Tôi không chỉ nói về tài chánh vì tiền cũng rất cần cho việc trùng tu. Nhưng đóng cửa lâu như vậy, có khó không?

Đó là giai đoạn khó khăn cho mọi người trên toàn thế giới. Vì vậy, đúng là khó khăn; thật đáng sợ. Ý là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc bị tác hại nặng, vì thế chúng tôi rất sợ. Chúng ta không biết kẻ thù này đến từ phương Đông, đến Ý và Milan – cảm tạ Chúa nó đã không đến Rôma trong những tháng đầu tiên đại dịch. Vì thế thật đáng sợ khi xem truyền hình thấy người ở Milan chết hàng loạt, thật đáng sợ. Và việc đầu hôm sớm mai phải đóng cửa và tái tổ chức cuộc sống cho gần 1000 người phải ở nhà không phải là chuyện nhỏ. Và hôm đó là ngày 9 tháng 3. Ngày 10 tháng 3 là ngày đầu tiên chúng tôi đóng cửa. Tôi phải nói, chỉ có một vài người trong chúng tôi đến Viện: tôi, thư ký và một vài người canh gác – chúng tôi kiểm tra trong thời gian bị đóng cửa, tất cả là bảy dặm của Viện bảo tàng. Làm sao có thể đóng cửa một cơ quan, một bảo tàng như thế này? Hàng ngày một vài người canh gác đi kiểm tra vào giờ ăn trưa. Viện như một thành phố ma: trống rỗng. Không thấy một bóng người chung quanh. Dù Viện bảo tàng là nơi chốn kỳ diệu, nhưng hơi đáng sợ, quá yên tĩnh. Điều mà tôi không bao giờ tưởng tượng dù trong giấc mơ điên rồ nhất khi nhận công việc… Rồi dần dần, tháng 6 chúng tôi mở cửa trở lại, có hai thời điểm mở cửa khác nhau trong ngày, để không ở cùng nhau vì không thể có nhiều người ở cùng địa điểm trong cùng một thời gian.

Và còn tốn phí khi đóng cửa bảo tàng. Tôi còn nhớ từng nghe kể, chi phí phủi bụi cho các bức tượng cũng tốn hơn 300.000 âu kim mỗi năm.

Khác với các viện bảo tàng trên thế giới như Louvre của Pháp hay Bảo tàng Anh, chúng tôi sống nhờ bán vé; nhà nước không hỗ trợ chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi đóng góp cho sinh hoạt của Quốc gia Thành phố Vatican và chúng tôi là một phần của chính quyền của Quốc gia Thành phố Vatican. Phải cách ly rồi mở cửa lại, tình trạng đã rất khó khăn, nhất là Đức Phanxicô xin chúng tôi trả lương cho tất cả các gia đình.

Vì vậy, tiền không vào nhưng tiền vẫn ra.

Đúng vậy. Tình trạng cứ như thế trong năm mở cửa và đóng cửa, liên tục như thế, khi chúng tôi mở cửa, không có khách du lịch hoặc rất ít khách du lịch Rôma và vùng Latium vì người dân không thể đi từ vùng này qua vùng khác. Tình huống không dễ dàng. Sau một năm, chúng tôi bắt đầu sợ. Mọi người xung quanh bắt đầu nghĩ đến việc bán đồ vật để tồn tại.

Mọi người nói lỗ hơn 100 triệu, hoặc 200 triệu hoặc một con số như vậy. Họ nói phải làm gì để phục hồi lại? Chúng tôi sẽ bán các tác phẩm nghệ thuật? Không thể tin được!

Nhưng một phép lạ đã đến. Từng chút một chúng tôi bắt đầu lại. Những con số hôm nay rất mỹ mãn. Trước đây chúng tôi nói chia sẻ: chia sẻ không chỉ là tiếp đón hàng ngàn người mỗi ngày nhưng còn chia sẻ trên internet. Trong thời gian đại dịch, chúng tôi cải thiện trang web rất nhiều. Bây giờ khách sẽ có các chuyến tham quan ảo đến nhiều phòng trưng bày của chúng tôi. Và có danh sách cụ thể của tất cả các tác phẩm được trưng bày để khách có thể nghiên cứu nhiều hơn về từng tác phẩm, nên khách có thể chuẩn bị kỹ hơn cho chuyến đi của mình hoặc biết nhiều hơn về các tác phẩm mình sẽ xem. Và chúng tôi chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Rất nhiều thứ đã được thực hiện.

Tôi cũng muốn hỏi bà về ngoại giao của Vatican vì đây là một phần hấp dẫn của Bảo tàng Vatican mà hầu hết mọi người cần tìm hiểu. Kho lưu trữ tác phẩm của Viện bảo tàng Vatican được dùng đề xây dựng mối quan hệ giữa Tòa thánh, Vatican và các quốc gia khác trên thế giới theo nhóm. Như tôi biết, các tác phẩm của Vatican đã được gởi đến Trung Quốc chẳng hạn. Và năm ngoái, tôi thấy Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã có cuộc Triển lãm Vatican. Bà có được kết quả gì từ những việc này, dùng các tác phẩm của Viện để xây dựng mối quan hệ?

Dĩ nhiên, chúng tôi là một bảo tàng toàn cầu theo cách rất khác với các bảo tàng quốc tế. Chúng tôi có mối quan hệ với tất cả các bảo tàng lớn và cả những bảo tàng nhỏ trên toàn thế giới. Và vì vậy, chúng tôi đã trao đổi để triển lãm, hoặc chúng tôi tổ chức triển lãm ở nhiều thành phố và bảo tàng khác. Bà có nói đến Trung Quốc nhưng còn nhiều nơi khác ở Mexico City, ở trường Cao đẳng ở Colegio de San Ildefonso, ở Chilê, ở châu Âu, ở Đông phương hoặc ở Bắc Mỹ. Trong việc này, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và bạn bè của chúng tôi, những người bảo trợ nghệ thuật của Viện bảo tàng Vatican, những người không những chỉ giúp chúng tôi trong việc trùng tu mà còn giúp chúng tôi trong việc chia sẻ các hiện vật. Họ giúp chúng tôi tổ chức các cuộc triển lãm và nhờ họ chúng tôi sẽ sớm tổ chức các buổi triển lãm nhiều hơn.

Vatican thấy đây là cách để mang kiến thức và giao tiếp đến những người thuộc các chủng tộc và quốc gia khác nhau về truyền thống và nét đẹp của đức tin công giáo, vì vậy, nơi nào lời không được lắng nghe, ngoại giao hoạt động không hiệu quả thì ít nhất chúng ta có được mối liên hệ qua nghệ thuật và vẻ đẹp của nó.

Bella! “Via pulchritudinis”, “Mỹ thuật, Con đường của cái đẹp” là ngôn ngữ mọi người có thể hiểu được. Cái đẹp không liên quan đến giới tính nào mà dành cho tất cả giới tính, dành cho tất cả những người có tâm hồn có thể hiểu được. Mọi người đều có thể hiểu cái đẹp.

Barbara Jatta: “Các viện bảo tàng Vatican, đó là ngoại giao về mặt văn hóa”

Đức Bênêđictô XVI nói, các thánh và nghệ thuật là những lời biện hộ xuất sắc nhất cho đức tin chúng ta qua cách họ sống và cho chúng ta thấy.

Thánh Phaolô VI đã nói một câu tuyệt vời: các nghệ sĩ là những nhà tiên tri và nhà thơ. Là tiên tri vì họ thấy mọi thứ trước người khác, là nhà thơ vì họ thấy mọi thứ cách thiết yếu. Vì vậy, ngay cả một tác phẩm nhỏ, một dấu hiệu nhỏ cũng có thể chắt lọc ý nghĩa và khái niệm. Và như thế là nhà tiên tri, là nhà thơ. Và đó là di sản quan trọng mà chúng ta có được, nhờ nghệ thuật.

Cuối cùng, sau bảy năm bà ở Viện bảo tàng Vatican, qua những thời điểm đáng kinh ngạc. Bà mong chờ gì ở tương lai?

Chúng tôi đang chờ Năm Thánh 2025. Chúng tôi đang chuẩn bị. Chúng tôi mong ngày càng có nhiều du khách, ngày càng nhiều khách hành hương, chúng tôi muốn chào đón nồng nhiệt, không chỉ bằng cách ngày càng có nhiều phòng triển lãm mở cửa, nhưng còn nghĩ về cách chúng tôi có thể giao tiếp và chia sẻ di sản đáng kinh ngạc này không chỉ là di sản nghệ thuật, di sản lịch sử mà chắc chắn còn là di sản đức tin. Vì thế, chính xác đó là những gì chúng tôi muốn làm, từ hôm nay, cho quá khứ và cho cả tương lai.

Từ hôm nay và cả trong tương lai. Chúng tôi cám ơn bà rất nhiều.

Xin cám ơn.

Marta An Nguyễn dịch