Một ngày nào đó Đức Bênêđictô XVI sẽ có thể thành tiến sĩ Hội thánh không?

231

Một ngày nào đó Đức Bênêđictô XVI sẽ có thể thành tiến sĩ Hội thánh không?

la-croix.com, Vinciane Joly và Malo Tresca, 2023-01-05

Báo La Croix phỏng vấn hai thần học gia Linh mục thần học gia Jean-Robert Armogathe, giám đốc tạp chí Communio và linh mục Olivier Artus, tiến sĩ Thần học, Viện trưởng Viện Đại học Công giáo Lyon, cựu thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh

Đức Joseph Ratzinger là thần học gia trước khi là giáo hoàng, tang lễ của ngài được cử hành ngày 5 tháng 1, ngài để lại một công trình trí tuệ to lớn. Một di sản mà với một số người, ngài sẽ có danh hiệu hiếm hoi và mang tính biểu tượng trong truyền thống Giáo hội, và cần phải phân định trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Chân dung của Đức Bênêđictô XVI ở nhà thờ chính tòa Đức Mẹ ở Munich ngày 3 tháng 1 năm 2023. Sven Hoppe/dpa/picture-alliance

“Ngài có tầm vóc một tiến sĩ Hội thánh của một ngày nào đó”

Linh mục thần học gia Jean-Robert Armogathe, giám đốc tạp chí Communio

Chắc chắn Đức Bênêđictô XVI là một trong các thần học gia vĩ đại của thế kỷ 20. Đời sống thọ của ngài đã giúp ngài làm một khối lượng công việc khổng lồ. Công việc này một ngày nào đó sẽ làm cho ngài thành tiến sĩ Hội thánh. Tuy nhiên, nếu ngài là một trong những thần học gia hàng đầu đánh dấu sự kết thúc của thế kỷ 20, thì chắc chắn ngài không phải là người duy nhất. Cuối thiên niên kỷ thứ hai có nhiều nhà trí thức lỗi lạc và cho chúng ta những nhà thần học vĩ đại khác. Tôi đặc biệt nghĩ đến các thần học gia Hans Urs von Balthasar hoặc Henri de Lubac. Ngoài việc là nhà thần học xuất chúng, việc Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng vẫn chưa đủ. Triều giáo hoàng của ngài không thể là chìa khóa duy nhất để có được phẩm chức tiến sĩ Hội thánh.

Mặt khác, chức vị tiến sĩ Hội thánh mới xuất hiện gần đây trong lịch sử Giáo hội công giáo. Nó có từ cuối thời Trung cổ. Bốn giáo phụ la-tinh được giáo hoàng Boniface VIII phong tước hiệu này năm 1295 là Thánh Augustinô, Thánh Ambrôsiô, Thánh Giêrônimô và Thánh Grêgôriô Cả. Sau Công đồng Trent, bốn giáo phụ đông phương, Thánh Athanasius ở Alexandria, Thánh Basil ở Caesarea, Thánh Gregory ở Nazianzus và Thánh Gioan Kim tiền được thêm vào danh sách này. Để được công nhận là tiến sĩ Hội thánh, thì giáo huấn của họ phải được công nhận là bậc thầy.

Với tầm vóc uyên bác bao la và văn hóa cao, Đức Bênêđictô XVI đã truyền đạt một giáo huấn tuyệt vời. Ngài là nhà thần học vĩ đại theo hai cách: là giáo sư và giữ chức vụ giáo huấn với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và sau đó là giáo hoàng tối cao. Ngài có hai đức tính chính. Trước hết, sư phạm xuất chúng trong cách ngài giải thích tư tưởng của ngài, được thể hiện qua tác phẩm Đức tin Kitô giáo hôm qua và ngày nay, một dẫn nhập vào kitô giáo. Và ngài biết đưa ra điều cốt yếu. Với nhạy bén đặc biệt, ngài không bao giờ hài lòng với ý kiến chung lặp lại những gì các tiền nhiệm của ngài đã lên khuôn. Khi là thần học gia trẻ, ngài đã có cái  nhìn nhạy bén về các tác phẩm của Thánh Augustinô, Thánh Bonaventura.

Đức Bênêđictô XVI: một trí thông minh nhân từ

Nhờ sống lâu, ngài đã tiếp cận được tất cả các luận thuyết thần học. Đặc biệt ngài triển khai mạnh về thuyết cánh chung, trong tác phẩm Cái chết và bên kia, về giáo hội học, về đời sống Giáo hội. Ngài cũng duy trì cách chú giải hoàn chỉnh, đến cùng, kết hợp giữa chú giải khoa học và Kinh thánh được hiểu theo đúng nghĩa, nghĩa là câu chuyện được các tín hữu truyền lại. Nếu ngài không xuất bản nhiều tác phẩm về thần học luân lý, nhưng chúng ta đừng quên ngài là nguồn cảm hứng cho các văn bản vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt là các thông điệp xã hội.

“Không nên nhầm với ‘đại trí thức’”

Linh mục Olivier Artus, tiến sĩ Thần học, Viện trưởng Đại học Công giáo Lyon, cựu thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh (2001 đến 2014)

“Theo tôi, còn quá sớm để đặt vấn đề về một tuyên bố như vậy với Đức Bênêđictô XVI. Nhưng chắc chắn, ngài đã để lại một di sản thần học đáng kể trong việc chú giải Kinh thánh, một chủ đề ngài nhấn mạnh trong di chúc thiêng liêng của ngài. Hiến chế tín lý Lời Chúa, Dei Verbum của Công đồng Vatican II khẳng định phải lưu ý đến chú giải của các Giáo phụ (số 8) và làm các phương pháp chú giải lịch sử đương đại hơn (số 12) – mà không đi vào chi tiết của các thể thức cụ thể trong lập luận của chúng – Joseph Ratzinger, với tư cách là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã tìm cách xác định mối quan hệ giữa hai cách tiếp cận bản văn này.

Ngay từ năm 1968, được thúc đẩy nhờ hiếu kỳ trí tuệ và nhờ quyết tâm đi tìm sự thật mà theo ngài, không ai có thể thoát khỏi, ngài đã dự kiến, trong tác phẩm Đức tin Kitô giáo hôm qua và ngày nay, một cách tiếp cận “kinh điển” với bản văn Kinh thánh. Ngài khẳng định, trong tổng thể, Kinh Thánh làm cho cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô, chân lý tối hậu của thế giới chúng ta trở nên khả thi. Cuộc gặp gỡ trong đức tin với Chúa Giêsu Kitô là điều kiện tiên quyết để giải thích Kinh thánh chính xác, không phụ thuộc hoàn toàn vào một kỹ thuật, nhưng tìm cách trình bày rõ ràng các kết quả của một nghiên cứu khoa học và những kết quả của một phương pháp tiếp cận thần học.

Để biết liệu một ngày nào đó Đức Bênêđictô XVI có thể là tiến sĩ Hội thánh không, có lẽ trước tiên chúng ta nên nhớ trong lịch sử chỉ có 37 thánh nhận tước hiệu này – người cuối cùng là Thánh Irenaeus thành Lyon (tháng 1 năm 2022). Các thánh tiến sĩ có chân dung khác nhau, từ Thánh Bonaventura đến Thánh Tôma Aquinô, cho đến các nhà thần nghiệm như Thánh Hildegard xứ Bingen hay Thánh Têrêxa Lisieux…

Việc được phẩm chức này một mặt dựa trên sự thánh thiện, mặt khác dựa trên đóng góp thần học của họ để dân Chúa hiểu rõ hơn về mầu nhiệm thiêng liêng. Liên quan đến điểm cuối cùng này, Đức Bênêđíctô XVI đã nhấn mạnh, trong tác phẩm Đức Tin Đức tin Kitô giáo hôm qua và ngày nay, về chiều kích cộng đồng trong việc khám phá Thiên Chúa, vì  không bao giờ đây là một hành trình thuần túy cá nhân.

Về cơ bản, theo tôi, chúng ta không nên nhầm lẫn giữa ‘đại trí thức’ và tiến sĩ Hội thánh. Việc phân định dẫn đến tuyên xưng ngài là tiến sĩ sẽ liên quan đến các giáo hoàng kế vị ngài và sẽ là một thời gian dài. Giáo hội có các quy tắc rõ ràng về thời gian cần thiết để phong chân phước, phong thánh và tuyên bố một tân “tiến sĩ Hội thánh”. Tính nhất thời lâu dài này của Giáo hội thực sự là một khôn ngoan.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch