Xin ngừng dạy đời cho toàn thế giới!

411

Xin ngừng dạy đời cho toàn thế giới!

Chương 12 sách Công giáo trong tự do

 

Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, René Poujol, 2022-01-09

Nếu có một “đạo đức” nào rút ra từ các sách Phúc Âm, thì đó là bớt nói về Phúc Âm và chính kitô giáo không thể bị thu gọn thành một thứ luân lý. Giáo hội, tự cho mình là nhà luân lý, tự xưng mình là “chuyên gia về nhân loại” và bây giờ Giáo hội bị vướng vào bẫy của những vụ tai tiếng đủ loại làm cho lời của Giáo hội nghe không lọt tai. Có lẽ Giáo hội nên tận dụng cơ hội này để thực sự lắng nghe “thế giới” và khám phá lại, đạo đức có giá trị duy nhất là tình yêu không điều kiện.

Xin ngừng dạy đời cho toàn thế giới!

Ít có các thể chế nào như Giáo hội đã thua một cách hệ thống tất cả các trận chiến diễn ra trong ba phần tư thế kỷ nay. Không quay lại vấn đề ly dị, vốn đã được đưa vào luật của chúng ta từ thời Cách mạng Pháp, còn những vấn đề khác như: ngừa thai, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, phá thai, hôn nhân đồng tính, dịch vụ mang thai thuê, trợ sinh nhờ kỹ thuật y khoa và an tử. Hiện tượng này mang tính toàn cầu và vì thế không phải chỉ một mình nước Pháp quan tâm. Giáo hội không những không còn có thể áp đặt bất cứ điều gì trong các xã hội thế tục và đã thế tục hóa như xã hội Pháp, và chính “khuyến cáo” của Giáo hội thường bị phớt lờ hoặc mất uy tín vì bị cho là “dạy đời” hơn là luân lý. Và rồi, việc răn bảo về tình dục hoặc tôn trọng quyền trẻ em trở thành điều không thể chấp nhận trong bối cảnh các vụ tai tiếng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, liên hệ đến hàng trăm linh mục vì những tội ấu dâm, thậm chí toàn bộ giám mục đã che giấu không tố cáo. Sách Giảng viên nói, có một thời cho tất cả, “mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời… một thời im lặng, một thời để nói”. Trong những bối cảnh này, chúng ta sẵn sàng đổi qua đề xuất: một khoảng thời gian để im lặng sau khi đã nói quá nhiều.

Người ta nói với tôi, “Giáo hội không chỉ nói về tình dục”. Ngoại trừ ý kiến ngược lại được thuyết phục. Làm một phỏng vấn nhỏ ở vĩa hè về người công giáo. Người ta sẽ định nghĩa cho bạn, người công giáo không phải qua đức tin nhưng qua những chuyện không liên quan đến đức tin của họ, nhưng đó là những người chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính, chống  trợ sinh nhờ kỹ thuật y khoa… Nói chung tất cả những chuyện, mà từ một thế kỷ nay đã thúc đẩy sự giải phóng cá nhân trong đời sống tình cảm và đời sống vợ chồng. Những phản động chỉ trong một từ! Khách quan mà nói, việc các linh mục không nói cố định về một chủ đề cũng không ngăn cản nó thành thông điệp mà giáo dân muốn nghe. Không phải, như người ta thường gán cho nó quá dễ dàng vì sự nham hiểm của các phương tiện truyền thông, nhưng vì trên thực tế, quá nhiều tuyên bố của Rôma trong hàng thập kỷ gần đây, buộc các nhà báo phải bình luận, đã tạo cảm nhận họ là những người “canh cửa” bảo vệ chính thống thẩm quyền, họ, họ thực sự đã làm dính chặt câu hỏi. Cho đến khi Đức Phanxicô xuất hiện, giải thích rằng chúng ta không thể để hết thì giờ để nói về chuyện này, và rằng “trong tất cả, tội lỗi tình dục là ít nghiêm trọng nhất.”

Có lẽ đã đến lúc phải im lặng trước những vấn đề này. Phải im lặng vì lời của thể chế được cho là “chuyên gia về nhân loại” hoàn toàn mất uy tín và không còn nghe được. Cứ giảng quá nhiều về tình dục như thử đó là tội ác tuyệt đối, Giáo hội bị mắc vào chính cái bẫy của mình. Và không thể ở vị trí để cho bài học. Và lời khuyên này cũng áp dụng cho chính người công giáo, thường nhanh chóng lên mạng xã hội hoặc ở những nơi khác, để dạy đời cho toàn thế giới, bảo vệ đến cùng quan điểm của họ về mọi thứ.

Giáo hội không thể tự cho mình là người duy nhất có các quan điểm về thiện và ác

Ủy ban Thần học Quốc tế mà tôi đã nói về cảm thức đức tin, trong một tài liệu đã chính xác nói, nên gọi là luật tự nhiên những gì mà Giáo hội dựa trên tính phổ quát đạo đức của mình để nói. Bằng ngôn ngữ đôi khi khó cho những người chưa quen, Giáo hội nhắc lại Giáo hội không độc quyền về quy luật tự nhiên, vì quy luật này luôn được Chúa ghi khắc trong lòng mọi người, nhưng Giáo hội lại giải thích, chính xác nhân danh mình là “chuyên gia về con người”. Có nghĩa Giáo hội tự phong quá đáng, không hơn không kém, quyền phân định thiện và ác. Điều này ngày nay là chuyện không thể chấp nhận được trong các xã hội đa nguyên chúng ta, ngay cả dưới mắt của nhiều tín hữu.

Vì thế nếu Giáo hội phải giữ im lặng, thì cũng nên hiểu, trên một số vấn đề nào đó, Giáo hội nếu không xem xét lại, thì ít nhất cũng phải đào sâu và xem lại các nguồn của chính mình, và chắc chắn phải cải tổ lại nội dung của mình. Im lặng để có thì giờ lắng nghe những gì các truyền thống triết học và tôn giáo khác có thể nói trong lương tâm – vì họ cũng có điều để nói – về những chủ đề mà Giáo hội nghĩ mình đang nắm giữ, và chỉ có một mình Giáo hội nắm giữ sự thật vĩnh hằng.

“Luôn phải hiểu tốt hơn làm thế nào con người ngày nay lãnh hội” – Đức Phanxicô

Trong cuộc phỏng vấn với linh mục Antonio Spadaro vào mùa hè năm 2013 cho tạp chí Dòng Tên Văn minh Công giáo, Đức Phanxicô giải thích: “Để phát triển và đào sâu giáo huấn của mình, tư tưởng của Giáo hội phải tìm lại thiên năng của mình và hiểu rõ hơn bao giờ hết cách con người ngày nay lãnh hội.” Nhưng liệu chúng ta để con người tự mình diễn tả những gì làm nên đời sống, các mong muốn, các hy vọng của họ không? Chẳng hạn nhận thức về các thách thức lớn của đạo đức sinh học ngày nay?

Tháng 1 năm 2018, những biến động bạo lực đã phát sinh khi báo La Croix công bố về cuộc thăm dò của Viện Nghiên cứu ý kiến quần chúng và thị trường Pháp, IFOP cho thấy đa số người công giáo không những chỉ ủng hộ dịch vụ mang thai thuê, trợ sinh nhờ kỹ thuật y khoa mà còn ủng hộ an tử (56% so với 71% tổng số người dân Pháp). Mặc dù cấm đoán tuyệt đối và phổ quát. việc giết người là trọng tâm của truyền thống Kinh thánh cũng như các truyền thống khác. Bằng chứng là mã Hammurabi của người Babylon (1750 trước công nguyên) được khắc trên bia đá, chúng ta có thể xem tại Bảo tàng Louvre. Chúng ta có nên đơn thuần lo lắng trước sự sai lệch trong quan điểm công giáo hay chúng ta nên cố gắng hiểu điều gì có thể là động lực sâu thẳm?

Trong câu chuyện thời sự, chỉ cần khơi lên một trong những thảm kịch liên hệ đến giai đoạn cuối đời như trường hợp chung cục của ông Vincent Lambert đầu mùa hè năm 2019, là chúng ta sẽ nghe một trong người thân của mình, kể cả người công giáo sẽ nói, nếu ngày nào đó họ ở trong tình trạng này, họ mong được giúp đỡ để chết. Cả một cú sốc với tôi, tôi thú thật, khi trong một thăm dò, một bà lớn tuổi mộ đạo giải thích lựa chọn của bà cho tôi nghe, bà không muốn một ngày nào đó trở thành “gánh nặng cho con cái”, bà trích dẫn Phúc âm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Đây có phải là lạm dụng, là làm ngược sai lệch thông điệp kitô giáo không?

Đâu là điều cấm trong Kinh thánh: “Không được giết người” hay “không được thảm sát”?

Chúng ta biết quy tắc vàng của đạo đức phổ quát: “Đừng làm cho người khác những gì bạn không muốn người khác làm cho bạn.” Điều này được các sách Phúc âm nêu bật: “Tất cả những gì bạn muốn người khác làm cho mình, hãy làm cho họ”. Và ngày nay, trong sự đảo ngược mà chúng ta không đo lường được, giới luật này đưa ra một ánh sáng bất ngờ cho các cuộc tranh luận liên quan đến sự kết thúc đời sống. “Tất cả những gì bạn muốn người khác làm cho mình…” cũng có thể bao gồm mong muốn kết thúc đời mình cách êm thắm, tránh càng nhiều càng tốt những thử thách đau khổ, những suy thoái về thể chất hoặc tâm lý của chúng ta. Điều này bây giờ có thể có được nhờ những tiến bộ y khoa qua chăm sóc xoa dịu, “thuốc an thần giai đoạn cuối” được quy định theo luật pháp của nước Pháp và có lẽ nay mai là an tử. Từ quan điểm này, nhà văn Pháp Michel Houellebecq viết trong một chuyên mục trên báo Le Monde về vụ Vincent Lambert: “Không ai muốn chết…” Không chắc nhận thức của ông là đúng. Không! Có những người, trong một số trường hợp, muốn chết, dù chúng ta biết chăm sóc giảm nhẹ ngăn chặn!

Nếu “những gì tôi muốn người khác làm cho tôi” là giúp tôi chết, thì về mặt đạo đức, điều này có dựa trên quyền của tôi là trả lời thuận cho yêu cầu được chết của người khác không? Thực sự điều này có vi phạm đến điều răn cấm giết người không? Nhưng giết người là gì? Trong bản dịch Thánh Kinh của mình, tác giả André Chouraqui đã cấu trúc điều răn thứ sáu theo thuật ngữ sau: “Không được thảm sát!”, ám chỉ ý tưởng giết người với dự mưu. Có còn là giết người khi “nạn nhân” đồng ý hoặc thậm chí yêu cầu không?

Xin đừng hiểu lầm chúng tôi, tôi giải thích không phải tôi đồng ý. Tôi mong có cơ hội để nói lý do vì sao tôi vẫn kiên quyết phản đối việc hợp pháp hóa an tử. Tôi chỉ đơn giản muốn, với những câu hỏi vô cùng phức tạp, tôi mời gọi suy ngẫm, chỉ là dựa trên những xác tín riêng của mình. Trong các cuộc tranh luận sắp đến, người công giáo nên cẩn thận trong mọi thái độ lên án, tố cáo, bác bỏ quá vội vàng khi chỉ đơn thuần nhân danh tôn trọng luật luân lý.

Thế giới chúng ta đang đau khổ…

Trong quyển sách được xuất bản năm 2015, linh mục thần học gia Bỉ Gabriel Ringlet, nguyên phó viện trưởng Đại học công giáo Louvain, nói lên chứng từ khi cha tháp tùng những người đang được chăm sóc chờ chết, một số người xin được chết. Họ thường là tín hữu, kể cả những người giữ đạo, họ đứng trước chọn lựa với những câu hỏi thiêng liêng sâu đậm. Liệu linh mục có nên từ chối mọi tháp tùng để không bị cho mình đồng ý với một thực hành mà mình không chấp nhận không? Một tình huống khó xử! Và con đường hoán cải thật khó khăn cho tất cả chúng ta, khi đó là sự cần thiết phải “nghi thức hóa” giây phút ra đi cho gia đình và những người thân yêu. Chúng ta có nên làm phép cho người sắp chết không? Chắc chắn là nên! Nhưng với người quyết định cái chết của mình, ngược với ý tưởng cho rằng mọi đời sống đều thuộc về Chúa thì sao?

Chúng ta nhớ câu của Đức Phanxicô, cũng trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Dòng Tên: “Tôi thấy rõ điều Giáo hội ngày nay cần nhất, đó là khả năng chữa lành vết thương và sưởi ấm trái tim tín hữu, gần gũi, chung sống. Tôi xem Giáo hội như một bệnh viện dã chiến sau trận chiến. Chúng ta phải chữa lành vết thương. Sau đó, chúng ta có thể giải quyết phần còn lại. Chữa lành vết thương, làm lành vết thương.”

Có phải để đấu tranh cho sự trở lại thứ trật luân lý thay vì tố cáo sự rối loạn phi luân lý của các xã hội bị thống trị bởi đồng tiền không?

Thế giới của chúng ta đang đau khổ, ở đây, chung quanh chúng ta. Phong trào Áo vàng mà từ sáu tháng nay đã đánh dấu sự sống đất nước là một minh họa trong số những minh họa khác về những gì gọi là mơ hồ. Tất nhiên, điều này phần lớn là do các lý do kinh tế và xã hội làm gián đoạn và hạn chế khả năng có công ăn việc làm, nhà ở hoặc được chăm sóc y tế. Nhưng đó không phải là những lý do duy nhất. Ngoại trừ việc chúng ta đang vào điều cấm kỵ ở cả xã hội và ở cả phương tiện truyền thông. Vẫn có thể nói, viết, rằng cái giá phải trả về tài chính, xã hội và tình cảm của việc ly dị hoặc ly thân đang đè nặng lên hàng triệu người Pháp, người lớn và trẻ em không? Rằng gia đình tái tạo còn lâu mới trở thành phương thuốc chữa bách bệnh được mô tả dài dòng trong các cuộc khảo sát và trên các chương trình truyền hình không? Rằng ma túy, tình dục, rượu chè, phạm pháp, tự tử trong giới trẻ cũng có nguồn gốc phần lớn trong cấu trúc gia đình tan vỡ? Và rằng khát vọng về nhiều quyền tự do cá nhân, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa tự do xã hội, phải trả một giá quá đắt? Quý vị cứ thấy trên các chương trình ban đêm, khi những người không quen biết vào thố lộ nỗi bất an, tuyệt vọng của mình. Quý vị hãy hỏi các bác sĩ, các tâm lý gia, các hiệp hội gia đình và các tổ chức từ thiện. Quý vị hãy nghe các “phụ nữ phục vụ” trong căng-tin trường học, họ sẽ kể cho quý vị nghe có những em bé đột nhiên trở nên hung hăng và bạo lực chỉ sau một đêm nghe tin cha mẹ quyết định xa nhau.

Ai cũng đều biết câu nói của cha Helder Camara, câu này được diễn giải ra hàng trăm cách khác nhau: “Khi tôi nuôi một người nghèo, họ nói tôi là thánh; khi tôi hỏi vì sao họ nghèo, họ cho tôi là người người cộng sản”. Nói theo cách khác: khi tôi nói lên tình đoàn kết và nhân ái của tôi với phụ nữ đơn thân lo lắng cho gia đình, người ta khen tôi có lòng nhân nhưng khi tôi băn khoăn về nguyên nhân khách quan của hiện tượng này, tôi bị cho là người phản động. Vì điều đó dường như gợi ý, về phần tôi, nghi vấn ly dị hoặc tự do không kết hôn (sống chung, vợ lẽ, tự do sống chung…), vậy mà trên thực tế, đó là làm tổn hại đến quyền của những người mong manh nhất trong trường hợp chia tay. Tại sao phương tiện truyền thông lại tẩy chay? Tại sao đến điểm này nó lại trở thành vấn đề chính trị, văn hóa, không đáng để đấu tranh – thậm chí không thể được – cho cặp của họ? Với điều kiện biết mình mong manh, biết tha thứ và không ở trong ảo tưởng rằng tình yêu chỉ có thể tồn tại với đam mê. Có phải để ca ngợi sự trở lại của thứ trật đạo đức, để tố cáo sự rối loạn vô luân của các xã hội bị tiền bạc thống trị, khi chung thủy không còn bị cho là tiêu cực, như nỗi sợ thay đổi? Như thể nó chỉ đơn thuần là thay xe hoặc thay nhãn hiệu chất tẩy rửa!

Chúng ta đừng tốn nhiều sức để tố cáo điều ác hơn là làm điều thiện.

Tôi hoàn toàn tin rằng nhiều cải cách xã hội hiện nay đang được tiến hành và chống lại những cải cách mà tôi đã liên tục đấu tranh trên blog của tôi sẽ mang lại những đau khổ mới. Khi mong muốn của người lớn dù chính đáng đến đâu lại phủ nhận quyền trẻ em. Nhưng tôi cũng tin đây là nội dung bị cho là dạy đời và như thế với nhiều người là không chấp nhận được. Nói “khi thuận lợi cũng như khi gian nan” là cụm từ đẹp, nhưng không may trở thành vô nghĩa, khi những người bạn đang nói chuyện hoàn toàn không thể lãnh hội và hiểu được những gì bạn nói.

Tôi nhớ tôi đã viết bài khảo luận trên báo Pèlerin: “Độc giả không chờ những người công giáo chúng ta giảng cho họ, nhưng cùng đi với họ trong tinh thần huynh đệ. Đừng tốn nhiều sức lực để tố cáo điều ác hơn là làm điều thiện.” Với tôi, xác tín này không hề lỗi thời.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Ly hôn, đồng tính… vẫn còn phải cố gắng!