Hồi kết được công bố của một mô hình Giáo hội

102

Hồi kết được công bố của một mô hình Giáo hội

Trong bối cảnh cuộc họp khoáng đại của các giám mục Pháp tại Lộ Đức từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 11 năm 2022, linh mục Laurent Stalla-Bourdillon, giáo sư tại Học viện Bernardins và giám đốc Văn phòng Chuyên gia thông tin đặt vấn đề về tương lai của tổ chức giáo hội.

lavie.fr, Laurent Stalla Bourdillon, 2022-11-03

Linh mục Laurent Stalla-Bourdillon đứng đầu Văn phòng Mục vụ Nghiên cứu Chính trị (Spep). Với chức vụ này, linh mục là tuyên úy của giới chính trị. Linh mục là giáo sư tại Học viện Bernardins. Corinne Simon / Hans Lucas. 

 

Hồi kết của Giáo hội công giáo Pháp thường là chủ đề suy đoán của giới quan sát. Sự biến mất dần dần của nó trong đời sống xã hội và việc giữ đạo sút giảm nặng thường có xu hướng cho rằng giáo hội ở đây bị ở bên lề xã hội. Những tiết lộ hàng loạt các vụ tai tiếng và cách xử lý tai hại đã làm giáo hội mất uy tín. Dứt khoát là thời Giáo hội làm giám hộ cho xã hội đã hết. Sự độc quyền không còn. Tính hiện đại, được hỗ trợ bởi chủ nghĩa thế tục đã thay đổi hoàn toàn lá bài, di sản quyền hành chuyển qua tay người khác.

Một cách khoa học, qua những nhận định của họ, các nhà xã hội học đã thành những nhà tiên tri về đoạn kết của đạo công giáo. Họ không hình dung trong chốc lát Giáo hội công giáo có thể cải tổ để duy trì lòng tin vào Chúa Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết trong đời sống đạo ở Pháp. Những suy tư mà Đức Phanxicô mong muốn cho “tinh thần hiệp hành” (để có thêm hiệp thông trên đường đi giữa các cộng đồng) cũng nhằm vào một cuộc cải cách như vậy.

Giáo sĩ, giáo xứ, bí tích: một mô hình bị dẫn dắt sai

Đoạn kết của một mô hình Giáo hội không phải là đoạn kết của đạo công giáo ở Pháp. Nó báo hiệu sự biến đổi, hay đúng hơn là sự biến mất sắp xảy ra của một hình ảnh quen thuộc: một nhà thờ được quy tụ chính quyền linh mục phục vụ các giáo xứ, tạo con đường thánh hóa, đời sống của các bí tích.

Mô hình này bị cho là không còn trong tương lai. Các con số chứng minh và tiếc thay, chúng ta phải tin chắc về điều này, con số các linh mục ở Pháp giảm đến chóng mặt đồng nghĩa với việc không còn khả năng ban bí tích, như thế không duy trì được mô hình giáo xứ truyền thống. Thượng hội đồng đang bước vào giai đoạn lục địa sau giai đoạn giáo phận, nhấn mạnh đến vấn đề “giảm số lượng linh mục và thiện nguyện viên dẫn đến tình trạng kiệt quệ”. (Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa, số 19).

Để hiểu đầy đủ hậu quả nhân khẩu học của việc suy giảm này, chúng ta cần nhớ toàn bộ kiến trúc đời sống kitô hữu dựa trên việc thực hành các bí tích, rước lễ, xưng tội, đảm bảo con đường nên thánh cho tín hữu, khi đó giáo sĩ là trọng tâm của hệ thống. Đó là lý do vì sao mô hình không được dẫn dắt đúng này sẽ biến mất trong những năm tới.

Một hệ thống không đứng vững nếu không đổi mới các ơn gọi

Năm 2010, nhà báo Henri Tincq, chuyên gia về tôn giáo đưa ra  cái nhìn tổng thể thực tế theo các con số thống kê số lượng linh mục ở Pháp: “Với một linh mục được chịu chức thì có tám linh mục qua đời. Hàng giáo phẩm là một cơ thể thiếu máu, liên tục thiếu máu mới, đã giảm từ 41.000 vào đầu những năm 1960, xuống còn 36.000 năm 1975, 20.400 vào năm 2000, ngày nay xuống còn 15.000. Một số giáo sĩ ngày càng già và kiệt sức: một nửa linh mục Pháp trên 75 tuổi. Từ rất lâu các giáo phận nông thôn không còn phong chức cho một linh mục nào. Chỉ có không đầy năm mươi linh mục làm việc, một số ở những vùng không còn thiên chúa giáo, thì ít hơn hai mươi.”

Nếu có những khác biệt trong các ước tính, nhưng có một thực tế là trong vòng chưa đầy 30 năm, số lượng linh mục (linh mục triều cũng như linh mục dòng) đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 14.000 năm 2021. Mỗi năm nước Pháp mất 700 linh mục, trong 10 năm mất hơn 7.000. Và tình hình sẽ như thế nào trong 30 năm nữa. Năm 2050, nếu không có đổi mới trong ơn gọi thì hoàn toàn không thể duy trì được một hệ thống như ngày nay.

Sự thiếu hụt cơ cấu này không chỉ làm mất đi khả năng quản lý vật chất của các giáo xứ dù đã được đổi mới, các nhóm giáo xứ luôn lặp đi lặp lại họ đã chạm đến giới hạn, nhưng trước hết là mô hình đời sống thiêng liêng của tín hữu: nên thánh qua việc thường xuyên tham dự các bí tích.

Dĩ nhiên tình hình này không đồng nhất trên toàn nước Pháp. Các thành phố sẽ ít bị ảnh hưởng hơn các vùng nông thôn rộng lớn. Như Đức Phanxicô thường nhấn mạnh, “thời gian vượt trội hơn không gian”. Vì thế vấn đề đặt ra là khởi đầu các tiến trình giúp cho việc loan báo đức tin có thể được thực hiện qua kinh nghiệm sâu đậm của các bí tích và phẩm chất của các cuộc gặp gỡ.

Ưu tiên: tính lâu dài của đức tin

Vì thế đứng trước việc số lượng linh mục giảm nặng nề, ngay bây giờ phải dự kiến không chỉ để xem lại việc tổ chức thực tế, mà còn mở rộng giáo luật. Liệu chúng ta có thể tiếp tục dạy một mô hình mà ngày mai việc triển khai là không thể thực hiện được không? Có một căng thẳng không nói ra giữa những người của thánh lễ trước công đồng và thánh lễ của người Pháp (và người Âu châu) dứt khoát muốn đi ra khỏi việc giữ đạo.

Việc làm chứng cho đức tin lâu dài vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế đã có ở nhiều quốc gia trên thế giới, ở những nơi trong hàng chục năm không có linh mục, chứng tỏ đời sống giáo dân không hoàn toàn tùy thuộc vào đời sống thờ phượng, dù một cách tự nhiên nó đòi hỏi việc cử hành các nghi lễ có sự tham dự của giáo dân. Vì thế thánh hóa nhờ bác ái, phục vụ người nghèo, phụng vụ gia đình và học lời Chúa khi đó sẽ là những mẫu tự mới rất cao quý. Đức tin thể hiện nơi bí tích của anh chị em, mà nhân tính được cứu trong Chúa Kitô một lần nữa trở thành tâm điểm của chứng từ.

Tính lâu dài của đức tin kitô giáo ở Pháp vẫn là mối quan tâm duy nhất của các giám mục, hơn là việc phục vụ các giáo xứ của một linh mục mệt mỏi. Sáu mươi năm sau khi Công đồng Vatican II khai mạc, đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại cách chúng ta tổ chức cuộc sống của các cộng đồng, và trên hết là suy nghĩ lại cách thức làm cho một cộng đồng sống trong kỷ nguyên của thế giới kỹ thuật số.

Cần tìm hỗ trợ mới trong công nghệ mới để đối thoại và giảng dạy, theo các phương thức bất ngờ và đổi mới. Cũng sẽ cần phải xác định những mô hình mới của cuộc gặp gỡ trong đời sống thực giữa các tín hữu, đặc biệt là trong các lễ hội không nhất thiết buộc phải cử hành trong thánh lễ. Các nhóm giáo dân họp nhau học Lời Chúa, thời gian phục vụ và chia sẽ là trọng tâm đời sống thực của giáo dân. Sống tại trọng tâm này sẽ thấy được sự hiện diện của Chúa, Đấng trở nên người phàm như chúng ta.

Một cố gắng sáng tạo và lắng nghe

Phép Thánh Thể không chỉ là thánh hiến bánh và rượu, nhưng thực sự là thánh hiến cả cộng đoàn họp lại; làm cộng đoàn thành Bánh Hằng Sống, thấm nhuần Chúa Thánh Thần để nâng đỡ và an ủi những người đau khổ. Liệu thánh lễ có một tính cách đặc biệt hơn vì sự hiếm có của nó không?

Tương lai sẽ không phải là sự tiếp nối đường thẳng của quá khứ. Để làm chủ ít nhất một phần tương lai mà không phải chịu tác động của những thay đổi đương thời, chúng ta phải nỗ lực sáng tạo và lắng nghe. Lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội và cả thế giới nói với Giáo hội, ý thức rằng “Lời Chúa chỉ truyền qua lời nói của con người” (Đức Bênêđíctô XVI ngày 13 tháng 9 năm 2008, “Lời nói với thế giới văn hóa” Học viện Bernardins).

Đây thực sự là thách thức của suy tư đồng nghị. Khi đó, đức tin vào Chúa sẽ vẫn sống động và hân hoan ở Pháp, và Giáo hội công giáo, tôi tớ của hy vọng và dấu chỉ của cứu rỗi sẽ có thể truyền cảm hứng cho xã hội trong công cuộc tìm kiếm sự hiệp nhất và tình huynh đệ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Nước Pháp: sự bất ổn lan tỏa của các linh mục