Người con hoang đàng, khi sự khác biệt là niềm vui

104

Người con hoang đàng, khi sự khác biệt là niềm vui

Người con hoang đàng trở về- Michel Martin Rolling | Wikipedia CC theo SA 3.0

fr.aleteia.org, Linh mục Simon d’Artigue, 2022-09-10

Linh mục Simon d’Artigue, chánh xứ Thánh đường Saint-Étienne giáo phận Toulouse chú giải các bài đọc chúa nhật thường niên thứ 24 (1Tm 1, 12-17; Tv 51; Lc 15, 1-32). Như người con hoang đàng, khi chúng ta đi ngược với lòng tha thứ, tâm hồn chúng ta sẽ cảm thấy buồn. Duy chỉ có bước đầu tiên là bước quan trọng.

Ngày hôm đó tôi đang ở trong nhà thờ chính tòa, một phụ nữ trẻ yên lặng ngồi ở cuối nhà thờ! Tâm hồn cô ở bên ngoài, trong lòng cô không yên chút nào, cô đang héo úa đấu tranh: “Lần này là dứt khoát, là phải xưng tội, lần này là đã chuẩn bị xong, linh mục đang rảnh, đi! Ồ, không. Linh mục sẽ nghĩ gì về tôi nếu tôi nói hết tất cả những gì tôi đã làm? Dù sao cũng đã 10 năm kể từ lần cuối tôi xưng tội, tôi có thể chờ thêm vài ngày nữa, tôi nghĩ thứ tư tôi sẽ khỏe hơn. Dù sao tôi cũng sẽ xưng tội. A! tôi sẽ xưng tội, một mình, giống như người lớn, tôi không cần ai khuyến khích. Thêm nữa, tôi không bao giờ biết tôi phải nói gì, hay đúng hơn, tôi biết rất rõ tôi phải nói gì, nhưng tôi không thể nói ra, tôi quá xấu hổ: lần cuối tôi xưng tội cũng chỉ có một tội, đúng, tôi chỉ có một tội, luôn luôn là như vậy và tôi luôn phạm một tội. Những tội khác? Không! Tất cả tội khác, không. Tôi trắng như tuyết, ngoại trừ một điểm. Đây là lập luận cuối cùng của tôi chống lại lập luận thần học, không thể ngăn cản được: xưng tội là vô ích vì rồi cũng sẽ phạm lại, đó là bằng chứng xưng tội chẳng có nghĩa lý gì!”

Phân loại hối nhân

Trong phân loại những người đi xưng tội, có người làm các câu hỏi và câu trả lời, đó là trường hợp đầu tiên của chúng ta, trong đó bạn có thể đã nhận ra chính mình, hoặc không nhận ra: đừng lo, vì còn các loại hối nhân khác! Có loại toán học: “Xin cha làm phép cho con, con không đi xưng tội từ 12 ngày nay, con đã được tha tội, con đã làm việc đền tội, con đã phạm điều răn thứ nhất tám lần, điều răn thứ hai sáu lần, điều thứ ba tốt, không có lần nào, mười tám lần điều răn thứ sáu và hai ba lần gì đó điều răn thứ mười một, con nhớ không chính xác.” Xin ơn: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Ngài cao cả nhân hậu và giàu lòng thương xót, tình thương của Ngài gieo rắc trên con cái Ngài, con không ngớt lời ca ngợi Ngài và đặc biệt hôm nay đặc biệt, con chúc lành cho Ngài và Ngài phù hộ cho con, con yêu mến, con tôn thờ, con chúc phúc Ngài. Linh mục sẽ nghe tôi và chắc chắn ngài sẽ tha tội cho tôi, vì chắc chắn Chúa không bao giờ không tha thứ…” Thật đẹp, nhưng khi nào thì họ sẽ đi xưng tội?

Người lắm lời, đôi khi hơi khoe khoang: “Chào cha. Con muốn kể cho cha nghe một chuyện, hôm trước con đi với một số bạn, và con theo mọi người, con hơi mất trí một chút với Lili; tuần sau con yêu Diana, nhưng cũng may chẳng kéo dài lâu (đúng, đó là sự thật, con cũng yên tâm!), cho đến khi con tình cờ gặp Ana và Karina và…” tôi tự hỏi không biết anh xưng tội, anh khoe khang hay anh tự biện minh.

Câu trả lời của người con hoang đàng

Và rồi có Thánh Phaolô, có người con hoang đàng, có con chiên đi lạc, có đồng xu ít ỏi, có tất cả những người cảm nghiệm được lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa, có tất cả những người mà Chúa đi tìm, nâng dậy, hoán cải: từng người, họ nói cho chúng ta biết họ hoán cải như thế nào, từng người trong số họ sẽ trả lời với người phụ nữ ngồi cuối hàng ghế. Người con hoang đàng là câu trả lời cho sự phản đối đầu tiên: do dự, trì hoãn, lặp đi lặp câu “đi xưng tội hay không đi xưng tội”. Người con hoang đàng đắm mình trong đống bùn giữa bầy heo, ăn cám heo, giống như chúng ta khi chúng ta trì giữa tội lỗi, khi chúng ta không thể đi tới được nhưng Chúa dạy chúng ta (Lc 15:18):

Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy’. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

Một quyết tâm kiên định, đó là bước đầu tiên, bước duy nhất, bước quan trọng nhất, đó là ước muốn trở lại với Chúa, không sa lầy vào tội lỗi (cứ như thể sống trong bùn là chúng ta đã quen với bùn. Có thể, nhưng bạn dư biết, sống ngay thẳng là tốt!). Vậy đừng ở đó, nếu không thì làm sao đi tới được, muốn làm thánh thì làm sao? Đứng lên!

Đứa con hoang đàng, lại anh ta, anh nghĩ rằng mình chẳng cần ai để sống, anh bỏ cha mình, anh đã không nhắc bạn về một người không cần ai để xưng tội, để được tha thứ, người muốn ở một mình đó sao? Chúng ta luôn cần một ai đó: một linh mục sẽ đón nhận bạn, giống như người cha, sẽ lắng nghe bạn như một người cha, sẽ cho bạn một số lời khuyên như người cha và sẽ tha thứ cho bạn nhân danh Cha. Luôn luôn tốt khi nghe lời khuyên thiêng liêng này (không phải để tưởng tượng nhưng để nghe): “Cha tha tất cả tội của con.” Bạn có muốn thành thánh không? Vậy bạn quỳ xuống!

Tội của chúng ta không phải là tội lớn nhất

Và thánh Phaolô trả lời cho phản bác thứ ba của người phụ nữ: “Tôi là kẻ đã từng chỉ biết báng bổ, bắt bớ, sỉ nhục, tôi là kẻ đầu tiên, tôi là tội nhân” (x. 1Tm 1,13). Phaolô, người đầy tội lỗi và ý thức rõ mình có hàng tấn tội lỗi, thay vì than thân, thay vì tiếp tục gặm nhắm lỗi lầm, thay vì cứ săm soi nó, thay vì giữ riệt nó như một thứ kho tàng quý giá, thay vì tự nghĩ sẽ không ai có thể tha thứ cho mình, ngài tin vào Đấng duy nhất có thể tha thứ, thực sự tha thứ: Chúa Giêsu Kitô: “Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1 Tm 1:14).

Đúng! tội của chúng ta không phải là tội lớn nhất. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào tội của mình thì quả thật chúng ta sẽ thấy nó rất lớn, nhưng nếu chúng ta nhìn vào lòng thương xót của Chúa thì chúng ta sẽ thấy chúng thật nực cười, chúng vô cùng nhỏ, chúng có thể được tha thứ đến vô cùng, đó là cách để nên thánh. Đừng nhìn chằm chằm vào rốn của bạn, nhưng nhìn vào Chúa!

Con chiên đi lạc giống như người phụ nữ trẻ của chúng ta ở cuối nhà thờ, cô nghĩ mọi sự đã thành công toi, rằng dù sao thì cô chẳng còn giá trị gì.

Con chiên đi lạc giống như người phụ nữ trẻ của chúng ta ở cuối nhà thờ, cô nghĩ rằng mọi sự đã thành công toi, rằng dù sao thì cô chẳng còn giá trị gì, chẳng còn ai buồn quan tâm đến cô – điều này không phải là lần đầu tiên cô bị lạc, đó là lần thứ hai mươi. Lẽ ra người chăn chiên không buồn đi tìm cô, vì sao ông có thể làm cho 99 con chiên kia bị nguy hiểm chỉ vì một con chiên đi lạc, con chiên đen bẩn thỉu, không thể tìm thấy con đường của mình, không thể… Vì sao? “Tôi luôn phạm cùng một tội, tôi không bao giờ thoát ra được, tôi lợi dụng lòng tốt của Chúa, Chúa còn có các việc khác để làm, tôi chỉ là người mất hết khả năng…” Im đi và hết lòng kêu cầu, kêu cầu đến Chúa, Ngài không bao giờ bỏ rơi bất cứ con chiên nào của Ngài, Ngài không bao giờ để mất một con nào. Nếu bạn muốn Ngài cõng lên vai một lần nữa, bạn hãy gọi Ngài, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi nghe tiếng bạn kêu!

 Sự khác biệt, đó là niềm vui

Nhưng đâu là sự khác biệt giữa ba mẫu người hối nhân đầu tiên, những người bước ra từ trí tưởng tượng sôi sục của tôi và ba mẫu người tiếp theo – những người bước ra từ Phúc Âm?

Sự khác biệt là niềm vui, niềm vui bao la của tha thứ, niềm vui bao la khi trở về với Chúa. Niềm vui của người con về với cha và cha “mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,23). Niềm vui của thánh Phaolô: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi” (1Tm 1,12). Niềm vui của người viết Thánh vịnh được tha thứ: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. (Tv 50). Niềm vui của người đàn bà “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất!” (Lc 15: 9)

Ai trong chúng ta không muốn nếm niềm vui này? Có ai trong chúng ta hài lòng với năm tháng buồn thảm khốn khổ kéo lê mình trong tội lỗi? Bởi vì, đúng, trong phân loại của tôi, tôi đã quên một người, đó là bạn, bởi vì bạn không giống bất kỳ ai trong số những người tôi đã mô tả, bởi vì Chúa chào đón mỗi người chúng ta như người con duy nhất. Ngài chờ bạn trước ngưỡng cửa ngôi nhà của Ngài, ngưỡng cửa của tha thứ: xin bạn đừng từ chối niềm vui của Ngài!

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đứa con hoang đàng, hình ảnh phổ biến của nhiều gia đình