Giữ đạo sốt sắng và trau dồi nhân đức
thecatholicthing.org, Randall Smith, 2024-04-20
Tôi nên cầu nguyện nhiều hơn. Và dứt khoát tôi phải trở nên một người tốt hơn.
Từ khi tôi là người công giáo, tôi nghĩ tôi nên có mối tương quan chặt chẽ giữa cầu nguyện và hành trình để trở nên người tốt hơn. Vì là người công giáo nên tôi nghĩ việc thành người tốt là việc của Chúa làm cho tôi, nên tôi không cần góp công vào. Nhưng dù sao tôi cũng phải làm phần của tôi chứ! Phần tôi làm được là nhờ ơn Chúa, mà ơn Chúa Chúa ban thì không ngược với ý chí tự do của tôi, cũng không ngăn tôi cố gắng phần tôi. Hiểu theo cách nói của thánh Tôma Aquinô, ân sủng không làm trệch hướng tự nhiên mà hoàn thiện nó.
Vì vậy tôi cần phải cầu nguyện và cố gắng trau dồi nhân đức. Hai công việc này không loại trừ nhau nhưng bao gồm lẫn nhau. Tôi cầu nguyện để tăng thêm nhân đức. Và nếu tôi thấy thanh thoát một chút nhờ trau dồi nhân đức, tôi sẽ ngước mắt lên trời như quay qua nói với bác sĩ vừa nắn vai bị trật khớp vào đúng ổ khớp: “Tạ ơn Chúa. Bây giờ con thấy khỏe hơn nhiều.”
Theo cách hiểu này của công giáo về ân sủng, thực là sai lầm nếu cho rằng mình có thể làm việc bác ái, những chuyện tốt lành mà không cần đến ơn Chúa, quá đắc chí đến mức quay lại nói với Chúa: “Chúa nhìn xem, con là người quá tốt rồi Chúa ơi! Con đã làm được những điều đó! Vậy Chúa cũng phải nể con một chút! Nói như thế chẳng khác nào người con xin tiền cha để mua cho ông quà mừng Ngày Người Cha – sau đó người con xin cha một số đặc quyền vì mình đã mua quà cho cha. Mọi thứ chúng ta có đều là do Chúa ban. Điều Chúa muốn nơi chúng ta là chúng ta yêu mến người mẹ phúc lành thánh thiện và sống chan hòa với anh chị em.
Tuy nhiên, cũng sẽ sai nếu chúng ta nghĩ chỉ cần có lòng đạo đức là đủ, không cần trau dồi nhân đức. Nếu tôi là người nghiện rượu, tôi không thể nói: “Ồ, tôi lần hạt Mân côi mỗi ngày, nên tôi không cần phải đi các khóa cai nghiện.” Cả là một sai lầm lớn. Học viên trong các lớp cai nghiện ai cũng biết trạng thái tỉnh táo của mình phụ thuộc vào một “quyền năng cao hơn”. Nhưng họ cũng biết họ phải tích cực dự các buổi cai nghiện. Đây không phải là chuyện chỉ cần có Chúa hỗ trợ là được, nhưng phải biết kết hợp vừa ơn Chúa vừa tích cực tập luyện cai nghiện cho mình.
Cũng vậy, sẽ là sai lầm nếu cho rằng: “Tôi có lòng tôn kính sốt sắng, tôi hay đi hành hương kính viếng Đức Mẹ; nên tôi không cần phải lo cho hôn nhân của tôi.” Nhiều lúc tôi buồn và suy nghĩ khi thấy người công giáo ngoan đạo, sốt sắng nhưng lại bỏ rơi người bạn đời của mình, viện cớ “mình không hợp, không may mắn” hoặc “không thoải mái trong quan hệ này”. Nếu nghĩ như thế thì cũng giống như người không có đạo thôi. Việc giữ đạo sốt sắng không thể thay thế được việc tập sống nhân đức. Lần chuỗi Mân Côi thì tốt, nhưng đọc xong lại đi lăng mạ nhân viên hoặc ủng hộ việc phá thai thì thật vô nghĩa. Giống như nói: “Tôi yêu mẹ tôi, rồi đá bà xuống cầu thang.”
Nét kinh điển hay gặp ở những người theo đạo tin lành là họ “dành trọn đời cho Chúa Giêsu” và họ nghĩ mình là vậy, và họ vẫn say xỉn và lừa dối vợ. Như vậy chẳng lẽ chỉ nhờ vào chuyện “dâng đời mình cho Chúa Giêsu” thì một ngày nào đó khi được kêu gọi tiến lên bàn thờ thì mọi cám dỗ sẽ biến mất một cách kỳ diệu, hoặc bỗng nhiên biết quan tâm chăm sóc người khác và sống có trách nhiệm, điều trước đây chưa từng có.
Đức tin không phải là ma thuật biến hóa. Không phải là cây đũa thần chạm vào và ngay lập tức chúng ta từ con ếch biến thành hoàng tử. Ơn Chúa hoạt động theo thời khắc riêng của Ngài. Ngài giải cứu dân do thái khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, nhưng phải bốn mươi năm sau họ mới vào được Đất Hứa. Trong thời gian này, họ phải làm việc, hy sinh và chuẩn bị. Họ phải thờ phượng Chúa trong Nhà Tạm giữa sa mạc và chiến đấu với kẻ thù. Đức tin đòi hỏi nhiều năm chiến đấu ròng rã nhưng Chúa luôn hiện diện với chúng ta trên mỗi bước đường.
Thánh Augutinô sẽ không là nhà rao giảng hùng hồn và là giám mục vĩ đại nếu ngài không rèn luyện liên tục để phát triển kỹ năng hùng biện. Và Thánh Tôma sẽ không viết nổi quyển Tổng Luận Thần Học (Summa) nếu ngài không bỏ ra vô số thì giờ để nghiên cứu.
Một số người nói: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự đều tùy thuộc vào Chúa và hành động như thể mọi sự đều tùy thuộc vào mình.” Tôi muốn nói, chúng ta nên hành động khi chúng ta muốn mình trở nên tốt hơn vì Chúa vẫn hằng hoạt động trong chúng ta và chúng ta hãy cầu nguyện với ý thức, Chúa sẽ không hoạt động trong chúng ta nếu không có chúng ta.
Nếu chúng ta muốn Thiên Chúa hỗ trợ và đón nhận ơn của Ngài, Ngài sẽ ban mọi ơn lành cần thiết cho chúng ta. Nhưng không phải chúng ta sẽ được biến đổi sau một đêm! Chuyện được ơn hoán cải một sớm một chiều không phải là không có, chỉ có điều là chúng ta đừng mất hy vọng nếu không thấy có gì biến đổi. Chúng ta phải bước đi bằng đức tin chứ không bằng mắt thấy, như ông Ápraham đã làm khi ông lên đường đến nơi chỉ có Chúa biết, và như cách Đức Mẹ đã làm khi thiên thần báo tin, một tin vượt quá tầm hiểu biết của Mẹ.
Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày và cầu nguyện không ngừng, Chúa sẽ giúp chúng ta trau dồi các nhân đức. Nhưng nếu chúng ta không tu tập trau dồi nhân đức thì đừng mong khi thời cơ đến, Chúa sẽ giải cứu một cách kỳ diệu.
Nếu bạn hút hai bao thuốc mỗi ngày, Thiên Chúa có thể cứu bạn khỏi bệnh tật, nhưng bạn nên nhớ, “ngươi chớ thử thách Đấng Giavê Chúa Trời của ngươi”. Bạn không thể nói: “Chúa ơi, bây giờ con sắp làm một điều gì đó hoàn toàn tự hủy hoại bản thân, và sau này xin Chúa cứu con.” Hoặc, “Tôi sẽ không rèn luyện bản thân để trau dồi các đức tính như thận trọng, tiết độ, can đảm hay công bằng; tôi sẽ không tu thân tích đức để mặc cho bản thân hư hỏng, kiêu ngạo, tham lam và cay độc; tôi sẽ làm mọi điều trái với khôn ngoan và hướng dẫn của Chúa; nhưng tôi vẫn muốn Chúa làm cho đời tôi thăng hoa.” Bạn không thể có được hạnh phúc thiên đàng nếu bạn cứ tiếp tục sống trong cuộc sống hỏa ngục.
Thiên Chúa có thể biến nước thành rượu, nhưng Ngài không thể áp đặt mọi thụ tạo của Ngài phải thăng tiến trong tình yêu tha nhân nếu họ từ chối không chịu hoán cải để được biến đổi trong tình yêu của Ngài.
Catherine Trần Xuân Thủy dịch