Adalberto Martínez Flores, hồng y Paraguay đầu tiên vào Hồng y đoàn

67

Adalberto Martínez Flores, hồng y Paraguay đầu tiên vào Hồng y đoàn

cath.ch, I.Media, 2022-08-27

Hồng y Adalberto Martinez Flores trong lễ phong 20 tân hồng y chiều thứ bảy 27 tháng 8 tại Đền thờ Thánh Phêrô,  là hồng y Paraguay đầu tiên.

Giám mục Adalberto Martínez Flores, chỉ vài tháng sau khi được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Asunción ngày 17 tháng 2 năm 2022, ngày 27 tháng 8 ngài sẽ là hồng y đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Paraguay, một quốc gia nằm giữa Brazil, Argentina, Bolivia, và đã được Đức Phanxicô đến thăm năm 2015.

Giám mục Flores 71 tuổi, người rất giàu kinh nghiệm, hiện đang quản lý giáo phận thứ năm của ngài, là người gần gũi với hồng y O’Malley, tổng giám mục Boston hiện nay, từ những năm 1970, hồng y O’Malley cùng đồng hành với giám mục Flores trên con đường ơn gọi.

Sinh tại thủ đô Paraguay năm 1951, Adalberto Martínez Flores không theo học chương trình cổ điển là tiểu chủng viện và đại chủng viện, nhưng ngài hướng về chức thánh muộn màng. Sau khi học kinh doanh ở một trường trung học dạy nghề, đầu những năm 1970 ngài theo học kinh tế tại Đại học Quốc gia Asunción, sau đó ngài đi Washington để học tiếng Anh và triết học.

Trong thời gian này ngài lo mục vụ cho người di cư Mỹ-la tinh, ngài làm việc với cha Sean Patrick O’Malley, một tu sĩ dòng Capuxinô trẻ, chịu chức năm 1970 sau kinh nghiệm truyền giáo trên Đảo Phục Sinh, lãnh thổ của Chi-lê cô lập ở Thái Bình Dương. Năm 1973 tu sĩ người Mỹ thành lập Trung tâm Católico Hispano khi mới 28 tuổi, cha O’Malley được sự giúp đỡ của một sinh viên người Paraguay để giúp người tị nạn và người nhập cư đến tị nạn ở thủ đô Mỹ, trong bối cảnh các chế độ độc tài và chiến tranh đã tấn công nhiều quốc gia trên lục địa.

Năm 1977 Adalberto Martínez Flores hướng về chức thánh, cha vào Trường Linh mục Quốc tế của Phong trào Focolare ở Frascati, Ý khi theo một khóa học thần học tại Đại học Lateran. Vào đầu những năm 1980, chủng sinh trẻ tham gia tổ chức các đại hội về ơn gọi ở Rôma và ở Buenos Aires.

Bước đầu chức linh mục của hồng y Paraguay tương lai luôn ở dưới sự bảo trợ của người bạn Mỹ. Năm 1985, Sean Patrick O’Malley là giám mục giáo phận Thánh Tôma thuộc Quần đảo Virgin, Mỹ. Giám mục trẻ người Mỹ, khi đó mới 41 tuổi, đã đến Asunción ngày 24 tháng 8 năm 1985 để truyền chức linh mục cho Adalberto Martínez Flores, và ngài đưa linh mục Flores vào hàng giáo phẩm của giáo phận đảo của mình. Quần đảo Caribe có khoảng 100.000 cư dân sinh sống, do Hoa Kỳ quản lý từ năm 1917, năm tiếp quản vùng lãnh thổ này mà trước đây là thuộc địa của Đan Mạch.

Trở lại Paraguay sau chế độ độc tài

Sau chín năm phục vụ tại giáo xứ Thánh giá và Thánh Tôma, linh mục Flores rời Quần đảo Virgin thuộc Mỹ hai năm sau khi giám mục O’Malley lúc đó là giám mục của Fall River, ở Massachusetts.

Năm 1994, linh mục Adalberto Martínez Flores trở về giáo phận Asunción quê hương làm quản xứ và lo mục vụ cho người trẻ. Ngài cũng là thư ký của thượng hội đồng giáo phận đầu tiên được tổ chức tại đất nước không giáp biển này, nơi vừa thoát khỏi chế độ độc tài lâu dài của Alfredo Stroessner (1954-1989), người mà đảng Colorado tiếp tục kiểm soát các mắt lưới của Nhà nước.

Năm 1977, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm linh mục làm giám mục phụ tá Asunción. Sau đó ngài là giám mục đầu tiên của giáo phận San Lorenzo khi giáo phận này được thành lập vào năm 2000, năm 2007 ngài đổi về San Pedro, tại đây ngài tham gia vào việc phát triển vùng đất này kết hợp với các doanh nghiệp và hiệp hội địa phương. Người tiền nhiệm của ngài ở giáo phận nông thôn rất nghèo này là Fernando Lugo, một giám mục bị xuống hàng giáo dân do thừa nhận quan hệ cha con, một năm sau ông là Tổng thống của nước Cộng hòa với tư cách là người đứng đầu một liên minh cánh tả.

Trước sự chứng kiến của Tổng thống Lugo – ngay trước khi ông bị lật đổ – giám mục Martínez Flores được bổ nhiệm làm giám mục trong Quân đội năm 2012. Ở đất nước mong manh này, quân đội là tổ chức thiết yếu để đảm bảo quyền lực công cộng liên tục và giám mục phải làm sao để đảm bảo công việc của mình trong bối cảnh chính trị luôn bất ổn, ba tổng thống kế nhiệm nhau trên cương vị người đứng đầu đất nước. Được công nhận là người gần gũi với người nghèo, giám mục tham gia vào lãnh vực y tế và xã hội với chức vụ chủ tịch của tổ chức xã hội San Roque González de Santa Cruz, một tổ chức giúp đỡ những người bị bệnh thận.

Năm 2018, ngài là giám mục của Villarrica del Espíritu Santo, một trách vụ ngài kết hợp với ban chủ tịch hội đồng giám mục. Một lần nữa ngài phải đối diện với tình trạng chính trị bất ổn, trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19, ngài cố gắng làm cho hội đồng giám mục thành một cơ quan thiết yếu để thiết lập lại mối liên kết giữa xã hội dân sự và các tổ chức. Theo báo chí Paraguay, giám mục là hình ảnh của một Giáo hội gần gũi với người nghèo, quan tâm đến quyền lợi của người nông dân và người bản địa.

Lịch sử cận đại của Giáo hội Paraguay bị đánh dấu bằng những rạn nứt nghiêm trọng trong hàng ngũ giám mục, đặc biệt là năm 2014 khi giám mục Rogelio Rivieres, giáo phận Ciudad del Este bị lật đổ vì việc quản lý chủng viện và vì bảo vệ dành cho cha đại diện của mình, một người bội phản theo giáo phái Lefebvre, bị kết tội lạm dụng. Hiện nay tình hình đã lắng dịu hơn và Tòa giám mục Paraguay cho thấy họ đã hiệp nhất trước những biến động trong đời sống chính trị và xã hội của đất nước.

Tình cảm của giáo hoàng Argentina dành cho Paraguay

Vì thế việc giám mục Flores được phong hồng y sau khi đổi về giáo phận Asunción như một dấu hiệu mới về sự quan tâm các vùng ngoại vi của giáo hoàng Argentina, các quốc gia có quan hệ với Paraguay thường hiếu chiến.

Chiến tranh của Liên minh Bộ ba, từ năm 1865 đến năm 1870, là cuộc diệt chủng thực sự, trong đó hầu hết đàn ông Paraguay trưởng thành đều bị liên minh hùng mạnh gồm Argentina, Brazil và Uruguay giết. Không có quá trình tha thứ và công nhận nào được khởi xướng sau cuộc chiến này và mối quan hệ của Paraguay với các nước láng giềng vẫn bị đánh dấu bởi vết thương sâu đậm này.

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người Paraguay cũng ăn sâu vào Argentina. Sự lựa chọn của Đức Phanxicô đến thăm Paraguay năm 2015, khi ngài vẫn chưa có chuyến đi tông du về quê hương Argentina của mình, là một quyết định gây sốc đối cho nhiều người Argentina. Nhưng ngài thường bày tỏ tình cảm của mình với Paraguay, một quốc gia nằm ở “ngoại vi” mà ngài đã có nhiều quan hệ khi ngài còn là giám tỉnh của Dòng Tên Argentina.

Nhiều thế kỷ chờ đợi mới có một hồng y đầu tiên cho Paraguay

Giáo phận của thủ đô Paraguay đã phải đợi đúng 475 năm mới có hồng y. Trên thực tế, từ năm 1547, sắc chỉ Episcopatum Paraguensis của Giáo hoàng Phaolô III, thành lập giáo phận Asunción, 70 năm trước giáo phận Buenos Aires, giáo phận này đến năm 1620 mới được thành lập. Lịch sử Thiên Chúa giáo ở những vùng đất này ghi dấu ấn rất rõ bởi các phiêu lưu “thu nhỏ” của các tu sĩ Dòng Tên, các làng cộng đồng của các nhà truyền giáo Dòng Tên, họ đào tạo người Guarani bản địa những kỹ thuật rất tân tiến trong nông nghiệp, thủ công nghệ mà cả trong nghệ thuật, âm nhạc, phụng vụ.

Vào thế kỷ 18, quyền tự trị chính trị của những ngôi làng này xung đột lợi ích với các cường quốc thuộc địa lúc bấy giờ là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sự giải tán bằng bạo lực của các cộng đồng nhỏ dòng Tên, được kể lại trong bộ phim Mission, giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1986, vẫn là một yếu tố trung tâm trong ký ức người Paraguay và trong mối quan hệ của họ với công giáo, từ lâu đã gắn liền với sự thống trị của châu Âu.

Thượng Hội đồng về Amazon năm 2019 đã góp phần đổi mới quan điểm về sự tế nhị lịch sử của các cộng đồng bản địa và khôi phục uy tín Giáo hội như một tổ chức mang lại ý nghĩa, tôn trọng thiêng liêng tính và mối liên kết giữa các thế hệ, những chủ đề chính của các dân tộc bản địa. Cũng chính dưới ánh sáng của sự tiến hóa và trưởng thành mới này của công giáo Mỹ-la tinh mới giải thích vì sao có một đại diện của Paraguay trong Hồng y đoàn.

Paraguay, một đất nước mong manh nhưng là đất nước mang những năng động mới

Chi tiết đáng ngạc nhiên: nếu hồng y chỉ định Adalberto Martínez Flores sẽ là đại diện trực tiếp đầu tiên của Paraguay trong Hồng y đoàn, thì ngài không phải là công dân Paraguay duy nhất. Hồng y Cristobal Lopez Romero, tổng giám mục Rabat ở Maroc, mang hai quốc tịch Tây Ban Nha và Paraguay, vì ngài đã có hộ chiếu của quốc gia này khi đi truyền giáo từ năm 1984 đến năm 2002 ở đây.

Hồng y dòng Salêdiêng này đã bén rễ ở đó đến mức trở thành chủ tịch Hội đồng Tu sĩ Quốc gia và thành lập hiệp hội các nhà báo công giáo ở đó, trước khi về Maroc trong những năm 2000. Trong trường hợp có một mật nghị, với hai công dân thì sẽ có hai người Paraguay và hai người Argentina – Hồng y Poli và hồng y Sandri.

Một nghịch lý, Paraguay trở thành quốc gia được đại diện quá mức so với dân số khiêm tốn là bảy triệu người: với hai cử tri hồng y, vì thế Paraguay có nhiều hồng y trong Hồng y đoàn hơn so với các quốc gia châu Âu có dân số tương đương như Bỉ, Áo, Thụy Sĩ hay Hungary, mỗi quốc gia chỉ có một cử tri.

Việc phong hồng y đầu tiên của Paraguay, cũng là nhà truyền giáo ở Hoa Kỳ, cho thấy thêm một dấu hiệu về sự nghiêng về phía Nam của các thế năng động công giáo. Quá trình đặc biệt của tân hồng y Adalberto Martínez Flores cho thấy, truyền giáo không còn đi từ Bắc xuống Nam, mà bây giờ từ Nam lên Bắc, nơi các cộng đồng di cư có thể đánh thức lại các Giáo hội đang nhanh chóng suy tàn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Công nghị sắp tới, Đức Phanxicô sẽ phong nhiều hồng y hơn để đảm bảo người kế vị