Vì sao Đức Phanxicô vẫn còn rất thận trọng với Nicaragua?

70

Vì sao Đức Phanxicô vẫn còn rất thận trọng với Nicaragua?

Các nữ tu dự một buổi rước kiệu không được chính quyền cho phép ngày 13 tháng 8 năm 2022, tại Managua (Nicaragua) | © AP Ảnh / Keystone

cath.ch, Raphael Zbinden, 2022-08-26

Trước sự leo thang đàn áp chống lại Giáo hội công giáo ở Nicaragua, Đức Phanxicô lên tiếng trễ và có chừng mực. Ngài muốn khoan hòa với chế độ hay mong muốn bảo vệ Giáo hội ở đó?

Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 21 tháng 8, Đức Phanxicô lên tiếng: “Tôi lo lắng và buồn bã theo dõi sát tình hình ở Nicaragua. Tôi hy vọng thông qua đối thoại cởi mở và chân thành, nền tảng của sự tôn trọng và chung sống hòa bình vẫn có thể được tìm thấy”.

Quốc tế phẫn nộ

Những lời nói như vậy đã được mong chờ từ lâu, khi các sự kiện diễn ra nhanh chóng đáng kể ở quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này. Việc bắt giữ giám mục Rolando Alvarez, giáo phận Matagalpa, và 8 cộng sự viên của ngài ngày 19 tháng 8 đã được các phương tiện truyền thông loan tải rõ ràng đã lam dư luận quốc tế phẫn nộ.

Ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông rất lo ngại về “các biện pháp mới nhất chống lại các tổ chức xã hội dân sự, gồm cả Giáo hội ở đây”. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng lên tiếng, yêu cầu chính phủ Nicaragua “tôn trọng tự do tôn giáo”.

Hai mươi bốn nguyên thủ quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, gồm cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar và cựu Tổng thống Argentina Mauricio Macri, đã xin giáo hoàng can thiệp “với một lập trường mạnh mẽ”.

Một phản ứng “rụt rè”?

Đối diện với vấn đề này, Đức Phanxicô khó giữ im lặng. Vì thế  bày tỏ quan tâm và lời kêu gọi đối thoại của ngài đã được nồng nhiệt đón nhận. Tuy nhiên, một số người đã thấy khía cạnh trễ tràng và “rụt rè” trong quá trình diễn tiến sự việc, khi từ lâu tình hình ở Nicaragua thật đáng lo ngại, nhà triết học và nhà khoa học chính trị người Venezuela Edgar Beltran lưu ý trong một phân tích được công bố ngày 25 tháng 8 năm 2022 trên trang The Pillar của Mỹ. “Trên khắp Trung Mỹ, người công giáo đang thắc mắc vì sao giáo hoàng lại chậm chạp trong việc chỉ trích chế độ Nicaragua đang muốn đàn áp Giáo hội.”

Lỏng lẻo hay thực dụng?

Có hai ý kiến chính về vấn đề này. Thứ nhất cho rằng Đức Phanxicô không chỉ trích tình hình Giáo hội Nicaragua vì quan điểm tư tưởng hoặc chính trị của ngài. Thứ nhì, ngài muốn ngăn chặn những lời chỉ trích quá trực tiếp làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Giả thuyết đầu tiên rõ ràng dễ dàng dụ dỗ những người muốn gièm pha ngài hơn. Họ nêu lên ngài bị ảnh hưởng bởi chính những ý tưởng xã hội và kinh tế, mà trên lý thuyết là nền tảng của chế độ của tổng thống Daniel Ortega, đặt bên cực tả của bàn cờ chính trị. Họ chỉ trích Đức Phanxicô đã chỉ trích mạnh mẽ sự thái quá của chủ nghĩa tư bản trong khi vẫn im lặng trước những vi phạm nhân quyền ở các chế độ “cánh tả” như Nicaragua hay Trung Quốc.

“Xác tín của Đức Phanxicô cho rằng đối thoại có thể vượt lên mọi tình huống rất mạnh”

Ông Edgar Beltran lưu ý: “Nhưng nếu những người gièm pha ngài đôi khi cho ngài là người theo chủ nghĩa Marx, thì nhãn hiệu này không phản ánh giáo huấn đích thực của ngài về chính trị và kinh tế. Nhà khoa học chính trị nhớ lại, trong quá khứ, nói chung, ngài đã chỉ trích chủ nghĩa Mác và việc áp dụng nó trong một số phong trào thần học giải phóng. Vì thế việc ngài đang cố gắng đưa chế độ Ortega ra khỏi “mối quan hệ ý thức hệ” vì thế dường như khó xảy ra.

Lưu đày hay bị tù

Ông Edgar Beltran tin, ý tưởng ngài đang cố gắng không làm trầm trọng thêm tình hình ở Nicaragua nhưng “giữ được con đường”. Theo các báo cáo địa phương, sau vụ bắt giữ giám mục Álvarez, một kênh đối thoại đã được mở ra giữa Hội đồng Giám mục Nicaragua và chế độ Ortega. Mục tiêu của thương thuyết là để giám mục lưu đày, thay vì bị giam giữ. Cuối cùng, giám mục Álvarez từ chối lưu đày và ngài bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, theo ông Edgar Beltran, có lý khi nghĩ rằng nếu Đức Phanxicô gay gắt lên án chế độ sẽ có thể đã chấm dứt những thương thuyết này, và đưa giám mục vào tù.

Giám mục Rolando Alvarez bị cảnh sát chận không cho ra khỏi nhà ngày 5 tháng 8-2022

Ví dụ về Venezuela

Đặc biệt, Đức Phanxicô muốn tránh lặp lại tình huống diễn ra dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, ngài bị ảnh hưởng bởi lịch sử đối đầu với các chế độ cộng sản ở Đông Âu, nên đã trực tiếp chống lại chính quyền Sandinista của Ortega vào những năm 1980. Điều này dẫn đến việc tăng cường đàn áp Giáo hội.

Ông Beltran cũng nghĩ kinh nghiệm ngoại giao của Vatican với  đất nước Venezuela của ông đã lên tinh thần cho giám mục Rôma. Đối diện với chế độ xã hội chủ nghĩa của Nicolas Maduro, Tòa thánh luôn ủng hộ thái độ chừng mực và đối thoại. Sự im lặng tương đối của Giáo hội sẽ cho phép Giáo hội duy trì được hoạt động và tự do ở mức độ vừa phải, đóng một vai trò trong những nỗ lực – cho đến nay vẫn chưa thành công – để thương lượng giữa chính phủ và phe đối lập. Ông Edgar Beltran nhấn mạnh: “Một số người Venezuela cho rằng nếu Đức Phanxicô nói những lời cay nghiệt với nhà độc tài, (…) Giáo hội Venezuela ngày nay sẽ là Nicaragua 2.0”.

Ortega không trả lời nữa

Một số người cho rằng sự thận trọng về mặt ngoại giao nói chung không làm giảm bức hại các tín hữu kitô. Họ trích dẫn ví dụ về Trung Quốc, thỏa thuận của Tòa thánh với Bắc Kinh được xem là một thắng lợi trong quan hệ công chúng cho chính phủ Trung Quốc, với rất ít nhượng bộ thực sự dành cho Giáo hội.

Những phát triển gần đây ở Nicaragua dường như ủng hộ tầm nhìn về sự việc này. Cho đến ngày 26 tháng 8, tổng thống Daniel Ortega vẫn chưa đáp lời kêu gọi của Đức Phanxicô về một đối thoại cho tình trạng nhân quyền tế nhị trong nước. Theo tin của hãng tin Confidential Digital, các nhà quan sát địa phương cho thấy tổng thống chỉ đơn giản là không quan tâm đến một thỏa thuận. Ngày 24 tháng 8, chế độ đã trả lời câu phát biểu của giáo hoàng bằng cách đóng cửa một đài phát thanh công giáo khác.

Một ngoại giao khiêm tốn hơn

Xác tín của Đức Phanxicô cho rằng đối thoại có thể vượt lên mọi tình huống dường như rất mạnh mẽ. Bên cạnh trường hợp của Trung Quốc, Đức Phanxicô luôn từ chối lên án rõ ràng Vladimir Putin liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine. Đặc biệt ngài cố gắng gặp thượng phụ Kyrill, giáo trưởng của Matxcova, người thế chấp về mặt tôn giáo cho tổng thống Nga. Cho đến nay, đã không mang lại kết quả.

Thái độ hòa giải trong chính sách ngoại giao của Tòa thánh cũng có thể được giải thích trong bối cảnh toàn cầu. Đức Phanxicô và các cố vấn của ngài phải tính đến một môi trường nơi mà quá trình thế tục hóa đang phi mã diễn ra và ở đó tiếng nói của Giáo hội ngày càng ít được lắng nghe. Ông Edgar Beltran phân tích, Vatican cảm thấy họ phải dùng một quan điểm ngoại giao khiêm tốn và thực dụng hơn. “Thay vì những lời lên án mang tính biểu tượng, có lẽ giáo hoàng sẽ nói rằng ngài đang cố gắng đạt được những kết quả có thể đạt được, dù nhỏ đến đâu”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Ngoại giao của Đức Phanxicô theo đường lối trung lập và khẳng định hòa bình