Ngoại giao của Đức Phanxicô theo đường lối trung lập và khẳng định hòa bình
lemonde.fr, Filip Ivanovic, 2022-08-07
Triết gia người Montenegro Filip Ivanovic ghi nhận trên diễn đàn của báo “Le Monde”, thái độ của Đức Phanxicô trong vấn đề Ukraine tương ứng với truyền thống ngoại giao của Vatican. Sự hòa giải đề xuất kết hiệp với lòng thương xót và tình huynh đệ.
Năm 1915, một bài xã luận trên Tạp chí Luật Quốc tế Hoa Kỳ đã nêu: “Có lý do để tin giáo hoàng có thể thực hiện trên thế giới một ảnh hưởng lớn hơn và có lợi hơn trong tương lai so với quá khứ.” Nhận xét này ám chỉ đến sự mất quyền lực thế gian của giáo hoàng do năm 1870 Ý sáp nhập các Quốc gia giáo hoàng, qua đó nhấn mạnh, trong quá khứ, hình ảnh Tòa thánh dao động giữa imperium và sacerdotium, nghĩa là giữa chính phủ và chức tư tế.
Các hoạt động ngoại giao của giáo hoàng có từ những thế kỷ đầu tiên kitô giáo, sắc lệnh của Milan năm 313 đánh dấu bước ngoặt cho thấy số lượng đại diện của giáo hoàng ở nước ngoài tăng lên. Ngay từ năm 343, Hội đồng Serdica đã quy định giám mục của Rôma có thể cử người hợp pháp, điều này đánh dấu sự công nhận chính thức về khả năng của giáo hoàng trong việc bổ nhiệm các sứ thần hành động nhân danh ngài.
Tuy nhiên nguồn gốc của chính sách ngoại giao hiện đại của giáo hoàng bắt nguồn từ thế kỷ 15 và 16, với việc hình thành các quốc gia, khi các sứ thần Tòa thánh được cử đến Venice, Florence, Pháp, v.v. Đây là thời điểm mà hoạt động ngoại giao của Giáo hoàng dần dần đảm nhận vai trò hòa giải và từ bỏ các đặc quyền của quyền lực vật chất và tinh thần đối với các quốc gia khác.
Thẩm quyền đạo đức
Như sử gia người Ý Paolo Prodi (1932-2016) làm chứng trong Il sovrano pontefice (Giáo hoàng chủ quyền, Il Mulino, 2013), nêu rõ công văn được gởi cho Rodolfo Pio (1500-1564), sứ thần tại Pháp từ năm 1535 đến 1537, nói rằng giáo hoàng (Phaolô III) “không thể và không được không trung lập và phải là người cha chung” và mọi nhượng bộ nào với các nhà chức trách tôn giáo địa phương là không thể vì điều đó cho thấy giáo hoàng “không còn trung lập”.
Cũng vậy, sứ thần ở Cologne, Pier Luigi Carafa (1581-1655), năm 1624 nhận được chỉ thị nói rằng giáo hoàng sẽ vẫn “yêu mến tất cả các hoàng tử công giáo như nhau và sẽ làm mọi thứ để duy trì hòa bình giữa họ”. Giai đoạn này đánh dấu sự khởi đầu của một chính sách ngoại giao Tòa thánh đặc trưng bởi các vai trò trung lập và hòa giải.
Vì thế ngôn ngữ được dùng trong bài xã luận trích dẫn ở trên không có gì đáng ngạc nhiên – ngay cả trong giai đoạn 1870-1929, khi Tòa thánh không có chủ quyền trên lãnh thổ của mình, Tòa thánh vẫn duy trì vai trò hòa giải tích cực, như trong lần tranh chấp các Quần đảo Caroline giữa Đức và Tây ban nha.
Do đó, chính sách ngoại giao của Tòa thánh trong thế giới đương đại không dựa trên quyền lực kinh tế hay lãnh thổ, mà dựa trên thẩm quyền đạo đức của giáo hoàng với tư cách là người đứng đầu Giáo hội công giáo, mà các hoạt động quốc tế dựa trên nguyên tắc hòa bình và phẩm giá con người. Vai trò này không còn được truyền cảm hứng bởi những mối quan tâm nhất thời, mà bởi cách tiếp cận thần học thực sự với ngoại giao, như phương tiện để đạt được hòa bình, tình yêu và tình huynh đệ.
Một trăm ngày chiến tranh, năm mươi tuyên bố
Sự hiểu biết về ngoại giao như vậy đã được thể hiện qua Đức Phanxicô, chỉ một ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, đặc trưng qua việc ngài đảo ngược thủ tục bình thường – ngài đích thân đến sứ quán Nga để bày tỏ nỗi lo của ngài về cuộc chiến Ukraine. Đó là hành vi chưa từng có, vì trong những tình huống nghiêm trọng, các đại sứ xin Quốc vụ khanh tiếp, và trong các trường hợp ngoại lệ, họ xin giáo hoàng tiếp.
Kể từ đó, Đức Phanxicô kêu gọi hòa bình và một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp giữa Nga và Ukraine. Trên thực tế, trong một trăm ngày chiến tranh, ngài đã có năm mươi tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của hòa bình và chấm dứt thù địch. Khi làm như vậy, ngài khéo léo tránh đứng về phía nào và duy trì học thuyết trung lập, cũng như ý tưởng một ngoại giao của tình yêu, cộng thêm lòng thương xót của Thánh Phanxicô. Năm 2016, Đức Phanxicô tuyên bố: “Ngôn ngữ chính trị và ngoại giao của chúng ta sẽ rất tốt nếu được truyền cảm hứng từ lòng thương xót, đó là không bao giờ đánh mất hy vọng.”
Bằng cách liên kết lòng thương xót với ngoại giao, giáo hoàng tái khẳng định các nguyên tắc trung lập và không-hợp pháp của bất kỳ bên tham chiến nào. Sự trung lập, được các vị tiền nhiệm của ngài thiết lập từ nhiều thế kỷ trước và Đức Phanxicô làm phong phú thêm với phụ lục về lòng thương xót, loại bỏ mọi chiều kích thuần túy chính trị của thẩm quyền giáo hoàng.
Bằng cách tránh bị áp đặt, ngài mạnh mẽ khẳng định chức tư tế của ngài và từ chối mang đến bất kỳ hình thức hợp pháp thiêng liêng hoặc đạo đức nào cho bất kỳ bên nào. Ngài cho thấy ngài thực sự rất đau buồn vì chiến tranh và nhất định phải thực hiện nghĩa vụ hòa giải của mình, bằng những lời kêu gọi hòa bình liên tục.
Kêu gọi đàm phán thực sự
Ngài làm rõ điều này khi tổ chức đi đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma, một phụ nữ Ukraine và một phụ nữ Nga vác thánh giá, trong cố gắng chứng tỏ hòa giải là có thể. Mặt khác, trong lần nói chuyện với thượng phụ Kyrill, người đứng đầu Giáo hội công giáo Nga, Đức Phanxicô nói rõ “chúng ta không phải là giáo sĩ của nhà nước.”
Trong những tuần gần đây, ngài đã không ngần ngại tố cáo chiến tranh là “hành động xâm lược bạo lực” hay “hành vi phạm sự thánh”, ngài kêu gọi có các cuộc thương thuyết thực sự, lên án cuộc chạy đua vũ trang và tránh mọi lời lẽ thiên vị.
Vì thế chính sách ngoại giao của Đức Phanxicô là một phần của thái độ trung lập và khẳng định hòa bình, gồm các buổi lễ, hòa giải, thêm vào đó khía cạnh của lòng thương xót và tình huynh đệ, ở trọng tâm quan điểm thần học của Bergoglio – một sự việc giúp chúng ta hiểu vì sao giáo hoàng từ chối đưa ra tính hợp pháp về mặt thần học cho cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù bên trong hoặc bên ngoài.
Trên thực tế, như linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo và là người thân cận với giáo hoàng, linh mục lưu ý trong một bài báo gần đây, Đức Phanxicô không chấp nhận một ngôn ngữ tuyệt đối thiện hay ác trong quan hệ quốc tế, ngài muốn hai bên hiểu biết lẫn nhau và thực hiện “quyền lực mềm” là trọng tâm của sự hiểu biết chiến lược quốc tế của giáo hoàng. Do đó, các nỗ lực ngoại giao của ngài phải được hiểu rõ và cuối cùng phải được nghiêm túc xem trọng.
Triết gia Filip Ivanovic, tiến sĩ triết học và nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, tốt nghiệp cao học về thực hành ngoại giao của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Liên Hiệp Quốc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Victor Gaetan: Về ngoại giao, “Tòa Thánh không nói dối”