Xả súng ở Texas, nhiều nhà thờ tổ chức mua lại súng
Trong bài phát biểu ngày 2 tháng 6 – 2022, Tổng thống Joe Biden kêu gọi hạn chế bán súng trường tấn công. Nhiều nhà thờ vận động chiến dịch hạn chế số lượng vũ khí lưu hành. Một cuộc chiến đụng phải việc công cụ hóa đức tin của các tổ chức vận động hành lang ủng hộ súng.
lavie.fr, Alice d’Oleon, 2022-06-03
Chính quyền địa phương đảm bảo an toàn cho Trường Tiểu học Robb, Uvalde ngày 25 – 5 -2022 CARLOS ESCALONA / ZUMA PRESS / ZUMA / REA
Mười chín em bé bị thảm sát. Hai cô giáo bị chết khi bảo vệ học sinh của mình. Kẻ xả súng, Salvador Ramos, 18 tuổi, đã đột nhập vào trường tiểu học Robb ở Uvalde, miền nam Texas sáng 24 tháng 5 – 2022. Hung thủ hét lên khi bước vào lớp học: “Đã đến giờ chết” và xả súng trường bán tự động AR-15 vào học sinh nhỏ tuổi.
Một thảm cảnh lặp đi lặp lại trên khắp nước Mỹ. Để ngăn chặn vòng xoáy địa ngục, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ việc giảm số lượng vũ khí đang lưu hành. Trong số đó, có các nhà thờ Thiên chúa giáo.
Ông Steve Yanovsky, người đồng sáng lập hiệp hội Episcopalian Swords to Plowshares (Từ thanh kiếm đến lưỡi cày) lên tiếng: “Những gì xảy ra hoàn toàn vô cùng kinh hoàng, đây không phải là đất nước chúng tôi muốn sống. Chúng ta có thể làm gì để thay đổi tình hình?” Ông đứng đầu một phong trào toàn quốc để cố gắng giảm số lượng vũ khí được lưu hành. Trong số những người tham gia, hàng chục nhóm hoặc hiệp hội kitô giáo trên nước Mỹ tham dự.
Cùng nhau, họ tổ chức mua lại súng, đổi lấy phiếu mua hàng trong các siêu thị nhằm mục đích ngăn chặn việc dùng tiền để mua lại vũ khí khác. Số tiền trong khoảng từ 50 đến 250 đô la tùy loại súng.
Ông Steve Yanovsky lấy làm tiếc: “Điều này có vẻ khó tin, nhưng việc mọi người đến và bỏ súng trường tấn công không phải là chuyện hiếm. Chúng ta không ở trong vùng chiến sự, vì sao chúng ta lại cần vũ khí như vậy? Nhưng chúng tôi không bao giờ đặt câu hỏi, vì sợ làm nản lòng những người không giao súng.” Vì thế những người trả súng hoàn toàn ẩn danh.
Biến súng thành dụng cụ làm vườn
Điểm đặc biệt của sự kiện được tổ chức ngày 11 tháng 6 năm 2022 tại 11 thành phố khác nhau là tạo đời sống thứ nhì cho những cỗ máy chết chóc. Mỗi vũ khí thu lại sẽ được làm thành dụng cụ làm vườn. Sự kiện được lực lượng cảnh sát đảm bảo để vũ khí trả lại không ở trong danh sách vũ khí phạm pháp, sau đó các tình nguyện viên, được đào tạo cơ bản thợ rèn, tháo dỡ và nung kim loại ở nhiệt độ cao để làm dụng cụ làm vườn.
Các dụng cụ mới này được tặng cho các vườn cộng đồng hoặc các trường nông nghiệp. Kể từ khi phong trào ra đời năm 2017, hơn một ngàn khẩu súng đã được biến thành thuổng, cào, xẻng… Ông Steve Yanovsky làm chứng: “Đức tin làm chúng tôi nghĩ, chúng tôi có thể làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, vì vậy chúng tôi cảm thấy được kêu gọi làm việc để chấm dứt sự điên cuồng của súng ống. Tổ chức mua lại vũ khí này là cách khiêm tốn của chúng tôi để đóng góp một viên đá vào tòa nhà.”
Tuy nhiên tiến trình không hợp với sở thích của những người bảo vệ việc có súng, họ cho rằng chỉ có việc sở hữu vũ khí rộng rãi mới có thể ngăn chặn chu kỳ giết người hàng loạt, bằng cách đảm bảo cho mọi người có phương tiện tự vệ. Nhưng phải nhắc lại, tất cả các nghiên cứu là chính thức: không thể phủ nhận có tương quan giữa việc giảm số lượng vũ khí lưu hành và việc giảm số vụ tự sát hoặc giết người bằng súng.
“Vì tình yêu của Chúa”
Ở Mỹ, những vụ mua lại súng được các nhà thờ và các đồn cảnh sát tổ chức chung với nhau là không hiếm. Sự kiện đã được tổ chức tại Nhà thờ Baptist Emmanuel ở Brooklyn ngày 21 – 5 – 2022 hoặc tại Nhà thờ Baptist Beulah ở Poughkeepsie, New York ngày 14 – 5 – 2022, các giáo xứ thường xuyên chuẩn bị sẵn cơ sở để tổ chức các sinh hoạt này.
Tổng thống Joe Biden là biểu tượng của cuộc chiến chống bạo lực súng đạn của tín hữu kitô: “Khi nào, vì tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ đương đầu với vận động hành lang buôn bán vũ khí này?” Ông tuyên bố trước vụ thảm sát trường tiểu học ở Uvalde. Ngày chúa nhật sau đó, ông đến giáo xứ Thánh Tâm của thị trấn để dự lễ tưởng niệm các nạn nhân. Nhà thờ, nơi tụ tập người dân thành phố, đã thành điểm tập hợp của những người tìm kiếm tia hy vọng và niềm an ủi kể từ sau vụ xả súng kinh hoàng ngày 24 – 5 – 2022.
Tuy nhiên, những nơi thờ tự và “tình yêu của Chúa” không phải lúc nào cũng được viện dẫn để chống lại sự điên cuồng của vũ khí ở đất nước mà chủ nghĩa dân tộc kitô giáo đã trở nên trầm trọng kể từ thời tổng thống Donald Trump. Năm 2018, ông Wayne LaPierre, phó chủ tịch của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Hoa Kỳ, NRA, cơ quan vận động hành lang ủng hộ việc có súng là cần thiết, đã đi xa hơn khi khẳng định quyền mang vũ khí “không phải do con người ban mà do Chúa ban. cho tất cả người Mỹ như một quyền cơ bản.” Một diễn ngôn tiếp tục thần thánh hóa quyền mang vũ khí đã được Hiến pháp bảo đảm và duy trì quyền tự do này với tính cách thần thánh và truyền giáo.
Ông Mike Martin, cựu mục sư đã thành thợ rèn sau khi thành lập hiệp hội Raw Tools (Dụng cụ nguyên thô) chán nản: “NRA dựa trên chủ nghĩa dân tộc kitô giáo để biện minh cho việc mang vũ khí với lý do những người sáng lập (tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ) đều là kitô hữu.” Ông nói: “May mắn thay, không phải tất cả tín hữu kitô đều tuân theo quan niệm này, ngoại trừ những người ủng hộ lý thuyết về chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ.”
Đối diện với một hành lang ủng hộ vũ khí gần như thiêng liêng, và bất chấp những lời hứa lặp đi lặp lại của các nhà lãnh đạo chính trị của đảng Dân chủ, vì thế sự thờ ơ về mặt lập pháp dường như mặc định. Do đó, sự nản lòng có bị ảnh hưởng không? Ông Mike Martin hy vọng sau mỗi bi kịch, sẽ có thêm người nhận ra sự phi lý của tình huống: “Chúng ta có thể đã đạt đến điểm bão hòa. Có nhiều cửa hàng súng hơn tiệm McDonald ở đất nước chúng ta. Nếu cần tăng cường lập pháp, tôi tự trấn an khi thấy, thường xuyên có thêm các tình nguyện viên mới dấn thân vào phong trào của chúng tôi.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch