Những người chỉ trích bình luận về NATO của Đức Phanxicô vì họ không hiểu chính sách ngoại giao của Vatican

198

Những người chỉ trích bình luận về NATO của Đức Phanxicô vì họ không hiểu chính sách ngoại giao của Vatican

americamagazine.org, Victor Gaetan, 2022-05-06

Đức Phanxicô tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi tiếp kiến riêng tại Vatican ngày 4 tháng 7 năm 2019. (Ảnh CNS / Paul Haring)

Làm thế nào để hiểu Bão tố và Căng thẳng (Sturm und Drang) của những lời Đức Phanxicô thẳng thắn bình luận trên nhật báo Ý Corriere della Sera tuần này? Ngài nói ngài sẵn sàng đi Mátxcơva để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin – người mà năm ngoái đã gọi mừng sinh nhật ngài. Họ biết nhau. Họ đã gặp nhau ba lần.

Giám mục giáo phận Rôma tận dụng mối quan hệ này để thuyết phục Putin ra khỏi mỏm đá điên cuồng mà ông đang ở đó.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đề cập đến “sự tàn bạo” của chiến tranh ở Ukraine. Không ai có thể nghi ngờ sự phẫn nộ của ngài trước cuộc xâm lược vô luân này. Nhưng việc ngài không gọi đích danh ông Putin đã chọc tức các nhà bình luận, những người không muốn nhận ra một điều rằng: Các giáo hoàng không lên án.

Tại sao họ không làm? Một phần, một kẻ phạm tội có thể thấy ánh sáng, như ông Sau-lơ đã thấy trên đường đi Đa-ma.

Tuy nhiên, theo ban biên tập của The Wall Street Journal, hành vi tấn công lớn nhất của Đức Phanxicô là suy đoán NATO có thể chia sẻ một số trách nhiệm trong việc kích động xâm lược, như giáo hoàng đã nói, “sủa trước cổng nước Nga”. (Đây không phải là một quan điểm bất thường: Ông Jack Matlock, cựu đại sứ Mỹ tại Liên xô  – trong số các nhà ngoại giao, chuyên gia học thuật và nhà báo độc lập khác – đã đưa ra vai trò của phương Tây trong việc kích hoạt sự xâm lược của Nga, kể cả chiến lược chết người nhằm đẩy mạnh NATO đến biên giới Nga. Năm 1997, nhà ngoại giao Hoa Kỳ quá cố George Kennan đã cảnh báo việc mở rộng NATO sẽ là một “sai lầm định mệnh.”)

Điều mà các nhà phê bình nhầm tưởng Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo chính trị nhưng ngài là nhà lãnh đạo thế giới kitô giáo.

Điều mà các nhà phê bình nhầm tưởng Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo chính trị nhưng ngài là nhà lãnh đạo thế giới kitô giáo, tận lòng đi theo Chúa Kitô, Đấng nói chúng ta phải yêu kẻ thù của mình. Và chính sách ngoại giao của Vatican phải phù hợp với sứ mệnh của Giáo hội.

Là tôn giáo duy nhất có vị thế chủ quyền, Giáo hội công giáo có chức năng duy nhất trong hệ thống liên quốc gia: gởi các nhà ngoại giao của mình ra nước ngoài, tiếp các đại sứ tại Tòa thánh, tham dự vào Liên Hiệp Quốc trong tư cách là quan sát viên thường trực, thậm chí còn ký kết các hiệp ước với các quốc gia khác. Tuy nhiên, không có lãnh thổ (ngoài vùng đất được gọi là Thành phố Vatican), không có quân đội (ngoài Cận vệ Thụy Sĩ theo nghi thức) và hầu như không có nền kinh tế nào (các hàng hóa trong các cửa hàng quà tặng có thể là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất), Vatican thiếu những lợi ích vật chất thường là động lực thúc đẩy hành vi của nhà nước. Điều này cho phép ngoại giao của giáo hoàng tập trung vào các mục tiêu phi vật chất như hòa bình, phẩm giá con người và lợi ích chung.

Theo quan điểm của Đức Phanxicô, gốc rễ của xung đột chính trị luôn là xung đột về lợi ích liên quan đến quyền lực. Quan điểm thiêng liêng là mọi phía ngang nhau, điều này mở ra cánh cửa cho ngoại giao mang tính xây dựng và quảng đại.

Và đã giúp cho Đức Phanxicô được thông tin đầy đủ và khách quan nhất có thể về mặt con người. Ngài không chỉ nhận thức được những gì đang xảy ra trên đất Ukraine và ở các nước láng giềng; ngài và bộ máy ngoại giao của ngài – cụ thể là Phủ Quốc vụ khanh do hồng y Pietro Parolin đứng đầu – lo ngại về ảnh hưởng của chiến tranh với các quốc gia không có bom đạn như Ai Cập, Ba Lan và Đài Loan. Mỗi bên đều bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, dòng người tị nạn và các tính toán địa chính trị mới xuất hiện từ cuộc xung đột.

Vị thế thiêng liêng là mọi phía ngang nhau, điều này mở ra cánh cửa cho ngoại giao mang tính xây dựng và quảng đại.

Đức Phanxicô rất nhất quán. Ngay từ ngày đầu làm giáo hoàng, ngài  đã cảnh báo về tình trạng phổ biến của vũ khí và nói các quốc gia đang dự vào chiến tranh thế giới thứ ba “từng phần”. Ngài hướng sự chỉ trích này vào các quốc gia trong danh sách những nước bán vũ khí lớn của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong đó Hoa Kỳ luôn dẫn đầu.

Điều mà Giáo hội công giáo tin, và Vatican biết, buộc giáo hoàng phải hành động nhân danh hòa bình và hòa giải, ngay cả khi đó là những mục tiêu không được lòng dân.

Sứ vụ cho một thế giới tan vỡ

Trong vòng vài tháng sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng tháng 12 năm 1941, Đức Piô XII đã đưa ra một quyết định làm cho các chính trị gia Mỹ và Anh phải giật mình: Tòa thánh và Tokyo thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia châu Á đầu tiên công nhận chủ quyền của Vatican.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt mô tả quyết định này là “không thể tin được” và Bộ Ngoại giao Mỹ đã phản ứng trong kinh hoàng. Nhưng quan điểm của Tòa thánh về ngoại giao là diễn đàn để làm sứ vụ trong một thế giới tan vỡ thường không được các nhà bình luận thế tục và tôn giáo tán thành, những người cho rằng Giáo hội không nên làm tổn hại đến các giá trị tinh thần của mình khi giao du với những kẻ vô đạo đức.

Về Nhật Bản, theo quan điểm của Đức Piô XII (như các vị giáo hoàng trước đây và từ đó đã đúc kết), cách duy nhất để tác động đến một chế độ độc ác là làm cho họ dấn thân trực tiếp. Ý chí này nhằm gây ảnh hưởng kitô giáo trong các cuộc tranh giành địa bàn thường làm nền tảng cho chính sách ngoại giao của Vatican, một động lực thường được hiểu ngầm hơn là được tuyên bố rõ ràng. Như giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Piô XI, đã tuyên bố, “Khi, đó là vấn đề cứu rỗi linh hồn, hoặc ngăn ngừa những tổn hại lớn hơn cho linh hồn, chúng tôi cảm thấy có can đảm để đối xử với ma quỷ nơi con người.”

Như giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Piô XI, đã tuyên bố, “Khi, đó là vấn đề cứu rỗi linh hồn, hoặc ngăn ngừa những tổn hại lớn hơn cho linh hồn, chúng tôi cảm thấy có can đảm để đối xử với ma quỷ nơi con người.”

Ý tưởng cho rằng chính sách ngoại giao tối ưu đòi hỏi các cuộc đàm phán liên tục là nguyên tắc được nhà ngoại giao huyền thoại thế kỷ 17, hồng y Richelieu cổ động, ngài từng là sứ thần của giáo hoàng trước khi trở thành cố vấn chính cho các vị vua Pháp. Chính sách này đã được Thánh Phanxicô Assisi thực hành, người cùng tên với Đức Phanxicô, ngài đã vượt qua chiến tuyến của kẻ thù trong cuộc Thập tự chinh lần thứ năm vào năm 1219 để gặp quân vương hồi giáo Sultan al-Malik al-Kamil. Tổng giám mục Christophe Pierre, sứ thần đương nhiệm tại Mỹ nhận xét trong một hội nghị kỷ niệm 800 năm sự kiện này: “Cuộc gặp gỡ đó không làm chiến tranh kết thúc nhưng mô phỏng phong cách ngoại giao của Chúa Kitô: Thánh Phanxicô đến không phải với tư cách là một nhà tư tưởng, nhưng với tư cách là nhà truyền giáo với sứ điệp hòa bình.”

Trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô cho rằng đối thoại và gặp gỡ cá nhân là trọng tâm của tất cả các loại giải quyết vấn đề, kể cả nghệ thuật cai trị. Ngài thúc đẩy một ngoại giao gặp gỡ xây dựng trên sự tin tưởng có thể phát triển giữa mọi người theo thời gian nếu họ ngừng phán xét và cố gắng tôn trọng nhau.

Một ví dụ thành công về việc Giáo hội đóng vai trò người đại diện cho sự hòa giải thông qua gặp gỡ cá nhân là vào năm 2014, khi Cuba và Hoa Kỳ quay sang Vatican sau khi bị bế tắc trong các cuộc đàm phán để bình thường hóa quan hệ. Các nhà ngoại giao của hai nước đã đến Rôma để gặp riêng, sau đó cùng gặp hồng y ngoại trưởng Parolin, ngài đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán cuối cùng, bằng cách dùng các kỹ thuật mục vụ trong một hành động trung gian cổ điển của giáo hoàng.

Có cái gì đó khá mạnh trong sự việc, dù đó là trong lãnh vực tôn giáo, vì chúng được chúc phúc cho quá trình này theo nghĩa đen cũng như theo nghĩa thiêng liêng. Chúng ta đã có một loạt các cuộc thảo luận mệt mỏi và tẻ nhạt này trong một năm rưỡi, sau đó bạn có những người có một tầm vóc thiêng liêng nói bằng những từ rất cao về ý nghĩa của điều này đối với mọi người trên thế giới, và làm thế nào để đây là hy vọng trong bóng tối.

Thần học công giáo nhìn thấy Chúa hoạt động xuyên suốt lịch sử. Đấng tối cao đã không tạo dựng mọi thứ rồi bỏ đi như Thần của thuyết hữu thần. Người tín hữu kitô có lý do giải thoát để chấp nhận rủi ro: Chúa có thể bước vào không gian do bạn tạo ra bằng cách khởi sự một thứ mới.

Đức Phanxicô khám phá ý tưởng này trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng “Evangelii Gaudium.” Nhưng chúng ta hình dung một con đường thứ ba: Đối diện với vấn đề trực diện và bắt đầu một tiến trình mới. Như giáo hoàng trấn an chúng ta: “Anh chị em hãy tin tưởng những gì Chúa làm qua chúng ta”.

Đã nhiều năm nghiên cứu cách thực hành ngoại giao của Đức Phanxicô, tôi chân thành tin tưởng những gì Chúa đang làm qua ngài – có lẽ sẽ sớm đến với Matxcơva.

Victor Gaetan

Ông Victor Gaetan là phóng viên quốc tế cấp cao của National Catholic Register và đóng góp cho tạp chí Foreign Affairs. Ông là tác giả quyển Các nhà ngoại giao của Chúa: Đức Phanxicô, Ngoại giao Vatican và Tận thế nước Mỹ (God’s Diplomats: Pope Francis, Vatican Diplomacy và American Armageddon).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô “sẵn sàng gặp Putin ở Mátxcơva”