Một nhà thần kinh học chuẩn bị cái chết
theatlantic.com, David J. Linden, 2021-12-30
Những bài học về căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã dạy tôi về tâm hồn
David J. Linden, giáo sư khoa học thần kinh tại Trường Đại học Y khoa Johns Hopkins và Viện Khám phá Khoa học Thần kinh Kavli. Quyển sách gần đây nhất của ông là Duy nhất: Khoa học mới về tính cá nhân của con người (Unique: The New Science of Human Individuality).
Bức hình bầu trời xanh và con bồ câu trắng. Matt Eich
Khi siêu âm tim định kỳ phát hiện một khối lớn bên cạnh tim của tôi, bác sĩ quang tuyến nói đó có thể là thoát vị gián đoạn – một phần dạ dày của tôi chọc lên cơ hoành để ép vào túi chứa tim.
“Uống cái lon Diet Dr. Pepper này đi, rồi lên bàn siêu âm tim lần nữa trước khi bọt soda bung ra trong bụng của ông.”
Tôi làm. Tuy nhiên các hình ảnh thu được cho thấy khối u không có dấu hiệu bung trong dạ dày của tôi như chẩn đoán thoát vị. Vài tuần sau, chụp cộng hưởng từ MRI có độ phân giải tốt hơn cho thấy khối này thực sự ở trong túi màng ngoài tim và khá lớn – gần giống như thể tích của một lon nước soda. Dù khối xâm lược to lớn này đang đè lên tim, nhưng tôi không có triệu chứng gì, tôi có thể tập thể dục hết mình. Tôi cảm thấy khỏe.
Các bác sĩ nói khối u có thể là một khối u quái teratome, một khối tế bào thường không ác tính. Triển vọng của họ đầy lạc quan. Vừa huýt sáo điệu nhạc South Pacific, bác sĩ tim mạch của tôi nói: “Chúng tôi sẽ lấy quả cam này ra khỏi ngực ông và ông sẽ tiếp tục sống bình thường.”
Khi tôi đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật, báo cáo về bệnh lý xuất hiện và tin xấu – đó không phải là u quái lành tính mà là ung thư ác tính, gọi là sarcoma hoạt dịch. Vì vị trí của nó, nằm trong thành tim, bác sĩ không thể lấy hết các tế bào ung thư. Vì làm như vậy tim của tôi sẽ không còn bơm máu được. Các bác sĩ ung thư nói, hy vọng tôi sẽ sống thêm từ 6 đến 18 tháng.
Tôi tức điên lên với toàn vũ trụ. Ung thư tim? Ai là người bị ung thư tim? Đây có phải là loại ẩn dụ khủng khiếp gì đó không? Đây là điều sẽ đưa tôi xa gia đình, xa bạn bè xa nghiệp yêu quý của tôi? Đơn giản là tôi không thể chấp nhận nó. Tôi thật sự quá giận, tôi không còn thấy gì.
[Và bây giờ đến phần tôi khóc khi tôi đánh máy.]
Năm năm trước, tôi gặp Dena và chúng tôi rất yêu nhau. Đây không chỉ là “hóa học”; nó gần giống vật lý hạt hơn – một khám phá của những đặc tính hạ nguyên tử của tình yêu. Dena đã nâng đỡ tôi bằng tình cảm trong sáng, vô điều kiện, dễ thương, đẹp đẽ, lạc quan và trí thông minh sắc sảo của cô. Cô là người vợ lý tưởng nhất mà bất cứ ai cũng mong muốn, cô ấy tốt hơn là tôi xứng đáng. Bỏ lại cô sẽ là phần khó khăn nhất cho tình huống khủng khiếp này.
Cho đến thời điểm chẩn đoán sáu tháng trước, tôi đã là người đàn ông may mắn nhất thành phố. Cặp song sinh của tôi, Jacob và Natalie không gì khác ngoài niềm vui trong 25 năm. Tôi may mắn có một sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực khoa học ở đại học, với quyền tự do theo đuổi những ý tưởng riêng của tôi, đó là món quà không như các món quà khác. Những người bạn tốt của tôi luôn là nguồn vui và giải trí. Với mọi biện pháp hợp lý, tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời, tràn đầy tình yêu, sáng tạo và phiêu lưu.
Tôi có thể sắp chết, nhưng tôi luôn là người say mê khoa học, vì vậy tôi nghĩ những gì chuẩn bị cho cái chết đã dạy tôi về tâm trí con người. Điều đầu tiên, điều hiển nhiên với hầu hết mọi người, nhưng lại phải đưa về một cách cưỡng bách với tôi, đó là có thể, thậm chí dễ dàng, chiếm cùng lúc hai trạng thái tinh thần dường như trái ngược nhau. Tôi vừa tức giận căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, vừa biết ơn sâu sắc tất cả những gì cuộc sống đã ban tặng tôi. Điều này đi ngược với một tư tưởng cũ trong khoa thần kinh rằng, chúng ta chiếm một trạng thái tinh thần tại một thời điểm: Chúng ta tò mò hoặc sợ hãi – hoặc chúng ta “chiến đấu hoặc chạy trốn” hoặc “nghỉ ngơi và chịu đựng” dựa trên một số điều chỉnh tổng thể của hệ thần kinh. Nhưng bộ não con người chúng ta có nhiều sắc thái hơn thế, vì vậy chúng ta có thể dễ dàng sống trong nhiều trạng thái nhận thức và xúc cảm phức tạp khác nhau, thậm chí ngược nhau.
Điều này dẫn tôi đến một cái nhìn sâu sắc thứ nhì: Sự thật sâu sắc của con người thì không có kinh nghiệm khách quan. Bộ não chúng ta không được xây dựng để đo giá trị tuyệt đối của bất cứ thứ gì. Tất cả những gì chúng ta nhận thức và cảm thấy được tô màu bởi mong chờ, so sánh và hoàn cảnh. Không có cảm giác thuần túy, chỉ có suy luận dựa trên cảm giác. Ba mươi phút trôi nhanh trong cuộc trò chuyện với người bạn hiền, nhưng bất tận khi đứng sắp hàng ở tiệm DMV. Bạn vui với mức lương tăng cao cho đến khi bạn biết đồng nghiệp của mình có mức lương gấp đôi bạn. Một vuốt ve của người yêu trong khi yêu thương, kết nối với cảm giác ấm áp và thú vị, nhưng va chạm như vậy khi tranh cãi nảy lửa thì phiền phức, tự cao đến mức gần như vi phạm.
Nếu ai đó nói với tôi một năm trước, khi tôi 59 tuổi, tôi chỉ còn 5 năm để sống, tôi sẽ rất thất vọng và cảm thấy mình bị số phận lừa. Giờ đây, viễn cảnh 5 năm nữa đến với tôi như một món quà không thể có được. Với 5 năm nữa, tôi có thể dành thời gian vui vẻ với tất cả người thân yêu, hoàn thành một số công việc quan trọng và vẫn có thể đi du lịch và tận hưởng sự ngọt ngào của cuộc sống. Vấn đề là, trong tâm trí chúng ta, không có cái gì gọi là giá trị khách quan, ngay cả với một thứ cơ bản như 5 năm cuộc đời.
Cái nhìn cuối cùng về tình trạng của tôi thì tinh tế hơn, nhưng nó cũng là cái quan trọng nhất. Dù tôi có thể chuẩn bị cái chết bằng mọi cách thực tế – sắp xếp các vấn đề tài chính, cập nhật di chúc, viết thư giới thiệu để giúp các học viên trong phòng thí nghiệm của tôi sau khi tôi ra đi – tôi không thể hình dung được toàn bộ cái chết của mình, hoặc thế giới không có tôi trong đó, theo bất kỳ cách nào sâu sắc hoặc ý nghĩa. Tâm trí tôi lướt qua bề mặt của cái chết cận kề mà không thực sự tham gia. Tôi không nghĩ đây là một thất bại cá nhân. Đúng hơn, đây là kết quả đơn giản của việc có một bộ não con người.
Lĩnh vực khoa học thần kinh đã thay đổi đáng kể trong 43 năm kể từ khi tôi tham gia. Tôi được dạy, về cơ bản bộ não là phản ứng: Các kích thích tác động đến các cơ quan giác quan (mắt, tai, da, v.v.), những tín hiệu này được truyền đến não, một chút tính toán sẽ xảy ra, một số quyết định thần kinh được thực hiện, và sau đó là xung động được gửi dọc theo dây thần kinh đến các cơ, chúng co lại hoặc chúng giãn ra để tạo hành vi dưới dạng cử động hoặc lời nói. Bây giờ chúng ta biết, thay vì chỉ phản ứng với thế giới bên ngoài, bộ não dành nhiều thời gian và năng lượng để tích cực đưa ra các dự đoán về tương lai – chủ yếu là những khoảnh khắc tiếp theo. Quả bóng chày bay trong không khí đó có đập vào đầu tôi không? Tôi có sắp đói không? Người lạ này là người bạn hay kẻ thù? Những dự đoán này có nguồn gốc sâu xa, tự động và tiềm thức. Chúng không thể bị tắt chỉ bằng sức mạnh của ý chí.
Và bởi vì bộ não của chúng ta được tổ chức để dự đoán tương lai gần, nó cho rằng, thực tế, là gần tương lai. Bằng cách này, bộ não của chúng ta bị quấn cứng để ngăn ngừa chúng ta tưởng tượng ra toàn bộ cái chết.
Nếu tôi được phép suy đoán – và tôi cho rằng một người sắp chết nên được phép hưởng suy đoán này – tôi cho rằng sự giới hạn nhận thức cơ bản này không dành cho những người đang chuẩn bị cái chết cận kề, nhưng đúng hơn là một vấn đề chung có ý nghĩa sâu sắc đối với việc thực hành đa văn hóa của tư tưởng tôn giáo. Gần như mọi tôn giáo đều có khái niệm về thế giới bên kia (tương tự như nhận thức luân hồi). Tại sao những câu chuyện thế giới bên kia/luân hồi thường thấy khắp thế giới? Cũng vì lý do đó mà chúng ta không thể thực sự hình dung được cái chết của mình: vì bộ não của chúng ta được xây dựng dựa trên tiền đề sai lầm rằng sẽ luôn có thời điểm tiếp theo để dự đoán. Chúng ta không thể chận được tưởng tượng, rằng ý thức của chúng ta trường tồn.
Dù không phải mọi tín ngưỡng đều có những câu chuyện rõ ràng về đời sống sau cái chết/ luân hồi, (do thái giáo là một ngoại lệ đáng chú ý), hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới đều có, kể cả hồi giáo, đạo sikh, kitô giáo, lão giáo, ấn độ giáo và thậm chí cả phật giáo. Thật vậy, nhiều tư tưởng tôn giáo lấy hình thức giống như một món hàng ở chợ: hãy theo những quy tắc này trong cuộc sống, và bạn sẽ được đền đáp ở thế giới bên kia hoặc với một hình thức tái sinh thuận lợi hoặc kết hợp với thần thánh. Các tôn giáo trên thế giới sẽ như thế nào nếu bộ não của chúng ta không được tổ chức để tưởng tượng rằng ý thức tồn tại? Và điều này sẽ làm thay đổi nền văn hóa nhân loại của chúng ta như thế nào, vốn đã được hình thành mạnh mẽ bởi các tôn giáo và những xung đột giữa chúng?
Trong khi suy ngẫm về những câu hỏi này, tôi cũng đang suy ngẫm về hoàn cảnh của chính tôi. Tôi không phải là người có đức tin, nhưng khi chuẩn bị cho cái chết, tôi có một sự tôn trọng được làm mới lại với sức hấp dẫn bền bỉ và rộng rãi của những câu chuyện về thế giới bên kia/luân hồi và cuối cùng là nguồn gốc sinh học thần kinh của chúng. Cuối cùng thì tôi không chắc liệu niềm tin vào những câu chuyện về kiếp sau/luân hồi là một đặc nét hay một lỗi trong nhận thức của con người, nhưng nếu đó là lỗi thì đó là lỗi mà tôi rất thông cảm. Rốt cuộc, sẽ kỳ lạ đến mức nào nếu trở lại như một con lợn biển hay một con sán dây? Và thật là một niềm vui đặc biệt khi được gặp lại Dena và các con của tôi sau khi tôi đi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch