“Cái chết của tôi tùy thuộc vào cách tôi sống hôm nay”

189

“Cái chết của tôi tùy thuộc vào cách tôi sống hôm nay”

fr.aleteia.org, Marie-Bénédicte Coz, 2013-10-30

Vào tháng Các Thánh và Các Đẳng Linh Hồn, trang Aleteia phỏng vấn Cha Thierry de Lesquen, tác giả quyển sách “Chuẩn bị cho cái chết của bạn để lên thiên đàng” (Préparer sa mort pour aller au paradis, xuất bản ngày 11 tháng 10-2023). Linh mục nhắc lại khái niệm về cái chết, một “lời hứa về sự sống không bao giờ kết thúc”, và về cách từ nay chúng ta có thể sống trong viễn cảnh vĩnh cửu.

“Nếu tôi bị kéo dài đến một vĩnh hằng vượt ngoài cái chết, thì ngày hôm nay của tôi sẽ thay đổi.” Tháng 11 là tháng người công giáo thường đi thăm mộ người thân đã khuất. Thời gian này đôi khi đau đớn, đôi khi êm dịu, không ngừng nhắc chúng ta ai cũng có một đoạn đường đi trên trái đất. Theo linh mục Thierry de Lesque, cái chết hiện diện trong từng giây đời sống hàng ngày chúng ta. Ngài giải thích: “Nếu tôi sống trong hy vọng, thì tôi đang hướng tới một điều gì đó vượt ra ngoài cái chết và vì thế theo một cách nào đó, bây giờ tôi đang vượt qua nó. Đó là đời sống của một người được rửa tội: dấn thân vào cái chết và sự Phục sinh, sống với Chúa Kitô. Thông thường, là kitô hữu là tìm cách sống cuộc sống hằng ngày phù với sự sống vĩnh cửu, sự sống không chết.”

Trong quyển sách, suy tư của cha đồng hành với độc giả với những ý tưởng rất cụ thể để chuẩn bị cho cái chết. Đây có phải là lời mời lắng nghe ngay bây giờ mà không cần chờ đợi những hoàn cảnh như tuổi già hay bệnh tật?

Cha Thierry de Lesquen: Tin Mừng nhắc chúng ta “Các con không biết ngày cũng như giờ” (Mt 25:13). Nếu chúng ta có thể biết được ngày chết, chúng ta sẽ cho mình còn nhiều thời gian trước mặt. Khi đó chúng ta sẽ không chuẩn bị. Nhưng thực tế chúng ta biết có những cái chết bất ngờ chung quanh chúng ta. Chuẩn bị cho cái chết không đơn giản chỉ chuẩn bị những chuyện thực tế. Đó không phải là điều quan trọng nhất. Trên hết, cái chết của tôi sẽ tùy vào cách tôi sống hôm nay. Thực chất, nếu tôi hướng đến đời sống vĩnh cửu vượt ra ngoài cái chết, thì “ngày hôm nay” của tôi sẽ thay đổi. Quyển sách của tôi dành cho những người đã có khả năng hiểu được khái niệm về cái chết, điều này có thể hiểu được từ khá sớm, ngay từ độ tuổi có lý trí.

Toàn bộ vấn đề là ý thức tình trạng phải chết của mình, không sợ hãi, chấp nhận cái chết, đối diện với cái chết để có thể đoán trước được điều chúng ta được mời gọi là vĩnh cửu.

Nếu tôi sống trong hy vọng, có nghĩa tôi đang hướng tới một điều gì đó vượt ra ngoài cái chết và do đó, kể từ bây giờ, một cách nào đó tôi sẽ vượt qua nó. Đó là cuộc sống của một người được rửa tội: dấn thân vào cái chết và sự Phục sinh, sống với Chúa Kitô. Đó là đời sống của một người được rửa tội: dấn thân vào cái chết và sự Phục sinh, sống với Chúa Kitô. Thông thường, là kitô hữu là tìm cách sống cuộc sống hằng ngày phù với sự sống vĩnh cửu, sự sống không chết. Thực ra, theo tôi, không có tuổi nào để chuẩn bị cho cái chết. Toàn bộ vấn đề là ý thức tình trạng phải chết của mình, không sợ hãi, chấp nhận cái chết, đối diện với cái chết để có thể đoán trước được điều chúng ta được mời gọi là vĩnh cửu.

Làm thế nào có thể định nghĩa cái chết?

Không dễ để định nghĩa cái chết theo hướng tích cực vì về cơ bản nó là tiêu cực. Đó là tước đoạt sự sống, làm gián đoạn sự tồn tại. Nhưng khó khăn trên hết là phải biết chúng ta đang nói về cái chết nào. Trong quyển sách tôi triển khai điều này một chút. Tất nhiên, có cái chết về thể xác, điều này đáng lo ngại và không tự nhiên. Nhưng đằng sau nó còn hơn thế nữa, là sự xuất hiện cái chết siêu hình, nơi mà toàn bộ con người, toàn bộ linh hồn dường như biến mất cùng một lúc. Vì tội nguyên tổ, cái chết đã là một bi kịch và nó sẽ luôn như vậy. Không ai phủ nhận. Chúng ta không được tạo ra để làm điều đó, ngay cả khi nó đã trở thành trạng thái tự nhiên của con người. Mặt khác, nếu chúng ta trải qua cái chết với niềm hy vọng về cõi vĩnh cửu thì đó không phải là cái chết không có hy vọng. Câu hỏi quan trọng là liệu cái chết chỉ kết thúc sự sống trên thế giới này hay nó làm gián đoạn sự sống của linh hồn mãi mãi. Có một hành động đức tin để tin rằng cái chết thể xác không phải là sự kết thúc của mọi thứ.

Cha muốn nói gì khi “chuẩn bị cho cái chết”?

Đó là tin tưởng, hy vọng trong mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống mãi mãi. Và nếu tôi có mối quan hệ với Ngài thì tôi đã sống cuộc sống vượt ra ngoài cái chết và cái chết mất đi chiều hướng thảm khốc, giống như bao thử thách trên thế giới này. Mọi thứ được đặt trở lại đúng vị trí của chúng.

Bắt đầu từ đâu khi chúng ta “chuẩn bị cho cái chết”?

Theo tôi, bước đầu tiên là nhận thức sự nghèo khó trong đức tin vào Chúa của tôi, Đấng là nguồn sống duy nhất cuộc đời tôi. Không thể đối diện một cách nghiêm túc với vấn đề cái chết nếu không có ơn sủng: con người không thể ban sự sống cho chính mình, vì thế con người sẽ không bao giờ có khả năng xem xét nó một cách nghiêm túc, suy nghĩ về nó mà trước tiên không đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Đó là ơn để cầu xin trong đức tin. Về cơ bản, tôi phải đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, sẵn sàng để Ngài đến và chiếm một vị trí đầu tiên trong cuộc đời tôi.

Tôi phải sẵn sàng để cho mình được Thiên Chúa viếng thăm, Đấng sẽ luôn chiếm chỗ trong cuộc đời tôi.

Những thử thách, những thất bại của cuộc đời là những “tang tóc” nho nhỏ giúp tôi nhận ra, tôi khó nghèo, tôi nhỏ bé và tôi phải chết. Qua điều này, tôi nhận ra tôi không có quyền kiểm soát đời mình và vì thế tôi có thể chọn từ bỏ một điều gì đó của cuộc sống này để cho Chúa. Sự  khó nghèo mở ra với người khác để họ có thể đến lấp đầy khoảng trống. Trong đời sống thiêng liêng, nếu tôi không mở lòng ra cho Chúa thì Ngài sẽ không đến. Đó là lý do vì sao chúng ta phải luôn can đảm tin tưởng. Tôi phải sẵn sàng để cho Thiên Chúa viếng thăm, Đấng sẽ luôn chiếm chỗ trong cuộc đời tôi. Điều này giải thích vì sao nhiều người bắt đầu tin khi họ ở trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, nghèo đói: Tôi sẵn sàng đón Chúa vào cuộc đời tôi lúc này, vì tôi không được khỏe, tôi cần Ngài.

Tôi nghĩ đến Thánh Charles de Foucauld, khi ngài ở trong tình trạng lạc lõng, ngài đến nhà thờ Thánh Augutinô vài ngày để nói với Chúa: “Nếu Chúa hiện hữu, xin Chúa cho con biết Chúa”. Tôi nghĩ đó là lúc mà lời cầu nguyện của ngài thành hiện thực, ngài sẵn sàng từ bỏ quyền tự chủ, quyền kiểm soát các hoạt động bằng trí thông minh của mình, để cho phép người khác chen vào, đến thăm mình. Không phải tôi hiểu, không phải tôi biết. Tôi chấp nhận tôi không biết, tôi để người khác, người sẽ chiếm khoảng không gian rộng lớn này đến thăm. Với tôi, có vẻ như nó theo thứ trật này. Để chuẩn bị cho cái chết của mình, bạn cần rất nhiều khiêm nhường và đức tin. Và để tin tưởng, bạn phải bắt đầu bằng việc muốn tin. Không có sự khiêm nhường thì không có sự thật và chúng ta không thể sẵn sàng đón nhận Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa.

Và với những người đã có cuộc sống ổn định, thoải mái vì giàu có, những người có đủ mọi thứ vật chất, trí tuệ, nghề nghiệp và ngay cả trong đời sống gia đình, thì nhu cầu về Chúa không phải là ngay lập tức. Tuy nhiên trong nghèo khó tâm hồn, việc hướng về Thiên Chúa là điều bình thường. Và nếu tôi ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa là Sự Sống, tôi có thể chấp nhận cái chết. Tôi có thể chấp nhận cái chết của thế giới này vì tôi đang hướng đến cuộc sống vĩnh cửu.

Trong quyển sách của cha, cha đề cập đến “những cái chết nho nhỏ”, chúng là những cái chết nào?

Trên thực tế, những cái chết nho nhỏ là những thử thách xảy ra với chúng ta trong cuộc sống và làm chúng ta trở nên khó nghèo, làm vỡ ảo tưởng về quyền tự chủ của chúng ta. Sự khó nghèo mà tất cả chúng ta đều được Chúa kêu gọi (x. Mt 5:3), chúng ta thực sự không muốn trải qua! Chúng ta không được tự dối mình: chúng ta không thể làm được điều đó. Trong số những thử thách khó khăn nhất này, chúng ta có thể nói đến tuổi già hoặc bệnh tật mà tất cả chúng ta đều phải sống theo thời gian, trong sự mất mát của những người chung quanh. Nhưng những cái chết nho nhỏ cũng là các thất bại hàng ngày làm chúng ta sỉ nhục, nói rộng hơn, đó là những hạn chế phức tạp trong cuộc sống hàng ngày. Chúng rất dễ nhận ra nếu chúng ta thành thật với chính mình vì chúng luôn làm đau đớn, khó nhọc. Đó là một chút gì mà chúng ta tự nhiên muốn từ chối! Trong một thời gian, chúng ta có thể có ảo tưởng mình là người “tốt”, nhưng hành trình đi tìm sự thật cuối cùng sẽ làm chúng ta chấp nhận, không có gì là phi thường, chúng ta là con người thật của mình, chúng ta sẽ không bao giờ thành thánh vĩ đại như chúng ta mơ. Và nếu tự mình không làm được thì phải nhờ đến người khác hoặc bỏ cuộc hoàn toàn.

Những cái chết nho nhỏ là những giọt nước mắt thực sự giúp ích cho chúng ta vì chúng ta chưa sẵn sàng cho đi.

Khi đó là lúc phải hoán cải thực sự, nghĩa là bắt đầu nói với Chúa: “Không có Chúa, con không thể làm được”, đó cũng là điều Chúa Giêsu đã nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Vì không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15:5). Cho đến bây giờ, có lẽ chúng ta nghĩ chúng ta cần Chúa, cần Ngài giúp đỡ, nhưng chỉ là hỗ trợ bên ngoài. Đã đến lúc chúng ta phải hiểu chỉ có Chúa mới có thể thực hiện điều này nơi chúng ta: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Câu này của Thánh Phaolô vô cùng táo bạo và trước khi chúng ta sống được như thế, thường chúng ta phải mất một thời gian dài. Vì thế, những cái chết nho nhỏ này là những giọt nước mắt thực sự giúp đỡ chúng ta vì chúng ta chưa sẵn sàng cho đi. Sự giàu có của chúng ta làm chúng ta không trở nên người khó nghèo này. Đương nhiên trước hết, đó là một sự xấu, giống như bất kỳ hình thức đau khổ nào trên trái đất này. Nhưng Chúa dùng nó một cách kỳ diệu để biến đổi thành điều tốt đẹp. Ví dụ nổi bật cho sự đảo ngược này, đó là Chúa Kitô bị đóng đinh, một sự xấu lớn nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại, việc Chúa Giêsu chịu chết đồng thời là điều thiện vĩ đại nhất từng được thực hiện: con người được cứu rỗi!

Cha nhắc đến sự khác biệt giữa “cái chết thụ động và cái chết chủ động”, đâu là lập luận của cha?

Cái chết thụ động là thập giá trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng ta phải nhìn nhận để cộng tác vào việc từ bỏ chính mình mà Chúa xin chúng ta. Trong quyển sách của tôi, tôi triển khai một chút câu hỏi về những thử thách và những khô héo thiêng liêng, những điều chúng ta không chọn, và vì thế chúng ta bất lực, cho đến cả trong lời cầu nguyện của chúng ta. Thực tế, chúng ta có thể nói, người đi tu đã giải quyết được nhiều vấn đề của cuộc sống. Sau khi bước qua bước này, cuộc sống của họ sẽ dễ dàng hơn. Thực ra, điều này không nhất thiết đúng vì thử thách này không phải chỉ có nơi người đi tu mà cả ở người sống ngoài đời. Thậm chí ở tu viện còn phải cố gắng nhiều hơn ngoài đời! Khía cạnh tích cực mà tôi nói đến, đó là sự tham dự của chúng ta vào công việc rũbỏ này. Đó là điều chúng ta gọi là khổ hạnh trong truyền thống kitô giáo. Chúng ta tự nguyện bị tước đi một điều gì đó để nhường chỗ cho Chúa. Đặc biệt, chúng ta thấy rõ trong Tin Mừng, chính Chúa Giêsu đã ăn chay và mời gọi chúng ta noi gương Ngài.

Cha đã học kỹ sư và làm việc sáu năm trước khi nghe tiếng Chúa gọi trong một lần chầu Thánh Thể. Cha nhận ơn gọi khi 28 tuổi, sau khi đã có nghề nghiệp, xin cha cho chúng tôi biết những cái chết nho nhỏ mà cha trải qua khi đáp lại ơn gọi này.

Nếu nói về ơn gọi của tôi, thì trước hết tôi phải nói đây là “cái chết rất lớn” mà tôi phải đối diện: tôi đã dự định kết hôn, sinh con, xây dựng gia đình. Tôi phải từ bỏ, vì một ngày, tôi hiểu Chúa gọi tôi đi theo Ngài. Chính xác là tôi đã phải “để tang” cho đời sống của tôi, để nhận đời sống của người khác. Tôi đã biến lời cầu nguyện của Chúa trên Đồi Canvê thành lời cầu nguyện của tôi: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26, 39). Dĩ nhiên đó không phải là mức độ đau đớn của Chúa Giêsu, nhưng với tôi là một đấu tranh thực sự. Tôi đã phải đấu tranh để chấp nhận quan điểm sống mới này. Tôi cũng phải từ bỏ công việc tôi yêu thích.

Được đánh động thì dễ dàng đi theo Chúa Kitô, Ngài đã là người an ủi chúng ta. Nhưng trong đời sống, chúng ta vẫn phải chấp nhận sự im lặng của Chúa trong khi Ngài im lặng, khi Ngài dường như vắng mặt, chấp nhận bước vào một mối quan hệ đức tin thực sự không thuộc thứ trật của xúc cảm. Đây cũng là một một tang tóc rất khắc nghiệt để sống trong hành trình người tín hữu dành cho người mới hoán cải.

Từ bỏ có thể là một hành động yêu thương, khi chúng ta tự nhủ, ý muốn của chúng ta quá hiện hữu và chúng ta chọn từ bỏ để dọn đường cho Chúa.

Tôi đã thường suy niệm câu này của tiên tri Isaia: “Quả thật, Ngài là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45, 15-23)! Và nhiều lần trong đời tôi trải nghiệm Ngài không hề ẩn giấu chút nào. Thánh Gioan Thánh Giá, “tiến sĩ của đêm tối” đã cho chúng ta hiểu, bằng cách ẩn mình, Chúa đã cho phép chúng ta đi vào mầu nhiệm Đức tin thực sự, đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho Thiên Chúa, chứ không phải tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì những an ủi Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta có thể mơ, trong Đức tin, với sự đồng hành của Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến đổi trong chớp mắt. Vì vậy, cũng là một tang tóc khi chấp nhận đi vào một tiến trình khiêm tốn đích thực, một tăng trưởng theo thước đo của chúng ta, một hành trình phù hợp với chúng ta chứ không phải một ảo tưởng về đời sống kitô hữu của chúng ta.

Chẳng hạn với quyển sách này, tôi thực sự không biết liệu nó có được xuất bản hay không. Và thực tế lại rất hay, vì tôi đã phải ‘để tang’ một chút để nó được ra ánh sáng. Điều đáng kể ở đây là có một cái gì huyền bí, những sống lại nho nhỏ qua những thất vọng, những bỏ rơi để mở ra một cuộc sống mới. Từ bỏ có thể là một hành động yêu thương, khi chúng ta tự nhủ, ý muốn của chúng ta quá hiện hữu và chúng ta chọn từ bỏ để dọn đường cho Chúa. Thực ra, chúng ta phải “trở lại như trẻ con” (Mt 18:3) như Chúa Giêsu nói. Và đặc tính của trẻ con là khiêm tốn.

Cha sẽ nói gì với những cha mẹ vừa lo lắng về cách nuôi dạy con cái, vừa chuẩn bị cái chết của chúng? Cha có lời khuyên nào cho họ?

Ở thời đại chúng ta, chúng ta có xu hướng che giấu cái chết rất nhiều với trẻ em. Chúng ta có khuynh hướng giấu mọi người. Đối với tôi, đây là một điều hết sức xấu vì hiển nhiên cái chết là một phần của cuộc sống. Và nếu hy vọng bị tước thì nó không thể chịu nổi và vì thế chúng ta giấu nó đi. Nhưng nếu ngay từ thời thơ ấu chúng ta được giáo dục về niềm hy vọng, về đức tin, thì sẽ thay đổi mọi thứ. Chúng ta thường cố gắng giảm thiểu thảm kịch về cái chết, hoặc thậm chí không nói đến nó. Cá nhân tôi, tôi nghĩ mình phải đương đầu với nó… Dù sao người tín hữu kitô được trang bị đầy đủ cho việc này: họ có kiến thức về mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm Vượt Qua, chính Chúa Giêsu đã chết. Chúng ta cho trẻ em thấy Thánh giá, chúng ta có thể giải thích: Chúa Giêsu mạnh hơn cái chết. Ngài đã vượt qua nó. Ngài làm điều này cho cha mẹ, cho con. Và đó là lý do vì sao với chúng ta bây giờ, cái chết không quá nghiêm trọng. Nó là một phần của cuộc sống. Chúng ta có thể nhìn thẳng vào cái chết vì chính Chúa Giêsu đã đánh bại nó, vì Ngài mạnh hơn cái chết.

Nếu chúng ta giúp trẻ em tin, thì chúng sẽ có khả năng vượt qua cái chết và thường chúng khá hơn người lớn trong lãnh vực này.

Trong vấn đề này, trẻ em có một năng khiếu đặc biệt: chúng có khuynh hướng tin một cách tự nhiên. Và nếu chúng ta giúp trẻ em tin, chúng sẽ có khả năng vượt qua cái chết, và thường chúng khá hơn người lớn trong lãnh vực này. Khi nghe chứng từ của những đứa trẻ bị bệnh nặng, chúng tôi thấy, đôi khi chính các em làm cha mẹ được an ủi, điều này khá ấn tượng. Ở các em có điều gì đó của đơn sơ, của một trái tim khó nghèo, các em sẵn sàng đón nhận sự sống bao la của Thiên Chúa, tốt hơn, mạnh hơn chúng ta rất nhiều. Vì thế với tôi, con cái có nhiều khả năng đối diện với cái chết hơn cha mẹ. Chúng ta cũng phải giúp các em chấp nhận những yếu đuối của mình, chấp nhận việc mình không biết mọi việc, luôn nhắc các em, các em được Chúa yêu thương. Đây là điều đầu tiên. Chúng ta dạy các em nhìn cuộc sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện hàng ngày, giúp các em làm phút hồi tâm về ngày sống của mình…

Cha nói gì với những người đang chuẩn bị chết?

Tôi có thể nói ai khiêm tốn thì không có gì phải sợ. Nếu cần, chính xác tôi sẽ nói, điều làm chúng ta xa cách Chúa là tính kiêu ngạo. Nhưng nếu họ đến trước Chúa như một kẻ hèn mọn, như người không có quyền, như người nghèo, như kẻ tội lỗi, khiêm nhường, tin cậy vào Cha mình, thì người ấy sẽ được cứu. Đó là điều chắc chắn, một xác tín. Nếu họ có thể nói với một linh mục: “Đây là điều xấu (hoặc rất xấu) tôi đã làm trong đời, tôi xin Chúa tha thứ cho tôi.” Nếu trái tim của họ ở đó, tôi chắc chắn họ sẽ lên thiên đàng. Và điều rất quý khi xưng tội với một linh mục, đó là thúc đẩy tôi khiêm tốn sống tiến trình này: Tôi phải trở nên rất nhỏ bé trước mặt người thứ ba!

Cha muốn nói gì với những người không muốn đặt câu hỏi, những người nói “chúng ta sẽ xem”?

Điều tôi muốn nói đầu tiên là chúng ta có trực giác tự nhiên về cuộc sống sau khi chết, đặc biệt là chúng ta tiếp tục yêu thương người đã khuất mà chúng ta đã yêu thương khi họ còn sống. Dĩ nhiên tình yêu của chúng ta trải qua cái chết. Và nếu thực sự không có gì ngoài điều đó thì thật phi lý. Như thể có một trực giác tự nhiên phổ quát về sự sống mạnh hơn cái chết, về sự sống vượt ra ngoài cái chết. Chỉ điều này thôi cũng đủ để đặt vấn đề về niềm hy vọng, về đức tin. Khi đó, nếu cuộc sống bên kia cái chết thực sự là của chúng ta, nếu không nó sẽ không làm chúng ta quan tâm, thì nhất thiết phải có sự tiếp tục với cuộc sống của thế giới này chứ không chỉ là một đứt đoạn. Vậy hôm nay tôi có sẵn sàng cho một cuộc sống có thể kéo dài mãi mãi không? Điều đó có nghĩa là gì? Và cuộc sống này phải hạnh phúc!

Tất cả điều này mở ra những câu hỏi lớn và đặc biệt là câu hỏi về đức tin. Nhưng thường chính sự dễ bị tổn thương đã làm cho hành động tin trở nên khả thi. Khi con người không bị suy yếu, họ thường không sẵn sàng thực hiện bước này. Tôi nói chuyện với họ về điều đó, bất chấp tất cả để ngày họ rơi vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương, họ dám cầu nguyện: “Ngày bạn không khỏe, bạn sẽ thử. Vậy bạn sẽ phải trả giá bao nhiêu? Hãy thử cầu nguyện, bạn sẽ thấy. Có thể bạn sẽ tìm thấy một hình thức an ủi, bình yên nào đó, có thể điều gì đó sẽ xảy ra? Hôm nay, bạn không nhìn ra vấn đề, bạn không nhận ra rằng nó đáng giá vì bạn không có kinh nghiệm, bạn cho rằng mình không có thời gian… Nhưng cũng có thể một ngày nào đó sẽ đến, bạn có thể và sẽ muốn thử!”

 

 

Chuẩn bị cho cái chết của bạn để lên thiên đàng (Préparer sa mort pour aller au paradis, Thierry de Lesquen, Salvator, 2023).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thế nào là chết lành theo Đức Phanxicô