Hành trình của Đức Phanxicô đến Giáo hội chính thống Hy Lạp, những đặc quyền đau buồn

173

Hành trình của Đức Phanxicô đến Giáo hội chính thống Hy Lạp, những đặc quyền đau buồn

Sau hai ngày ở Sýp, sáng thứ bảy 4 tháng 12, Đức Phanxicô có chuyến đi 3 ngày đến A-ten. Một đất nước mà từ lâu Giáo hội chính thống có mặt mọi nơi, trong đời sống xã hội, chính trị nhưng bây giờ đất nước đối diện với tình trạng thế tục hóa không thể tránh.

la-croix.com, Thomas Jacobi, A-ten, 2021-12-04

Hành trình của Đức Phanxicô đến Giáo hội chính thống Hy Lạp, những đặc quyền đau buồn

Cử hành phục sinh trong một tu viện ở Thessaloniki, ngày 1 tháng 5 năm 2021. Konstantinos Tsakalidis / SOOC qua AFP

Vị trí ưu việt của Giáo hội chính thống so với các tôn giáo khác của đất nước được điều 3 của Hiến pháp năm 1975 xác nhận. Được viết “nhân danh Chúa Ba ngôi”, vì thế Hiến pháp Hy Lạp tuyên xưng “tôn giáo thống trị ở Hy Lạp là Giáo hội phương Đông của Chúa Kitô”. Sự thống trị này của Giáo hội chính thống Hy Lạp một phần được giải thích qua vai trò rất quan trọng của Giáo hội trong cuộc chiến giành độc lập và trong suốt 4 thế kỷ bị đế chế Ottoman chiếm đóng. Nhưng thời đại đặc quyền này bây giờ dường như ngày càng đi lui.

Bài đọc thêm: Sự đón tiếp lạnh lùng của các linh mục chính thống

Chính phủ của nhà xã hội chủ nghĩa Andreas Papandreon (1919-1996) đã khởi động tiến trình thế tục hóa năm 1982 bằng cách thiết lập hôn nhân dân sự. Giáo chủ của A-ten lúc đó là Thượng Phụ Séraphin đã kịch liệt phản đối, nhưng thủ tướng Papandreon vẫn kiên trì và ký, hai năm sau thủ tục ly dị muốn được thông qua phải được Giáo hội đồng ý trước.

Thủ tướng kế nhiệm là ông Costas Simitis, cũng là nhà xã hội chủ nghĩa và thân Âu châu, năm 2000 đã bỏ điều khoản tôn giáo trên chứng minh thư. Ở đây cũng vậy, trận chiến cam go nhưng ông Simitis vẫn tiếp tục tiến hành bất chấp sự lên án mạnh mẽ của các giáo sĩ, họ xuống đường và các cuộc biểu tình làm chấn động đất nước. Bây giờ các cơ quan nhà nước không được quyền hỏi tôn giáo nhân viên, kể cả ở các cơ quan cảnh sát và quân đội. Ông Efstathios, người công giáo 60 tuổi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử này: “Ngay khi chúng tôi trình thẻ căn cước, chúng tôi, người công giáo bị cho là người ‘thần phục giáo hoàng’ liền bị dòm ngó. Tôi không bao giờ được lên chức trong quân đội. Đã đến lúc những chuyện này phải dừng lại.”

Chấm dứt miễn thuế cho Giáo hội

Trong sự thay đổi bất ngờ này, bây giờ người dân có thể thề trên Hiến pháp ở một phiên tòa, không nhất thiết phải thề trên Thánh Kinh, Kinh Torah hay Kinh Koran nữa. Các nghị sĩ và bộ trưởng sẽ phải chờ sự xuất hiện của đảng cực tả Syriza năm 2015 để họ cũng được hưởng lợi từ cuộc cải cách này.

Hành động cuối cùng của việc làm suy yếu Giáo hội chính thống này trên xã hội là hủy mọi miễn thuế trong thời gian khủng hoảng tài chính năm 2010. Giáo hội, chủ đất lớn nhất nước đã thấy thuế của họ tăng mạnh vào tháng 7 năm 2012, lần đầu tiên họ trả hơn 12 triệu âu kim tiền thuế. Tổng Giám mục Hyéronyme cố gắng nêu lên “công việc từ thiện quan trọng của Giáo hội”, “tiền thuế lợi tức mà các linh mục phải trả như tất cả các công chức”, và 96% của cải bất động sản của họ Giáo hội phải nhượng để đổi lấy những vụ miễn thuế và đánh vào lương các giáo sĩ.

Eurogroup, cơ quan giám sát chặt chẽ tài chính của Hy Lạp cũng từ chối làm như vậy. Giáo hội phải chịu, phần lớn người Hy Lạp chịu thắt lưng buộc bụng đã thở phào. Bà Irini, giáo sư lịch sử nói: “Thành thật mà nói, tôi không thể hiểu vì sao Giáo hội lại được miễn thuế nhà đất, tôi xém bị mất nhà vì thuế địa phương mới. Ngay cả mẹ tôi, người không bao giờ bỏ lỡ một thánh lễ, bà cũng đồng ý với biện pháp này.”

Châu Âu là động lực thúc đẩy tiến trình thế tục hóa đất nước

Theo giáo sư Stavros Zoumboulakis, chuyên gia về tôn giáo, tác giả quyển sách Kitô giáo của niềm vui, chứng từ của Giáo hoàng Phanxicô (Christianisme de la joie, le témoignage du pape François), tiến trình thế tục hóa mạnh mẽ này có được nhờ áp lực của Âu châu: “Không thể để Hy Lạp gia nhập Liên minh châu Âu với những người lỗi thời như vậy. Nếu không có Châu Âu, Giáo hội chính thống Hy Lạp sẽ không bao giờ chấp nhận thay đổi.”

Tất cả những cải cách này, đã định hình lại xã hội và được hầu hết người Hy Lạp chấp nhận. Kể cả những vấn đề mới nhất được chính phủ bảo thủ – nhưng gần gũi với Giáo hội – thúc đẩy liên quan đến hôn nhân của những người đồng giới, việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính, hỏa táng người chết hoặc xóa bỏ tội phạm thượng. Cô Roula, sinh viên kiến trúc cười: “Đó là đỉnh cao của thói đạo đức giả. Người dân nhục mạ mọi thứ cả ngày, họ cầu khấn với tất cả các vị thánh của biểu tượng, và chúng tôi ra tòa vì tội phạm thượng sao? Thật nực cười!”

Cô Roula cũng như bà Irini và một phần lớn người Hy Lạp, chủ yếu là những người trẻ tuổi, ngày càng nhiều người nhận mình là người vô thần. Nhưng họ sẽ không bao giờ bỏ lễ Phục sinh hoặc các lễ kính Thánh giá vào tháng 1 khi các linh mục ném thánh giá xuống biển để ban phép lành cho vùng biển. Bà Irini giải thích: “Đó là một phần bản sắc của chúng tôi.” Theo các cuộc thăm dò mới nhất, 75% dân Hy Lạp tiếp tục làm đám cưới nhà thờ và rửa tội cho con cái của họ. Nhưng con số này giảm xuống còn 10% khi nói đến việc ăn chay tuần lễ  Phục sinh.

Về phần mình, linh mục Pierre Salembier, bề trên tỉnh dòng Dòng Tên Hy Lạp nhấn mạnh: “Người Hy Lạp có mối quan hệ rất truyền thống, rất lễ hội với tôn giáo. Họ sẽ không thể không thắp nến trong Tuần Thánh, nhưng chỉ còn 15% trong số họ còn đi lễ.” Theo cha Salembier, “nước Hy Lạp bị ảnh hưởng của sự hiện đại của phương Tây, làm cho việc giữ đạo bị giảm”. Con số chính tự nó nói lên. Năm 2001, 85,6% tuyên bố họ giữ đạo, năm 2015, con số này là 51,9%. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Panteion A-ten xác nhận điều này: 60% người Hy Lạp cho rằng “Giáo hội ít có tác động so với mười, mười lăm năm trước, 44% cho rằng tôn giáo khá quan trọng và 23% cho là rất quan trọng.”

Nhưng ông Alexandros Sakeùlariou, chuyên gia  nghiên cứu tại Đại học Panteion cho biết, “vẫn không có sự tách biệt giữa Nhà thờ và Nhà nước dù có nỗ lực của ông Alexis Tsipras và 55% dân số ủng hộ ông về vấn đề này”. Vụng về trong việc xử lý hồ sơ, cựu thủ tướng đã đụng chạm đến những người theo trào lưu bảo thủ nhất của Giáo hội: “Chưa có một hòa đồng thực sự nào với các nhà cầm quyền tôn giáo. Vì vậy, khi câu hỏi được thảo luận tại Thượng Hội Đồng Thánh, đa số các giám mục đã lên tiếng phản đối.” Theo ông Stavros Zoumboulakis, sự chia cắt này, phần lớn được người Hy Lạp ủng hộ, chỉ là vấn đề thời gian. Đặc biệt là từ khi Giáo hội chính thống đã suy yếu từ cuộc khủng hoảng Covid vì các quan điểm chống vắc-xin của họ.

 “Chuyến thăm này san bằng con đường để tiến tới sự hiệp nhất các tín hữu kitô”

Bề trên tu viện Ignace Sotiriadis, Thư ký Đối ngoại của Thượng Hội đồng Thánh của Giáo hội Hy Lạp cho biết: “Có những chủ đề ngăn cách chúng tôi, trong lãnh vực giáo điều, nhưng điều gắn kết chúng tôi là nỗi khổ của thế giới hiện đại mất đức tin và lo lắng cho tương lai của mình. Chuyến thăm này có thể cho thấy, từ bây giờ, chúng ta là bạn và chúng ta đến thăm nhau. Nó không giống như quá khứ, khi chúng ta chỉ kết tội nhau. Chuyến thăm này san bằng con đường để tiến tới sự hiệp nhất các tín hữu kitô. Nó sẽ được thực hiện từng chút một. Chúng ta phải tham gia vào sự hiểu biết, hòa giải và đối thoại.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chính thống giáo Hy Lạp lạnh lùng chào đón Đức Phanxicô