Bà Marie Derain: “’Anh muốn tôi làm gì cho anh?’ : Đó là câu hỏi được đặt ra cho nạn nhân”
Phỏng vấn bà Marie Derain de Vaucresson, người được Hội đồng Giám mục Pháp ngày 8 tháng 11 bổ nhiệm thành lập Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường thiệt hại(Inirr). Một nhiệm vụ mà bà hiểu là “đền bù cho những người sống.”
lavie.fr, Alice d’Oléon, 2021-11-12
Bà Marie Derain de Vaucresson, cựu Thanh tra viên về Trẻ em, đã được các Giám mục Pháp bổ nhiệm làm chủ tịch của Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường thiệt hại (Inirr).
Luật sư, cựu Thanh tra viên Bảo vệ trẻ em, phụ tá Thanh tra viên bảo vệ các quyền từ năm 2011 đến năm 2014, bà Marie Derain de Vaucresson cống hiến sự nghiệp của mình cho việc bảo vệ nạn nhân, công lý và trẻ em. Bà vừa được chọn làm chủ tịch Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường thiệt hại. Cơ quan sau này có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của bạo lực tình dục trong Giáo hội.
Bà đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường thiệt hại. Đây có phải tên “cuối cùng” của ủy ban “của bà” không? Ý nghĩa sứ mệnh của bà có thể hiện đầy đủ ở đây không?
Bà Marie Derain de Vaucresson: Có, ủy ban sẽ giữ tên này, trong đó đã có hàm ý chính. Ngoài ý niệm ban đầu về sự độc lập, hai từ cần ghi nhớ cũng đã có ở đó: công nhận và đền bù. Chúng muốn nói đến các nguyên tắc công lý phục hồi, vốn thường không được biết đến ở Pháp, ngay cả khi hệ thống pháp luật đã thực hiện các bước như vậy từ lâu. Chẳng hạn với các trẻ vị thành niên, đặc biệt khi họ là thủ phạm, ý tưởng là làm cho họ nhận thức được những gì họ đã làm, về trách nhiệm của họ đối với nạn nhân, rằng họ phải sửa chữa, nhưng họ cũng phải tự sửa chữa trong tư cách là tác giả.
Về cơ bản, đây là quá trình chúng tôi đang bắt tay thực hiện. Nó rất gần với Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase), mà tôi hoàn toàn tuân thủ. Đối với chúng tôi, mục tiêu trước hết là việc đền bù cho nạn nhân, từng bước đáp ứng nhu cầu của họ.
Chương trình của bà để thực hiện cơ chế này là gì?
Tất cả đều còn phải làm. Riêng tôi, tôi muốn nói công việc hợp tác là điều cần thiết và tôi chỉ là chủ tịch một cơ chế gồm những người và những chuyên gia khác nhau.
Tôi muốn vào đầu năm 2022, chúng tôi có thể đón nhận các nạn nhân và bắt đầu tiến trình sửa chữa. Để tôn trọng thời hạn này, tất cả tùy thuộc vào cách tôi thành lập được một nhóm, đặc biệt như Ủy ban Ciase, gồm một nòng cốt vững chắc của các chuyên gia khác nhau, cả trên lãnh vực luật pháp, chăm sóc và cả tầm mức tâm lý-giáo dục.
Chủ đề phức tạp, vì thế việc thực hiện đòi hỏi rất nhiều thận trọng, có nghĩa chúng tôi phải làm việc với những phương pháp rất chuyên nghiệp để đáp ứng mọi yêu cầu của nạn nhân cách xứng đáng và hiệu quả nhất có thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết khoảng cách tồn tại giữa số nạn nhân được báo cáo và số nạn nhân tiềm năng. Ngay cả từ khi báo cáo được công bố, đã có rất nhiều lời khai mới, đôi khi rất quanh co. Chẳng hạn sáng nay có người liên hệ với tôi trên Linkedln. Chúng tôi sẽ phải thiết lập nhiều mạch để làm một hệ thống thu thập các lời khai và xử lý các yêu cầu. Và điều này, với tất cả sự tế nhị cần thiết để có thể đón nhận mọi người một cách sâu đậm.
Bà sẽ làm thế nào để hòa nhập các nạn nhân vào nhiệm vụ này?
Ủy ban Ciase nhắc chúng tôi, và tôi cũng trải nghiệm điều này trong các chức vụ trước đây của tôi, rằng các nạn nhân phát triển sự hiểu của họ qua kinh nghiệm thực tế, cần được huy động để tìm ra các phản ứng thích hợp. Đặc biệt với nạn nhân của bạo lực tình dục trong Giáo hội, chúng ta đã thấy cách họ đổi hướng trong những năm gần đây, đặc biệt với những người có mặt ở Lộ Đức trong những ngày gần đây, họ giải thích chưa đến lúc tha thứ, cần phải qua các giai đoạn khác. Đó là ăn năn và nhận ra lỗi lầm để bắt đầu. Do đó, tôi sẽ gặp các nạn nhân nào mong muốn, để có thể giữ lại một số và mời họ làm thành thành viên của cơ chế.
Liệu việc đền bù sẽ được quyết định theo từng trường hợp một không?
Đúng, đây là ý tưởng mà chúng tôi dự kiến. Qua kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết điều này và đã nghe rất nhiều nạn nhân của Giáo hội: con đường để đền bù không nhất thiết phải là bồi thường tài chính. Đối với một số người, nó sẽ rất cần thiết, đối với một số khác, hoàn toàn không. Tôi thực sự ấn tượng trước số lượng người đã nói, với họ, thì không phải hoàn toàn như vậy.
Tất cả các giai đoạn của quá trình sửa chữa phải được cẩn thận lưu ý: sự công nhận về mặt thể chế đã được làm. Nhưng sự công nhận ở mức độ cá nhân hơn, làm thế nào chúng ta có thể làm? Một số nạn nhân cho biết họ cần liên lạc với giám mục liên hệ.
Đôi khi cần có thời gian, tôi nghĩ cũng phải cần chuẩn bị cho một số giám mục. Tôi đã đọc và thấy, không phải tất cả các giám mục đều có mức độ hiểu biết về lãnh vực bạo lực tình dục. Chẳng hạn có những khía cạnh kỹ thuật rất ít được biết đến của chấn thương tâm lý, được thấy rõ nhờ các tiến bộ trong ngành chụp ảnh não, tôi đã khám phá ra khi làm việc trong các chức vụ trước đây của tôi, cho phép chúng ta quan sát những sự kiện này đã có tác động nào trên não và có thể giải thích “những trở ngại sống” hoặc “trở thành”, được Ủy ban Ciase đưa ra, và được một số nạn nhân cảm nhận. Vì thế ngày nay các vấn đề này được giải thích về mặt hóa học và y học. Tôi hiểu không phải tất cả mọi người đều ở cùng một mức độ hiểu biết, dù là các giám mục. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải làm việc với họ.
Bà thấy công việc của Ủy ban Ciase như thế nào?
Để nói cho rõ ràng, khi Ủy ban Ciase được thành lập, ông Jean-Marc Sauvé muốn đó là một ủy ban mở, không phải là ủy ban giữa người công giáo với nhau. Vì thế tôi không nghĩ tự dưng ông nghĩ đến tôi. Mặt khác, ông đã đến gặp tôi để nói về những vấn đề chung quanh việc thu thập lời chứng, đặc biệt là với trẻ em. Vì vậy, tôi đã theo sát công việc này, thậm chí tôi còn được mời đến dự các buổi tường thuật của nhân chứng, tôi có mặt khi xem lại bản báo cáo và tôi nhấn mạnh đến chất lượng của bản báo cáo, chứng minh cho chất lượng công việc đã được hoàn thành.
Đây là công việc cần thiết và cực kỳ hữu ích, vượt lên các vấn đề bạo lực tình dục trong Giáo hội, vì nó tạo cảm hứng cho Ủy ban độc lập về loạn luân và bạo lực tình dục đối với trẻ em (Ciivise) chẳng hạn, do đó có cùng một loại tiến trình. Tôi biết các chủ tịch của ủy ban Ciivise sẽ rút nhiều kinh nghiệm qua công việc của Ủy ban Ciase.
Bà sẽ được truyền cảm hứng đến mức như thế nào?
Chúng tôi ở trong một dạng khác, nhưng chúng tôi sẽ hoàn toàn phù theo đường hướng của Ủy ban Ciase, đặc biệt là trong mô hình thiết đặt cơ chế. Và với các đảm bảo độc lập. Ngay cả chúng tôi sẽ dùng lại cơ sở của họ! Điều quan trọng là chúng tôi không được ở trong một giáo phận hoặc trong Hội đồng Giám mục Pháp (CEF), chúng tôi không liên quan đến Giáo hội, và hơn nữa CEF cũng đã cho thấy họ tôn trọng tính độc lập của một ủy ban mà họ đã nhờ làm.
Còn về thời gian ấn định, chúng tôi sẽ không bao giờ làm đủ, không bao giờ đủ nhanh. Tôi muốn nói rõ, sẽ mất thời gian để triển khai các quy trình phù hợp và chắc chắn có thể mất nhiều năm, nếu không phải là tôi thì một người nào khác đứng đầu cơ chế sẽ làm. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải biết lên chương trình việc chuyển tiếp để không quá cá nhân hóa mọi thứ. Nếu chúng ta đi đường dài, là cũng, và trên tất cả là để chống lại ý tưởng cho rằng vấn đề này đã ở đằng sau lưng chúng ta. Nếu chúng ta không hiểu, chúng ta không dùng đủ phương tiện để tổ chức phòng ngừa thì chúng ta đã sai lầm. Chúng ta cũng đã thấy sự nhảy vọt của những năm 1990; chúng ta đã làm rất nhiều trong những năm 1980, sau đó chúng ta nghỉ ngơi một chút, và rồi mọi thứ bắt đầu trở lại. Đó là sự cảnh giác thường xuyên mà chúng ta phải dè chừng.
Bà có nhận nhiệm vụ này ngay lập tức không?
Ngay lập tức tôi bày tỏ mối quan tâm của tôi, nhưng cũng ngay lập tức tôi giải thích các điều kiện mà theo đó tôi có thể dấn thân. Nói cách khác, tôi sẽ không cam kết dấn thân nếu tiến trình phục hồi công lý hoặc đền bù không được Hội đồng Giám mục cũng quyết tâm cam kết như vậy. Tôi phải nói là tôi rất vui khi thấy sự tiến triển và linh hoạt được toàn bộ các giám mục làm.
Điều này hơi giống đòi hỏi của một “ngôi sao” khi họ đưa ra các điều kiện, nhưng nếu không thì không công bằng với tôi, không xứng đáng với các nạn nhân và sẽ không cân nhắc đúng mức độ yêu cầu của nạn nhân.
Quá trình của bà ngay từ đầu đã hướng về việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, trẻ vị thành niên và đặc biệt là những người bị tác động bởi bạo lực tình dục…
Từ khi còn rất nhỏ, tôi nghĩ khi tôi 5 tuổi, tôi đã cảm thấy mình gắn bó với công lý, với nghĩa vụ phục vụ người dân và tôi muốn được chăm sóc trẻ em. Ban đầu, tôi định làm thẩm phán vị thành niên. Quyết tâm này do các bài vở tôi đọc, tôi không sinh ra trong một gia đình luật sư hay thẩm phán. Kinh nghiệm của tôi với Hướng đạo sinh và Hướng dẫn viên của Pháp cũng đã định hình tôi. Khi tôi vào Hướng đạo, ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi những gì đang diễn ra trong các khu phố, đó là năm 1993, tôi đang định hướng cho nghề nghiệp khi tôi tham gia Bảo vệ tư pháp cho thanh niên (PJJ) năm 1997.
Tôi được thúc đẩy mạnh trước cảm giác được bảo vệ và được ưu ái này. Đó không phải là vấn đề nền tảng kinh tế xã hội, nhưng là ý thức được lớn lên trong an toàn. Đó là chiều kích hoàn toàn thiết yếu trong sự phát triển của trẻ em; chúng tôi đã lên lý thuyết về cảm giác an toàn khi đứa bé còn rất nhỏ. Trong ngành chụp ảnh não, chúng ta thấy bộ não của một em bé lớn lên trong ồn ào hoặc căng thẳng sẽ không được xây dựng như bộ não của một em bé sống trong bình yên, được bao bọc và bảo đảm nhờ sự hiện diện của một người lớn làm các em yên tâm. Vì thế khi còn trẻ, tôi nhanh chóng cảm nhận không phải ai cũng có cùng những may mắn, những cơ hội trong cuộc sống, và tôi quan sát những bất công này còn sâu đậm hơn giữa các hoàn cảnh khác nhau của các gia đình tôi gặp trong nghề nghiệp hoặc của những người chung quanh đời sống cá nhân của tôi.
Một yếu tố cơ bản khác là hiểu, không có gì là không thể thay đổi. Vì thế, đó là những gì thúc đẩy tôi trong các lựa chọn của tôi: vừa chống các bất công của số phận, vừa tin chắc mọi thứ có thể cải thiện. Khi được can thiệp càng sớm thì càng có nhiều khả năng hoàn cảnh được cải thiện. Việc các nạn nhân cảm nhận mình không sống được, không là người như mình mong muốn như họ đã gặp phải, thì điều này không phải là không thể thay đổi được. Niềm an ủi một ngày nào đó họ có thể cảm nhận đã luôn đánh động tôi, và hôm nay cùng với những người khác, tôi có thể tham dự vào tiến trình này qua việc thành lập cơ quan đền bù. Hôm qua một người quen nói với tôi: “Đúng thật, thật tuyệt bạn sắp sửa chữa lại cho những người sống.” Và thực sự đó là cách mà tôi cảm nhận về những chuyện này.
Đức tin của bà có hướng dẫn bà trong những lựa chọn này không?
Chắc chắn là có. Ngay từ đầu, những lựa chọn của tôi đã được thúc đẩy rất nhiều nhờ đời sống đức tin của tôi. Tôi không biết có nên nói đây là ơn gọi không, vì tôi thích nghe từ này ở số nhiều… nhưng cách đây hai tuần, khi tôi ở trong ngôi nhà thờ rất nhỏ ở bên sâu vùng Berry, nhà thờ bị hư hại nhưng cộng đoàn ở đây rất tích cực, và tôi nghe đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu nói với người mù thành Giêricô, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”, tôi hiểu ngay đó là câu hỏi chúng ta cần hỏi các nạn nhân. Vài ngày sau, tôi nhận lời làm chủ tịch Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường thiệt hại.
Bà cảm nhận như một tiếng gọi?
Đây chắc chắn là chấp nhận nghe có tiếng gọi, đúng, nhưng tôi phải nói, đối với tôi, đức tin công giáo không phải là một cờ hiệu. Sự nhất quán của một tiến trình hướng về những người dễ bị tổn thương nhất, tôi nghĩ nó chỉ được trau dồi bằng kỹ năng nghề nghiệp và kỹ thuật chuyên ngành hơn là cam kết nhân danh đức tin, vì chỉ dựa trên đức tin thì chưa đủ.
Trong cấu trúc cơ chế, nó cũng rất quan trọng: chúng ta cần các kỹ năng. Tôi rất vui vì từ lâu tôi đã nghe các giám mục đòi hỏi điều này rất rõ ràng. Vì nó có thể làm cho chúng ta rơi vào tình trạng nghiệp dư có thể tạo ra rất nhiều thiệt hại, như chúng ta đã thấy, ngay từ đầu, việc quản lý một số đơn vị lắng nghe ngay đã không đúng tầm mức.
Đó là một nghề. Vì thế phải nhờ đến các kỹ năng trước khi kêu gọi tín hữu, vì sẽ không đủ đối với những chủ đề đôi khi gai góc và nhạy cảm này.
Bà luôn nói bà gần với Hội Truyền giáo Pháp, nơi có đặc nét là có sự hợp tác chặt chẽ giữa các linh mục và giáo dân. Điều này có ảnh hưởng đến bà không?
Hoàn toàn có; ở Hội Truyền giáo Pháp, chúng tôi còn nói đến đồng trách nhiệm, nhiều hơn là hợp tác. Hơn nữa, chính trong Hướng đạo Pháp cũng đã phát triển tầm nhìn này. Để nói rằng, là người tín hữu, chúng ta có trách nhiệm trong việc điều hành Giáo hội cách tốt hơn, đó thực sự là DNA của tôi. Chúng ta phải làm việc phần mình, và đó cũng là lý do tôi nhận nhiệm vụ này. Chẳng hạn ở Hội Truyền giáo Pháp, lựa chọn cha tổng đại diện để làm việc cùng với các giám chức, tất cả thành viên, bao gồm cả giáo dân, đều được tham vấn.
Tôi đã không lường được đến độ nào các sự việc đã khác trước. Tại Lộ Đức, ngày thứ bảy, 6 tháng 11 – 2021, bà Monique Baujard (cựu giám đốc và là phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Dịch vụ Gia đình và Xã hội Quốc gia của Hội đồng Giám mục Pháp) đã lên tiếng và nhắc lại 10 năm trước đây, cũng tại Lộ Đức, bà là phụ nữ duy nhất có mặt và hầu như không có quyền phát biểu. Những gì đã trải qua ở Lộ Đức cuối tuần này hoàn toàn ngược lại. Đã có lúc có sự đồng xây dựng giữa các linh mục và giáo dân, với sự tôn trọng thực sự lời của giáo dân, điều chúng tôi nhận thấy trong các định hướng của chủ tịch Hội đồng Giám mục công bố. Đó là con đường tốt đẹp của tính đồng nghị và dân chủ hóa hoạt động của Giáo hội đã được hình thành.
Những kinh nghiệm của Giáo hội này có góp phần vào việc bà chấp nhận sứ mệnh này không?
Có, tất cả những điều này giúp tôi cấu trúc sứ mệnh được giao phó cho tôi. Tôi thích ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đó là hình ảnh một Giáo hội nói với tôi và nuôi dưỡng cách tôi vượt ra khỏi các môi trường của Giáo hội. Tôi cũng có thể tìm thấy những ví dụ trong kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi: tôi luôn cần người khác để tiến lên và đặt ưu tiên hàng đầu cho việc hợp tác. Cho phép mỗi người mang hòn đá của mình để xây dựng là cần thiết. Chẳng hạn khi tôi còn làm cố vấn cho quyền của trẻ em ở văn phòng bà bộ trưởng Laurence Rossignol, bộ Gia đình, Trẻ em và Quyền phụ nữ, tôi đã thành lập hội đồng tuổi thơ ấu và tuổi vị thành niên của Cao ủy Gia đình, Tuổi thơ và Tuổi tác. Đó là làm cho chính trẻ em tham dự vào công việc, thay vì chỉ giữ một diễn đàn nơi nói về trẻ em mà không có sự hiện diện của chúng.
Dĩ nhiên tôi không thể nói tôi luôn hoàn toàn nhất quán trong các lựa chọn của tôi, nhưng tôi trả quyền lại cho những người liên hệ đầu tiên, và như thế là cho các các nạn nhân, đó là động lực rất quan trọng đối với tôi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Cái giá của nỗi đau