Chúa muốn gì ở tôi?

262

Chúa muốn gì ở tôi?

Chúng ta thường tưởng tượng Chúa, Đấng biết tất cả mọi sự, Ngài có một kế hoạch cụ thể cho cuộc sống chúng ta. Không phải như thế. Linh mục Dòng Tên Grégoire Le Bel phụ trách ơn gọi và ứng dụng Trên đường Cầu nguyện giải thích, chính bằng cách lắng nghe Chúa, nhưng cũng tùy theo mong muốn và tài năng của chúng ta, chúng ta sẽ tìm thấy con đường của mình.

croire.la-croix.com, Gilles Donada, 2021-06-04

Tu sĩ Dòng Tên người Hungary Gábor Hevenesi (1656-1715) nói: “Hãy tin tưởng vào Chúa như thể sự thành công của mọi việc hoàn toàn tùy huộc vào bạn, và không tùy thuộc vào Chúa. Vì vậy, hãy đặt tất cả công sức của bạn vào đó, như thể Chúa sẽ làm tất cả mọi thứ, bạn chẳng làm gì cả.”

Chúa mong chờ gì ở chúng ta?

Linh mục Grégoire Le Bel: Rằng chúng ta đón nhận tình yêu của Ngài và phần chúng ta, chúng ta yêu Ngài. Không có dự án nào khác ngoài dự án này. Yêu là triển khai tất cả những gì chúng ta đã nhận được (tài năng, ơn sủng, v.v.) và cống hiến những gì tốt nhất của mình.

Vậy mà trong Kinh Thánh chúng ta đọc những câu như sau: “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”(Thánh vịnh 138, 16) hoặc “ Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con” (Thánh vịnh 39, 8)…

Đúng vậy, những đoạn như thế này có thể làm chúng ta nghĩ Chúa đã lên kế hoạch trước mọi thứ cho chúng ta. Như thế chúng ta sẽ quên đi tự do mà Chúa đã ban cho chúng ta. Ngài không điều khiển chúng ta “như Lego”, nói theo một tựa đề bài hát của ca sĩ Bashung. Chúa không phải là người độc ác, ban cho chúng ta đời sống như một bí ẩn cần phải giải đáp, để rồi thích thú nhìn các bước dò dẫm của chúng ta. Chúa không chơi trò phỏng đoán với chúng ta.

Tin, giải thích bằng phương pháp sư phạm những nguyên tắc cơ bản của đức tin cho người tin cũng như người không tin.

Nhưng vậy thì Chúa hướng dẫn chúng ta như thế nào?

“Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi” (Thánh vịnh 138,14). Ý Chúa liên kết với chúng ta trong việc lắng nghe những ước muốn sâu xa của chúng ta, trong nhận thức về tài năng của chúng ta, trong việc lắng nghe nhu cầu của thế giới: sinh thái, chia sẻ của cải, liên đới với những người khốn khổ người… 

Làm thế nào để lọc lựa giữa tất cả những gì chúng ta đi qua?

Chúng ta phải nhờ kinh nghiệm. Mong muốn của chúng ta phải đối diện với thực tế. Xã hội tiêu dùng của chúng ta khơi dậy những mong muốn, những mong chờ, những thu hút đủ loại, mà đôi khi đó là những chuyện lừa đảo. Ví dụ, một người trẻ đang băn khoăn về hướng đi của mình, anh phải đi nói chuyện với các học sinh và giáo viên tại trường học mà anh muốn đến học; anh phải tìm hiểu một nghề anh thích thú qua các bài đọc, video hoặc podcast. Và anh phải nói chuyện với người thân của mình, những người hiểu rõ anh, như thế sẽ giúp ích cho anh, anh tiếp thu ý kiến của họ nhưng không bị gò bó trong các tiêu chuẩn của họ. Tôi đã tính đến việc đi học y khoa, nhưng người thân cho biết ngành này cần học thuộc lòng rất nhiều, đó không phải điểm mạnh của tôi. Cuối cùng tôi chuyển qua học tin học.

Và một khi trải nghiệm kết thúc?

Khi đó chúng ta cần bỏ thì giờ ra để cảm nhận hương vị của trải nghiệm này để lại. Nếu nó mang lại hương vị yên bình và vui vẻ trong vài tuần, nếu chúng ta cảm nhận tâm hồn mình được nuôi dưỡng, điều đó có nghĩa là chúng ta đang đi đúng hướng. Nhưng nếu trải nghiệm này làm chúng ta khô khan và không có ham muốn, nếu sự thích thú của chúng ta giảm theo thời gian, thì tốt hơn chúng ta nên tiếp tục đi tìm… Thánh I-Nhã nói, sau khi trải nghiệm, chúng ta sẽ có hai dạng tiếng gọi: một tiếng gọi kêu chúng ta dấn thân vào cuộc sống và triển khai những gì tốt nhất của mình, khơi dậy niềm vui, sự bình yên và cảm giác tự do về lâu về dài; hoặc một tiếng gọi khác, khóa chặt chúng ta trong trung hạn và mang đến cho chúng ta cảm giác yên bình và vui vẻ không kéo dài. Tiếng gọi đầu tiên là từ “Thần lành”, Đấng mời gọi chúng ta đi theo Chúa Kitô; tiếng gọi thứ hai là từ “Thần dữ”, đến từ “kẻ thù của bản chất con người” (Satan), tìm cách làm chúng ta quay lưng với cuộc sống.

 Đâu là vị trí của Chúa trong quá trình này?

Chúng ta không nên nghĩ về Chúa như một sự hiện diện bên ngoài cuộc sống chúng ta: hoàn toàn ngược lại. Thánh Âugutinô trong Lời thú tội (3,6, 11) đã nói: “Nhưng Chúa, Chúa đã mật thiết hơn cả sự mật thiết của chính tôi, và cao hơn các đỉnh cao của tôi.” Như thế, tùy thuộc vào chúng ta để nói rõ lời kêu gọi từ tâm hồn mình và lắng nghe những gì đến từ Thiên Chúa, qua việc suy gẫm lời Ngài, các bí tích, gặp gỡ người khác và nhất là đọc lại đời Ngài. Nếu chúng ta đi sâu vào nội tâm mà tách mình ra khỏi Chúa, chúng ta vẫn chỉ nhìn vào cái rốn của mình; nếu chúng ta lắng nghe Chúa bằng cách cắt đứt với chính mình, chúng ta sẽ ở lại với Ngài. Kitô giáo là tôn giáo nhập thể. Tất cả những gì chúng ta là (thể xác, tâm hồn và trí óc), tất cả những gì cấu thành nên chúng ta (các mối quan hệ, các ước muốn, các cảm xúc, các kỹ năng làm, kỹ năng sống của chúng ta) đều được gọi để phục vụ Nước Chúa, và đó cũng là tất cả những nơi để chúng ta nhận biết sự hiện diện của Ngài bên cạnh chúng ta.

Chúng ta có thể tóm tắt: không bao giờ không có Chúa và không bao giờ không có chúng ta…

Chính xác. Chúa đề nghị chúng ta là người hợp tác với Ngài, nói theo ngôn ngữ Kinh thánh, đó là giao ước. Thánh Irénée, giáo phụ của Giáo hội đã nói: “Chúa trở thành con người để con người có thể trở thành Chúa”. Điều đáng kinh ngạc nhất, là nhận ra Chúa có thể làm mà không có chúng ta nhưng Ngài đã chọn không làm gì nếu không có chúng ta hợp tác. Trong ngày chịu chức, tôi đã nhìn vào đôi bàn tay của mình, tự nhủ, chính đôi bàn tay này mà Chúa gọi tôi để phục vụ Ngài trong thế giới. Cuộc sống của chúng ta giống như cuộc hành hương để trở nên hoàn toàn là chính mình và được yêu thương trọn vẹn như Chúa Kitô.

Marta An Nguyễn dịch