Tự sắc: “Thánh lễ truyền thống”, triệu chứng của một Giáo hội bị chia rẽ

431

Tự sắc: “Thánh lễ truyền thống”, triệu chứng của một Giáo hội bị chia rẽ

Ngày thứ sáu 16 tháng 7, Đức Phanxicô công bố một tự sắc “Traditionis custodes – Những người gìn giữ truyền thống” giới hạn việc cử hành thánh lễ dưới hình thức đặc biệt của nghi thức. Một sắc lệnh dường như ghi lại sự thất bại trong giấc mơ hiệp nhất của Đức Bênêđictô XVI giữa các cảm quan phụng vụ khác nhau.

la-croix.com, Matthieu Lasserre và Mélinée Le Priol, 2021-07-20

Thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng cử hành vào tháng 5 năm vừa qua tại nhà thờ Saint-Laurent-sur-Sèvre, ở Vendée. Frédéric Pétry / Hans Lucas

Trong những năm gần đây, rất hiếm khi một văn bản huấn quyền của Giáo Hội lại có một tông giọng nghiêm khắc đến như vậy. Khả năng được Đức Bênêđictô XVI đưa ra năm 2007 về việc cử hành thánh lễ theo tiền Công đồng Vatican II (được gọi là Thánh Piô V hoặc Thánh Gioan XXIII) “đã bị khai thác để đào sâu khoảng cách, củng cố sự khác biệt và khuyến khích những bất đồng làm tổn thương Giáo hội, ngăn chặn con đường của Giáo hội và làm cho Giáo hội đứng trước nguy cơ chia rẽ”.

Trên nhận định này, ngày thứ sáu 16 tháng 7, Đức Phanxicô đã ban hành Tự sắc “Traditionis custodes – Những người gìn giữ truyền thống” đã hạn chế đáng kể các quyền tự do mà Đức Bênêđictô XVI đã làm. Từ nay thánh lễ theo nghi thức cũ sẽ tùy thuộc vào “thẩm quyền độc quyền” của giám mục địa phương, và Vatican sẽ được hỏi ý kiến nếu liên quan đến các linh mục mới được thụ phong.

Mục đích hiệp nhất mà Đức Bênêđíctô XVI theo đuổi có bị “bỏ quên nghiêm trọng” như Đức Phanxicô viết không? Sự lựa chọn cử hành thánh lễ theo nghi thức đặc biệt có đi kèm với việc “loại bỏ ngày càng tăng không những chỉ cải cách phụng vụ, mà còn cả với Công đồng Vatican II không”? Những lời cáo buộc như vậy thường bị giới theo chủ nghĩa truyền thống bác bỏ. Khó hiểu, buồn bã và tức giận không ngừng bùng trên mạng xã hội, về phía các linh mục và những người trung thành theo chủ nghĩa truyền thống, những người tin rằng quyết định như vậy chỉ có thể “khơi lại căng thẳng” và các trường hợp giáo hoàng đưa ra là “thiểu số”.

“Sử dụng không đúng” của tự sắc năm 2007

Linh mục Mateusz Markiewicz, bề trên khu vực Âu châu của Viện Mục tử Nhân lành thừa nhận với báo La Croix: “Các thái quá của một số tín hữu có thể làm các giám mục lo lắng, những người đã làm tăng nỗi sợ của họ với giáo hoàng Phanxicô”. Vào tháng 4 năm 2020, Tòa giám mục Pháp thực sự đã gởi về Vatican một bản tóm tắt dài hai mươi bốn trang, trong đó, giữa hai đoạn ca ngợi “quan hệ hòa bình” và việc bảo tồn “di sản tinh thần và phụng vụ” đã buông ra một nhận xét nghiêm khắc: “Một thế giới riêng, một Giáo hội song song đang hình thành”, trang 8 của tài liệu này.

Cha Erwan de Kermenguy bắt đầu: “Những gì Đức Phanxicô mô tả ngày hôm nay, tôi sống điều này mỗi ngày”. Linh mục trẻ đến từ Finistère, nước Pháp, đã nói về mình trên Facebook trong những ngày gần đây, nhưng cha cũng không nói lên hết được sự phẫn nộ cũng như sự nhẹ nhõm của cha. Nhẹ nhõm khi thấy sự thất vọng của mình đã được chia sẻ, và thậm chí còn đến tai giáo hoàng. Tuy nhiên, như linh mục giải thích ngay từ đầu, cha tự ý mặc áo chùng, thích kinh gregorian và thường chào đón người hành hương theo chủ nghĩa truyền thống ở giáo xứ Landivisiau trước đây của cha. Năm 2007 khi còn là chủng sinh, cha thuộc thế hệ mong chờ nhiều ở tự sắc của Đức Bênêđictô XVI, theo cha, tự sắc này có thể làm dịu và ngay cả hiệp nhất Giáo hội sau vụ ly giáo của phái Lefebvre.

“Kinh nghiệm của tôi, nó chẳng là gì, và ngược lại điều này lại tạo chia rẽ”, cha nói như thế ngày hôm nay, cha xác định tự sắc của Đức Bênêđictô XVI đã sinh hoa kết quả, hội nhập vào lòng giáo phận một số tín hữu truyền thống “yêu mến Giáo hội”. Nhưng theo cha, nhiều người đã “sử dụng không đúng” cánh cửa mở vào năm 2007: “Quá nhiều người trẻ theo truyền thống xem hình thức ngoại thường này chỉ là một giai đoạn trước khi toàn thể Giáo hội trở lại hình thức cũ. Một số người còn nói với tôi, tôi thực sự không phải là linh mục vì tôi đã được chịu chức bằng tiếng Pháp…”

 Một xã hội chia rẽ hơn

Những lời chứng tương tự mà báo La Croix đã nghe từ những người khác: như có một linh mục giáo phận hay nói, Chúa Kitô “không hiện diện” trong bí tích Thánh Thể cha cử hành theo nghi thức thông thường; vị khác sốc khi thấy bàn thờ được di chuyển ở trọng tâm trong các thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng trong giáo phận mình, vị chủ tế đứng trước bàn thờ. Nhưng cũng có một số người nhấn mạnh đến sự hòa hợp được tìm thấy trong các cộng đoàn này – thường là sau những khởi đầu khó khăn. Dù sao, rất hiếm khi họ nói rõ trong phần mở đầu rằng chủ đề là “rất tế nhị” và “dễ bùng nổ”.

Linh mục Venceslas Deblock thuộc giáo phận Cambrai cho biết: “Xã hội đang bị chia rẽ nhiều so với năm 2007, và nhất là trong các cộng đồng  truyền thống, họ bị cứng lại trong những năm gần đây”, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng sức khỏe, những người theo truyền thống tạo tranh cãi xung quanh việc mang khẩu trang trong nhà thờ.

Ông Grégory Solari, thần học gia và triết gia, giám đốc nhà xuất bản Ad Solem nói thêm: “Ở khắp nơi, trong xã hội của chúng ta, các thế hệ trẻ cần một cái gì vững chắc, có sức chống chọi: nhưng phụng vụ không thể trở thành một công cụ phản kháng!” Theo ông, việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm năm 2013 đã làm cho ngài là “giáo hoàng của hình thức phi thường” và rõ ràng việc bầu chọn giáo hoàng Argentina là khác biệt, chắc chắn đã tạo một cú sốc trong giới theo chủ nghĩa truyền thống. Theo ông, cú sốc đã thúc đẩy sự phát triển một hình thức “phụng vụ kiểu quân đội”. Linh mục Paul-Antoine Drouin, tổng đại diện giáo phận Mans xác nhận: “Nếu đa số tín hữu chuyển từ thánh lễ này qua thánh lễ kia không có quá nhiều vấn đề, thì một số khác chọn thánh lễ tiền công đồng để phản ứng với Giáo hội công đồng và với xã hội.” Theo cha, điều này đặt ra một vấn đề thực sự cho giáo hội học.

Các Giáo hội “đối thủ nhau?”

Hai giáo hội “đối thủ nhau” có dần dần thành chống nhau từ năm 2007 không? Dù sao trong nhiều giáo phận, chúng tôi lấy làm tiếc vì “họ không làm cho nhau thêm phong phú”, các cộng đồng theo chủ nghĩa truyền thống “tách biệt”, ít tham gia vào đời sống của Giáo hội địa phương. Trong lãnh vực này, chắc chắn vấn đề tế nhị nhất vẫn là vấn đề đồng tế: chẳng hạn, hơn một nửa linh mục của Huynh đoàn Thánh Phêrô từ chối đồng tế theo hình thức thông thường. Vì lý do này, cộng đoàn này sẽ sớm phải rời giáo phận Dijon, nước Pháp.

Theo triết gia Grégory Solari, việc một số cộng đồng phụng vụ theo nghi thức tiền công đồng xem mình là “những thực thể đầy đủ của giáo hội” được giải thích trong sắc lệnh của họ năm 2011 khi họ áp dụng tự sắc của Đức Bênêđictô XVI. Sau đó có sự thay đổi từ vựng, “sách lễ của Đức Gioan XXIII” thành “nghi thức rất cổ xưa”. “Chúng tôi bắt đầu nói đến một ‘nghi thức đặc biệt’ thay vì ‘một hình thức đặc biệt’ : nếu nghi thức đề cập đến một Giáo hội đầy đủ, thì ‘hình thức’ chỉ định một phương thức cử hành trong cùng một Giáo hội”.

Trong khi những căng thẳng tạo ra tự sắc gần đây chưa lắng xuống, việc đi tìm sự hiệp nhất hứa hẹn một quá trình lâu dài. Trong một tuyên bố được công bố vào thứ bảy, 17 tháng 7, các giám mục Pháp muốn trấn an, đồng thời tin rằng “điều này sẽ được thực hiện thông qua đối thoại và cần thời gian.” Ông Grégory Solarid nhấn mạnh: “Giáo hoàng dường như yêu cầu những người trung thành với chủ nghĩa truyền thống hoán cải. Nghi thức đã lấn bước trong đời sống của Giáo hội; bây giờ Giáo hội phải giành lại chỗ đứng đầu tiên của mình.”

Thiên hà “của những người theo chủ nghĩa truyền thống”

Những người trung thành với chủ nghĩa truyền thống cử hành thánh lễ theo sách lễ có trước Công đồng Vatican II, gọi là sách Thánh Piô V hay Thánh Gioan XXIII. Hình thức tiền công đồng này được gọi là “thánh lễ tridentin” hoặc “Hình thức đặc biệt của nghi thức la-mã”.

Các linh mục cử hành theo hình thức ngoại thường, hoặc là linh mục triều hoặc linh mục từ các cộng đoàn như Viện Chúa Kitô Vua, Huynh đoàn Linh mục Thánh Phêrô hoặc Viện Mục tử Nhân lành, họ vẫn trung thành với Rôma.

Các linh mục và tín hữu của Huynh đoàn Linh mục Thánh Piô X thì cắt đứt với Rôma, được thành lập năm 1970 với Công đồng, năm 1988 họ ly khai khỏi Vatican sau khi người sáng lập là Tổng giám mục Lefebvre bị vạ tuyệt thông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch