Chúng tôi, ông bà, chúng tôi làm chứng bằng đời sống của mình!

120

Chúng tôi, ông bà, chúng tôi làm chứng bằng đời sống của mình!

Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ nhân Ngày Thế giới Ông bà vào chúa nhật thứ tư của tháng 7, trước lễ Thánh Anna và Gioakim. Bà Sylvie Bethmont-Gallerand nói lên vai trò của tổ tiên trong việc trao truyền đức tin.

Tin giờ chót: Vì lý do sức khỏe, Đức Phanxicô sẽ không cử hành thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà như dự kiến ban đầu, Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Phúc Âm hóa sẽ cử hành thánh lễ.

lavie.fr, Stéphanie Combe, 2021-07-22

Một trong những niềm vui to lớn của ông bà là niềm vui được trao truyền.

Bà Sylvie Bethmont-Gallerand, chuyên về lịch sử nghệ thuật thời trung cổ, bà dạy tại Viện Bernardins. Bà vừa xuất bản quyển Sách cầu nguyện của Ông bà (Livre de prière des grands-parents, nxb. Mame).

Chúng ta có thể truyền lại đức tin không?

 Bà Sylvie Bethmont-Gallerand: Đức tin là ơn của Chúa. Tất cả vấn đề là ở: tôi phải làm gì với ơn thiêng liêng này? Tôi có bốn người con nay đã trưởng thành, và giữ đạo trong âm thầm, tất cả các cháu của tôi đều được rửa tội.

Các cháu biết tôi tin ở Chúa, một ngày nọ, một cháu trai xin tôi cầu nguyện ban phước lành, điều mà chính tôi cũng không thường làm! Đúng là chúng ta không mong chờ để thấy các hạt mầm phát triển một cách huyền ẩn như vậy.

Chúng tôi đã truyền cho con cái các giá trị, và dần dần các giá trị này được thấm nhuần, đó là những giá trị như tôn trọng người khác, tôn trọng tạo vật kể cả con kiến mà chúng ta cẩn thận không dí nó chết, tính giản dị, đoàn kết, v.v.

Các ông bà nội ngoại làm chứng như thế nào?

Tôi rất thích thuật ngữ “nhân chứng” khi chạy tiếp sức, người chạy trước chuyền cho người chạy sau. Trước hết chúng tôi làm chứng bằng chính đời sống chúng tôi.

Khi các cháu đến chơi, chúng tôi bỏ các việc khác để lúc nào cũng ở bên cạnh các cháu. Dù đã có quy tắc, nhưng chúng tôi không tạo áp lực buộc phải làm cho chuẩn, chúng tôi có những phá cách. Các ông bà nội ngoại là niềm vui lớn cho các cháu.

Ông bà cũng là người an ủi các cháu, các cháu thường tâm sự nhỏ to với ông bà, những lo lắng nhỏ cũng như nỗi buồn nặng trĩu của chúng. Thêm nữa, ở tuổi chúng tôi, chúng tôi còn có những mệt mỏi, những lo lắng sức khỏe do tuổi tác, những chuyện này dạy cho trẻ em biết tôn trọng sự mong manh của người lớn tuổi.

Khi còn nhỏ, trẻ em có một giai đoạn thuận lợi để tiếp thu. Làm thế nào để tận dụng giai đoạn này?

Các em còn nhỏ rất thích nghe chuyện và đi tìm ý nghĩa trong các chuyện này. Cháu gái 8 tuổi của tôi đột ngột hỏi tôi: “Bà ơi, vì sao người dữ lại có thể sống lại?”  Những lời bộc phát này luôn thoáng qua, vì thế phải luôn sẵn sàng để hứng lấy! Tôi nói với cháu, dưới mắt Chúa, không ai là xấu 100%.

Các em lớn hơn cũng thích hỏi. Chúng tôi đưa cháu lớn nhất, 13 tuổi đến Viện Kiến trúc ở Paris. Trong số các kỳ quan, Viện trưng bày các khuôn giấy nổi tiếng, chẳng hạn như bức Phán xét cuối cùng của nhà thờ Autun hay của nhà thờ Saint-Michel-d’Entraygues, lấy cảm hứng từ Ngày tận thế, khi con rồng bị thiên thần giết. Các tác phẩm điêu khắc này là những bài giáo lý. Cháu tôi mê các “câu chuyện” này và cháu bộc phát xin tôi kể cho cháu nghe.

Bà phản ứng như thế nào trước sự thờ ơ của con cái với đức tin, thậm chí chúng còn tỏ ra thù nghịch?

Thánh Phaolô đã trả lời: “Tôi tìm cách nắm bắt Chúa, nhưng chính Ngài đã nắm bắt tôi.” (trong thư Philipphê). Với chúng tôi, Chúa Kitô là thiết yếu, Ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta. Chúng tôi cố gắng truyền hạnh phúc khi gặp Ngài, nhưng chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Và chúng tôi mong họ tôn trọng chúng tôi.

Trước tình trạng con cái xa Giáo hội, chúng ta phải tránh những căng thẳng không cần thiết, không nên có những lo lắng hay thất vọng, nhưng tin tưởng và trau dồi lòng nhân từ. Với người con rể hơi khiêu khích của tôi, tôi thường trả lời: “Mẹ sẽ không chứng minh làm sao Chúa Giêsu sống lại, nhưng Kinh thánh là một kho tàng của tình yêu, của khôn ngoan, của lòng kiên nhẫn và thật đáng tiếc nếu mình không biết Kinh Thánh.”

Vì sao bà dùng con đường nghệ thuật?

Nghệ thuật dưới bất cứ hình thức nào, âm nhạc, thơ ca, hội họa, điêu khắc, bài hát, v.v. đều mang đến sự kỳ diệu. Từ năm 11 tuổi, tôi đã học khắc trổ, tôi phác họa và vẽ, gia đình chúng tôi có cây đàn dương cầm. Bất hoặc mình trau dồi một nghệ thuật nào hay xem một tác phẩm nào, cốt yếu là quan sát, học trong thinh lặng giúp chúng ta tiếp nhận nghệ thuật tự chính nó.

Có cách nào khác để hướng nội với những người có ít kỹ năng nghệ thuật không?

Thiên nhiên mang tính tiếp thu rất cao, chúng ta lắng nghe trong thinh lặng. Vẻ đẹp thiên nhiên dấy lên lòng ngưỡng mộ, vui sướng; lời khen ngợi đến một cách tự nhiên trên môi. Tuần trước cô cháu gái của chúng tôi đã ngưng ngang bữa ăn tối để đưa ông bà đi ngắm mặt trời lặn ở thôn quê.

Chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để nói chuyện với từng cháu. Những giây phút cùng sáng tạo bên nhau, làm vườn hay đi dạo trong rừng, những sinh hoạt phát triển thói quen cho các quan hệ cá nhân. Cầu nguyện không gì khác hơn là thời gian đặc biệt dành cho Chúa.

Đức tin sống theo nhịp điệu của phụng vụ: một cách mang lại màu sắc cho cuộc sống, trẻ em có nhạy cảm với việc này không?

Giờ phụng vụ tạo nhịp điệu cho cuộc sống và dạy chúng ta chờ đợi: trước lễ Giáng sinh, niềm vui Phục Sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống… Trẻ em thích những khoảng thời gian chuẩn bị này, cũng như chúng rất thích mỗi đứa có một con cừu nhỏ riêng của mình trong máng cỏ. Được sự đồng ý của cha mẹ, chúng tôi đưa các cháu đi lễ.

Phụng vụ tự nó là cách cảm nhận Chúa qua năm giác quan. Trong thánh lễ, chúng ta nghe câu chuyện Thánh Kinh qua các bài đọc. Qua lời cầu nguyện giáo dân, chúng ta cầu nguyện cho người khác. Và khi rước lễ, chúng ta nói lên lời cám ơn. Trẻ em sẽ tự nguyện đi theo các bước khác nhau này.

Thánh Anna và Gioakim là mẫu gương như thế nào cho ông bà?

Chúng ta gần như không biết gì về hai thánh, nhưng như thế lại tốt và Kinh thánh không chỉ ca tụng các vị vua vĩ đại, các nhà tiên tri, các anh hùng thuộc mọi loại. Hai ông bà Anna và Gioakim là những người bình thường, họ trải qua nỗi đau vô sinh. Vì thế họ không phải là mẫu ông bà hoàn hảo, nhưng chắc chắn họ là chứng từ của đức tin và lòng kiên trì trong lời cầu nguyện.

Hannah trong tiếng do thái có nghĩa là “ân sủng”. Hình tượng được cảm hứng từ các phúc âm ngụy thư, mô tả Thánh Anna dạy Sách Thánh cho Mẹ Maria. Trong bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci, Thánh Anna bồng Mẹ Maria, Mẹ Maria bồng Chúa Giêsu và Chúa Giêsu nâng một con chiên. Ông bà Anna và Gioakim là sợi dây kết nối Cựu ước và Tân ước, họ là hiện thân của sự trao truyền chuẩn bị cho lời Xin vâng của Đức Mẹ.

Thánh Anna, Đức Mẹ và Chúa Giêsu, Leonardo da Vinci (vẽ trong khoảng 1503-1519)

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô sẽ không cử hành thánh lễ Ngày Thế Giới Ông Bà

Ngày Ông bà Thế giới: Không có tuổi nghỉ hưu cho sứ mệnh của ông bà