Trong chúng ta đức tin có trước mọi thứ khác và trước lý trí

136

Trong chúng ta đức tin có trước mọi thứ khác và trước lý trí

Bài tập 41

Trích sách 41 Bài tập vệ sinh thiêng liêng, tác giả Damien Le Guay, (41 exercices d’hygiène spirituelle, nxb. Salvator)

Có một điều hiển nhiên: đức tin có trước trí thông minh. Đức tin phải đến trước. Trước tất cả. Nếu không, khi trí thông minh chiếm ưu thế, khi nó xuất hiện trước, nó đánh giá theo sự hợp lý, vừa đánh giá cao vừa giảm xuống mức tối thiểu, thì nó làm còi cọc mọi thứ và mở cánh cửa ra cho bóng tối.

Niềm tin, là niềm tin vào cuộc sống, trước tất cả mọi thứ, rộng lượng trước khi bị cân đo, có thể mở ra chân trời, thổi hồn vào cuộc sống và giải phóng những viễn cảnh.

Làm thế nào để nói? Đức tin cho không gian. Một khoảng không gian để thở. Không gian sống theo chiều rộng và chiều sâu. Không gian để khám phá các nguồn tài nguyên không thể nghi ngờ bên trong chúng ta – và các nguồn tài nguyên này có rất nhiều nếu chúng ta đánh thức chúng. Không gian gắn kết với chiếc neo sâu đậm này làm chúng ta “không thể bị phá hủy”. Không gian để chinh phục một phẩm giá không thể bị chìm. Không gian để cất cánh bay, theo lời mời của nhà thơ Baudelaire, “xa những chướng khí bệnh tật”, để “thanh lọc bản thân bằng không khí trên cao” và uống “ngọn lửa trong veo lấp đầy những khoảng không gian trong sáng”, để “hiểu tốt hơn mà không cần nỗ lực của ngôn ngữ bông hoa và những thứ im lặng”. Không gian để đến được với “khoảng không gian bên trong của thế giới”, đến với “không gian mở” này như nhà thơ Rilke nói với chúng ta, “một không gian thuần khiết, trong đó hoa nở vô tận rồi mất đi”. Không gian của thế giới “tự do” và “trong sáng.”

Chúng ta phải khẳng định quyền đứng trên của đức tin – giống như một chức sắc lớn hơn những người còn lại trong nghi lễ. Đồng ý, sự đứng trên này là điều hiển nhiên của tinh thần kitô giáo. Thêm nữa, Thánh Âugutinô còn nhanh chóng tố cáo những kẻ dị giáo (những kẻ mà ngài cho là quá ở trong đức tin và chưa ở đủ trong lý trí), biết rằng, trong một chế độ bình thường của nhân loại, một “nguyên tắc hợp lý” là điều cần thiết: “đức tin có trước lý trí”.

Tại sao có nguyên tắc này? Niềm tin đầu tiên, nhanh chóng đến, được thiết lập ngay từ đầu để khám phá mặt đất, để nhận ra nó, cũng chuẩn bị cho công việc của lý trí. Đức tin còn chiếu sáng xa hơn nữa, với một ánh sáng đặc biệt, đặc biệt như tia hồng ngoại hoặc tia cực tím. Đức tin nhìn thấy những gì chỉ có đức tin mới có thể nhìn thấy. Đằng sau, lý trí, khi nó đến với các công cụ của nó, nó có thể đạt đến những thực tế mà tự chính nó, nó không thể đến được. Đức tin khai phá những gì mà lý trí khám phá và tổ chức.

Một công trình thám hiểm đầu tiên đã được thực hiện với những dấu ấn của nó, những hành động tốt đẹp kín đáo của nó, những cái nhìn xúc động của nó, sự đồng cảm rộng lượng này. Đức tin, tự nó, không có quá nhiều điều kiện tiên quyết hoặc suy diễn gian lao, đức tin đến được nơi mà lý trí không bao giờ có thể tự nó nhìn thấy. Với con dao mổ của mình, một bác sĩ pháp y sẽ không bao giờ hiểu được sức hấp dẫn bí ẩn của ánh mắt phụ nữ, vẻ đẹp của khuôn mặt tràn đầy sức sống, những ngập ngừng khi tay trong tay.

Đức tin nhảy một bước vọt. Bước nhảy lượng tử. Bước nhảy vào điều chưa biết. Nhảy qua hợp lý và lý do hợp lý. Chúng ta hãy xem bước nhảy vọt này của đức tin, bởi đức tin, nhờ đức tin, như một cách để bước vào một căn phòng mới mà không loan báo trước, cũng không được loan báo về chính nó. Chúng ta đến được, gần như do vi phạm, với sự ngạc nhiên, tò mò và với một loại hiển nhiên mà không cần biện minh.

Vậy thì, nếu mọi thứ phải được xem xét tỉ mỉ  bằng lý trí, chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc với một loạt các điều kiện tiên quyết, các lời nói đầu, lời giới thiệu và những thứ tương tự khác. Và chữ “vâng” cơ bản sẽ không bao giờ đến. Đó là lý do vì sao nhà văn Kafka nói rõ, đừng nghi ngờ gì những câu hỏi không được “hiểu đúng”. Như thế lại tốt! Lại càng phải rất vui vì thế!

Bài tập nho nhỏ về vệ sinh thiêng liêng

Lợi ích gì của việc hiểu đầu đuôi sự việc cũng như các can hệ từng chuỗi của các câu hỏi, nếu chúng dẫn đến việc trì hoãn vô tận? Như thế đâu là lợi ích thiết yếu của việc chấp nhận “vâng” không suy nghĩ. Nó cho phép có được một tuyên bố thẳng thắn và hàng loạt, không chần chừ, giống như lặn ngay xuống nước, thay vì ngần ngại nhón từng bước chân xuống hồ tắm.

Chữ “vâng” không do dự này làm cho cuộc sống chúng ta thành cuộc sống đầy ngạc nhiên, đi xa và đi nhanh để khám phá các nơi mình chưa biết. Nó giúp chúng ta khám phá vô số phẩm chất. Cuộc sống ẩn chứa chúng trong bí mật. Tuy nhiên, cần phải làm chúng nổi bật nhờ sức thổi cực mạnh của một đức tin được giữ vững, đó là điều hiển nhiên.

Phải chấp nhận đức tin như một ánh sáng yêu thương của trí thông minh và như thông minh của tình yêu. Làm thế nào? Tôi phải từ bỏ những gì để có được điều này? Tôi có nên cắt cụt hay nâng tôi lên?

Trí thông minh của trái tim làm tăng trí thông minh của lý trí

Một người có thể nghĩ, một cách sai lầm, đặt mình về phía đức tin là bỏ đi lý trí. Người ta làm cho chúng ta nghĩ, đức tin là phi lý. Vậy mà chúng ta hiểu rất nhanh, nếu phó mặc cho lý trí với các công cụ của nó thì nó sẽ áp chế trí thông minh. Cuối cùng, nó làm cho trí thông minh nghèo đi. Trí thông minh của lý trí bị bán thân bất toại. Vậy phải làm gì? Phải thoát ra khỏi chứng liệt nửa người này. Và nhờ đến trí thông minh của trái tim. Nó không chỉ nâng cao chúng ta mà còn nâng cao trí thông minh của lý trí. Phải chấp nhận trí thông minh kép này. Làm sao tin có thông minh trong những gì trái tim nói với chúng ta? Làm sao để tin trái tim cũng thông minh?

Đức tin cho tôi không gian mở rộng trái tim

Đức tin là một trải nghiệm. Tình yêu là một trải nghiệm. Bao nhiêu là kinh nghiệm đã nâng tôi lên. Bao nhiêu là cơ hội để tôi thấy trái tim tôi được mở rộng. Tôi thở tốt hơn. Tôi được mở rộng. Tôi lớn hơn trong tôi. Đức tin chinh phục một không gian mới trong tôi.

Hơn người khác, các nhà thơ hiểu sự cởi mở này hướng đến “tinh thần mở” để nói theo cách nói của nhà thơ Rilke, cách đi vào sự cảm thông yêu thương đối với những vẻ đẹp có sẵn xung quanh tôi. Tôi có ý thức mình thiếu một khoảng không gian trong tôi không? Nếu tâm hồn tôi bị tù túng, làm sao tôi có thể làm cho nó rộng hơn? Tôi có thể làm những bài tập nào để có chỗ cho động tác bên trong, cho khoảng không gian và khối lượng thiêng liêng?

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Tìm khoảng cách đúng, cũng là “khoảng cách vô cùng”