Chặng đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của các thanh thiếu niên

612

Chặng đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của các thanh thiếu niên

Chặng đàng Thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh cùng với các thập giá lớn, nhỏ của tuổi thơ

Hình minh họa của các em.

Sau khi giao các bài suy niệm cho các tù nhân năm ngoái, năm nay Đức Phanxicô giao cho trẻ em suy niệm Chặng đàng Thánh giá sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô chứ không ở Đấu trường La Mã như thường lệ. Với tấm lòng đơn sơ chân thành của các em, các em nói lên những chuyện lớn nhỏ trong đời sống hàng ngày dưới ánh sáng các giai đoạn thương khó trong Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô.

 

vaticannews.va, Cyprien Viet, 2021-03-31

Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, 10 tháng 4 năm 2020 (Truyền thông Vatican)

Đức Phanxicô sẽ chủ trì Chặng đàng Thánh giá lúc 9 giờ tối thứ sáu tuần này tại Quảng trường Thánh Phêrô, cũng như năm ngoái, vì đại dịch nên đã không tổ chức ở Đấu trường La Mã như mọi năm. Chặng đàng Thánh giá sẽ được Vatican News phát sóng.

Năm nay, bài suy niệm được giao cho các em hướng đạo sinh ở Umbria (miền trung nước Ý) và các em của một giáo xứ Rôma. Hình ảnh đi kèm với bài suy niệm do các trẻ em và thanh niên sống trong các trung tâm tiếp nhận ở thủ đô nước Ý vẽ.

Chỉ có Chúa Giêsu mới hiểu được vết thương của trẻ em

“Chúa Giêsu thân mến của chúng con, Chúa biết trẻ con chúng con, chúng con cũng có các thập giá cũng không nhẹ hơn, không nặng hơn người lớn, nhưng đó thực sự là các thánh giá chúng con cảm thấy nặng, ngay cả ban đêm. Và chỉ Chúa mới biết điều này và xem chúng là nghiêm túc. Chỉ một mình Chúa.” Đó là lời giới thiệu của tập sách nhỏ Chặng đàng Thánh giá, với một danh sách những chuyện sỉ nhục lớn nhỏ đôi khi tạo chấn thương cho các em bé, dù người lớn có thể xem đây là chuyện vô hại: sợ bóng tối, xấu hổ vì đái dầm, bị chứng khó đọc, bị các bạn ở trường chế giễu, sự khó hiểu khi đối diện với cha mẹ gây nhau, thất vọng vì không có được đồ đạc như các bạn của những gia đình khá giả có, hoặc gánh nặng của những bí mật không nói ra được.

“Lạy Chúa Giêsu nhân lành của con, trên hết Chúa biết trên thế gian này có những em bé không có cơm ăn, không được học hành, bị bóc lột, bị ép tham chiến. Xin Chúa giúp chúng con vác thánh giá mỗi ngày như Chúa đã vác. Xin giúp chúng con luôn trở nên tốt hơn: giống như Chúa là người chúng con muốn trở thành. Và chúng con xin cám ơn Chúa vì chúng con biết Chúa luôn ở bên cạnh chúng con và Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, đặc biệt khi chúng con sợ vì Chúa đã gởi Thiên thần hộ thủ xuống gìn giữ chúng con mỗi ngày và soi sáng cho chúng con.”

Một trái tim đơn sơ, có thể nhận ra lỗi lầm

Chặng thứ nhất: Quan Philatô luận tội giết Chúa Giêsu.

Một em kể chuyện xảy ra ở căng-tin của trường: “Khi con học lớp dự bị, Marc, một học sinh lớp con bị buộc tội ăn cắp bữa ăn sáng của bạn. Con biết là chuyện đó không đúng, nhưng con im lặng, đó không phải chuyện của con, thêm nữa, mọi người đều nói Marc là thủ phạm. Vì sao con phải can thiệp? Mỗi khi nghĩ lại, con vẫn còn thấy xấu hổ, con có lỗi vì hành động của con. Lẽ ra, con có thể giúp Marc, nói sự thật và giúp đưa ra công lý, nhưng con đã cư xử như Philatô, con giả vờ như không biết. Con đã chọn con đường thoải mái nhất và rửa tay sạch sẽ. Bây giờ, con hối hận rất nhiều; con ước gì mình có một chút can đảm, làm theo trái tim mình và giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn. Đôi khi chúng con chỉ nghe thấy tiếng của kẻ làm và muốn điều xấu, trong khi công lý là con đường lên dốc, với những trở ngại và khó khăn, nhưng chúng con có Chúa Giêsu ở bên cạnh, sẵn sàng hỗ trợ chúng con và giúp đỡ chúng con.”

Vì vậy, các trẻ em cầu xin Chúa ban ơn để có một “trái tim đơn sơ và chân thành”.

Đừng làm tổn thương và sỉ nhục bằng hành động của mình

Chặng thứ hai: Đức Chúa Giêsu vác thánh giá

Một sự cố xảy ra với một cô gái trẻ mắc chứng khó đọc, một em bé kể lại theo trí nhớ của mình: “Khi Martine đọc, bạn bắt đầu nhầm lẫn giữa chữ này chữ kia với nhau nên nghĩa của câu bị mất. Từng chữ một, tôi bắt đầu cười và các bạn khác cười theo tôi. Tôi còn nhớ, mặt Martine đỏ bừng, giọng nói đứt quãng và đôi mắt rưng rưng (…). Cuộc bức hại không phải là một kỷ niệm xa vời của hai ngàn năm trước: Đôi khi một số hành động của chúng ta có thể phán xét, làm tổn thương và chà đạp người bạn mình.”

Lời cầu nguyện: “Xin cho chúng con có khả năng yêu thương các bạn kém may mắn của mình.”

Vươn lên từ thất bại, với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu

Chặng thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

Một học sinh khá giỏi kể lại sự thất vọng và xấu hổ của mình sau lần đầu tiên thất bại trong kỳ thi toán:

“Tôi nghĩ tôi là người không biết gì, tôi cảm thấy sức nặng của thất bại bất ngờ đè lên, tôi chỉ có một mình và không có ai an ủi tôi. Nhưng khoảnh khắc đó làm cho tôi trưởng thành hơn: ở nhà, cha mẹ an ủi và làm cho tôi cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho tôi. Tôi đứng dậy và tiếp tục cố gắng học. Hôm nay, tôi biết, chúng ta bị dao động mỗi ngày, và chúng ta có thể gục ngã, nhưng Chúa Giêsu luôn ở đó để đưa tay ra cho chúng ta, cùng vác thánh giá với chúng ta và mang lại hy vọng cho chúng ta.”

Hãy để mình chạm với sự dịu dàng của Mẹ Maria

Chặng thứ tư; Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thánh giá

Đó là tình mẫu tử dịu dàng mà đứa bé cảm nhận: “Khi tôi nghĩ về mẹ, tôi thấy khuôn mặt dễ thương của mẹ, tôi cảm thấy hơi ấm từ những vòng ôm của mẹ và tôi nhận ra tất cả tình yêu mẹ dành cho tôi. (…) Buổi tối, dù mệt nhưng mẹ vẫn giúp tôi làm bài; ban đêm khi tôi bị ác mộng, mẹ ngồi bên cạnh tôi, trấn an tôi và đợi tôi ngủ tiếp. (…) Và trong những lúc khó khăn nhất, không cần nói thành lời, chỉ cần một ánh mắt là mẹ hiểu ngay và giúp tôi vượt qua đau khổ.”

Lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có khả năng để Mẹ Maria, Mẹ chúng con ôm lấy chúng con.”

Đón nhận những người cô đơn và sống bên lề

Chặng thứ năm: Ông Simon vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu.

Một em kể lại tình bạn của mình với một người nhập cư trẻ tuổi: “Vào mùa hè, tôi chơi với bạn bè cùng xóm ở công viên trước nhà. Từ vài tháng nay, chúng tôi có gia đình hàng xóm mới có người con trai trạc tuổi tôi. Nhưng anh không chơi với chúng tôi, anh không hiểu ngôn ngữ của chúng tôi. Một ngày nọ, tôi thấy anh nhìn chúng tôi từ xa, anh muốn chơi với chúng tôi, nhưng anh không đủ can đảm để hỏi. Tôi bước tới, chúng tôi tự giới thiệu và mời anh chơi đá bóng với chúng tôi. Kể từ ngày đó, Walid là một trong những người bạn tốt nhất của tôi, và là thủ môn của đội chúng tôi.”

Lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đón nhận với tình yêu thương tất cả anh em đơn độc và bị gạt ra ngoài lề xã hội mà chúng con sẽ gặp trên con đường của chúng con.”

Nhận sự an ủi của một người bạn

Chặng thứ sáu: Bà vêrônica lau mặt Chúa Giêsu

Một em bé kể căng thẳng của mình khi được đá trong một trận bóng quan trọng và đã thua. Sự hiện diện của người bạn thân nhất, bạn ra sân vận động an ủi, rồi phòng thay áo đưa cho em ly nước cam, dù người bạn không mê bóng đá, đã là nguồn an ủi cho em.

“Trận thua ít buồn hơn. Một cuộc gặp gỡ, một ánh mắt, một cử chỉ có thể thay đổi một ngày của chúng ta và lấp đầy trái tim của chúng ta. Trong khuôn mặt đau khổ của người bạn và ngay cả của người lạ, có khuôn mặt của Chúa Giêsu đang đi trên con đường của tôi… Liệu tôi có đủ can đảm để đến gần?”

Biết cách thoát ra khỏi nỗi thất vọng của chính mình và nhận ra nỗi khổ của người kia

Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.

Một em kể thất vọng của mình đã không được chọn để diễn vai mình mơ ước trong vở kịch của lớp. “Khi đó, tôi cảm thấy nhục nhã và tức giận, tôi giận tôi, giận cô giáo và giận Jean. Vở kịch rất thành công. Từ đó Jean cởi mở hơn với cả lớp. Sự thất vọng của tôi đã giúp cho người khác,  lựa chọn của cô giáo đã tạo cơ hội để thực hiện điều này cho người cần hơn tôi.”

Lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin biến con thành khí cụ của tình yêu Chúa, xin cho con biết lắng nghe tiếng kêu đau khổ của người sống trong hoàn cảnh khó khăn, để con có thể an ủi họ.”

Hãy trung thực với cha mẹ và anh em mình

Chặng thứ tám: Chúa Giêsu an ủi phụ nữ thành Giêrusalem

Một em kể đã giúp người anh mình làm bài như thế nào. Sau khi chúng tôi nói dối mẹ là đã học xong để đi chơi game. “Sửa sai anh em là một cử chỉ khó nhưng cần thiết, cần có can đảm, giản dị và tế nhị.”

Không để cô đơn lấn át

Chặng thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba.

Một cô gái trẻ kể về việc cô phải chịu đựng cô đơn do các hạn chế đại dịch, làm cho cô phải xa ông bà và xa các cô bạn cùng đội bóng chuyền và các bạn trong hướng đạo. “Thường thì tôi cảm thấy cô đơn. Trường học bị đóng cửa. Trước đây nhiều khi tôi không thích đi học, nhưng bây giờ tôi chỉ muốn quay lại lớp để gặp các bạn và thầy cô. Nỗi buồn cô đơn đôi khi trở nên không thể chịu đựng nổi, chúng ta cảm thấy bị mọi người bỏ rơi, không thể nở nụ cười trở lại. Giống như Chúa Giêsu, chúng tôi thấy mình gục ngã xuống  đất”.

Lời cầu nguyện của người trẻ ở đây là một lời khẩn cầu cảm động, tiếng kêu của một tuổi trẻ tan nát vì những hạn chế liên quan đến đại dịch: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng vĩnh cửu, xin Chúa tỏa ánh sáng cho con khi chìm trong những suy nghĩ đen tối, khi con xa Chúa.”

Biết cho đi của cải để tâm hồn nhẹ nhàng

Chặng thứ mười: Quân dữ lột áo Chúa Giêsu

Một cô bé kể em đã tặng bộ sưu tập búp bê của em cho trẻ em tị nạn Kosovo. “Giải thoát bản thân khỏi những thứ thừa thãi làm nhẹ tâm hồn và giải phóng chúng ta khỏi thói ích kỷ. Cho đi, làm cho mình hạnh phúc hơn là nhận”.

Lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa trông chừng trái tim con, xin đừng làm cho trái tim con nô lệ của cải vật chất. Xin giúp con cho, không phải chỉ những gì thừa, nhưng còn cả những thứ cần thiết của con.”

Niềm vui được cống hiến cho người khác

Chặng thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá

Một bạn trẻ kể một lễ Giáng Sinh xa gia đình, bạn cùng với các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái để lo bữa ăn trưa cho người nghèo. Trên đường đi, anh cảm thấy nhói lòng khi nghĩ mình bỏ bữa ăn truyền thống gia đình, nhưng trên đường về, anh có được niềm vui phục vụ người khác. “Khi tôi đi về, tôi nhớ đến khuôn mặt của những người tôi đã phục vụ, nụ cười và câu chuyện của họ… Ý nghĩ mang lại cho những người này giây phút thanh thản làm cho lễ Giáng Sinh năm đó là lễ tôi không thể nào quên. Quên mình và hiến thân phục vụ với tình yêu thương là lời dạy mà trên thập giá, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.”

Chúa Giêsu đến để gọi những người có tội có lòng khiêm nhường quay trở lại

Chặng thứ mười hai: Chúa Giêsu trút linh hồn trên thập giá

Một người trẻ kể, “anh đã viết một bài luận về chủ đề các nạn nhân trẻ em của mafia. Tôi đã tự hỏi: làm thế nào người ta có thể phạm những tội khủng khiếp như vậy? Có đúng để tha thứ cho những chuyện này không? Và tôi, liệu tôi có làm được không? Bằng cách chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Ngài không đến để kêu gọi những người công chính hoán cải, nhưng kêu gọi những tội nhân có lòng khiêm nhường và can đảm hoán cải”.

Có một thái độ đúng khi đối diện với cái chết

Chặng thứ mười ba: Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá

Cái nhìn của một em bé trước cái chết trong thời đại dịch và thái độ của chúng ta khi đối diện với cái chết. “Từ xe cứu thương, những người đàn ông ăn mặc như phi hành gia bước xuống, áo trùm từ đầu đến chân, mang găng tay, khẩu trang và kính che mặt, họ đưa ông tôi đi, ông tôi đã khó thở từ nhiều ngày nay. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông tôi. Vài ngày sau, ông qua đời ở bệnh viện, tôi tưởng tượng ông đã đau và đã bị đau khổ vì cô đơn. Tôi không thể ở gần ông về mặt thể xác, không nói lời tạm biệt và an ủi ông. Tôi cầu nguyện cho ông mỗi ngày. Như thế tôi ở bên cạnh ông trong chuyến hành trình cuối cùng của ông trên trần thế”.

Cái chết không phải là chặng cuối

Chặng thứ mười bốn: táng xác Chúa Giêsu trong mộ

Lới cám ơn Chúa Giêsu của Sara, 12 tuổi: “Con xin cám ơn Chúa vì Chúa đã dạy con làm điều tốt nhân danh tình yêu của Chúa. Chúa đã dạy con vượt qua đau khổ bằng cách phó thác vào Chúa; yêu người khác như anh em mình; ngã và đứng dậy; phục vụ người khác; giải phóng con khỏi những định kiến; nhận ra điều cần thiết và trên hết là kết hiệp cuộc sống của con với cuộc sống của Chúa mỗi ngày. Hôm nay, nhờ cử chỉ yêu thương vô bờ bến của Chúa, con biết cái chết không phải là dấu chấm hết cho tất cả mọi chuyện”.

Lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng cắt lời cầu nguyện của chúng con khi chúng con cảm thấy lòng nặng trĩu trước tảng đá ngôi mộ của Chúa.”

Lời cầu nguyện kết thúc, để tìm lại sự trong sáng của đôi mắt và trái tim

Các Chặng đàng Thánh giá dành cho người trẻ kết thúc bằng những lời sau:

“Lạy Chúa là Cha nhân lành, năm nay một lần nữa chúng con nhớ đến Đàng Thánh giá của Con Chúa là Chúa Giêsu, và chúng con đã làm với tiếng nói và lời cầu nguyện của các trẻ em, những người mà chính Cha đã nói, muốn được vào Nước Trời phải như trẻ con.

Xin giúp chúng con trở nên giống các em bé, cần mọi thứ, mở lòng đón nhận cuộc sống. Xin giúp chúng con khám phá lại sự trong sáng của đôi mắt và trái tim.

Chúng con cầu xin Chúa phù hộ và bảo vệ mỗi trẻ em trên thế giới, để các em có thể lớn lên về tuổi tác, trí tuệ và ân sủng, biết và làm theo kế hoạch tốt đẹp mà Chúa đã ban cho mỗi em.

Xin Chúa chúc phúc cho các cha mẹ và những người cộng tác với họ trong việc giáo dục con cái, để họ luôn cảm thấy hiệp nhất với Chúa trong món quà của sự sống và tình yêu.

Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Suy niệm và hình vẽ của các em cho Chặng đàng Thánh giá năm nay