Quyết tâm đi Irak của Đức Phanxicô
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-03-03
Từ nhiều tuần nay, Đức Phanxicô thường xuyên nhắc mong muốn duy trì chuyến đi Irak theo bước chân của Tổ phụ Abraham, dù có những hạn chế về sức khỏe và an ninh. Ngài tái khẳng định điều này vào ngày thứ tư (3 tháng 3) khi tên lửa đã rót vào một căn cứ quân sự cách Baghdad 250 cây số về phía tây.
Có một điều chắc chắn: chuyến đi đến Irak một phần được đánh dấu bởi ý chí cương quyết của Đức Phanxicô, ngài muốn đến thăm giáo dân ở n các thành phố Baghdad, Erbil, Mosul, Qaraqosh và Nadjaf dù có những rủi ro về sức khỏe và an ninh.
Một chuyến đi đã được ngài đề cập từ tháng 2 năm 2018
Thật ra Đức Phanxicô đã thường xuyên nhắc về tình hình ở Irak – lần đầu tiên vào Lễ Phục sinh năm 2013, vài tuần sau khi ngài được bầu chọn – ngài đã nói rõ về chuyến đi này từ tháng 2 năm 2018. Khi đó ngài có dịp nói về chuyện này với các giám mục của Giáo hội Can-đê và với Thượng phụ Louis Raphael I Sako của họ. Lúc đó, Thượng Phụ cũng đã trình bày cho ngài chương trình đi Irak, gồm chuyến thăm đại kết đến Ur, một bài phát biểu trước các nhà chức trách tôn giáo và chính trị ở Baghdad và một thánh lễ ở Erbil.
Kể từ đó, Đức Phanxicô đã nhiều lần nói, trong riêng tư cũng như trước công chúng, ngài luôn muốn đến đó, như ngài đã đến Cộng hòa Trung Phi tháng 11 năm 2015, nơi ngài nói sẵn sàng nhảy dù xuống thủ đô Bangui nếu phi công từ chối hạ cánh xuống…
“Họ sẽ thấy giáo hoàng ở đó, trên đất nước của họ”
Những nghi ngờ duy nhất được bày tỏ công khai: những nghi ngờ này được đề cập công khai trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình với kênh TG5 của Ý vào ngày 10 tháng 1: “Tôi không biết liệu chuyến đi Irak có được hay không”, ngài sợ gây nguy hiểm cho đám đông khi họ đến tham dự chuyến thăm của mình.
Những lo lắng dường như đã biến mất ba tuần sau đó. Ngày 1 tháng 2, trước các nhà báo Mỹ của Cơ quan Tin tức Công giáo (CNS): “Tôi là mục tử của những người đau khổ. Họ sẽ thấy giáo hoàng ở đó, trên đất nước của họ”, dù có những hạn chế về sức khỏe ngăn cản đa số người dân Irak đến dự thánh lễ hoặc đến đón ngài bên vệ đường.
Thậm chí ngài còn đi xa đến mức khẳng định, nếu cần, ngài sẵn sàng đi chuyến bay thương mại thông thường để đến Baghdad.
Tuy nhiên, trong nhiều tuần qua, tình hình đã trở nên xấu hơn ở Irak, làm dấy lên nghi ngờ về tính khả thi của chuyến đi, ngay cả trong số những người tổ chức tích cực nhất. Vì thế, một loạt các sự kiện có thể dẫn đến việc hủy bỏ chuyến đi: cuộc tấn công vào chợ Baghdad làm cho hơn 32 người thiệt mạng và 110 người bị thương (vào tháng 1), vụ bắn tên lửa tại sân bay Erbil (ngày 16 tháng 2) và vào Đại sứ quán Hoa Kỳ (ngày 22 tháng 2) , cũng như giao tranh chết chóc giữa các chiến binh thánh chiến và các cơ quan thực thi pháp luật ở phía bắc thủ đô Baghdad (ngày 20 tháng 2).
Quyết định cá nhân duy trì chuyến đi
Về mặt sức khỏe, việc bùng phát các ca nhiễm Covid cũng không làm chùn chân Đức Phanxicô. Sự gia tăng đại dịch đợt hai trong những tuần gần đây, cho đến thời điểm này vẫn còn đã buộc chính phủ phải ra lệnh cách ly cho đến ngày 8 tháng 3, ngày cuối cùng chuyến tông du của Đức Phanxicô. Cuối cùng, ngày thứ bảy, 27 tháng 2 có tin sứ thần tại Irak bị dương tính với Covid, đã làm cho tất cả những người trong ban tổ chức lo ngại về sự lây lan giây chuyền.
Ở cả Rôma và Baghdad, một số người đã không quên nhấn mạnh chuyến đi nên hoãn vì cuộc bầu cử quốc hội Irak, ban đầu dự kiến vào tháng sáu, cũng đã hoãn lại cho đến tháng mười. Nhưng không có gì thay đổi. Ngày 16 tháng 2, báo chí Ả Rập thông báo về việc hủy bỏ chuyến đi, những sau đó họ phủ nhận tin này. Tối hôm đó, theo tin của báo La Croix, tại Nhà Thánh Marta, chính Đức Phanxicô nói với những người chung quanh ngài, không có chuyện hủy chuyến đi.
Một giám chức của Giáo triều, người thường xuyên gặp Đức Phanxicô cho biết: “Khi ngài muốn đi đâu thì ngài sẽ đi. Không ai có thể làm ngài thay đổi quyết định. Điều duy nhất có thể làm ngài quyết định lại, đó là tạo rủi ro cho người khác.”
Các giai đoạn chính của chương trình
Chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ kéo dài ba ngày, từ thứ sáu ngày 5 đến thứ hai ngày 8 tháng 3.
Khi đến Baghdad, và sau cuộc gặp với các nhà chức trách chính trị của đất nước, ngài sẽ đến thăm nhà thờ chính tòa công giáo-syriac ở Baghdad, nơi 48 Kitô hữu bị bọn khủng bố sát hại vào tháng 10 năm 2010.
Ngày thứ bảy, ngài sẽ gặp ayatollah Ali al-Sistani, giáo chủ hàng đầu của giáo phái chiite, sau đó ngài sẽ dự cuộc họp liên tôn gần thành phố cổ Ur.
Chúa nhật ngài chủ sự buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh ở thành phố Mosul và đọc Kinh Truyền Tin ở thành phố Qarakosh. Buổi chiều ngài dâng thánh lễ ở sân vận động Erbil.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở Qaraqosh, lòng nhiệt thành dâng cao trước ngày Đức Phanxicô đến
Đức Phanxicô đến Irak vì không thể bỏ rơi tín hữu kitô ở đây