Chuyến đi nhiều rủi ro của Đức Phanxicô ở Irak

67

Chuyến đi nhiều rủi ro của Đức Phanxicô ở Irak

reuters.com, Philip Pullella, 2021-03-01

Tên lửa bắn đến các thành phố ở Irak và Covid bùng phát lại, tuy nhiên, ngoại trừ có thay đổi vào giờ chót, Đức Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến đi kéo dài bốn ngày bắt đầu từ thứ sáu 5 tháng 3 để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng tín hữu kitô bị tàn phá ở đất nước này.

Chuẩn bị đón Đức Phanxicô trên đường phố Irak

Đức Phanxicô mong muốn lên đường trở lại sau khi đại dịch hoành hành và ngài đã phải dời lại nhiều chuyến đi đã lên kế hoạch, ngài thuyết phục một số cộng tác viên ở Vatican lo lắng không biết có nên mạo hiểm để đi hay không, ba nguồn tin ở Vatican cho biết ngài quyết tâm thực hiện chuyến đi.

Một quan chức có trách nhiệm ở Vatican cho biết: “Ngài mong lên đường sau một thời gian dài như vậy. Dù có một số lo lắng nhưng tâm trạng chung ở đây là tất cả hệ thống đều tiến hành tốt.”

Chuyến đi từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 sẽ là chuyến đi đầu tiên của Đức Phanxicô bên ngoài nước Ý kể từ tháng 11 năm 2019, sau chuyến đi cuối cùng đến Thái Lan và Nhật Bản. Bốn chuyến đi được lên kế hoạch cho năm 2020 đã bị hủy bỏ vì Covid.

Một giám chức ẩn danh ở Vatican, người am tường Irak cho biết: “Ngài thực sự cảm thấy cần phải gần gũi với giáo dân trên miền đất quê hương của họ.”

Các người có trách nhiệm ở Vatican và các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương đều nói, họ tin tưởng các lực lượng ở Irak sẽ có thể đảm bảo đầy đủ an ninh cho giáo hoàng và phái đoàn của ngài.

Trong một cuộc họp báo qua điện thoại, Tổng Giám mục Bashar Warda giáo phận Erbil cho biết: “Giáo hoàng biết ngài sẽ đi đâu. Ngài đến một đất nước bị ảnh hưởng nặng vì chiến tranh và bạo lực, để mang đến cho người dân ở đây một thông điệp hòa bình. Nhà cầm quyền xem trọng vấn đề an ninh của giáo hoàng, 10.000 nhân viên an ninh được triển khai cho chuyến đi này.

Chuyến đi các giáo hoàng mong muốn

Xung đột ở Irak, quê hương của Tổ phụ Abraham – người được tín hữu Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái tôn kính – đã làm cho các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô không đến được đây.

Nhưng dù chiến tranh ở đây đã kết thúc, bạo lực vẫn còn tiếp diễn.

Một vụ tấn công tự tử ở Baghdad đã giết chết ít nhất 32 người vào tháng 1. Thứ hai tuần trước, tên lửa đã bắn trúng Khu vực Xanh kiên cố của Baghdad, nơi có các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán nước ngoài. Vụ tấn công này không có thương vong.

Một bóng mờ khác bao trùm chuyến đi là đại dịch coronavirus, cùng với các biện pháp an ninh sẽ hạn chế đáng kể số lượng người sẽ được trực tiếp gặp giáo hoàng.

Nhà nước đã cấm hầu hết việc đi lại trong các tỉnh sau khi hơn 4.000 trường hợp mới phát hiện vào ngày thứ năm, nâng tổng số có hơn 600.000 ca nhiễm cho đến nay.

Đức Phanxicô, 84 tuổi cho biết, điều quan trọng là phải thực hiện chuyến đi dù giáo dân chỉ nhìn thấy ngài trên truyền hình.

Tháng vừa qua, ngài nói với trang Catholic News Service: “Giáo dân sẽ thấy giáo hoàng ở đó trên đất nước của họ. Tôi là mục tử của giáo dân đang đau khổ.”

Một số viên chức Vatican và Irak cho biết, họ sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo việc xuất hiện của giáo hoàng không trở thành những sự kiện siêu lan truyền.

Giáo hoàng, phái đoàn của ngài và đoàn báo chí tháp tùng đã được tiêm phòng. Nhưng hầu hết những người sẽ tham dự các sự kiện của giáo hoàng thì chưa. Lô đầu tiên gồm 50.000 liều sẽ từ Trung quốc gởi đến Irak vào ngày thứ hai.

Tôn trọng giãn cách xã hội trong các buổi tập họp

Hai cuộc tụ họp tại các nhà thờ ở Baghdad sẽ giới hạn khoảng 100 người, phải mang khẩu trang và tôn trọng giãn cách xã hội.

Ông Warda cho biết, có tới 10.000 người sẽ có số chỗ ngồi trong thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở sân vận động Erbil có sức chứa 30.000 người.

Các nhà tổ chức chuyến đi của Vatican và Irak đã nhận lời báo động về tình trạng lây lan khi tin sứ thần Mitja Leskovar tại Irak có kết quả xét nghiệm dương tính và đã tự cách ly.

Giám mục Leskovar là người chính lên kế hoạch  chuyến đi và theo lẽ ngài ở bên cạnh giáo hoàng trong suốt chuyến thăm. Sứ thần nói với hãng tin Reuters: “Điều này sẽ không ảnh hưởng đến chương trình của giáo hoàng, chương trình sẽ được tiến hành theo kế hoạch.”

Vì lý do an ninh và để không thu hút đám đông, Đức Phanxicô sẽ dùng xe mui kín chứ không dùng xe giáo hoàng trên đường phố.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Quyết tâm đi Irak của Đức Phanxicô

Ở Qaraqosh, lòng nhiệt thành dâng cao trước ngày Đức Phanxicô đến

Đức Phanxicô đến Irak vì không thể bỏ rơi tín hữu kitô ở đây