Đức Bênêđictô XVI: thời gian giáo hoàng danh dự dài hơn giáo hoàng tại vị

361

Đức Bênêđictô XVI: thời gian giáo hoàng danh dự dài hơn giáo hoàng tại vị

cath.ch. I. Media, 2021-01-13

Kể từ ngày 11 tháng 1 năm 2021, thời gian Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng danh dự lâu hơn là giáo hoàng tại vị. Ngài đã giữ chức vụ đại diện Chúa Kitô ở trần gian 2.873 ngày (từ ngày 19 tháng 4 năm 2005 đến ngày 28 tháng 2 năm 2013) và đã là giáo hoàng danh dự được 2.875 ngày, giáo hoàng đầu tiên chính thức ở cương vị “cựu giáo hoàng.”

Chức vị danh dự của Đức Bênêđictô XVI là  chức vị theo kích tấc riêng: trong lịch sử chưa có giáo hoàng nào tự nguyện từ nhiệm ngoại trừ trường hợp giáo hoàng Celestin V năm 1294 – vài tháng sau khi được bầu chọn, ngài về lại ẩn thất nơi ngài từng ở. Như thế Đức Bênêđictô XVI đã sáng tạo, đã xác định đường nét cho cương vị giáo hoàng danh dự: “Không còn thẩm quyền pháp lý cụ thể nào nữa, nhưng nhiệm vụ thiêng liêng vẫn còn, dù vô hình.”

Từ tháng 3 năm 2013, ngài về đan viện Mẹ Giáo hội ở vườn Vatican sống tuổi già yên bình cùng với thư ký trung thành là Giám mục Georg Gänswein và một số nữ tu giúp ngài. Ngài ít xuất hiện trước công chúng – không đến mười lần. Tuy nhiên, ngược với những gì chúng ta biết, ông Peter Seewald, người viết tiểu sử của ngài nhắc lại, ngài chưa bao giờ khấn im lặng, ngài được tự do ngôn luận, dù ngài không can thiệp vào huấn quyền của người kế vị.

Phẩm phục danh dự màu trắng

Có hai giáo hoàng thường đồng nghĩa với sự thiếu kết hiệp trong lịch sử Giáo hội: vì vậy Đức Bênêđictô XVI cố gắng đảm bảo cương vị mới của ngài tách biệt hẳn với giáo hoàng tại chức. Và vì thế giáo hoàng danh dự bỏ nhẫn giáo hoàng (nhẫn sẽ bị hủy sau khi giáo hoàng qua đời), bỏ áo ngắn choàng vai. Tuy nhiên, ngài giữ phẩm phục trắng giáo hoàng, điều làm cho ngài bị một vài chỉ trích, trong số này có hồng y Úc George Pell gần đây.

Tuy nhiên, chi tiết này dường như không được ngài đặc biệt lưu ý. Ngài giải thích trong một phỏng vấn năm 2014 rằng đây là một lựa chọn mặc định: “Vào thời điểm tôi từ chức, không có một phẩm phục nào khác.”

Đức Bênêđictô XVI đã “tạo” phẩm phục giáo hoàng danh dự sau khi ngài từ nhiệm ngày 28 tháng 2 năm 2013

Giám mục… hay giáo sư danh dự?

Để xác định cương vị danh dự của giáo hoàng, ngài lấy cảm hứng từ cương vị giám mục danh dự, mà từ Công đồng Vatican II đã quy định, một cựu giám mục “không can dự vào nội bộ pháp lý cụ thể nào của văn phòng giám mục, nhưng đồng thời […] gắn bó thiêng liêng (với giáo phận của mình) là hiện thực”. Trong trường hợp Đức Bênêđictô XVI, theo ngài mối liên hệ này trên hết là cầu nguyện.

Với quá khứ giảng dạy và thần học gia, ngài thích các công trình nghiên cứu của mình – cũng có thể xem cương vị “danh dự” này như trường hợp các giáo sư về hưu trong hệ thống đại học phương Tây. Tương tự như cách giáo sư danh dự có thể tiếp tục giảng dạy và tham dự vào đời sống trí thức, giáo hoàng danh dự cũng đã tiếp tục xuất bản để chia sẻ kinh nghiệm phong phú của mình, ngài để lại vị trí “bục giảng” cho người kế nhiệm. Năm 2013, Đức Phanxicô mô tả Đức Bênêđictô XVI như “người ông ở trong nhà” mà ngài thường xuyên tham khảo ý kiến.

Một cựu giáo hoàng có nên im lặng?

Phần lớn, tự do ngôn luận của “cựu giáo hoàng” không can thiệp vào sứ vụ của giáo hoàng tại chức. Tuy nhiên, vấn đề có nguy cơ của một giáo huấn kép đã được đặt ra nhiều lần. Trường hợp đầu tiên xảy ra năm 2015 với việc công bố một văn bản phản đối hôn nhân của các linh mục trong Giáo hội La-tinh khi tái bản toàn bộ tác phẩm của ngài, trong khi Thượng hội đồng về Gia đình đang được tổ chức tại Rôma. Được cho là đi ngược lại với tinh thần thượng hội đồng và không tôn trọng quyền ưu tiên của người kế vị, tin này làm cho cánh “tiến bộ” của Giáo hội tức giận, đặc biệt là ở đất nước của ngài.

Các cuộc gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI luôn nồng hậu | © Vatican News

Năm 2017, Đức Bênêđictô XVI viết bài giảng trong lễ tang của hồng y Joachim Meisner. Một ẩn dụ được ngài dùng, đó là “con thuyền gần như đầy, chờ bị lật úp”, được cho là lời chỉ trích Giáo hội do Đức Phanxicô lãnh đạo. Đức Bênêđictô XVI đã lấy làm tiếc, ngài nói đã tham khảo một bản văn của Thánh Cả Gregory.

Tháng 1 năm 2020, trong một quyển sách đồng ký với hồng y Robert Sarah nói về tầm quan trọng của đời sống độc thân trong chức linh mục đã gây nhiều tranh cãi. Việc góp phần của Đức Bênêđictô XVI được xem là một áp lực bất hợp pháp tạo ra cho Đức Phanxicô khi ngài vừa công bố tông huấn theo các đề xuất của Thượng hội đồng Amazon – trong đó, trong số các điều khác, có việc phong chức cho các ông đã lập gia đình.

Đức Bênêđictô XVI luôn bác bỏ ý kiến cho rằng ngài cố gắng can thiệp vào các tranh luận của Giáo hội hoặc trong đời sống công cộng. Năm 2020, trong cuốn tiểu sử của nhà báo và nhà văn người Đức Peter Seewald, ông đã gọi những lời buộc tội này là “sự xuyên tạc thực tế một cách ác ý.”

Một ví dụ cho tương lai?

Cần lưu ý, bản thân Đức Phanxicô luôn hạn chế bình luận về cương vị cụ thể của người tiền nhiệm. Các cuộc gặp của hai ngài ở Vatican luôn nồng ấm, nói lên điều Đức Bênêđictô XVI luôn bảo vệ, đó là sự liên tục giữa hai triều giáo hoàng. Mặt khác, như nhà báo người Đức Felix Neumann nêu lên, các luận chiến thường xuất phát từ sự phân cực do truyền thông tác động giữa một bên là Đức Bênêđictô XVI thủ và một bên là Đức Phanxicô tiến bộ, hơn là cương vị đặc biệt của giáo hoàng danh dự.

Do những căng thẳng gây chia rẽ Giáo hội này, vấn đề cương vị và thuộc tính của giáo hoàng danh dự thường tiếp tục gây ra tranh cãi. Thoạt nhìn, các ý kiến cũng có vẻ nhiều như các giải pháp. Một cuộc cải tổ nhằm ấn định cương vị của một giáo hoàng có thể sẽ được tiến hành trong tương lai, nhưng dường như sẽ khó làm sáng tỏ vấn đề này trước khi Đức Bênêđictô XVI được Chúa gọi về. Và vẫn chưa có quyết định chính thức nào về tang lễ của giáo hoàng danh dự sẽ diễn ra như thế nào.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch