Đối diện với những vụ bê bối, những bước đi nhỏ của Đức Phanxicô
letemps.ch, Antonino Galofaro, Rôma, 2020-12-01
Đức Phanxicô trong một buổi lễ ở Đền thờ Thánh Phêrô ngày 28 tháng 11 năm 2020, © Fabio Frustac/REUTERS
Các vấn đề tài chính và tình dục tiếp tục làm khuấy động Vatican, thường che giấu các cuộc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất Giáo hội. Đức Phanxicô vẫn tiếp tục, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ về con đường cải cách theo hướng minh bạch của ngài.
Một linh mục bị tòa sơ thẩm Milan kết án 6 năm 4 tháng tù vì tội ấu dâm, đã được tòa án giáo hội tuyên bố trắng án. Tin tức được trang “L’Abuso” của hiệp hội các nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Ý trong Giáo hội đưa ra ngày 25 tháng 11. Chỉ có một hãng tin vùng Alpes đăng tin này ngày hôm sau. Vì vậy, theo ông Francesco Zanardi, chủ tịch hiệp hội các nạn nhân lạm dụng tình dục ở Ý thì tu sĩ này “vẫn là linh mục” và sẽ được “đưa trở lại một giáo xứ khác.” Trong cuộc đấu tranh của Giáo hội chống lại nạn ấu dâm, “việc không đưa các linh mục bị kết án này trở lại sinh hoạt với các trẻ em có phải là việc đầu tiên phải làm không?”, người sáng lập mạng lưới nạn nhân vẫn còn tức giận khi nhắc đến. Ở Ý, Giáo hội không trừng phạt.
Thể chế tôn giáo đã mất hết uy tín dưới mắt ông. Trên điện thoại, ông còn rất giận. Chính ông là nạn nhân, ông đã bị một người có đức tin lạm dụng, ông thành lập hiệp hội L’Abuso đã được mười năm nay. Sau các tiết lộ của tờ Boston Globe vào đầu những năm 2000 về bạo lực tình dục ở các giáo phận Mỹ, ông bắt đầu kể các câu chuyện của mình, tích cực hoạt động thay vì im lặng.
Tháng 7 vừa qua, trên trang web của hiệp hội ông tuyên bố: “Bergoglio đã lừa người công giáo”. Ông mô tả các cải cách được Đức Phanxicô công bố nhưng chưa bao giờ thành hình. Như thế giáo hoàng cũng được báo chí Ý “đồng lõa và chiều lòng” giúp đỡ.
Minh bạch hóa chưa từng có
Tuy nhiên, đó là một hành động minh bạch hóa chưa từng có mà Vatican đã thực hiện ngày 10 tháng 11 khi công bố báo cáo McCarrick, bản báo cáo được đặt tên của cựu hồng y người Mỹ bị tước chức giáo sĩ vào đầu năm 2019. Bản báo cáo dài 450 trang do Phủ Quốc Vụ Khanh công bố liên quan đến những bức thư nặc danh cáo buộc cựu hồng y Theodore McCarrick tội ấu dâm và lời chứng về “hoạt động tình dục” của cựu hồng y với ít nhất là một linh mục đã được báo cho Đức Gioan-Phaolô II biết. Nhưng cựu hồng y McCarrick đã phủ nhận sự việc với thư ký riêng của Đức Gioan-Phaolô II, các lời khai “ít chính xác và không đầy đủ” của ba giám mục và thiếu “tin tức trực tiếp từ các nạn nhân, dù người lớn hay trẻ em” nên cựu hồng y đã được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Washington và vài tháng sau được phong hồng y.
Vụ McCarrick chỉ là một trong nhiều vụ bê bối tình dục làm rung chuyển Vatican trong những năm gần đây. Các Giáo hội ở Hoa Kỳ hay Úc, kể cả ở Chili và Đức đang suy sụp trước các lời chứng không chối cãi được. Nhà sử học và thần học gia Massimo Faggioli, dạy ở trường đại học Villanova của Mỹ khẳng định Giáo hội đang sống trong “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm qua.” Ông giải thích: “Đây là cuộc khủng hoảng thẩm quyền rộng lớn về các vấn đề đạo đức và tình dục. Các câu trả lời thường khác nhau trên khắp thế giới”, ông nói đến các lời khai và các cuộc điều tra ở bang Pennsylvania, Mỹ, cũng như sự im lặng đến chói tai ở Ý. Ông phân tích: “Sự bất ổn định nghiêm trọng về nghi vấn lạm dụng trong các giáo hội quốc gia đã làm cho các vụ bê bối bùng nổ”. Tình trạng không chỉ làm rơi vài trái táo, nhưng còn cho thấy một diễn biến chấn thương phức tạp hơn và chắc chắn sẽ kéo dài.”
Những vụ bê bối này cũng trở thành cái cớ để cho nhiều người trong Giáo hội mở các chiến dịch chống giáo hoàng chủ quyền của họ. Như vụ McCarrick đã thúc đẩy giám mục cựu sứ thần người Ý tại Mỹ, Carlo Maria Viganò, năm 2018 đòi Đức Phanxicô từ chức. Ông buộc tội trong quá khứ ngài đã được thông báo về sự việc. Báo cáo McCarrick phủ nhận lời cáo buộc này. Nhưng cựu sứ thần Viganò vẫn là một trong những người chống đối chính của Đức Phanxicô. Năm nay, ông lại chống thêm một lần nữa, điều mà nhà sử học Massimo Faggioli cho đây là “vụ tai tiếng chính trị” đích thực: tháng 6 vừa qua, ông gởi một thư ủng hộ tổng thống Mỹ, trong đó ông gián tiếp hạ uy tín các hành động của giáo hoàng. Như thế Donald Trump và Đức Phanxicô dường như ở hai phe riêng biệt, như “Chúa và Satan”. Và cẩn thận chọn cuộc chiến để khỏi “án phạt đời đời.”
Nhà sử học tương đối hóa vấn đề: “Giáo hoàng Phanxicô “đưa ra các vấn đề từ lâu đã bị phủ nhận hoặc bị che giấu.” Vì thế, ngài đã đặt cuộc chiến chống nghèo khổ, bảo vệ những người bị loại ra bên lề xã hội, người di cư, bảo vệ sinh thái, bảo vệ các chủ đề truyền thống như bảo vệ cuộc sống và gia đình lên hàng đầu. Nhà sử học tiếp tục: “Với sự xuất hiện của giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh ở Rôma, nhiều chuyện đã được xác định lại. Do đó, người Ý, người Âu và người Mỹ không còn là trọng tâm Giáo hội hoàn vũ, điều này đã tạo một thời kỳ bất ổn về nhiều vấn đề”.
Do đó, những cuộc đấu tranh này cũng có thể được nhìn thấy đằng sau các vụ bê bối tài chính. Năm 2015, tuần báo L’Espress viết: “Trong mong muốn cải tổ Giáo hội, Đức Phanxicô phải đối diện với phe đối lập nội bộ gồm các hồng y đấu tranh cho việc quản lý tiền bạc của Vatican.” Những cải cách kinh tế và sự minh bạch tài chính mà ngài mong muốn thực hiện đã gặp đủ loại phản kháng. Không chỉ bên trong những người canh đền cũ, họ không muốn thoái vị từ bỏ quyền lực, mà còn trong số những người mới được chính Đức Phanxicô đưa vào Rôma.”
Chẳng hạn, sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô phải đối diện với tình trạng tài chính của Vatican được tạo thành từ nhiều ngân sách riêng lẽ của các bộ và tổ chức phục vụ trong Giáo hội với sự quản lý không rõ ràng minh bạch. Vụ tai tiếng ở Đại lộ Sloane nổ ra sau tiết lộ về các khoản đầu tư địa ốc của Tòa thánh ở London, ra đời từ thực tế này. Các thẩm phán của Vatican đang điều tra các nghi ngờ về tham nhũng và biển thủ. Với nhiều giây mơ rễ má chằng chịt, Đức Phanxicô đã cách chức cựu hồng y Angelo Becciu, một trong những lãnh đạo chính của Phủ Quốc Vụ Khanh.
Từ đầu tháng 11, việc quản lý ngân quỹ của cơ quan điều hành này đã được chuyển giao cho APSA, Cơ quan Quản lý Di sản Tòa Thánh, do một giám mục thân cận với Đức Phanxicô đứng đầu. Vì thế, vụ bê bối này đã cho phép giáo hoàng thực hiện cải cách tập trung tài chính của mình. Nhà báo Emiliano Fittipaldi và tác giả quyển sách Hà tiện, Avarice xuất bản năm 2015 tiết lộ các vụ bê bối tài chánh, nhắc lại: “Ý tưởng này được nảy sinh trong mật nghị bầu Đức Bergoglio”.
Trên thực tế, dự án tập trung hóa này phải được hồng y George Pell, được bổ nhiệm làm bộ trưởng Kinh tế năm 2014, thực hiện. Nhưng hồng y nhanh chóng thất bại: cách cư xử được mô tả là “tàn bạo” đã ngăn ngài không thể cho mình ở trọng tâm quyền lực của Giáo hội, và phiên tòa xét xử tội ấu dâm đã buộc ngài phải về Úc năm 2017.
Hồng y một mình đã thành công trong việc tổng hợp các vụ bê bối tài chính và tình dục và các cuộc tranh giành quyền lực tiềm ẩn. Ngài đưa ra các kháng cự trong nội bộ Giáo triều La Mã, trong guồng máy nhà nước Giáo hội, ngài thúc đẩy Giáo hoàng dựa vào một hội đồng gồm chín vị hồng y được mời để cố vấn ngài thay vì có hội đồng hành pháp. Vì thế, Đức Phanxicô đã lay động nhiều nhà lãnh đạo, khuyến khích thay đổi hoàn toàn văn hóa Giáo hội và hành vi của họ về các vấn đề tài chính cũng như quản lý lạm dụng tình dục, tuy vậy điều này cũng kích động sự phản kháng và chống đối mạnh mẽ.
Quan tâm nhiều hơn đến nạn nhân?
Linh mục người Đức Hans Zollner, giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ em, Đại học Gregorian ở Rôma cảnh báo: “Việc đưa ra các luật mới sẽ không ngăn được tội phạm”, Trung tâm này được thành lập năm 2014, gọi là bảo vệ trẻ em nhưng cũng liên hệ đến các vấn đề kinh tế và tài chính. Linh mục kêu gọi thay đổi não trạng và văn hóa tận căn, bắt đầu bằng sự quan tâm nhiều hơn đến các nạn nhân.
Ông Francesco Zanardi bật cười. Không, ông chưa bao giờ thấy bóng dáng chỗ dựa của một tu sĩ. Giám đốc hiệp hội L’Abuso bảo vệ các nạn nhân nhận xét điều này đối với các linh mục bị kết án vì tội ấu dâm. Ông đảm bảo, các linh mục này được ở trong 23 “nhà chăm sóc” nằm rải rác trên toàn bộ Bán đảo để tránh ở tù. Đó là chủ đề được triển khai trong Công lý thần thánh, một tác phẩm mô tả chi tiết về sự bảo vệ mà các linh mục ở Ý được hưởng.
Trong số hàng trăm linh mục bị tố cáo hoặc bị kết án vì tội ấu dâm, các tác giả với sự trợ giúp của Francesco Zanardi chỉ tìm thấy 5 linh mục trong số 192 nhà tù ở Ý, trong đó chỉ có một người bị giam giữ vì lạm dụng tình dục. Theo ông giám đốc hiệp hội các nạn nhân Ý, các “nhà chăm sóc” này là biểu tượng của sự thiếu minh bạch hoàn toàn của một giáo hoàng chủ trương không khoan nhượng.
Theo nhà sử học và thần học gia Massimo Faggioli, Giáo hội đang sống trong “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 500 năm qua”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch