Linh mục Dòng Tên Fellay: “Giáo hội đang trải qua một sự sụp đổ thực sự”

269

Linh mục Dòng Tên Fellay: “Giáo hội đang trải qua một sự sụp đổ thực sự”

letemps.ch, Laure Lugon Zugravu, 2020-12-19

 

Linh mục Dòng Tên Jean-Blaise Fellay có cái nhìn phê phán về Giáo hội. Ngài chủ trương bỏ đời sống độc thân cho linh mục và cho phép phụ nữ vào hàng tư tế, ngài cũng lên án về điều cấm kỵ tình dục, về việc ghét phụ nữ và văn hóa giữ bí mật xung quanh việc đồng tính trong Giáo hội.

Năm nay 79 tuổi, linh mục Fellay vẫn giữ cái nhìn của tuổi trẻ. Nhưng chính từ kinh nghiệm và văn hóa cao của mình mà linh mục chuyên gia về lịch sử Giáo hội không khoan nhượng khi đưa ra các thất bại và sai lầm của thời này. Thẳng thắn trong lời nói, chắc chắn từ khía cạnh vùng núi và nói thẳng không quanh co của các Nước Xưa Cổ, lời nói của ngài ngược với nội dung và ước định của hàng giáo sĩ. Các câu trả lời của linh mục không phải chỉ dành cho ngài. Đàng sau cửa sổ là vùng núi Alpes hùng vỹ trải đầy tuyết, trong ngôi nhà của Notre-Dame de la Route ở Villars-sur-Glaâne (FR), nơi ngài là bề trên cộng đồng, ngài nhớ lại thời gian ngài về vùng Fribourg, ánh mắt của ngài hơi trịch thượng về “một đất nước mà ngài thấy nhạt thách.” Ngài đã từng là hướng dẫn viên leo núi mà phải thừa nhận bây giờ ngài không còn nhận thức như vậy nữa, dù ngài vẫn khỏe và có chiếc xe đạp điện. Luôn trên các nẻo đường mà ngài tìm lại nguồn sinh lực, ngọn núi vừa lấp đầy cả “khía cảnh ẩn dật và hành hương của tôi, giúp tôi khám phá một số lục địa và các nền văn hóa khác nhau. Tôi nghĩ chúng cùng đi chung với nhau”.

Hướng dẫn viên leo núi, Jean-Blaise Fellay trên tuyến đường Reùbuffat đến Aiguille du Midi, vào khoảng năm 1971. Linh mục đã leo hàng nghìn đỉnh núi và mở hàng chục tuyến đường mới. (DR)

Đại dịch là dịp Giáo hội huy động để đưa ra các câu trả lời tâm linh. Giáo hội có làm điều này không?

Có và không. Một mặt, các linh mục và các giáo xứ đã tự vận động để luân phiên có các thánh lễ và đáp ứng tầm quan trọng của nhu cầu. Như trong việc giảng dạy, chúng ta có các linh mục thoải mái với công nghệ, có người kém hơn, dẫn đến giảm chất lượng. Nhưng mặt khác, Giáo hội đã không tận dụng cuộc khủng hoảng này để nhấn mạnh đủ vào các giá trị. Giáo hội chỉ phàn nàn chính quyền bỏ các thánh lễ, Giáo hội không tấn công vào thực chất của vấn đề.

Nhưng đại dịch đưa chúng ta trở lại với nỗi sợ về cái chết, điều mà xã hội chúng ta cố gắng kìm nén. Đây không phải là cơ hội hoàn hảo sao?

Về mặt lý thuyết thì đúng. Về điểm này, chúng ta ghi nhận có một yếu kém to lớn, thậm chí là một khoảng trống trong xã hội cũng như trong Giáo hội, ngay cả khi người ta thường phản đối. Trên thực tế, đứng trước cái chết, Giáo hội cũng như xã hội đều chịu một nỗi hoảng sợ. Covid còn đẩy nhanh nỗi sợ này với các tang lễ bị tổ chức trong vòng gia đình, điều này đã gây sốc. Vì thực chất, tình bạn cũng có quyền. Và cái chết không có gì đáng xấu hổ. Xã hội đương đại sống dưới sự chuyên chế của chủ nghĩa phải trẻ, phải đẹp, phải có sức khỏe. Nếu bạn không có những điều này, bạn thất bại. Cái chết là bằng chứng cuối cùng của sự thất bại. Vì thế đây là thời điểm Giáo hội có thể đề nghị một cái nhìn khác. Nhưng với tất cả vấn đề, Giáo hội trả lời bằng nghi lễ và phụng vụ. Nó quan trọng, nhưng chưa đủ.

Cái chết đã trở nên không thể chấp nhận?

Đúng, cái chết bị phủ nhận trong nền văn minh chúng ta. Tất cả người già chết một mình trong viện dưỡng lão, không có người thân yêu bên cạnh là một sự mất nhân tính và là một thất bại của nền văn minh chúng ta. Ngay cả đám tang cũng phải vô trùng hết mức có thể. Khi tôi còn là đứa trẻ và khi có một người sắp chết, nhà thờ chính tòa Sion gióng lên hồi chuông đặc biệt dành riêng cho sự việc sắp xảy ra. Đó là lúc linh mục đi xức dầu. Nghe tiếng chuông này, mọi người thắc mắc không biết ai sắp chết và chúng tôi đi theo linh mục để biết cha đến nhà nào. Sau đó là buổi canh thức bên cạnh người chết, rồi đến đám tang, bữa ăn, khóc cũng nhiều nhưng sau đó cười cũng nhiều. Đó là một cách chấp nhận cái chết. Chuyện này đã kết thúc và nó làm cho xã hội phương Tây rơi vào một mớ hỗn độn khổng lồ.

Nếu Giáo hội không còn đóng vai trò của mình thì Giáo hội ở cuối cuộc đua?

Giáo hội lâm vào cảnh khốn cùng. Giáo hội đang trải qua một sự sụp đổ thực sự, trong việc giữ đạo, trong ơn gọi, trong các dòng tu. Giáo sư Jean Delumeau tại Collège de France, trong quyển sách Kitô giáo có sắp chết không? (Le Christianisme va-t-il mourir?) tác giả chỉ trích Giáo hội về mối liên hệ của Giáo hội với quyền lực. Đây là một thực tế có từ thời Hoàng đế Constantin, người dùng Giáo hội để duy trì Đế chế La Mã. Vào thời Trung cổ, Giáo hội dùng quyền thiêng liêng cũng như quyền trần thế để đuổi những người dị giáo. Dưới Chế độ Cũ, các giám mục Pháp xuất thân từ các gia đình mà những đứa con thứ trong gia đình được đưa vào hàng giáo sĩ vì tham vọng chứ không phải vì ơn gọi. Do đó, Nhà thờ và Nhà nước là hai cung của một mái vòm, thành phố Genève cũng đã sống dưới chủ nghĩa Calvin của Nhà nước. Nếu sự đồng nhất này làm cho Giáo hội trở nên mạnh thì Giáo hội cũng duy trì quyền lực của mình qua việc đàn áp, bảo đảm cho đạo đức nhà nước – Giáo hội chia sẻ quyền lực thế giới với nhà nước. Vì thế Giáo hội xa các nguyên tắc cơ bản. Khi mất đi quyền lực vì tách khỏi Nhà nước, Giáo hội co lại nhưng có được tự do thiêng liêng.

Có phải sự xói mòn này của kitô giáo bắt đầu với sự ra đời của thời Khai sáng không?

Nó phức tạp hơn nhiều. Trên thực tế, có một sự đoạn tuyệt với cuộc Cách mạng Pháp, khi Giáo hội bị giải thiêng hóa và khi Lý trí được truyền bá. Vào cuối thời Khủng bố (1793-1794), hàng giáo sĩ gần như biến mất. Nhưng chính trị gia Pháp Maximilien Robespierre tin vào Đấng tối cao, sau đó việc trở lại với tôn giáo được diễn ra. Hoàng đế Napoleon I sẽ kết nối lại với giáo hoàng. Sự Phục hồi chế độ quân chủ trở lại với trật tự cũ và Đế chế thứ hai của Napoléon III chứng kiến chiến thắng của liên minh ngai vàng và bàn thờ. Chỉ với Đệ tam Cộng hòa năm 1870 mới có sự cắt đứt và trục xuất các dòng tu khỏi Pháp năm 1905.  70 dòng tu Pháp đổ bộ đến Fribourg, thành phố có biệt danh là Rôma nhỏ, đến mức Hội đồng Nhà nước xin các nữ tu đừng mặc áo dòng. Sau đó là Đại chiến và các linh mục ở trong hàng ngũ. Năm 1918, nhà cầm quyền muốn cách chức các tu sĩ đã đấu tranh. Trước cuộc diễn hành ở đại lộ Champs-Élysées, chính phủ phải đi lui. Vào những năm 1930, việc truyền giáo ở đỉnh cao nhất. Sự xói mòn của kitô giáo đã có những lúc thăng trầm. Nhưng ngày nay, chúng ta đã chuyển sang một mô hình phức tạp hơn nhiều: kitô giáo không còn kẻ thù. Nhưng nó phải chịu sự khinh thường.

Có phải trong quá trình bị thay thế bởi các chuẩn mực đạo đức mới, chẳng hạn như trong việc kiểm duyệt các tác phẩm hay việc hạ bệ các bức tượng không?

Đúng, chúng ta nghĩ chúng ta sống trong một xã hội tự do tiên tiến. Nhưng tôi đủ già để thấy các đạo đức khác nhau kế tiếp nhau. Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của các phong trào không nhân nhượng như những người phò-khí hậu. Ngay cả như chủ nghĩa nữ quyền mới đầu với khát vọng giải phóng, bây giờ đã trở nên vô cùng đạo đức. Sự gần gũi chặt chẽ mới này với luân lý mở ra một cánh cửa rộng lớn cho Giáo hội, vốn rất rụt rè khi bước qua ngưỡng cửa.

Giáo hội có tiến triển về vấn đề độc thân của linh mục không?

Chắc chắn, dù chúng ta thấy sự sụp đổ của Giáo hội công giáo không phải vì vấn đề độc thân, vì phân khoa thần học tin lành cũng ở trong tình trạng này dù các mục sư đã có thể kết hôn. Ở nước chúng ta, độc thân du nhập vào từ thế kỷ 11, với sự cải cách Gregorian, nhưng mãi đến thế kỷ 17 mới bắt buộc. Trong khi ở phương Đông, các giáo sĩ thế tục phải kết hôn, ngoại trừ  các giám mục. Trong thời kỳ Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã rút vấn đề độc thân và ngừa thai ra khỏi các chủ đề cần phải đề cập, điều này dẫn đến việc cắt đứt với phụ nữ và các linh mục tiến bộ. Đã có sự ra đi hàng loạt của các linh mục muốn kết hôn, vì vậy tỷ lệ người đồng tính tăng lên trong Giáo hội.

Vậy? Đồng tính nơi một linh mục có đặt vấn đề gì cho cha không?

Không nếu nó được đảm trách; có, nếu nó bị kìm nén. Tôi đã rúng động khi đọc quyển Sodoma của nhà xã hội học và là nhà báo người Pháp Frédéric Martel, Sodoma, ông làm cuộc điều tra ở ngay trung tâm Vatican. Bởi vì quyển sách tiết lộ điều mà tôi xác nhận qua kinh nghiệm: trong một số lĩnh vực nhất định, Giáo hội có một tỷ lệ lớn người đồng tính. Như thế, bậc độc thân của linh mục không phải là một trở ngại, mà trái lại là một lý do để bước vào đó. Một số thú nhận ở chủng viện và sự việc trở nên rõ ràng. Nhưng những người đồng tính bị dồn nén thường cho thấy họ có một sự kỳ thị đồng tính cực đoan. Do đó, có một sự phân liệt không lành mạnh giữa bí mật mà họ muốn giữ và thực tế. Những tuyên bố hiện tại của Đức Phanxicô đối với các công đoàn đồng tính nhằm loại bỏ những đạo đức giả của các giám chức, trên thực tế họ sống đời sống đồng tính nhưng ngoài miệng lại lên lên án nó. Một hệ quả khác của tình trạng này là thế giới sống trong bầu khí rất ghét phụ nữ. Đó cũng là một trong những lý do giải thích việc từ chối để phụ nữ đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Giáo hội, dù không có lý do thần học nào đứng vững để ngăn chận điều này. Nếu bây giờ Thụy Sĩ có một phụ nữ trong chức vụ đại diện giám mục thì đây không phải là do tinh thần cởi mở. Đó là vì không có giải pháp nào khác. Chúng ta đã đi tìm các linh mục ở Châu Phi, ở Ba Lan thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phải chấp nhận phụ nữ vào chức linh mục. Cuối cùng, tôi sẽ không mất hy vọng. Vì nếu không, chúng ta sẽ còn phải để tình hình xấu đến như thế nào mới mở mắt? Giáo hội đang tích lũy số một lượng lớn sự chậm trễ đáng kinh ngạc trong xã hội.

Điều này cũng đúng với vấn đề tình dục. Nỗi sợ hãi này đến từ đâu?

Nó bắt nguồn từ sự ngờ vực có tính lịch sử về cơ thể con người. Thần học kitô giáo được hình thành một phần ở Alexandria. Thế giới này được đánh dấu rất rõ ràng bởi những tư tưởng nhị nguyên, Ba Tư và Hy Lạp. Thuyết nhị nguyên Manikê xem thế giới là xấu và thể xác là kẻ thù của tinh thần. Ngay cả triết gia thời cổ đại Plato cũng nói “cơ thể là nấm mồ của tâm hồn”. Và thi sĩ người Pháp Lamartine vào thế kỷ 19, đã viết, “con người là thiên thần thất sủng luôn nhớ về bầu trời”. Đây không phải là quan điểm của kinh thánh.

Nhờ đại dịch, cảm giác tội lỗi về cơ thể này có đi trở lại không? Chạm vào, hôn nhau là nguy hiểm cho người khác…

Đúng, có vẻ như vi-rút này được những người phái Thanh giáo sáng chế! Nỗi sợ chết bây giờ lại cọng thêm vào nỗi sợ cơ thể. Có rất nhiều lý do để hoảng sợ.

Vì sao Giáo hội không chịu trách nhiệm về các vụ bê bối ấu dâm lặp đi lặp lại?

Giáo hội muốn che giấu thay vì giải quyết các vấn đề. Văn hóa giữ bí mật về lạm dụng tình dục xuất phát từ văn hóa giữ bí mật liên quan đến đồng tính. Vì thế các giám mục co cứng khi một vụ việc được đưa ra ánh sáng.

Sự từ chối của phụ nữ có liên quan đến điều cấm kỵ của tình dục không?

Điều này có liên quan đến nỗi sợ hãi của đàn ông đối với phụ nữ. Giáo hội yếu đuối trên nền tảng của vô thức. Tôi sợ rằng Freud sẽ không phải là quyển sách gối đầu giường của các giám mục chúng ta! Không có gì chuẩn bị cho các giáo sĩ nói một cách cởi mở về phụ nữ. Và lời thú nhận, mà chúng ta có thể mong đợi để có thể vào trọng tâm các vấn đề, vẫn có một tính chất giả tạo nào đó. Nhưng nếu vấn đề giới tính đóng một vai trò quan trọng trong sự tách biệt của các giới chức cao cấp thì vấn đề quyền lực thậm chí còn nặng hơn thế. Tôi vẫn tin các ông đơn thuần chỉ không muốn chia sẻ.

Cấu trúc Giáo hội, theo kim tự tháp và độc đoán, không khuyến khích sự quản lý cởi mở cũng như hợp tác, đó là điều chắc chắn!

Chính vì lý do này mà tôi nghiêng về các máng cỏ, sáng kiến kitô giáo tài tình của dân chúng. Với các bức tượng, một người mẹ trẻ, một người cha hơi lạc lõng, những thiên thần, người dân và nghề của họ, trong sự giản dị của họ, cho đến người nhỏ bé đến sau với con gà mái ôm trong tay! Đây là cách Chúa đến với chúng ta, không có quyền năng, không thượng tầng cấu trúc thượng tầng, không chức vụ lỗi thời. Theo tôi, Giáo hội là những người khiêm nhường. Cũng như phần còn lại của thế giới, Giáo hội được đứng vững nhờ những người tốt và dũng cảm, chứ không bởi các “Đức ông, Monseigneur”. Về chuyện này, trước cuộc chiến tranh Sonderbund, tòa giám mục giáo phận Bâle đã tranh luận về việc nên gọi giám mục của họ là Ngài Vĩ đại hay một chức danh khác… Nếu ít nhất Giáo hội có những nhân cách vĩ đại và tầm cao trí tuệ trước chiến tranh! Bây giờ, thì hơi suy đồi chung chung, chính vì thế mà tôi cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước máng cỏ.

Về linh mục Fellay:

Sinh năm 1941 tại Sion. Năm 1961 vào Dòng Tên. 1969 tốt nghiệp hướng dẫn viên miền núi. 1971 chịu chức. 1980 Tổng biên tập tạp chí văn hóa “Chọn”, Choisir, khóa báo chí. 1996 Giám đốc Trung tâm Thần học liên giáo phận Fribourg.

Các câu hỏi ngắn

Công việc cuối cùng của Vatican làm cha tức giận? Thông điệp Sự sống con người, Humanae vitae của Đức Phaolô VI cấm ngừa thai.

Công việc cuối cùng của Vatican làm cha hài lòng? Thông điệp cuối cùng của Đức Phanxicô, Tất cả anh em Tutti fratelli .

Lần cuối cùng cha đã khóc? Xem bộ phim về cảnh sát, khi một cảnh sát vô tình giết chết đồng nghiệp.

Một bộ phim cha yêu thích? “Khi đàn cò đi qua”, một bộ phim của Liên Xô từ năm 1957.

Cha sẽ mang quyển tiểu thuyết nào lên hoang đảo? Đó không phải là quyển Thần khúc, La Divine Comédie của Dante.

Cái chết đẹp nhất? Khi nói cám ơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch