Máng cỏ của Vatican, Đức Phanxicô và nghệ thuật như dấu chỉ mục vụ

259

Máng cỏ của Vatican, Đức Phanxicô và nghệ thuật như dấu chỉ mục vụ

Nếu chúng ta nghiêm túc xem máng cỏ được dựng lên ở Rôma cuối năm 2020, chúng ta tự hỏi xem mầu nhiệm nào của Chúa giáng sinh trong thế giới chúng ta? Đây là đề xuất của ông Pierre Téqui, người đảm trách việc bảo tồn thư viện tại nhà Chateaubriand, ông cũng là người phụ trách chuyên mục hàng tuần “Cái nhìn về nghệ thuật” trên đài RCF-Hauts de France.

lavie.fr, Pierre Téqui, 2020-12-18

Máng cỏ bằng gốm của Castelli ở Quảng trường Thánh Phêrô. GRZEGORZ GALAZKA / SIPA

Đức Phanxicô vừa khánh thành máng cỏ mới ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngay từ những bức hình đầu tiên được đưa ra công chúng là đã có rất nhiều lời chỉ trích. Để vượt lên sự khước từ  về nguyên tắc, chắc chắn sẽ hữu ích nếu chúng ta có một số thông tin về việc này, vì Đức Phanxicô là người rất nhất quán: ngài đã viết một cuốn sách về nghệ thuật, Ý tưởng của tôi về nghệ thuật, và năm vừa qua, ngài đã công bố một Tông thư Dấu chỉ lạ lùng về máng cỏ. Cách đây vài ngày, khi cám ơn những người mang máng cỏ này đến, ngài nói, “sẽ rất tốt nếu chúng ta đọc lại nó trong những ngày này.”

Vì vậy, đơn giản là chúng ta làm theo lời ngài.

Giáo hoàng và nghệ thuật

Nhưng trước tiên cũng cần nhắc lại, Đức Phanxicô là người quen với các cử chỉ nghệ thuật: tháng 3 năm 2016, ngài đã làm phép bức khắc Chúa Giêsu, người Vô gia cư, một tác phẩm của điêu khắc gia Timothy P. Schmalz khắc một người khốn khổ đang ngủ trên băng ghế mà chỉ có các dấu thánh mới làm cho chúng ta hiểu người nghèo này là Chúa Kitô. Ba năm sau, cũng ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài khánh thành một tác phẩm điêu khắc khác của cùng nghệ sĩ: một tượng đài của những người di cư. Hai tháng sau, ngài trưng bày chiếc áo phao bị đóng đinh của người di cư trong viện bảo tàng Vatican. Và từ đầu triều giáo hoàng của ngài, ngài đã cho dựng các tác phẩm điêu khắc của Đức Trinh Nữ và Chúa Kitô bị đóng đinh trong các khu vườn ở cung Castel Gandolfo của giáo hoàng. Những tác phẩm này của điêu khắc gia người Argentina Alejandro Marmo được làm từ sắt vụn.

Từ các ví dụ này, Đức Phanxicô có một cái nhìn chính xác về nghệ thuật và ngài lựa chọn các tác phẩm một cách cẩn thận chứ không phải ngẫu nhiên. Nhưng cần nói thêm, cái nhìn  này không chỉ liên quan đến nghệ thuật đương đại. Chúng ta còn nhớ các hình ảnh nổi bật của các chặng đàng Thánh Giá do các tù nhân làm trong Tuần Thánh vừa qua: chặng đàng kết thúc dưới chân thánh giá của Chúa Kitô kỳ diệu mà ngài mang từ nhà thờ San Marcello về.

Đức Phanxicô thích dùng dấu hiệu

Cách dùng nghệ thuật này là chìa khóa để hiểu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô và chúng ta không thể bỏ qua: ngài thích dùng dấu hiệu, dùng các dụng cụ vật chất mang một giá trị cho một chuyện khác hơn là hình ảnh thật của nó.

Đức Phanxicô đã nói gì khi khánh thành máng cỏ này? Ngài nói “khiêm nhường trút hết” để đón nhận ơn từ lễ Giáng Sinh, “chúng ta phải cảm thấy mình nhỏ bé, khó nghèo và khiêm nhường như các nhân vật trong máng cỏ”. Và ngài nhắc đến Giáng sinh này chúng ta sống giữa những đau khổ của đại dịch, “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Vì nếu Chúa Kitô là một dấu hiệu, thì dấu hiệu này thật chướng mắt: một hài nhi nghèo hèn trong máng cỏ. Vì thế, đây là các tượng hài nhi: dấu hiệu của khó nghèo và khiêm nhường.

Trong máng cỏ khổng lồ bằng gốm của Castelli (Ý), quả thực có… một phi hành gia đang cầm  Mặt Trăng trên tay. Nhưng nó không phải là ngẫu nhiên: ý nghĩa có trong lựa chọn này. Grzegorz Galazka / SIPA

Sản phẩm đồ gốm nổi tiếng nước Ý và Castelli là một trung tâm sản xuất tích cực trong nhiều lãnh vực khác, tại đây có nhà thờ nhỏ San Donato, trần nhà được trang trí bằng các mảng gốm vào thế kỷ 17. Vì ở Castelli, mọi thứ đều là gốm. Theo thời gian, các triều đại ngành gốm lần lượt xuất hiện ở đây: Cranes, Gentiles, Cappelletti, De Martinis, Fraticelli, Guerrieri, Pardi và Fuina. Và đến thế kỷ 19, thành phố đã phải khó khăn để đón cuộc cách mạng công nghiệp.

54 bức tượng

Năm 1906, để không mất nghề, thành phố mở  trường nghệ thuật ứng dụng, năm 1960, trường trở thành Viện Statale D’arte per la Ceramica “F. A. Grue.” Chính tại ngôi trường này, năm 1965 dự án giáo dục về “máng cỏ tượng đài” được khởi sự. Năm mươi bốn bức tượng được các học sinh và thầy giáo làm: Serafino Mattucci, giám đốc và còn có cả các ông Gianfranco Trucchia và Roberto Bentini. Họ thử nghiệm các kỹ thuật và tìm kiếm phong cách riêng cho mình.

Vì thế máng cỏ khổng lồ này không phải là một một tác phẩm đương đại mà là một công trình thử nghiệm được đánh dấu bởi những năm sáu mươi. Phi hành gia là sản phẩm của thời đại chinh phục không gian. Được dựng lên ở Quảng trường Thánh Phêrô, máng cỏ đã làm tốn nhiều giấy mực. Người ta còn nghĩ đây là tượng Đức Trinh Nữ bồng Chúa Hài Đồng khi Chúa Hài Đồng chưa sinh ra. Nhưng đó là vầng trăng mà Đức Mẹ cầm trên tay.

Trong Tông thư Dấu chỉ lạ lùng về máng cỏ, Đức Phanxicô nhắc đến các trẻ em và người lớn, những người “thích thêm vào máng cỏ những bức tượng khác mà dường như chẳng có mối liên hệ nào với các câu chuyện nào trong Phúc âm.” Quen với lòng mộ đạo bình dân, Đức Phanxicô nói với chúng ta, trí tưởng tượng này muốn nói lên, “có chỗ cho tất cả mọi người và cho mọi tạo vật.”

Con người là tro bụi

Chúng ta có thích thú khi thấy qua hình ảnh này gợi lên những điều không tưởng của những năm 1960 bên cạnh máng cỏ không? Chúng ta có bị mờ mắt bởi những ảo ảnh của sự tiến bộ không? Trong đại dịch này, chúng ta càng nhận thức rõ hơn nỗi đau biết bao khi không thể nắm tay người đang hấp hối khi họ sắp về với Cha.

Thử nghiệm từ những năm 1960-1970, những bức tượng này bằng gốm. Thiên Chúa chúng ta không phải là người thợ gốm sao? Sách Sáng thế đã chẳng nói Chúa nặn ông A-dong bằng đất sét đó sao? Và đó là lý do vì sao chúng ta ở đây và chúng ta sẽ trở về với bụi tro. Ngày 25 tháng 12 năm 1223, khi Thánh Phanxicô Assisi có ý định đầu tiên làm máng cỏ ở Greccio, ngài đã gom lại một vài hình tượng trong một hang đá và dâng thánh lễ tại đây. Đứng trước dấu chỉ của máng cỏ, ngài muốn làm chứng cho thức ăn Chân Thật duy nhất: vì con người là tro bụi sẽ về với tro bụi và Chúa Kitô là Thiên Chúa đã xuống thế làm người trong máng cỏ để ba mươi ba năm sau, Ngài hiến mạng sống mình cho nhân loại.

Có lẽ chúng ta cho rằng các hình tượng này không thích hợp ở nơi tượng trưng cho thành phố Rôma là Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng Thánh Gia cũng không tìm được chỗ trọ ở thành phố Bê-lem. Mà đó lại là máng cỏ đầu tiên: một hài nhi nghèo hèn được sinh ra sau khi bị từ chối khắp nơi. Bây giờ, tín hữu kitô chúng ta, chúng ta phải làm gì, ngoài việc chúng ta phải cẩn thận để đừng bao giờ từ chối những dấu hiệu của sự nghèo khó và khiêm nhường đó sao? Chúng ta nên làm gì, ngoài việc chúng ta phải nhớ việc Chúa xuống thế là một việc chướng tai làm cho lương tâm chúng ta phải xáo trộn mỗi ngày đó sao? Chúng ta phải làm gì, ngoài việc giao phó cho Chúa những bức tượng nhỏ bằng đất sét thân yêu này và rồi chúng cũng sẽ trở về với tro bụi đó sao?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Máng cỏ kiểu Star Trek ở Quảng trường Thánh Phêrô

Lần đầu tiên 100 máng cỏ được triển lãm tại Quảng trường Thánh Phêrô

Máng cỏ “khủng khiếp” của năm 2020 tại Quảng trường Thánh Phêrô

Các máng cỏ từ khắp nơi đang được triển lãm ở Quảng trường Thánh Phêrô