Tân hồng y Sim người tiên phong truyền bá Tin Mừng ở Brunei
Đức Phanxicô và Giám mục Cornelius Sim, đại diện tông tòa của Brunei, trong chuyến thăm “ngũ niên” ở Vatican 8 tháng 2 năm 2018.
cath.ch, 2020-11-25
Được gọi để nhận chiếc mũ đỏ Đức Phanxicô sẽ trao ngày 28 tháng 11- 2020, giám mục Cornelius Sim của giáo phận Brunei có thể sẽ có các kỷ lục ấn tượng. Kể từ năm 1989, ngài là linh mục bản xứ đầu tiên được chịu chức ở Brunei Darussalam – còn được gọi là Vương quốc Hồi giáo Brunei. Kể từ năm 2004, ngài là đại diện tông tòa đầu tiên của giáo hạt. Bây giờ ngài sẽ là hồng y đầu tiên của chế độ quân chủ Hồi giáo nhỏ bé trên đảo Borneo.
Năm nay tân hồng y Sim 69 tuổi, việc ngài thăng tiến lên chức cao nhất của Giáo hội còn đáng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta xem lại sự nghiệp ly kỳ của ngài. Sinh năm 1951 tại Brunei, ngài mang trong người nửa dòng máu Trung Quốc và nửa dòng máu Dusun, là nhóm dân tộc đa số ở miền bắc Borneo và Brunei. Cha mẹ là người công giáo và ngài được nuôi dưỡng trong đức tin. Nhưng ngài đã đi chệch hướng một chút khi đến tuổi trưởng thành. Là sinh viên giỏi, ngài đến Scotland để học tại Đại học Dundee. Có lúc ngài muốn làm nhà báo nhưng cuối cùng ngài về nước với tấm bằng kỹ sư, ngài điều hành chi nhánh công ty xăng dầu Shell ở Brunei, nơi có nguồn tài nguyên dầu mỏ rất quan trọng. Ngài giữ chức vụ này từ năm 1978 đến năm 1985.
Tuy nhiên, trong thời gian này, người kỹ sư tái khám phá đức tin qua sự có mặt của các phong trào đặc sủng ở Brunei, các phong trào này đặt nặng vào mối quan hệ trực tiếp với Chúa hơn là về giáo điều. Ngài được biến đổi, và quyết định bỏ việc để theo học thần học tại Đại học Dòng Phan Sinh ở Steubenville, bang Ohio, nước Mỹ. Ngài về lại Brunei và được chịu chức năm 1989. Đến bây giờ, ngài vẫn còn ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột này, trong 4 năm, cuộc đời của ngài đã đảo lộn hoàn toàn. Ngài nói với báo tiếng Anh Crux ngày 16 tháng 11 vừa qua: “Tôi chưa bao giờ muốn thành linh mục. Tôi như bị buộc phải quay về làm việc này.”
Phục vụ cho đất nước của mình
Ngài kể, có một ngày người ta nói với ngài: “Nghe này, chúng tôi cần một linh mục, bạn là người duy nhất được đào tạo về thần học, vì vậy người đó sẽ là bạn.” Trước hết Sim từ chối ngay, và sau khi suy nghĩ lại thêm một lần nữa trong một lần đi tĩnh tâm, đột nhiên ngài đảo ngược quyết định của mình. Sau đó ngài nghĩ mình không có vai trò nào khác ngoài vai trò một linh mục, nhưng tất cả lại xảy ra theo một cách khác. Giáo hội nhanh chóng giao trách nhiệm cho ngài. Năm 2004, Đức Gioan-Phaolô II quyết định phong giám mục cho ngài, và triệu ngài về Rôma để trao thánh giá đeo ở ngực cho ngài.
Tuy nhiên, tự hào (thêm một lần nữa) được là giám mục đầu tiên của đất nước mình, ngài xin Đức Gioan-Phaolô II cho ngài được phong giám mục tại giáo phận Brunei của mình. Đức Giáo hoàng chấp nhận, và buổi lễ được tổ chức ngày 21 tháng 1 năm 2005 tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời ở thủ đô Bandar Seri Begawan, được Giám mục Salvatore Pennacchio, sứ thần tại Thái Lan và Singapore nhưng cũng là đại biểu tông tòa tại Brunei cử hành.
Đối thoại mẫu mực với Hồi giáo
Thêm nữa, hồng y Sim sẽ là nhân vật công giáo cao nhất ở một quốc gia mà tôn giáo chính thức là Hồi giáo (70% dân số) và người công giáo chỉ có 20.000 người (4%). Nhưng đất nước này được xem là gương mẫu cho đối thoại liên tôn giáo, và có lẽ Đức Phanxicô rất mong muốn dựa vào tân hồng y của mình để đưa ra các mô hình thực tế và hoạt động trong “tình anh em đại đồng” mà ngài quyết tâm thực hiện từ năm 2019.
Tân hồng y Sim nói với trang Crux, các lĩnh vực khác mà ngài muốn tham gia để đưa ra kinh nghiệm cá nhân của mình là, “vấn đề về di cư, sức khỏe và việc nâng cao hiểu biết về Kinh thánh”. Nhưng ba ưu tiên ngày nay của ngài là gia đình, môi trường và giao tiếp xã hội. Ngài cho rằng, các điều này phải thông qua sự gần gũi. Theo ngài, gia đình là “chìa khóa của rất nhiều chuyện”.
Nếu mọi con đường dường như đã sắp đặt để dẫn ngài về Rôma, dù ngoài ý muốn của ngài, hồng y Sim sẽ không đến Rôma vào ngày công nghị 28 tháng 11 sắp tới. Đại dịch và các hạn chế liên quan, chuyến bay rất dài từ đảo quốc nhỏ bé đến Ý đã cản trở việc đi lại. Giống như nhiều hồng y khác, ngài sẽ theo dõi công nghị qua đài truyền hình.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Linh mục Gambetti, hồng y trong áo nâu dòng