Tân hồng y Mario Grech, ngôi sao đang lên
Đức Phanxicô và Giám mục Mario Grech trong một buổi tiếp kiến năm 2019
cath.ch, I. Media, 2020-11-25
Ngày 25 tháng 10 – 2020, từ cửa sổ Dinh Tông Tòa, Đức Phanxicô công bố danh sách mười ba tân hồng y, ngài đọc tên giám mục Mario Grech đầu tiên. Một vinh dự cho giám mục Grech người Malta, 63 tuổi trở thành hình ảnh quyết định dưới triều giáo hoàng Đức Phanxicô.
Tiếp nhận người di cư, ly dị tái hôn, vấn đề Âu châu không còn tinh thần kitô giáo …, trong những năm gần đây, cựu Tổng giám mục giáo phận Gozo (Malta) đã tạo được dấu ấn riêng của mình qua các hành động và cam kết của ngài về các vấn đề thiết thân của Đức Phanxicô.
Khi bổ nhiệm ngài vào vị trí chiến lược Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 9 vừa qua, Đức Phanxicô cho thấy lòng tin tưởng và khích lệ của mình.
Lật sang trang “Giáo hội của ngày hôm qua”
Giám mục Mario Grech sinh năm 1957 tại Qala, đảo Gozo, vùng đất có 30.000 giáo dân họp thành quần đảo Malta. Vào chủng viện năm 1977, bảy năm sau ngài chịu chức linh mục trước khi đến Rôma để hoàn tất bằng giáo luật và luật dân sự. Sau đó, ngài hoàn thành luận án tiến sĩ tại Angelicum về “sự hài hòa giữa các khía cạnh tôn giáo và dân sự của hôn nhân theo giáo luật ở Malta.” Về lại Gozo, ngài giảng dạy tại chủng viện và làm việc tại tòa án giáo hội của giáo phận. Năm 2004, ngài là linh mục chánh xứ, một năm sau đó ngài được Đức Bênêđictô XVI phong làm giám mục giáo phận Gozo, giáo phận thời thơ ấu của ngài. Là mục tử, ngài nhận ra hòn đảo này từng là hòn đảo công giáo và bây giờ việc giữ đạo đã suy giảm như ở hầu hết mọi nơi ở châu Âu.
Theo ngài, nhận định này đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ: “Nếu chúng ta vẫn ở lại với “Giáo hội của ngày hôm qua” thì chúng ta sẽ không còn phù hợp với xã hội, thậm chí không hoàn thành sứ mệnh của mình với tư cách Giáo hội.” Phủi bụi cho Giáo hội và mang lại sức thổi cho Giáo hội nhờ Tin Mừng: Giám mục Grech giải quyết vấn đề theo phong cách và phương pháp rất giống với phong cách và phương pháp của Đức Phanxicô.
Tiếng nói cho người di cư
“Trước mặt chúng ta là hai mươi bốn thi thể chưa được nhận diện, nhưng chúng ta biết còn có nhiều hơn nữa, hàng trăm người đang an nghỉ trong nghĩa trang lớn đã trở thành Mare Nostrum”. Ngày 23 tháng 4 năm 2015, trước 24 cỗ quan tài xếp hàng, cùng với một giáo sĩ hồi giáo, giám mục Mario Grech đồng chủ sự một nghi thức an táng. Trước đó vài ngày, Địa Trung Hải đã lấy đi sinh mạng của hàng chục người di cư. Đây là một vụ bê bối trong không biết bao nhiêu vụ khác, Giám mục Grech nhắc lại lời Đức Phanxicô cảnh báo “toàn cầu hóa của sự thờ ơ” sẽ đến, nếu “chúng ta bỏ lỡ thời điểm lịch sử này, nếu chúng ta không nghe tiếng kêu của người anh em chúng ta đang tuyệt vọng tìm nơi nương tựa”.
Tố cáo sự mù quáng của một châu Âu đã đánh mất “các giá trị kitô giáo” trong việc xử lý cuộc khủng hoảng người di cư, ngài đã lên tiếng nhiều lần. Với tính nói thẳng, ngài không ngần ngại thúc đẩy những người công giáo ương ngạnh không chịu đón nhận người di cư. Chẳng hạn trong một thông điệp cùng viết với hai giám mục Malta đầu năm 2019, ngài tấn công: “Trớ trêu thay, trong khi người công giáo chúng ta mừng lễ Chúa giáng sinh, Đấng bị từ chối khi mới sinh thì châu Âu lại từ chối 32 người di cư được tị nạn”. Một lời tuyên bố mà Đức Phanxicô đã nhắc nhiều lần.
Một con đường cho những người ly dị tái hôn
Chắc chắn với hồ sơ người ly dị tái hôn mà giám mục Grech đã thể hiện một cách đặc biệt. Nhạy cảm với vấn đề hóc búa này do quá trình đào tạo của mình, vào đầu năm 2017, cùng với Đức Cha Scicluna, Tổng Giám mục Malta, ngài đã công bố một lưu ý cho các linh mục trong giáo phận về đề xuất “hướng dẫn” cho các ứng dụng cụ thể của Chương VIII Tông huấn Niềm vui Yêu thương Amoris Laetitia.
Trong tài liệu này, ngài nhắc các linh mục: “Khi thi hành chức vụ của mình, chúng ta phải cẩn thận để không rơi vào tình trạng cực đoan: một mặt nghiêm khắc cực độ, một mặt lại lỏng lẻo”, chúng ta nên sử dụng “nghệ thuật đồng hành” nhưng vẫn ghi nhớ mình có “bổn phận soi sáng lương tâm bằng cách loan báo Chúa Kitô và lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng”. Nhấn mạnh mọi “tình huống không phải đều giống nhau”, hai giám mục Malta cảnh báo các linh mục phải chống lại cám dỗ làm theo khuôn mẫu: “Vai trò của chúng ta không chỉ đơn giản là cho phép những người này nhận bí tích, hay cung cấp các “công thức dễ dàng’” hoặc thay thế lương tâm của họ. Vai trò của chúng ta là kiên nhẫn uốn nắn và soi sáng lương tâm của chính họ, để họ có thể đưa ra quyết định trung thực trước mặt Chúa và hành động vì điều tốt đẹp nhất có thể”.
Bản tài liệu dài khoảng mười trang, suy tư thực tế này chắc chắn đã đến bàn làm việc của Đức Phanxicô. Vài ngày sau khi công bố, tài liệu đã có tiếng vang tốt trên nhật báo chính thức L’Osservatore Romano của Tòa Thánh.
Bài học coronavirus: thay đổi mô hình mục vụ
Nhân cách của giám mục Grech có lẽ được công chúng biết đến một chút, khi vừa được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, ngài đã đưa ra cáo buộc thẳng thắn chống lại thái độ của một số giáo sĩ và giáo dân trong thời gian cách ly vì đại dịch. Ngày 14 tháng 10, trong bài báo đăng trên tạp chí Văn minh Công giáo La Civilita Cattolica, ngài nhận định, cuộc khủng hoảng cho thấy một “nạn mù chữ thiêng liêng”, một “chủ nghĩa giáo quyền” và một “đức tin chưa trưởng thành” trong một Giáo hội bị phân rẽ vì vấn đề tiếp cận các bí tích trong thời điểm coronavirus.
Trong số nhiều ý kiến chỉ trích mạnh mẽ, giám mục Grech “ngạc nhiên thấy nhiều người phàn nàn về việc không được rước lễ và cử hành tang lễ trong nhà thờ, nhưng họ lại không quan tâm đến việc hòa giải với Chúa và tha nhân, để lắng nghe và cử hành Lời Chúa và sống đời phục vụ”. Ngài nhắc lại, Bí tích Thánh Thể thực sự là “nguồn gốc và đỉnh cao của đời sống kitô hữu”, nhưng ngài cũng nhấn mạnh đó không phải là cách duy nhất để chúng ta có thể gặp Chúa Giêsu. Theo ngài, “hoạt động mục vụ” đã thường hay dẫn đến các bí tích mà lại không qua bí tích để dẫn đến đời sống tín hữu kitô. Vì thế theo ngài, phải xem cuộc khủng hoảng này như cơ hội để thay đổi các mô hình mục vụ, và đặc biệt phục hồi “Giáo hội tại gia.”
Những lời cực kỳ mạnh mẽ này đã được nói lên chỉ mười ngày trước khi Đức Phanxicô công bố việc thành lập mười ba tân hồng y. Bằng chứng cho quyền tự do ngôn luận của giám mục Grech đã không trái ý Đức Giáo hoàng. Những tháng tới chúng ta sẽ có dịp nghe tân hồng y nói vì Đức Phanxicô vừa giao cho ngài sứ mệnh tinh tế dẫn dắt “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” dự trù sẽ tổ chức vào tháng 10 năm 2022.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tân hồng y Sim người tiên phong truyền bá Tin Mừng ở Brunei
Linh mục Gambetti, hồng y trong áo nâu dòng