Khi các linh mục từ chối không để phụ nữ trao Mình Thánh Chúa

714

Khi các linh mục từ chối không để phụ nữ trao Mình Thánh Chúa

Trong hầu hết các giáo xứ, các linh mục thường nhờ giáo dân trao Mình Thánh Chúa nhưng đôi khi chỉ có các ông mới được mời. Báo Thập giá (La Croix) tìm hiểu vì sao.

la-croix.com, Claire Lesegretain, 2020-01-06

Một nữ tu Dòng Bênêđictô trao Mình Thánh Chúa trong thánh lễ ở nhà thờ Thánh Tâm Montmartre, Paris ngày 4 tháng 3 năm 2016. Trong một vài giáo xứ, phụ nữ không được trao. P.Razzo/Ciric

Một chiều chúa nhật năm 2018 tại nhà thờ Thánh Tâm Montmartre. Linh mục, người chủ tế duy nhất kêu gọi “giáo dân” giúp trao Mình Thánh Chúa. Một vài phụ nữ nhận lời nhưng bị Linh mục lạnh lùng đẩy qua một bên. Vị linh mục nói: “Tôi chỉ muốn các ông!”

Một nữ tu thành viên của nhóm cấp trên Inhatiô (SMI) kể câu chuyện này, sơ cho biết hai nữ tu trong dòng của sơ đã cảm thấy bị “tổn thương” mạnh khi tham dự thánh lễ chiều chúa nhật hôm đó. Một cảm giác không xa lạ gì với diễn đàn của nhóm SMI đăng ngày 16 tháng 12 vừa qua, kêu gọi “có các mối quan hệ trong tinh thần Tin Mừng hơn giữa đàn ông và phụ nữ trong Giáo hội” và đóng góp vào việc đấu tranh chống nạn giáo sĩ trị.

Bà Christine Danel, thành viên của Dòng Xaviê và là điều phối viên của tổ chức SMI nêu lên: “Nhiều bề trên cho biết ở một vài giáo phận nơi có các dòng của họ, đặc biệt là ở các giáo phận Paris, Toulon, Vannes và Versailles, phụ nữ không được trao Mình Thánh Chúa. Điều này làm cho tất cả chúng tôi bị sốc vì nó đặt ra vấn đề bình đẳng phẩm giá giữa các người đã được rửa tội”.

Trong thực tế, linh mục giáo xứ của giáo phận Vannes (Morbihan) đã trả lời cho báo Thập giá, “chúng tôi không cần giáo dân để trao Mình Thánh Chúa vì chúng tôi có hai phó tế”. Còn linh mục Emmanuel Schwab, cha xứ họ đạo Thánh Lêô thì ngài quyết định “chỉ nhờ các ông trao Mình Thánh Chúa, vì để nhấn mạnh tính nam phái của Chúa Kitô, người hiến mình cho hiền thê là Giáo hội. Cơ bản của nam tính là cho, cơ bản của nữ tính là nhận”. Tuy nhiên linh mục Schwab đồng ý, “nếu trong trường hợp không có người đàn ông nào làm” thì cha sẽ nhờ phụ nữ. 

Ngoài ca đoàn

Các lời nói này đã làm cho bà Anne Soupa phản ứng mạnh, bà là người đồng sáng lập Ủy ban Váy (Comité de la jupe). Từ năm 2010, ủy ban này đã đăng trên mạng một bản đồ nước Pháp về các thực hành tốt nên có đối với phụ nữ trong các giáo xứ, như tạo điều kiện thuận lợi để họ gia nhập ca đoàn, đọc các bài đọc chúa nhật và trao Mình Thánh Chúa. Bà Anne Soupa giải thích: “Thật đau buồn cho các phụ nữ công giáo khi thấy ở một số giáo xứ, các công việc phụng vụ trong thánh lễ chúa nhật không được giao cho họ, ngoài hát lễ và thay thế các hoạt động do các người phục vụ cộng đoàn sáng chế ra”, bà Anne Soupa cũng không che giấu, sau mười năm, “lòng tin tưởng ở một thảo luận về các chủ đề này đã bị xói mòn rất nhiều”. Bà Christine Danel nói thêm, dù câu chuyện này chỉ là cá thể nhưng “nhiều phụ nữ bực mình thấy mình bị loại trừ ra như vậy, rồi cuối cùng họ rời bỏ Giáo hội”.

Dĩ nhiên cha xứ không phải là người duy nhất quyết định việc này, vì thói quen đã có từ lâu. Đây là trường hợp giáo xứ Saint-Paul Saint-Louis ở giáo phận Paris: khi cha Pierre Vivarès được bổ nhiệm làm cha xứ ở đây năm 2014, phụ nữ chưa được trao Mình Thánh Chúa. Nhưng sáu tháng sau, cha bắt đầu nhờ một vài bà, và nhân dịp thánh lễ Thứ năm Tuần Thánh mà theo truyền thống là vừa rước Mình Thánh Chúa và máu Thánh Chúa nên cần thêm nhiều thừa tác viên phụ. Cha cho biết: “Tôi không gặp một phản ứng nào. Khi tôi nhờ giáo dân, dù đàn ông hay đàn bà cũng chẳng sao vì với danh hiệu là người được rửa tội, họ có thể trao bánh Sự sống”.

 Vị trí của phụ nữ trong phụng vụ

Tương tự như vậy ở giáo xứ Thánh Phêrô Gros Caillou, thuộc quận 7, không một phụ nữ nào trao Mình Thánh Chúa trước khi linh mục Richard Escudier đến cách đây 11 năm. Cha Escudier giải thích: “Người phụ trách phòng thánh có nhiệm vụ mời một số người trong số khoảng mười lăm người đàn ông và phụ nữ dấn thân và sinh hoạt thường xuyên. Tôi xin lúc nào cũng phải có phụ nữ, vì quan trọng là phải thấy họ có chỗ đứng trong phụng vụ”.

Sự lựa chọn được linh mục Olivier de Cagny khuyến khích, Linh mục Olivier giảng dạy phụng vụ ở Trưòng Chính tòa và tại Studium Notre-Dame ở Paris, cha cũng có trách nhiệm ở Hội đồng giáo phận về mục vụ bí tích và phụng vụ. Cha nhấn mạnh: “Không có gì trong văn bản Giáo hội quy định các thừa tác viên phải là nam giới mới được trao Mình Thánh Chúa”. Theo linh mục, nếu các cha xứ muốn các ông làm việc này chắc chắn chỉ vì “muốn giống nhau”, vì linh mục cũng là nam giới.

Ngược lại, linh mục Cagny thì cho rằng nên mời các giáo dân đã được thêm sức và đã được chuẩn bị, vì “cho rước lễ là mang Chúa Kitô đến cho người khác: vì thế phải có một cam kết suốt cuộc đời.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch