Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Chung quanh bánh mì
Trong “Bài giảng Tiệc Ly” của mình, Thánh Antôn đưa ra bốn ý nghĩa của bánh mì:
– bánh vật chất nuôi dưỡng cơ thể;
– bánh trí tuệ là học thuyết mang lại khôn ngoan;
– bánh Thánh Thể là thức ăn nuôi linh hồn;
– bánh vinh quang của ân phước trên thiên đàng.
Thánh Antôn lướt nhanh hai loại bánh đầu tiên và ngài nhấn mạnh đến hai bánh sau:
Nói về bánh Thánh Thể, ngài trích dẫn lời Chúa Giêsu: “ ‘Đây là mình Ta’. Thân thể được Đức Nữ Đồng Trinh sinh hạ dưới tác động của Thần Khí, bị đánh đập tàn nhẫn, bị đóng đinh trên thập giá, bị lưỡi đòng đâm thâu…”
Để hướng người nghe suy gẫm về Sự Thương Khó, Thánh Antôn trích dẫn lời của Thánh Bernard: “Hỡi tâm hồn trung tín, hãy chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy vai của Ngài bị rách, sườn của Ngài bị hở, đầu của Ngài bị mão gai đâm, tay chân Ngài bị đâm thủng…” Thánh Antôn kết luận: “Và đó là Thánh Thể!” Dù Thánh Antôn không nhắc đến Con Thiên Chúa đã sống lại và vinh quang (ngài nhắc nhiều trong các bài giảng khác), nhưng người nghe xúc động trước các đau khổ Chúa Giêsu phải chịu để cứu chuộc chúng ta.
Còn về “bánh vinh quang”, đó là bánh nuôi dưỡng cơ thể chúng ta sau khi sống lại; đó là niềm hạnh phúc vô song vô tận mà theo Thánh Âugutinô là niềm vui của tất cả những điều tốt lành. Sau đó ngài trích dẫn lời Thánh Bernard: “Ở đó, ngày không có đêm, sự sống không có sự chết, niềm vui không có nỗi buồn, yên bình không có lao nhọc, an toàn không sợ hãi; sắc đẹp không biến dạng, sức mạnh không yếu đuối. Đức hạnh không tì vết, sự thật không dối trá, bác ái không ác ý, hạnh phúc không đau khổ…” Và ngài kết thúc bằng lời cầu nguyện: “Giêsu Đấng Cứu Rỗi đã cứu chuộc chúng con, Đấng đã mặc xác phàm, đã đau khổ đến chết, đã chiến thắng cái chết, xin cho chúng con hạnh phúc này. Vì công nghiệp Chúa Giêsu, Đấng hằng sống hằng trị cùng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.”
Từ hồng thủy đến cây ô-liu
Cũng trong “Bài giảng Tiệc ly”, Thánh Antôn nhắc cho người nghe về sự cần thiết phải chuẩn bị mùa Phục Sinh bằng con đường ăn năn thống hối. Ngài đưa ra lập luận khởi đi từ hồng thủy:
“Vào buổi sáng, ông Nô-ê thả chim bồ câu đi, buổi tối nó mang về cành ô-liu phủ lá xanh. Con chim bồ câu không hót nhưng rên rỉ, đó là tâm hồn khóc lóc cho tội của mình. Buổi sáng có nghĩa là bắt đầu Mùa Chay, con bồ câu bị đuổi ra khỏi Vòm, Vòm là Giáo hội, trong đó chỉ có những người được chọn. Buổi chiều, có nghĩa là cuối Mùa Chay, con chim trở về, có nghĩa là nó được nhận vào Giáo hội với cành ô-liu, tượng trưng cho lòng biết ơn dâng lên Chúa vì đã nhận được lòng độ lượng của Ngài. Cũng chính cành ô-liu này mà tiên tri Giêrêmia nói: “Đức Chúa đã gọi tên ngươi: là cây ô-liu xanh rờn, có trái trông đẹp mắt.”
Khi tâm hồn cho mật ngọt của mình
Chúng ta kết thúc các bài giảng của Thánh Antôn bằng qua hình ảnh công việc của con ong để nhắc người tín hữu kitô đừng quên học hỏi cho trí tuệ và đường thiêng liêng của mình:
“Con ong lấy phấn hoa bằng hai chân trước; sau đó nó đặt phấn hoa ở đôi chân giữa và đôi chân ngoài cùng. Như thế nó mang gia tài quý báu của mình bay trong không trung… Tâm hồn ăn năn cũng như con ong. Nó có sáu chân: hai chân đầu tiên là tình yêu của Chúa và người anh em; hai chân giữa là ăn chay và cầu nguyện; hai chân sau là kiên nhẫn và kiên trì. Các bông hoa là nơi tâm hồn nghỉ ngơi, đó là các tấm gương của các thánh mà tâm hồn phải hút mật, có nghĩa là sự thuần khiết của linh hồn và thể xác để từ đó đưa chúng đến tổ ong của lương tâm mình… Công việc của người công chính là dịu ngọt của mật… là thiện hướng tinh tuyền, là hạnh kiểm trung thực, là mùi hương của sự nổi tiếng, là niềm vui không phai mờ khi chúng ta nếm trải trong việc chiêm niệm các chuyện thần thánh.”
Kế đó là làm theo lời khuyên thực tế khôn ngoan: Hỡi người chỉ biết vâng lời con quỷ tò mò và sinh hoạt thì phân tán trên ngàn đối tượng cùng lúc, hãy học ở con ong, học ở đó sự khôn ngoan. Con ong không đậu trên nhiều hoa cùng một lúc. Chúng ta hãy bắt chước nó, không lượn trên các hoa của tất cả các ý kiến đang luân lưu, không đọc tất cả quyển sách đến tay mình, không bỏ hoa này chạy theo hoa khác, như những người rỗi việc mệt mỏi đủ chuyện, gặp nhiều rắc rối mà không bao giờ có được kiến thức vững chắc. Hãy cầm một quyển sách mình cần và đem nó vào tổ ong ký ức của bạn. Triết gia Aristote đã nói, trồng cây mà cứ dời đi dời lại thì không bao giờ mạnh.”
Hướng tới hạnh phúc đích thực
Chúng ta có thể suy ra một định nghĩa về nghệ thuật hùng biện và đưa ra sứ điệp của ngài về một vài trích đoạn trong bản văn được không? Trước hết phải đặt nhà hùng biện trong bối cảnh đương thời của ngài. Trong xã hội đầu thế kỷ 13, một xã hội bị gặm nhắm bởi chủ nghĩa dị giáo cathar, bị dẫn đầu bởi chủ nghĩa bi quan tê bại, thì chúng ta phải đem tia sáng đến cho những người bị ảnh hưởng sai trái này. Một tia sáng dần dần tỏa lan và thấm vào các vùng bị tác hại, như vùng Midi nước Pháp và một số thành phố nước Ý. Với tất cả người dân sợ hãi thấy mình có nguy cơ không được cứu rỗi vì tội, Thánh Antôn mang lại sự tin tưởng vào một Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, chính Ngài đã cho chính mình làm lương thực nuôi sống, củng cố cho họ… Thánh Antôn làm cho họ hiểu rửa tội trong Chúa Kitô là làm cho họ trở thành con của Chúa, nghe Lời Ngài thì họ sẽ là người đi gieo công chính và bác ái. Nếu ngài tố cáo các bất hạnh mà tính kiêu ngạo, keo kiệt, khai thác những kẻ yếu đuối nhất để hưởng lợi, bất trung, đồi phong bại tục, thì đó không phải là để dạy đời, nhưng để làm cho những người nghe ngài được có hạnh phúc đích thực ở trần gian này và ở đời sống bên kia mà các giá trị thật của Tin Mừng đem lại. Và ngài xin họ đặt hết lòng tin tưởng vào Đức Mẹ, Mẹ của họ trên trời, để đón nhận con của Mẹ trong vòng tay của Mẹ.
Nếu các bài giảng của Thánh Antôn làm thay đổi tâm hồn của những người đương thời với ngài, dù một vài chủ đề có thể chỉ đặc biệt vào thời của ngài thì vẫn còn rất nhiều các giá trị thiết thân của ngài vẫn còn hiệu lực với chúng ta ngày nay, vẫn còn phù hợp cho những người thiện tâm, luôn đi tìm hạnh phúc đích thực mà chỉ có Chúa Kitô mới mang lại cho họ được.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Lời nói giá trị (1-3)