Thầy Fiorito, người chiến đấu với một kẻ thù duy nhất, satan

262

Thầy Fiorito, người chiến đấu với một kẻ thù duy nhất, satan

50 năm chức thánh: Đức Phanxicô giới thiệu các bài viết của “Thầy Fiorito”

Đức Jorge Mario Bergoglio và Thầy Miguel Angel Fiorito @ Archives Jésuites

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2019-12-11

Ngày thứ sáu 13 tháng 2, lúc 18h30 tại trụ sở Dòng Tên ở Rôma, Đức Phanxicô sẽ giới thiệu Bài Viết (Escritos) của Giáo sư Miguel Ángel Fiorito (1916-2005), linh mục Dòng Tên, cựu linh mục hướng dẫn thiêng liêng của ngài mà ngài thường ưu ái gọi là “Thầy Fiorito”.

Sự kiện sẽ đánh dấu 50 năm ngài được Tổng Giám mục Ramón José Castellano, tổng giáo phận Córdoba phong chức linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969. 

Vì lợi ích của Giáo hội

Thông báo về cuộc họp, Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc báo Văn minh Công giáo (Civililtà Cattolica) cho biết Đức Phanxicô viết lời tựa của 5 tập sách này. Đặc biệt Đức Giáo hoàng khẳng định: “Ấn bản các tác phẩm của Cha Miguel Ángel Fiorito là nguồn an ủi cho chúng tôi, những người từ bao nhiêu năm nay được lời giảng dạy của ngài nuôi dưỡng. Những bài viết này sẽ rất tốt cho cả Giáo hội.” Ngài chính xác nêu lên: “Đó là người chiến đấu với một kẻ thù duy nhất: tinh thần xấu xa, satan, ác quỷ, kẻ chủ mưu, kẻ buộc tội, kẻ thù của bản chất con người chúng ta”.

Những bài viết này được Linh mục Dòng Tên José Luis Narvaja thu thập theo thứ tự thời gian từ năm 1952 đến năm 1991, khi Linh mục Fiorito làm Viện trưởng viện Đại học Dòng Tên “del Salvador” ở Buenos Aires, ngài là khoa trưởng và giáo sư thần học ở San Miguel, là nhà đào tạo và giám đốc hướng dẫn thiêng liêng.

Bài Viết “Escritos” tiếng Tây Ban Nha ấn bản số đã có trên trang mạng của báo Văn minh Công giáo và ấn bản giấy trên Amazon. 

Bốn nguyên tắc căn bản

Linh mục Spadaro cho biết, các bài viết của ngài nói về Dòng Tên và “phân định thiêng liêng”, bối cảnh Giáo hội và xã hội Châu Mỹ La Tinh, lòng mộ đạo bình dân: các chủ đề thân thiết với Đức Phanxicô mà chúng ta đã dần dần thấy.

Linh mục Fiorito không suy nghĩ một mình nhưng đối thoại với một nhóm tu sĩ Dòng Tên trẻ và từ kinh nghiệm mục vụ của họ trong các giáo xứ, nhất là ở vùng ngoại ô Buenos Aires.

Linh mục Fiorito và các sinh viên của ngài 

Theo Linh mục Spadaro, lật các trang sách này là đi vào “trọng tâm triều giáo hoàng” của Đức Phanxicô. Chẳng hạn bốn nguyên tắc cơ bản của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii gaudium): thời gian thì cao hơn không gian, hiệp nhất thì chiếm ưu thế hơn xung đột, thực tế thì quan trọng hơn ý tưởng, toàn bộ thì cao hơn là từng phần.

Qua ấn phẩm này, báo Văn minh Công giáo ra mắt lễ kỷ niệm 150 năm của báo (1850-2020).

Fiorito và Bergoglio, phong chức

Linh mục José Luis Narvaja, người thu thập các tài liệu này đã viết một bài về Đức Phanxicô và Linh mục Fiorito trong báo L’Osservatore Romano tiếng Ý số ra ngày 6 tháng 4 năm 2018 “Cha Fiorito và Bergoglio”, trong đó cha đi tìm nguồn gốc tư tưởng thần học của Đức Phanxicô qua Linh mục Miguel Ángel Fiorito trong những năm sau Công đồng Vatican II.

Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Dòng Tên Argentina khi Bergoglio trở thành linh mục: “Năm 1969 khi chịu chức, Bergoglio gần 33 tuổi. Vào thời điểm đó, người có ảnh hưởng lớn trên ngài là Linh mục Miguel Ángel Fiorito (1916-2005), Viện trưởng viện Đại học del Salvador (1970-1973) ở Buenos Aires, giáo sư siêu hình học, khoa trưởng phân khoa Triết lý (1964-1969) của Đại học Massimo, San Miguel, giám đốc tạp chí “Stromata”, một tạp chí đăng các bài khảo luận của các giáo sư trong Phân khoa. Do khả năng trí tuệ và thiêng liêng của mình, Giáo sư Fiorito trở thành cột trụ quy chiếu không tranh cãi được của các sinh viên của ngài.

Linh mục Narvaja nêu chính xác: Khi là bề trên tỉnh dòng, Bergoglio đã giao cho Linh mục Fiorito hai nhiệm vụ quan trọng của tỉnh dòng: hướng dẫn “Năm Ba” (giai đoạn cuối trong việc đào tạo các tu sĩ Dòng Tên) và giám đốc “Bản tin Thiêng liêng”. Phần lớn các nghiên cứu của Cha  Fiorito là về linh đạo Dòng Tên, đặc biệt các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã và phân định thiêng liêng ở thời kỳ này. Bây giờ Linh mục Narvaja đã tập hợp chúng trong ngôn ngữ gốc.

“Thầy Fiorito” và lòng thương xót vô hạn

Đức Phanxicô cũng đã nhắc đến “Thầy Fiorito” trong lời nói đầu quyển sách “Các thư về Sầu khổ” (Lettres sur la tribulation) vừa được xuất bản. Quyển sách được bổ túc và làm thích ứng theo thời đại chúng ta, xuất bản vào tháng 1 vừa qua, 30 năm sau ấn bản đầu tiên dưới sự điều khiển của các Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro và Diego Fares, do nhà xuất bản Ancora La Civiltà Cattolica ấn hành.

Chính Đức Phanxicô là người đảm trách việc xuất bản ấn bản đầu tiên năm 1987 theo yêu cầu của Linh mục Miguel Angel Fiorito. Vào dịp này, tám bức thư của các Bề trên Tổng quyền Dòng Tên đã được xuất bản: bảy thư của Linh mục Lorenzo Ricci, viết trong những năm 1758 và  1773 và một thư của Linh mục Jan Roothaan, năm 1831. Các chủ đề nói về sự “sầu khổ lớn lao” do quyết định của Giáo hoàng Clément XVI năm 1773 giải thể Dòng Tên, sau đó được Đức Piô VII khôi phục lại năm 1814.

Trong lời nói đầu gần đây, Đức Phanxicô nhớ lại lần xuất bản sách năm 1987: “Khi tôi đệ trình Linh mục Miguel Angel Fiorito phác thảo lời nói đầu tôi viết cho ấn bản Các thư về Sầu khổ, Thầy – hồi đó chúng tôi gọi ngài là Thầy, vì thầy là thầy và bây giờ ngài vẫn là thầy, vì ngài đã biết cách đào tạo trường phái phân định – ngài xin tôi triển khai thêm đoạn cuối, trong đó tôi nói về tầm quan trọng của việc tự buộc tội. Đó là phân định và cách làm đúng khi đối diện với với sự xấu hổ và hoang mang, đã trở thành rõ ràng khi Thần Dữ tấn công dữ dội chống con cái của Giáo hội. Đức Phanxicô giải thích, câu trả lời của tôi, để chống lại phải có một sự xấu hổ và hoang mang lành mạnh dựa trên lòng thương xót vô biên của Chúa, và sự trung thực của Ngài đối với những ai xin Ngài tha thứ tội lỗi cho họ. Thầy nói với tôi: ‘Nơi nào có ân sủng. Hãy triển khai điểm này!’”.

Phân định thiêng liêng ở Miến Điện

Đức Phanxicô đề nghị đọc các lá thư này trong tinh thần cầu nguyện: “Ba mươi năm sau, chúng ta ở trong một bối cảnh khác, nhưng chiến tranh vẫn như nhau và chỉ thuộc về Chúa. Các Thư này là “chuyên luận về phân định của một thời hoang mang và sầu khổ” và việc tái bản chúng là lời mời gọi mạnh mẽ cho chúng ta, cũng như các suy tư của các bạn đồng hữu trong quyển sách, tiếp tục trút bỏ gánh nặng mà Thầy đã giao cho tôi – người mà bây giờ mang đến cho tôi hương vị lời tiên tri của bậc tiền bối – để ‘triển khai một ân sủng’.”

Tháng 12 năm 2017, trong cuộc gặp với các tu sĩ Dòng Tên ở Miến Điện, Đức Phanxicô đã nhắc đến thầy của mình khi nói về phân định: “Tôi muốn trích dẫn ngài ở đây, tại Miến Điện, vì tôi nghĩ ngài không bao giờ nghĩ tên mình sẽ được nhắc đến cho các hậu duệ ở đây. Ngài là tu sĩ Dòng Tên Argentina tên là Miguel Angel Fiorito. Ngài đã thiết lập được một ấn bản quan trọng Tưởng niệm Thánh Pierre Favre, ngài là một triết gia và luận án của ngài về mong muốn tự nhiên của con người là tìm thấy Chúa ở Thánh Tôma. Ngài là giáo sư triết học, khoa trưởng phân khoa triết lý và ngài yêu thích linh đạo. Ngài dạy chúng ta, các sinh viên chúng ta, linh đạo Thánh I-Nhã. Và chính ngài đã dạy chúng ta con đường phân định. Bạn là nhà đào tạo, nếu bạn gặp một tu sĩ Dòng Tên đang được đào tạo, nhưng không biết phân định, cũng không học phân định và cho thấy họ ít hy vọng để học được, thì dù đó là một sinh viên xuất sắc, bạn nên khuyên anh ta nên tìm con đường khác.” 

Đức Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên ở Miến Điện ngày 17 tháng 11-2017

Đức Phanxicô khẳng định: “Dòng Tên phải là bậc thầy về mặt phân định, cho chính mình và cho người khác. Thánh I-Nhã đã không yêu cầu chúng ta làm hai lần phút hồi tâm mỗi ngày để phân loại chí ra chí, rận ra rận. Không, ngài làm phút hồi tâm để chúng ta có thể nhìn vào những gì đang diễn ra trong tâm hồn mình. Theo tôi, tiêu chuẩn ơn gọi của Dòng Tên như sau: ứng viên có biết phân định không? Có học phân định không? Nếu anh biết phân định, biết nhận ra những gì đến từ Thiên Chúa và những gì đến từ tâm trí xấu xa, thì điều đó là đủ để anh có thể đi tới đàng trước. Ngay cả khi anh không hiểu nhiều, ngay cả khi anh rớt bài thi… Không sao, miễn là anh biết cách phân định thiêng liêng. Anh em hãy nghĩ đến Thánh Pierre Claver. Ngài biết phân định, ngài biết Chúa muốn đời ngài sống với những người nô lệ da đen, những người mà một số nhà thần học danh giá bàn thảo xem họ có linh hồn hay không.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch