Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 1-5 

445

Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 1-5

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser

 Điên rồ là gì

nhưng sự cao cả của tâm hồn

thì mâu thuẫn với hoàn cảnh. 

Ngày đang bừng cháy

và tôi biết được sự tinh tuyền của niềm thất vọng đơn thuần.

Theodore Roethke, “Vào Thời Đen Tối”

Bất bình với hoàn cảnh 

Trong cuốn tiểu thuyết tự truyện Những mối tình đầu của tôi, My First Loves, nhà tiểu thuyết người Tiệp, Ivan Klima, đấu tranh với một số vấn nạn gai góc. Anh là một chàng trai trẻ, đầy đam mê dục vọng, ở giữa đám thanh niên nam nữ cùng tuổi vốn ít lưỡng lự hơn anh. Klima kín đáo, độc thân và bất định. Chắc chắn không phải vì bất cứ lý do tôn giáo nào của anh. Anh tự hỏi: Có phải vì mình tôn trọng người khác hơn và có tinh thần trách nhiệm hơn không? Có phải vì mình có một tầm luân lý đạo đức độc thân cao –  gần như có tính cách tôn giáo -, nên mình do dự khi làm những chuyện không đúng? Hay, mình bị mắc kẹt, rụt rè, thiếu dũng cảm? Có phải mình đức hạnh hay khô khan? Anh không chắc:

Giả như tôi để cả đời chỉ để chờ đợi, chờ khoảnh khắc cuối cùng tôi thấy gương mặt sáng như sao đó? Ánh mắt đó sẽ nhìn tôi và nói: “Bạn ơi, bạn đã không thể nào chấp nhận cuộc sống, tốt hơn bạn nên đến với tôi bạn ạ!” Hay trái lại, ánh mắt đó có thể nói: “Bạn đã làm rất tốt vì bạn đã nâng nỗi cô đơn của bạn lên một tầm mức cao, bởi vì bạn đã có thể chịu đựng mà không cần an ủi, bạn đã làm trong hy vọng!” Anh mắt đó thật sự nói gì? Vào lúc đó tôi không thể nói.

Cuối cùng, vấn đề của anh là vấn đề thiêng liêng. Đó cũng là một vấn đề khó khăn. Quả không dễ để biết được những nguyên tắc đúng đắn mà qua đó chuyển tải một cách sáng tạo các năng lực mạnh mẽ và sâu sắc nhất của chúng ta, để mang lại kết quả là hạnh phúc và niềm vui sống. Dù có làm gì đi nữa, thì một số vấn đề vẫn luôn canh cánh trong lòng chúng ta: Tôi quá cứng rắn hay quá dễ với chính tôi? Tôi bất hạnh vì tôi để vuột mất sự sống hay tôi bất hạnh vì tôi ích kỷ? Tôi quá rụt rè và lo lắng hay tôi nên có kỷ luật hơn? Trưởng thành đích thật là gì và cái ego-đòi hỏi của tôi là cái gì? Ở đâu tôi có thể tìm thấy ranh giới rạch ròi giữa kỷ luật và vui sống? Tại sao tôi luôn cảm thấy tội lỗi? Tôi làm gì khi tôi phản bội niềm tin?

Đây là những câu hỏi triền miên, nói cho cùng, đó là những câu hỏi về cuộc sống thiêng liêng mà mỗi thế hệ phải trả lời cho chính mình. Tuy nhiên, chúng nảy sinh hoàn toàn khác biệt từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Trong quá khứ, các vấn đề này thường nảy sinh trong một bối cảnh tôn giáo rõ ràng. Vì thế, những vấn đề về ý nghĩa và luân lý nói chung được giải đáp trong một khung sườn bao gồm Thiên Chúa, tôn giáo và Giáo Hội. Các xã hội ngày trước phóng khoáng về tôn giáo hơn xã hội chúng ta. Đơn giản họ ít gặp rắc rối trong việc tin vào Chúa và trong việc nối kết khát khao cơ bản của con người với việc tìm kiếm Thiên Chúa và với việc vâng phục mà Thiên Chúa đòi hỏi. Một cách nào đó, điều này mang lại cho họ một lợi thế về tôn giáo hơn chúng ta, nhưng họ có những vấn đề tôn giáo nghiêm trọng của riêng họ. Họ tin vào Thiên Chúa dễ dàng, nhưng họ phải đấu tranh với mê tín, tình trạng nô lệ, phân biệt giới tính, các quan niệm thiếu lành mạnh về định mệnh và tiền định, sợ thái quá về hình phạt đời đời, và tuân thủ pháp luật cách tuyệt đối. Có những thời điểm họ thiêu sống phù thủy, khơi dậy các cuộc chiến tranh tôn giáo, sát hại người vô tội khi nghĩ mình tiến hành cuộc thập tự chinh vì Đức Kitô, cấm các nhà khoa học nhìn qua viễn vọng kính, và vào thời xa xưa còn sát tế con người, đặc biệt là trẻ em trên bàn thờ. Mỗi thế hệ đều chiến đấu cho cuộc sống thiêng liêng. Không có thời kỳ nào là thời kỳ vàng son.

Về mặt thiêng liêng, thời đại của chúng ta cũng không vàng son gì. Dù đã đạt được một nền tảng tôn giáo và luân lý nào đó khi so sánh với một số lầm lạc quá khứ, thì chúng ta không nên gay gắt phê phán quá khứ. Nhận thức muộn là một hiểu biết chính xác. Không ai vượt trên thời đại mình. Ngoài ra, chúng ta cũng không thoát được những điều mà các thế hệ trước đương đầu như chúng ta mong chính mình được tin như thế. Mê tín, tình trạng nô lệ, phân biệt giới tính, thuyết định mệnh, tuân thủ luật cách tuyệt đối, những cuộc chiến tôn giáo và ý thức hệ, và việc sát tế trẻ con vẫn ở giữa chúng ta. Bộ mặt của chúng chỉ tinh tế hơn mà thôi.

Ngoài ra, chúng ta có những cuộc chiến đấu với linh đạo của riêng mình. Những con quỷ dữ thiêng liêng của thời đại chúng ta là gì? Điều gì đặc nét cho cuộc chiến đấu tôn giáo, luân lý và thiêng liêng của chúng ta? Chúng ta chiến đấu để chuyển tải một cách sáng tạo các năng lực yêu đương và thiêng liêng của chúng ta nhiều nhất ở đâu?

Trong khi quỷ dữ luôn luôn hoạt động như một binh đoàn, thời này có ba chuyện đặc biệt tô màu cho cuộc chiến đấu để có một đời sống thiêng liêng lành mạnh.

Quỷ dữ hành hạ chúng ta điều gì? Những cuộc chiến đấu thiêng liêng vốn chỉ liên quan đến thời đại chúng ta như sau: Ngây ngô về bản chất của năng lực thiêng liêng, lu bu làm đủ việc, giải trí và nghỉ ngơi một cách bệnh hoạn, mất thăng bằng trầm trọng dẫn đến một chuỗi cắt đứt. 

Nguyễn Kim Long dịch 

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô

Đời sống thiêng liêng là gì (1-3)

Đời sống thiêng liêng là gì (2-3)

Đời sống thiêng liêng là gì (3-3)