Tại Mỹ, các linh mục châu Phi đến giúp một tay

266
Tại Mỹ, các linh mục châu Phi đến giúp một tay
Một linh mục Uganđa trong một buổi tĩnh tâm ở giáo phận Owensboro, Kentucky. Hình: James Estrin/The New York Times/REA
la-croix.com, Alexis Buisson, New York, 2019-11-13
Từ ngày thứ hai 11 đến ngày thứ tư 13 tháng 11, các giám mục Mỹ họp Hội nghị Khoáng đại ở Baltimore (Maryland). Để đối phó với nạn giảm ơn gọi, các giáo phận Mỹ ngày càng phải nhờ đến các giáo phận ở châu Phi và mở các khoá đào tạo để giúp cho các linh mục châu Phi thích nghi với môi trường mới.
“Trời lạnh quá!” Linh mục Vincent Arisukwu đã không chọn đúng lúc để đến Maryland. Đó là vào tháng 1 năm 2014 lúc miền đông-bắc Mỹ vào giữa tiết đông lạnh.
Linh mục Vincent người Nigeria là thành viên trong đội ngũ các linh mục châu Phi ngày càng tăng trong những năm gần đây để bổ sung cho các giáo phận Mỹ bị thiếu ơn gọi. Con số các linh mục đến Mỹ khó ước tính. Theo Hội Linh mục và Tu sĩ công giáo châu Phi ở Mỹ (ACCCRUS) thì hiện nay có khoảng 1000 linh mục từ châu Phi đến Mỹ so với con số 300 linh mục năm 2013. Các linh mục chủ yếu từ Nigeria đến, nhưng cũng có các linh mục đến từ Ghana, Kenya, Tanzania hay Cam-mơ-run.
Linh mục Henry Atem, cựu chủ tịch Hội Linh mục và Tu sĩ công giáo châu Phi ở Mỹ giải thích: “Các linh mục tiên phong dọn đường. Khi các linh mục khác thấy có thể được, họ quyết định đi theo”. Linh mục Atem người Cam-mơ-run đến Mỹ khi 20 tuổi và được thụ phong linh mục năm 2008 ở giáo phận Atlanta.
Nhân rộng quan hệ đối tác
Việc tuyển nhân dụng này không phải mới. Linh mục Thomas Gaunt giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Mục vụ, một trung tâm nghiên cứu về đạo công giáo giải thích: “Từ khi mới thành lập, nước Mỹ đã đưa các linh mục nước ngoài đến, ngoại trừ những năm từ 1940 đến 1970.” Giai đoạn hậu chiến tranh này trùng với giai đoạn “ơn gọi nở rộ” đã làm cho việc tuyển dụng các tu sĩ nước ngoài trở nên không cần thiết.
Nhưng bây giờ, với cơn khủng hoảng ơn gọi và việc gia tăng các linh mục châu Phi, các giáo phận Mỹ bắt đầu nhân rộng các đối tác với đồng hữu của mình ở châu Phi. Thường thường các linh mục đến đây trong vòng năm năm, khi mới đến, họ tham dự các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức về sự khác biệt văn hóa. Linh mục Thomas Gaunt nói: “Diễn tả là một thách thức thực sự”. Ngoài ra “ở Mỹ, địa vị của linh mục không có thế giá như một số nước của họ. Họ phải thích ứng”.
Các thói quen khác nhau từ lục địa này qua lục địa khác
Sau khi dũng cảm chịu lạnh, linh mục Arisukwu đã phải đối diện với một loại lạnh khác: cái lạnh các thánh lễ ở Mỹ, khác xa với các thánh lễ ở quê nhà của cha: “Ở châu Phi, chúng tôi thích tương tác và đưa giáo dân cùng tham dự thánh lễ. Nhưng ở Mỹ bài giảng phải ngắn. Phải bảo đảm là không được ôm giáo dân, tránh tiếp xúc thân thể. Tôi cảm thấy lo lắng, tôi sợ làm một cái gì sai lầm”, linh mục Arisukwu lo cho một giáo xứ có đa số giáo dân da trắng ở Maryland.
Linh mục Canice Nwizu người Nigeria thuộc địa phận San Bernardino, bang California nói: “Đây là một thế giới hoàn toàn khác.”
Linh mục Patrick Adejoh người Nigeria được gởi đến giáo phận Los Angeles, bang California tháng 8 năm 1995, cha chưa bao giờ rời xứ mình trước khi đến Mỹ: “Nó giống như mình khởi đi từ zero trong khi tôi đã có một địa vị thoải mái ổn định ở Nigeria”. Sau khi làm việc ở bang Texas và Ohio, hiện nay linh mục làm tuyên úy trong một bệnh viện cho các cựu chiến binh ở Missouri, miền Trung nước Mỹ.
“Tôi là một phần của Giáo hội Mỹ”
Linh mục Adejoh cho biết mình chưa bao giờ bị kỳ thị “công khai” nhưng đã nghe “một vài giáo sĩ” nghi các linh mục từ nước ngoài đến Mỹ là để hưởng lương cao.
Linh mục phẫn nộ: “Khi các linh mục từ Ai Len hay Ba Lan đến thì không sao. Nhưng những người châu Phi chúng tôi đến thì bị gán cho là vì tiền. Đôi khi chúng tôi đến từ các nước nghèo, nhưng các công việc chúng tôi giúp không kém phần quan trọng (…) Phương Tây ở vị thế giàu của cải vật chất. Nhưng chúng tôi giàu về mặt thiêng liêng”.
Dù gặp khó khăn, các linh mục châu Phi thường trẻ hơn các đồng hữu Hoa kỳ của họ, họ tin chắc mình đã mang một làn gió tươi mát đến cho một Giáo hội ngày càng  đa dạng. Linh mục Henry Atem khẳng định: “Chúng tôi có một cách tiếp cận tình cảm với tôn giáo. Chúng tôi sống với nó…”.
Hai mươi lăm năm sau khi đến Mỹ, linh mục Adejoh xem nước Mỹ là “nhà mình”: “Tôi là một phần của Giáo hội Mỹ. Tôi mong muốn làm hết sức mình để Giáo hội được tốt hơn.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm: Tân Chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ
 Châu Âu có thể được truyền giáo lại bởi các châu lục khác