Linh mục Niphot Thianwihan, người phục vụ các cộng đồng thiểu số ở Thái Lan

158

Linh mục Niphot Thianwihan, người phục vụ các cộng đồng thiểu số ở Thái Lan

lepetitjournal.com, Catherine Vanesse, 2019-09-17

Linh mục Niphot Thianwihan ở Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Cộng đoàn tôn giáo và văn hóa ở Chiang Mai. Hình: Catherine Vanesse 

Linh mục Niphot Thianwihan là linh mục Thái Lan đầu tiên được thụ phong linh mục ở miền Bắc Thái Lan. Từ 45 năm nay, cha làm việc với các bộ tộc miền núi và với người tị nạn. Ở các cộng đồng này, cha phát triển cách tiếp cận đặt văn hóa và các giá trị tổ tiên nằm ở trọng tâm.

Sinh năm 1948, Linh mục Niphot Thianwihan là linh mục Thái Lan đầu tiên được thụ phong linh mục ngày 5 tháng 1 năm 1975 tại Chiang Mai. Thân mẫu là phật tử, thân phụ là công giáo, cha Niphot vào chủng viện năm 17 tuổi, sau đó cha đi học ở Penang, Mã Lai rồi qua Paris học năm năm.

Được đào tạo sau Công đồng Vatican II (1962) đánh dấu một thế hệ mở ra và hiện đại hóa Giáo hội, cha Niphot không ngừng làm việc với người dân tộc thiểu số ở miền Bắc Thái Lan, phát triển một tiếp cận dựa trên văn hóa của các cộng đoàn với chủ trương “Quan sát, lắng nghe và hành động.”

Năm 1999, cha thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Cộng đoàn Tôn giáo-Văn hóa ở Chiang Mai (Research and Training Center for Religio-cultural Community, RTRC), một hiệp hội làm việc cho sự phát triển nông nghiệp và cổ động thương mại công chính để cải thiện cuộc sống của người dân tộc thiểu số Karen, Hmong, Lahu, Lawa, Akha, v.v…

Cha không ngần ngại đặt vấn đề với xã hội tiêu thụ, với chủ nghĩa tư bản, chiến đấu chống biến đổi khí hậu, Trung tâm RTRC là hình ảnh của Linh mục Niphot, nơi gặp gỡ và trao đổi văn hóa với mục đích có một xã hội mới.

Báo Lepetitjournal.com đã gặp cha ở Chiang Mai:

Điều gì thúc đẩy cha đi Pháp học một phần trong chương trình học của cha?

Sau khi chịu chức linh mục ở Thái Lan, tôi làm việc với các cộng đồng thiểu số, các nông dân, các phụ nữ, các người tị nạn Lào… Trong những năm 1960-1970, tình trạng xã hội Thái Lan rất phức tạp, là linh mục trẻ và duy nhất ở Thái Lan, tôi tự hỏi làm thế nào để đối diện với các vấn đề này. Khi tôi đi học ở Penang thì đa số các giáo sư của tôi là người Pháp. Tôi đã học tiếng Pháp, nhưng khi đến Paris năm 1978 tôi phải học thêm ba tháng lớp bổ túc tiếng Pháp. Trong vòng năm năm, tôi ở Paris 6 tháng, ở Thái Lan 6 tháng. Ở Paris, tôi gặp các nhà truyền giáo khắp nơi trên thế giới. Cách tiếp cận là của Paulo Freire, một nhà mô phạm giải phóng qua giáo dục cho những người bị áp bức, điều này giúp tôi học làm thế nào để có thể tổ chức, nâng cao ý thức và hành động với mọi người.

Ơn gọi của cha đến từ đâu?

Tôi lớn lên trong hai tôn giáo. Mẹ tôi là phật tử, người tỉnh Phayao, cha tôi là công giáo ở Bangkok. Tôi sinh ra ở Bangkok và lớn lên ở Phayao, tại đây tôi đi học ở một trường công giáo. Trong những năm1960, tôi thấy nhiều phụ nữ bỏ làng đi làm việc trong các kỹ nghệ buôn bán tình dục ở Bangkok hay gần các căn cứ quân sự Mỹ. Tôi quan sát và thấy sự phi nhân hóa của các phụ nữ này. Tôi nghĩ có cái gì không chạy và tôi đặt câu hỏi: “Tại sao?” Từ quan điểm xã hội, đây đúng là vấn đề, nhưng trên quan điểm tôn giáo, đây là một cái gì có thể xem như một biểu tượng. Chúa gọi tôi để giúp nhân loại.

Cha là một trong những người đầu tiên phát triển một tiếp cận văn hóa cho vai trò của một nhà truyền giáo, xin cha giải thích cho chúng tôi thêm.

Phải tôn trọng văn hóa của người dân, với tôi, đây là điều rất quan trọng. Vai trò của nhà truyền giáo không phải chỉ giảng dạy Thánh Kinh nhưng còn phải hiểu và tôn trọng người dân. Ở Thái Lan, văn hóa và đời sống người dân quay chung quanh thóc gạo, để hiểu các vấn đề họ phải đương đầu, chúng ta phải lắng nghe họ, lắng nghe câu chuyện cổ xưa của họ, ảnh hưởng của thần linh, của tín ngưỡng, các mối liên hệ với thiên nhiên. Với nhóm của tôi, chúng tôi cố gắng làm cho họ đi về với các giá trị mà thiên nhiên là trọng tâm, trồng lúa với thuốc sát trùng là giết nguồn tài nguyên của chúng ta, đó là nước và đất.

Chúng tôi cũng giúp các nhóm thiểu số xây dựng lịch sử của họ, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trước các năm 1970, các nhà truyền giáo và các tổ chức Phi Chính Phủ quan tâm đến những người không có khả năng và phải giúp họ. Nếu cho các nhóm dân tộc này là ngu ngốc thì làm sao họ sống còn qua bao nhiêu thế kỷ không có các tổ chức Phi Chính Phủ hay không có Giáo hội? Nếu chúng ta đặt câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy mỗi cộng đoàn đều có một cái gì tốt, chỉ cần đến gặp gỡ, lắng nghe và học hỏi ở những người này. Ngày nay chúng ta không còn ở trong lô-gích tiếp thu các nền văn hóa khác nhưng chúng ta mang đến các giá trị và không làm cho các cộng đồng này mất gốc.

Cha nghĩ gì về xã hội hiện tại?

Tôi khá lo lắng. Khí hậu thay đổi quá nhiều, nước Thái Lan ngày càng có những lúc thì hạn hán và sau đó là các đợt lũ lụt. Tôi nghĩ đó là hệ quả của 400 năm gần đây, chúng ta đi từ một thế giới xem trọng khía cạnh thiêng liêng của thiên nhiên, qua kỷ nguyên hiện đại dựa trên khoa học, chú trọng vào khía cạnh vật chất, tiêu thụ, chủ nghĩa tư bản. Ngày nay người dân không còn tôn trọng “mẹ đất”, không còn lòng trắc ẩn và khi chúng ta không còn lòng trắc ẩn, chúng ta nghiêng về chủ nghĩa vật chất, về xã hội tiêu thụ, khi vừa thấy một quảng cáo là chúng ta vội vàng nối mạng và mua món đồ đó ngay lập tức.

Đó là lý do vì sao tôi làm việc với một tiếp cận văn hóa và cộng đoàn, chúng ta phải trở lại với các giá trị mà thiên nhiên là trọng tâm, trở về với khía cạnh thiêng liêng. Chính điểm này mà các tôn giáo thật sự quan trọng, phúc lợi của mọi người phải ở trọng tâm sứ vụ chúng tôi, giúp đỡ họ thoát khỏi sự hiện đại hóa, không làm nô lệ cho sự hiện đại này. Phải đi ra khỏi loại hiện đại này và ý thức thế giới chung quanh chúng ta, để mang đến sự thay đổi và tham dự vào việc xây dựng một xã hội mới. Tôi không nói phải quay về thời trước thời hiện đại, nhưng phải quay trở về với tâm linh nhiều hơn, dù không ở trong Giáo hội.

Chủ nghĩa tư bản là gốc rễ của khoảng cách giàu nghèo. Đây là điểm Công đồng Vatican II đã thay đổi mọi thứ, trước đây chỉ cần đi đến nhà thờ, cầu nguyện hay trả tiền để lên thiên đàng. Nước Chúa là ở trên quả đất này, mục tiêu của chúng tôi không phải là làm cho người dân trở lại, nhưng làm cho họ nhận thức được các vấn đề sinh thái, về nghèo đói…

Cộng đồng công giáo đại diện cho miền bắc Thái Lan là cộng đồng nào?

Giáo phận Chiang Mai được thành lập năm 1959 và gồm 8 tỉnh: Chiang Mai, Mae Hong Son, Prae, Nan, Lampang, Chiang Rai, Phayao. Tổng cộng có khoảng 70.000 tín hữu và hàng trăm linh mục.

Người công giáo chủ yếu đến từ các cộng đồng thiểu số. Năm 1951 khi các nhà truyền giáo bị trục xuất khỏi Trung quốc, họ đến miền bắc nước Thái, họ đã có kinh nghiệm với người dân tộc thiểu số ở đó.

Ở đây không có đường xá, chính phủ thật sự không quan tâm đến người dân thiểu số ở Thái, lại thêm bối cảnh chính trị của những năm sau đó, chiến tranh lạnh, chiến tranh tại Việt Nam, các trại tị nạn Hmongs bị người cộng sản ở Lào đuổi… Các tu sĩ đã đáp ứng nguyện vọng của các cộng đồng này. 

Đôi khi cha có được tự do với các giáo điều của Vatican không ?

Có giáo điều và rất tốt để có giáo điều. Nhưng sau đó, có những câu chuyện cá nhân của từng người. Khi có những gia đình có 3, 4 hoặc 5 người con, cha mẹ không nuôi nổi, vai trò của tôi là lắng nghe họ, hiểu họ và tôn trọng họ. Dĩ nhiên chúng tôi nói với họ những gì Giáo hội nói về vấn đề này, nhưng chúng tôi hiểu đôi khi họ phải lấy các quyết định khác. Phương cách tự nhiên là phương cách tốt nhất, nhưng cũng có những cách khác để kiểm soát sinh sản chẳng hạn. Đôi khi Rôma ở rất xa. Chúng tôi tôn trọng Giáo hội, nhưng tiếc thay Giáo hội không phải lúc nào cũng biết chuyện gì đang xảy ra ở địa phương. Chúng tôi cố gắng giúp người dân chứ không đào sâu thêm các xung đột đạo đức. Một hoặc hai con là tốt, sau đó khi cha mẹ muốn ngừng lại thì phải có trách nhiệm. Bây giờ ở Thái Lan lại có vấn đề khác, các bạn trẻ ở thành phố không muốn có con.

Đức Phanxicô sẽ đến thăm Thái Lan từ ngày 20 đến 23 tháng 11, cha đã chuẩn bị chuyến tông du này như thế nào? Đối với tín hữu kitô, chuyến tông du này quan trọng như thế nào?

Chuyến thăm của Đức Phanxicô là một sự kiện lớn và năm nay cũng là năm kỷ niệm 350 năm ngày Đức Clément IX thành lập “Sứ mệnh Xiêm”. Đây là dấu hiệu tích cực giúp hồi sinh Giáo hội. Trong bối cảnh xã hội thay đổi hiện nay, nhất là thời đại kỹ thuật số, khí hậu thay đổi, Đức Thánh Cha có thể gởi một thông điệp mạnh mẽ đến các bạn trẻ và truyền cảm hứng cho họ để họ đóng góp xây dựng một xã hội tốt hơn. Tôi nghĩ ngài có thể thổi một làn gió hiện đại  vào Giáo hội Thái Lan, một một thể chế đôi khi già nua, làm sao giúp cho Giáo hội phù hợp hơn với bối cảnh hiện đại.

Một cách nào đó tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ khi tôi được chịu chức, và còn nhiều hơn nữa trong những lần tôi gặp giáo hoàng ở Rôma trong những năm  2016, 2017 và 2018, đặt ưu tiên cho việc tiếp cận văn hóa và cộng đồng, và chúng tôi tiếp tục chuẩn bị vì chúng tôi làm việc trong một chương trình với Giáo hội để tiếp tục phát triển tiếp cận này ở Thái Lan cho 50 năm sắp tới. Tháng 1 năm 2020, chúng tôi sẽ mở trung tâm “The Asian School of Wisdom” (Trường Minh triết Châu Á), đi theo đường hướng sứ mệnh của Đức Phanxicô.

Còn cá nhân tôi, tôi sẽ không gặp ngài vào tháng 11, tôi tham dự các sự kiện như mọi người, tôi để các người khác có dịp gặp ngài.

Nữ ký giả Catherine Vanesse sống ở Thái Lan từ năm 2013 sau khi làm việc 8 năm ở đài truyền hình RTL Bỉ. Cô cộng tác với các cơ quan truyền thông nói tiếng Pháp ở địa phương và cô là đồng tổng biên tập báo Lepetitjournal.com Bangkok, tùy viên cho đài truyền hình RTL Bỉ.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm:Khí phách của các nhà truyền giáo đầu tiên ở Thái Lan

Chuyến đi Thái Lan của Đức Phanxicô cũng là chuyến đi đoàn tụ gia đình