“Newman, bạn đồng hành suốt đời của Đức Bênêđictô XVI”

414

“Newman, bạn đồng hành suốt đời của Đức Bênêđictô XVI”

Hồng y Newman (1801-1890)

fr.zenit.org, Anita Bourdin , 2010-09-27

Nhân ngày Đức Bênêđictô XVI phong chân phước hồng y John Henry Newman (19-9-2010), ông Grégory Solari nói về các điểm chính trong tư tưởng của Hồng y Newman. Ông là nhà khảo luận Thụy Sĩ, giám đốc nhà xuất bản Ad Solem, nhà xuất bản chính in các sách của Hồng y Newman trong ấn bản tiếng Pháp. Ông là người rất mến mộ hồng y.

Rôma thứ hai 27 tháng 9 – 2010. Ông Solari giải thích: “Hồng y Newman cho chúng ta tấm gương về tinh thần giáo hội thực sự phải là tinh thần của một tín hữu kitô trong thời điểm đón nhận công đồng.”, Ông chia sẻ lý do vì sao ông nhiệt tình và ấn tượng của mình sau chuyến đi của Đức Bênêđictô XVI đến nước Anh, ông nhận thấy: “Hồng y Newman là người bạn đồng hành tri kỷ của Đức Bênêđictô XVI.” Newman, một người “tân thời”. Ông Solari cũng nói đến “sự công bằng” với người Anh mà Đức Bênêđictô XVI đã biết cách chạm đến và cầu vồng ở Cofton Park khi Đức Bênêđictô XVI đến dâng thánh lễ ở đây.

Báo Zenit. Làm thế nào mà ông có niềm đam mê với Hồng y Newman?  

Grégory Solari – Tôi khám phá ngài năm 1986 trong chuyến đi đến Luân Đôn. Tôi bắt đầu gần gũi hơn với Giáo hội công giáo (khi đó tôi theo đạo tin lành) và tên hồng y Newman thường được lặp đi lặp lại trong các sách tôi đọc, đặc biệt là các sách của linh mục Louis Bouyer. Linh mục đã đào tạo tôi và rất gần với hồng y Ratzinger, linh mục thường nói với tôi về Newman, ngài là một nhân vật vĩ đại của giáo hội. Trở về từ Luân Đôn, tôi muốn đọc một cái gì liên quan đến những gì tôi đã sống ở Anh, vì tôi luôn yêu thích văn hóa nước Anh. Khi vào một tiệm sách, tôi thấy quyển sách của hồng y Jean Honoré, “Newman, lòng trung thành của lương tâm” (Newman, fidélité d’une conscience). Khi đọc quyển sách này, tôi khám phá một tư tưởng kết hợp một cách hữu cơ đức tin với văn hóa, thần học với thi ca, tín ngưỡng và đời sống tâm linh, các chủ đề rất rộng nhưng người đọc không bị phân tán mà ngược lại luôn được đưa về với Chúa Kitô, diện đối diện chiêm nghiệm của tâm hồn với Chúa mà Newman đã có kinh nghiệm khi còn trẻ và đã để lại trên ngài và tác phẩm của ngài một dấu ấn không thể phai mờ.

Đó là những gì luc đó tôi đi tìm mà chưa tìm ra hay ít nhất cũng không phải một cách nhất quán và sâu đậm như vậy trong văn học tôn giáo công giáo. Ở Newman có tính phổ quát vượt ra ngoài khuôn khổ kế thừa từ Phản-Cải cách và quan điểm của ngài vượt xa các rạn nứt xuất hiện trong đạo công giáo thời hậu công đồng. Tôi bắt đầu đọc cách đây 25 năm và khi đào sâu tư tưởng và cuộc đời của ngài, xác tín về sự thánh thiện của ngài ngày càng tăng trong lòng tôi. Tôi chia sẻ bằng cách in các tác phẩm lớn của ngài, kèm theo các nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau trong tư tưởng của ngài. Hiện nay, bộ “Ecrits newmaniens”, văn bản và nghiên cứu có khoảng 15 tập. 

Từ đâu có mối thân cận giữa Đức Bênêđictô XVI và Hồng y Newman?

Chính Đức Bênêđictô XVI đọc trong bài diễn văn ở Hyde Park chiều thứ bảy 18-9-2010, tư tưởng của Hồng y Newman đã tác động đến tư tưởng riêng của ngài như thế nào. Việc phong chân phước này rất thiết thân với ngài và niềm vui của ngài hiện rõ trên mặt khi ngài đến Cofton Park ngày chúa nhật 19-9. Một cách nào đó, Hồng y Newman là người tri kỷ đồng hành trong đời sống của Đức Bênêđictô XVI. Ngài kể trong cuộc hội thảo năm 1990, được xuất bản trong lời bạt cho tuyển tập của Linh mục Dessain về Newman “Để hiểu Newman” (Pour connaitre Newman), làm thế nào ngài đã khám phá tư tưởng của Newman về lương tâm và phát triển học thuyết trong thời gian ngài học thần học ở Munich. Hai người thầy của ngài là giáo sư Alfred Läpple và Gottlieb Söhngenn là những người theo trường phái Newman, Linh mục thần học gia Romano Guardini (1885-1968), người đỡ đầu cho Joseph Ratzinger cũng rất am tường tư tưởng của Newman. Khi phong chân phước cho ngài, chắc chắn Đức Bênêđictô XVI đã nghĩ đến các thầy của mình, như thế cũng là một cách ngài gián tiếp vinh danh họ. Và đó cũng là một đặc nét rất newman vì Newman là người của tình bạn, ngài luôn giữ trong ký ức kỷ niệm các bạn của mình. Ngài viết các lời đề tặng sách rất dài và viết bằng thuật ngữ của hoàng gia Anh, đó là cả một sự tinh tế tuyệt vời. Và đó cũng là lý do riêng cho việc phong chân phước này của Đức Bênêđictô XVI.

Một lý do khác là giáo hội, kết hiệp với chủ đề chính triều giáo hoàng của ngài, đó là tiếp nhận Công đồng Vatican II. Tư tưởng của Newman đã có ảnh hưởng trên các nhà thần học chuẩn bị cho công đồng. Ở Pháp chúng ta có thể nhắc đến các thần học gia Henri de Lubac, Jean Daniélou, Yves Congar và dĩ nhiên là cả Louis Bouyer. Giáo huấn của công đồng về vai trò của người tín hữu, về lương tâm, về Truyền thống, và lập luận của ngài về Thánh Kinh và huấn quyền đều dùng lại các ý tưởng mà chúng ta đã thấy nơi Newman. Về mặt thần học, tư tưởng của ngài bắt nguồn từ thần học của các Giáo phụ, có thể giúp chúng ta tiếp nhận một cách sâu đậm, đồng nhất giáo huấn của Công đồng Vatican II. Về mặt mục vụ, thái độ của ngài khi đi ra khỏi Công đồng Vatican là một tấm gương kiên nhẫn và sáng suốt trong thời khủng hoảng sau công đồng. Chính ở đây sự thích ứng của Newman xuất hiện trong thời đại chúng ta và chắc chắn, đó là điều Đức Bênêđictô XVI ngầm nhấn mạnh. Newman cho chúng ta ví dụ về một tinh thần giáo hội thực sự, một tinh thần phải là tinh thần của một tín hữu công giáo trong giai đoạn tiếp nhận công đồng. Thái độ của ngài, tự nó là tấm gương sống động của tính liên tục, được tạo nên từ sự tin tưởng nền tảng và lòng kiên nhẫn của tình cha con. Nếu công đồng là công việc của Thần Khí thì Newman cũng đã học khi nghiên cứu lịch sử công đồng Nicée và sự tiếp nhận công đồng này, một giai đoạn khủng hoảng do tái cân bằng lại công việc của công đồng. Phải luôn dự đoán, sau công đồng sẽ có giai đoạn xáo trộn, dị giáo Arian, mặc dù bị công đồng Nicée kết án, dường như đã chiến thắng trong những năm sau đó, và sau công đồng Trente, phải chờ gần 80 năm để có thể mở  cuộc hội thảo đầu tiên. Việc Đức Bênêđictô XVI phong chân phước cho Hồng y Newman 45 năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc đưa ra một chìa khóa để chú giải và đưa ra một mô hình mục vụ cho Giáo hội để tiếp nhận công đồng một cách đồng nhất, với chính công đồng và với tất cả các công đồng trước khác. Trong nghĩa này mà chân phước John Henry Newman có thể được xem là “nhà tư tưởng vô hình của Công đồng Vatican II”.

Ông giữ lại gì trong phần trình bày của Đức Bênêđictô XVI về Hồng y Newman trong chuyến đi này?

Sự đơn giản và sâu sắc trong bài thuyết trình cho thấy sự đồng nhất của Đức Bênêđictô XVI với Hồng y Newman. Đức Bênêđictô XVI nói về Hồng y Newman như một vị thầy thiêng liêng. Trong bài phát biểu ở Hyde Park, ngài trích dẫn bài đọc của Thánh Phaolô, ngài nói đến sự ngự trị của Chúa Kitô trong tâm hồn chúng ta qua đức tin và ngài đưa lại gần giáo huấn của Thánh Phaolô và Hồng y Newman mà với hồng y, đó là “ánh sáng dịu dàng” của đức tin làm cho chúng ta hiểu được sự thật về chính mình, về nhân phẩm là con của Chúa và về số phần đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng. Nói cách khác, để biết mình là ai, biết Chúa muốn gì nơi chúng ta, chúng ta phải đi ra khỏi con người mình và “đi qua” bởi Chúa, bởi Chúa Kitô, bởi các bí tích của Ngài, bởi Giáo hội của Ngài. Chúa Kitô cho chúng ta biết, Giáo hội không phải là sự hiện diện bên ngoài; Chúa đã ở trong lòng chúng ta, Ngài nói với chúng ta qua tiếng nói của lương tâm, nhưng để nhận thức và nhận ra sự hiện diện bên trong của Ngài, chúng ta phải đi ra khỏi chính mình, phải đi theo con đường của Giáo hội.

Đó là những gì Newman đã trải qua khi còn trẻ và trong lần ngài trở lại năm 1816. Ngài khám phá học thuyết của Giáo hội và học thuyết như tấm gương, cho ngài thấy sự hiện diện của Chúa trong lòng mình. Một sự hiện diện thực đến mức nhiều năm sau đó, ngài còn xác quyết và đã có thể viết trong “Lịch sử các ý kiến tôn giáo của tôi” (Apologia pro vita sua) “thực hơn là có tay có chân”. Chúng ta có thể nói, Newman đã trải nghiệm cái gọi là được tạo ra “theo hình ảnh và giống” Chúa như trong sách Sáng Thế dạy. Hình ảnh, là một trạng thái. Chúng ta không thể làm mất nó, nhưng chúng ta có thể bóp méo nó. Sự giống nhau là một ơn, chúng ta có thể có được qua sự phù hợp của mình nhờ ơn Chúa cho chúng ta. Như thế đời sống kitô của chúng ta được đánh dấu bằng một năng động tâm linh: chúng ta chia sẻ hình ảnh để được giống, từ tự nhiên để đi đến siêu nhiên, từ những gì chúng ta là đến những gì mà Chúa muốn chúng ta là. Và khi xong tiến trình này, chúng ta không là cái gì khác, không là ai khác: chúng ta là chính mình, nhưng còn hơn cả chính bản thân mình. Và xét cho cùng, đó là điểm mấu chốt được phát triển nơi Newman, như Đức Bênêđictô XVI đã trình bày. 

Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh, tấm gương của Newman nhắc chúng ta nhớ, chúng ta được tạo ra để biết sự thật…

Hoàn toàn đúng, và không những biết sự thật mà còn sống và làm chứng cho sự thật. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Newman dạy cho chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận sự thật của Chúa Kitô và chúng ta dâng cho Ngài đời sống của mình, thì không thể nào có sự khác biệt giữa những gì chúng ta tin và cách chúng ta sống”. Đức Bênêđictô XVI cũng nhấn mạnh, đối với chúng ta, cũng như đối với Newman, việc đi tìm sự thật, việc tuyên xưng đức tin đều có một giá. Ngài nói: “Đời sống của Hồng y Newman dạy cho chúng ta, niềm yêu mến sự thật, trung thực trong đầu óc, tuyên xưng đức tin đều có một giá rất cao (…). Ở thời buổi chúng ta, cái giá phải trả cho sự trung thành với Tin Mừng không còn là án tử hình treo cổ hay phanh thây nhưng là bị gạt ra bên lề, bị chế giễu hoặc bị châm biếm”.

Đối với Hồng y Newman, cái giả ngài phải trả là rời một Giáo hội mà ngài yêu quý, rời bạn bè, rời một địa vị quan trọng ở trường đại học và thấy mình cô đơn trong một cộng đồng nhỏ ở một thành phố không quyến rũ của Midlands, trong một thế giới công giáo người Anh không hiểu mình, liên tục bị thứ bậc trong Giáo hội nghi ngờ, cho đến khi giáo hoàng Léon XIII vinh danh Newman và tư tưởng của ngài, phong tước vị hồng y cho ngài năm 1879. Vậy mà những gì là cuộc xuất hành cá nhân vì trung thành với lương tâm và sự thật thì bây giờ đó là tình trạng chung các các kitô hữu ngày nay. Newman đã cảm nhận điều này trước đó. Năm 1873, khi nói đến “không tín ngưỡng của tương lai”, ngài đã báo trước cho các chủng sinh: “Thời nào cũng có các thử thách đặc biệt của thời đó mà thời khác không biết. Và tôi phải thừa nhận, các tín hữu kitô đã từng có các đe dọa ở một số thời kỳ mà ngày nay chúng ta không biết. Chắc chắn, những điều đó nói rằng, và tôi vẫn nghĩ (…) nếu chúng ta không lầm về các bề ngoài hiện nay, thì chúng ta sẽ đi vào một thế giới mà các linh mục chưa bao giờ biết trước chúng ta” (Đức tin và Thành kiến, sự Bất trung của Tương lai, Faith and Prejudice, The Infidelity of Future).

Sự gần nhau của các hàng chữ này với bài diễn văn của Đức Bênêđictô XVI ở Hyde Park cho thấy tầm vóc sứ ngôn trong tư tưởng và tiến trình của Newman (…) Đối với những người thực tế nhìn thế giới chúng ta ngày nay, rõ ràng kitô hữu không thể cho phép mình làm những việc như trước. Họ không thể không biết cơn khủng hoảng đức tin sâu đậm đã làm rúng động xã hội chúng ta, cũng không biết chắc di sản các giá trị được trao truyền qua bao nhiêu thế kỷ kitô giáo sẽ tiếp tục truyền cảm hứng và định hình tương lai cho xã hội chúng ta hay không”. Nhưng dù quan tâm của ngài “đứng trước việc tôn giáo bị gạt ra bên lề ngày càng lớn dần, đặc biệt là kitô giáo” và “các dấu hiệu đáng lo về việc người dân không còn khả năng yêu mến, không những với quyền tự do lương tâm và tôn giáo của người tín hữu, mà còn với vai trò hợp pháp của tôn giáo trong đời sống công cộng” (Bài phát biểu ở hội trường Westminster Hall), Đức Bênêđictô XVI đã tái khẳng định niềm hy vọng của mình ở Hyde Park, ngài nhắc lại, “trong thời khủng hoảng và xáo trộn, Thiên Chúa đã khơi dậy các thánh lớn và các tiên tri để đổi mới thế giới và xã hội kitô hữu”. Chính trong viễn cảnh này mà tôi tin, phải nêu rõ việc phong chân phước hồng y John Henry Newman để nắm bắt toàn bộ ý nghĩa của ngài về Giáo hội ngày nay.

Có hình ảnh, lời nói và sự kiện nào mà ông nhớ lại nhiều nhất trong chuyến đi này?

Có rất nhiều nhưng tôi không thể nói hết tất cả. Tôi nhớ ba chuyện. Đầu tiên hết là khi Đức Bênêđictô XVI nói với Tổng Giám mục Anh giáo Rowan Williams trong giờ kinh chiều ở Westminster Abbey, rất ấn tượng về chiều sâu và mức độ tinh tế của ngài. Vị giáo chủ Anh giáo đã vinh danh Đức Bênêđictô XVI khi ông vinh danh một Bênêđictô khác, Thánh Biển Đức, và nhắc đến Thánh Gregory Cả, Giáo hoàng Dòng Biển Đức đã truyền giáo cho nước Anh. Và khi Đức Bênêđictô XVI được bầu chọn, là một cách truyền giáo mới bắt đầu và Rowan Williams đã đặt ngài như người đầu tiên kế vị Thánh Phêrô. Những lời nói này từ miệng một người Anh giáo mang nhiều ý nghĩa. Chuyện thứ nhì là sự xúc động của Đức Bênêđictô XVI sau khi ngài dự thánh lễ (rất tuyệt vời) ở nhà thờ chính tòa Westminster. Đức Bênêđictô XVI đã được hàng ngàn thanh thiếu niên trẻ công giáo vỗ tay, như Đức Gioan-Phaolô II thường hay được vỗ tay như vậy. Sự đơn giản và khiêm tốn của Đức Bênêđictô XVI cọng thêm sự ấm áp trong trí thông minh của ngài đã làm cho người Anh xúc động.

Đức Bênêđictô XVI đã biết chạm đến một khía cạnh rất sâu đậm của tính khí người Anh, cái chúng ta gọi là “sự công bằng”, một cái gì rất thuần khiết như bầu trời được cơn mưa rửa sạch, một chân trời tinh tuyền, giản dị, đích thực. Tôi có cảm tưởng như sống lại cuộc gặp gỡ của người Angles vào thế kỷ thứ 6 với Thánh Gregory Cả, người đã nhận thấy sự “công bằng” này trong ánh nhìn của họ và đã xúc động vì họ. Và đến lượt Đức Bênêđictô XVI, ngài cũng xúc động trước các thanh niên trẻ người Anh này, giọng ngài khàn đi vì xúc động, sau khi ban phép lành cho họ, ngài nói: “Cha xin cám ơn các con rất nhiều!”. Đó là rất nhiều đau khổ và họ đã được bù đắp, tôi nghĩ. Tôi đã nói với với anh chị em về bầu trời: đó là chuyện thứ ba tôi nhớ lại bầu trời ở Cofton Park, nơi Hồng y Newman được phong chân phước. Chúng tôi đã chờ ngài đã 4 giờ đồng hồ dưới trời mưa gió. Vào lúc 9h30 sáng, khi chúng tôi nghe tin máy bay trực thăng của ngài sắp đến, bầu trời bỗng quang đãng. Cầu vồng xuất hiện ở bên trái bàn thờ và thánh lễ được cử hành dưới ánh nắng mặt trời. Vào cuối lễ mây lại xuất hiện, và chúng tôi rời Cofton Park dưới trời mưa gió. Tôi biết, tôi nói ra điều này sẽ làm mọi người cười.  Nhưng đó là chuyện đã xảy ra. Có một cái gì như chuyện thần tiên. Có nên ngạc nhiên không? Cofton Park là nơi đã cảm hứng cho nhà văn Tolkien, ông là học sinh trong trường được Hồng y Newman thành lập ở Birmingham, đã viết các hàng đầu của Hobbit, mà sau này là Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Làm thế nào để cho Hồng y Newman được biết hơn ngày nay?

Chính xác là làm sao cho thấy Newman là hiện đại. Ngài thường lặp lại chúng ta không nên hoài niệm một hình thức thánh thiện trong quá khứ. Chúa muốn chúng ta thánh thiện ở thời Chúa đặt để cho chúng ta sống. Với chúng ta, cũng như với Hồng y Newman, thời đó là thời chúng ta gọi là hiện đại, thời mà triết gia người Canada Charles Taylor gọi là “sự sinh ra đời của Chủ Thể” hay sự khẳng định của ngài. Newman đã nghĩ đến đức tin của mình và đặt vấn đề tín ngưỡng tôn giáo khi xem trọng sự phức tạp của cuộc hiện sinh, được gọi để hiểu sự thật và chứng thực tình yêu mà Chúa yêu thương chúng ta qua thời gian và với tự do. Chính tự do này là cái giá cho sự gắn kết của con người với sự thật được Newman đưa ra cho thấy. Người ta đã trách ngài đã không “thực hiện đủ các việc trở lại”. Đó là sự biện giáo để bảo vệ cho uy tín của đức tin và uy tín của Giáo hội nhưng dường như không phù hợp để trả lời cho vấn đề của thuyết bất khả tri.

Vì tính hiện đại thường đặt chủ thể vào trọng tâm tầm nhìn về thế giới, như thế phải đi từ chủ thể, từ kinh nghiệm của mình như người được đặt trong thời gian, chịu đựng các đam mê, các hoài nghi, tính hay thay đổi trong tình trạng của mình để khôi phục lại ý nghĩa và sự phù hợp vào niềm tin tôn giáo. Đó là điều Newman đã làm, không phải qua hệ thống hay phương pháp, nhưng một cách tự phát, một cách tự nhiên vì chính ngài là một con người hiện đại. Là hiện đại, ngài nói với người hiện đại qua kinh nghiệm riêng của mình, hội nhập không những bằng trí thông minh mà cả quả tim, tình cảm, ký ức, xúc động, trí tưởng tượng, tất cả những gì cấu thành chúng ta để biện minh cho niềm tin tôn giáo. Ngài không tìm cách thuyết phục nhiều để làm cho mọi người nhận ra thuyết bất khả tri như một sự đình chỉ của niềm tin, là một tư thế tồn tại giả tạo, đa phần không dựa trên các quy tắc hợp lý nhưng là cố tình không suy nghĩ đến thế nào là con người. Ngài, trong tuổi thanh xuân của mình đã nắm bắt được sự chủ quan của mình thông qua sự chủ quan của Đấng Tạo Dựng – đó là ý nghĩa câu nói lừng danh trong Lời biện hộ Apologia, “hai hữu thể mà sự hiển nhiên là tuyệt đối và sáng ngời: đó là chính tôi và Đấng Tạo Dựng tôi” -,  đã làm cho truyền thông kinh hoàng giữa niềm tin và vô thần, được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa hời hợt. Theo ngài, việc khảo sát xã hội con người sẽ dẫn đến hai vị trí và chỉ có hai mà thôi: đức tin (và theo ý của ngài là đức tin công giáo) hoặc vô thần.

Sự sáng suốt, tính nhân văn và tính thực tế của Newman đã làm cho ngài thắng, nếu không phải là sự gắn bó thì ít nhất cũng là sự quý trọng của các nhà tư tưởng không tin. Ở Pháp tôi nghĩ đến nhà văn Ramon Fernandez, người đã đọc Newman rất nhiều và đã viết hai khảo luận với sự thấm nhập rất lớn về lý thuyết niềm tin của mình, trong khi chính ông lại không có niềm tin nào. Điều này chứng minh cho thấy và theo tôi nghĩ, Đức Bênêđictô XVI đã nói với các nhà báo về tính hiện đại của  Newman trên chuyến bay đưa ngài đến Ê-cốt: “Sự hiện đại bên trong cuộc sống của ngài bao gồm sự hiện đại của đức tin. Đây không phải là đức tin trong các công thức của quá khứ, nhưng một đức tin thật sự cá nhân, được sống, được chứng nghiệm, được tìm thấy qua một con đường dài của đổi mới và hoán cải”. Và cũng trong chiều hướng này, khi trở về sau chuyến đi, Đức Bênêđictô XVI đã nói thêm trong buổi tiếp kiến chung ngày 23 tháng 9: “Chân phước John Henry Newman mà hình ảnh và các bài viết vẫn còn mang tính thời sự phi thường, xứng đáng được tất cả mọi người biết. (…) Trọn cuộc sống của ngài chứng tỏ cho thấy lý lẽ và đức tin có thể đối thoại hài hòa với nhau như thế nào. Ước gì lời giảng dạy của ngài rọi sáng lương tâm chúng ta và qua lời cầu bàu của ngài tâm hồn chúng ta được mở ra với Đấng là Chân lý! Để quả tim nói với quả tim!” 

Theo quan điểm công giáo, chuyến đi của Đức Bênêđictô XVI đến Anh là một thành công lớn. Cảm nhận này có được các người Anh giáo chia sẻ không?

Để trả lời và cũng để kết thúc, tôi xin trích lời của người bạn Anh giáo John Milbank của tôi, anh ấy là người gần với giáo chủ Giáo hội Anh giáo Rowan Williams và là người điều khiển Trung tâm Thần học và Triết học ở Đại học Nottingham: “Giáo hoàng đã có thể đánh giá một cách chính xác bối cảnh chuyến thăm của mình và các kẻ thù của đức tin cũng như của đại kết đã bị nhầm lẫn nghiêm trọng. Ý thức của họ về lịch sử là sai và họ đánh giá thấp sức mạnh của các cử chỉ có tính cách biểu tượng. Chúng ta có thể nói ở một chừng mực nào đó, hòa bình đã được thiết lập giữa Nghị viện Vương quốc Anh và Đức Giáo hoàng ở Westminster Hall. Và điều này sẽ không thể không có kết quả cho châu Âu và cho tương lai của thế giới”.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Newman, trí thông minh của đức tin