Con la, con cá và con ếch (3-5)

165

Con la, con cá và con ếch (3-5) 

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator 

Languedoc dưới áp lực

Khi biết được thành công và các thành quả trong kỳ Antôn giảng ở Bologne và Verceil, Thánh Phanxicô quyết định gởi Antôn đi vùng Midi, nước Pháp. Ngài muốn giảm ảnh hưởng của người dị giáo cathar trong vùng Albi rộng lớn. Những người này đã bị Simon de Montfort thuyết phục, ông là người đứng đầu cuộc Thập tự chinh đầu tiên, bầu khí hận thù vẫn còn ở hai bên mà người Albi muốn kéo bè kéo cánh để có ảnh hưởng. Có một lý do chủ yếu cho việc này: người công giáo không được hàng giáo sĩ hay các hoàng tử bảo vệ. Chúng ta phải ngược về vài năm trước để hiểu tình trạng này.

Sự bất tài của hàng giáo sĩ

Một số lớn giáo sĩ đồi trụy (buôn thần bán thánh, rượu chè…) có một đời sống không phù hợp với Tin Mừng, đến mức đứng trước những người “tinh tuyền” có đời sống đạm bạc, những người này trở thành người gương mẫu.

Các linh mục khác, thuộc giáo phận hay thuộc nhà dòng không biết gì về thần học, nên họ không thể phản bác lại các thông tin sai sự thật do những người ở Albi đưa ra. Lúc đó giáo hoàng Innocent III đã triệu tập Công đồng Latran năm 1215, buộc phải nghiêm túc đào tạo các linh mục, nhưng hệ thống tiếp nhận các ứng viên chức thánh đã bị chậm lại.

Chỉ có thánh Đôminicô và một số bạn đồng hữu đã làm việc trong lãnh vực này để khôi phục lại sự thật cho đức tin công giáo.

Sự phản bội của các hoàng tử

Bá tước Raymond V của vùng Toulouse đã đưa ra nhận xét đáng buồn như sau: “Tôn giáo mới đã thâm nhập khắp nơi, gieo bất hòa trong các gia đình. Chính các linh mục tự nhượng bộ. Các nhà thờ bị bỏ hoang và rơi vào cảnh hoang tàn, và sự dữ sâu đậm đến mức tôi không dám, cũng không thể kìm nén nó.”

Còn tệ hơn, nếu bá tước Raymond V không đánh bại được người dân Albi thì con trai kế vị ông, bá tước Raymond VI lại ủng hộ người Albi trong tất cả các giáo phận dưới quyền của ông: Albi, Narbonne, Carcassonne, Toulouse, Cahors và ngay cả phía bên kia vùng Rhône… Chúng ta có thể trích dẫn hàng loạt vụ tống tiền của các đội quân hay các kẻ thông đồng với họ: phung phá của cải của các giáo phận, phá hủy các nhà thờ, ám sát hay bỏ tù các linh mục và các tu sĩ. Sau đây là một vài ví dụ:

Cha xứ Dòng Xitô ở Caulnes bị cắt cổ; một giáo sĩ ở Pamiers đang dâng thánh lễ bị đánh đến chết và bị cắt thành nhiều mảnh, một sư huynh dòng Thánh-Antôn bị moi mắt và tất cả các đồng hữu của sư huynh bị nhốt trong nhà thờ ba ngày không thức ăn nước uống, rồi bị tống ra khỏi tu viện, thậm chí ra khỏi thành phố.

Ở Urgel, bá tước Foix cho lính phá hủy nhà thờ, lấy thánh giá làm cối nghiền gia vị… Họ cho ngựa ăn lúa mạch ngay trên bàn thờ, họ chế nhạo tượng Chúa, buông lời phạm thượng… Sau khi phá hủy hai tu viện, một người trong bọn họ nói: “Tu viện Thánh-Antôn và Thánh Marie-Urgel đã thành tro; chỉ còn Chúa để chúng ta phá hủy.”

Thêm một vụ giết người

Để khép lại trang lịch sử đau buồn này, tôi xin trích dẫn câu chuyện của quan giám mã của bá tước Raymond VI, quan đã đâm chết đặc sứ giáo hoàng Pierre de Castelnau khi đặc sứ đến để tìm cách hòa giải. Khi sắp ngã xuống, ông nói với quan giám mã: “Xin Chúa tha thứ cho ông, như tôi đã tha thứ cho ông.”

Chính sự cố nghiêm trọng này đã làm cho giáo hoàng quyết định khởi động cuộc Thập tự chinh đầu tiên hay còn gọi là “Thập tự chinh của người Albi” chống bá tước Raymond VI. Đứng đầu một nhóm nam tước đến từ miền bắc nước Pháp, ông Simon de Montfort làm chỉ huy trưởng tất cả thập tự quân. Họ lấy lại Bézier từ tay người Albi, sau đó lấy lại được Carcassonne. Từ đó họ phát động chiến dịch tái chiếm lại tất cả các thành phố trong vùng. Bá tước Raymond VI đã đầu hàng trận đấu Muret năm 1213 vì cái chết của đồng minh chính của ông là vua Pierre d’Aragon. Sau đó bá tước Raymond VI không còn lãnh thổ Toulouse, phải nhường lại cho ông Simon de Montfort.

Sau ông, con trai của ông đã chuyển quyền của mình cho vua Louis VII: sát nhập Languedoc vào nước Pháp và được Hiệp ước Paris phê chuẩn năm 1229. Hòa bình được chính thức hóa nhưng sự kháng cự của người Albi vẫn tiếp tục ở một số vùng mạnh của họ. Phải nhờ đến sự can thiệp của Tòa án dị giáo mới hạ được binh đoàn kháng chiến cuối cùng ở Montségur năm 1244. 

Thuyết phục và xoa dịu

Vì vậy năm 1224, trong thời kỳ khó khăn này, Antôn nhận lệnh Thánh Phanxicô đi Languedoc và cũng phù với ước muốn của giáo hoàng Honorius III và tân vương Lu-i VIII bình định khu vực bằng cách hoán cải người Albi với vũ khí là thánh giá và sự thuyết phục. Antôn đúng là người cho tình huống này. Vào cuối mùa hè năm 1224, Antôn đi Bologne với một trong các đồng hữu của mình như thói quen của tu sĩ Dòng Phanxicô. Chúng ta không có nhiều chi tiết về chuyến đi này nhưng chúng ta biết, ở mỗi nơi Antôn đến, ngài có nhiệm vụ:

– Củng cố tinh thần người công giáo, giúp họ trung thành với đức tin của mình bằng cách xây dựng một mạng lưới các tu viện, đây sẽ là thành trì và trung tâm cho việc hoán cải;

– Đào tạo các “thầy đọc sách ” trong các tu viện cũ cũng như mới để họ giảng dạy lại cho các anh em của mình.

– Làm nhụt chí các người dị giáo cathar trong các buổi họp công cộng, Antôn chỉ cho họ thấy các mâu thuẫn của họ…

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua 

Con la, con cá và con ếch (1-5) 

Con la, con cá và con ếch (2-5)