Các thu hoạch đầu tiên (3-4)

138

Các thu hoạch đầu tiên (3-4) 

Tượng Thánh Antôn ở Trại Gáo

Nguồn cội và mục tiêu của Antôn 

Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator

Antôn được đào tạo thần học ở các tu sĩ Dòng Thánh Âugutinô, nơi Antôn có sự hiểu biết hoàn hảo về Sách Thánh, về các tác phẩm của Giáo phụ, với một học thuyết vững chắc và một nghệ thuật hùng biện ngoại thường. Ở Dòng Thánh Phanxicô, Antôn thấm nhuần tinh thần khó nghèo, đơn sơ dễ mến, đặc nét của một tông đồ đích thực lôi cuốn mọi tâm hồn đến với Chúa Giêsu qua lời và qua sức mạnh tấm gương của Antôn.

Nguồn của Antôn thì đa dạng. Với các tiên tri, Antôn mượn màu sắc và tinh thần mãnh liệt của họ; với các thánh sử Antôn thấm được sự đơn giản và các dụ ngôn nhẹ nhàng; với các Giáo phụ và các tiến sĩ thì các lập luận hùng biện của họ. Antôn biết thích ứng với các bài phụng vụ quanh năm hoặc các sự kiện. Và cũng với mọi người.

Nhân danh Thần Khí

Trước khi giảng một bài giảng, Antôn quỳ trước nhà tạm để đọc lời cầu nguyện do mình soạn:

“Ánh sáng của thế giới, Thiên Chúa vĩ đại, Cha của vĩnh cửu, của khôn ngoan và của hiểu biết, Đấng giàu lòng nhân từ và người ban phát ân sủng thiêng liêng vô giá, Đấng biết mọi sự trước khi xảy ra… Xin Chúa đưa tay ra chạm vào môi miệng con, làm cho môi miệng con như thanh kiếm sắc để mạnh dạn nói lời của Chúa; Lạy Chúa, xin làm cho lưỡi con như mũi tên được Chúa chọn để nói thuộc lòng các điều kỳ diệu của Chúa; Lạy Chúa, xin gởi Thần Khí xuống tâm hồn con để con ghi nhận, để con giữ lại, để con suy nghĩ trong ý thức của con. Lạy Chúa, xin truyền cho con các tư tưởng thánh thiện, thương xót và trong sáng; xin dạy con, hướng dẫn con và tái tạo … tất cả các lập luận và suy nghĩ của con để lời của Chúa hướng dẫn con, sửa sai con cho đến cùng, và lời khuyên của Đấng Tối Cao luôn giúp đỡ con bởi lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.”

Các lập luận của một bài giảng

Chủ đề bài giảng là trích đoạn từ sách trong ngày. Antôn giải thích nghĩa đen bằng cách thay thế các chữ khó hiểu bằng những chữ để mọi người có thể hiểu! Rồi Antôn giải thích nội dung thiêng liêng, bằng các so sánh, ẩn dụ, giai thoại thật hay hư cấu (dụ ngôn) lấy từ đời sống hàng ngày, trong thiên nhiên, phù hợp giữa Cựu Ước và Tân Ước…

Cuối cùng Antôn làm cho người nghe hiểu các bí ẩn và sự thật được triển khai giúp người nghe đặt câu chuyện trong bối cảnh của chính đời sống của mình, để có được sự hối cải cá nhân luôn được đổi mới. 

Bốn mùa của Chúa Kitô

Sau đây là ví dụ về một bài giảng mà Antôn nói đến cuộc đời Chúa Giêsu qua các so sánh được lặp đi lặp lại.

“Giống như một năm có bốn mùa… Đời Chúa Giêsu cũng có bốn mùa tương tự. Trước hết là mùa đông với vua Hêrôđê làm cho Chúa Giêsu phải trốn qua Ai Cập; sau đó là mùa xuân với các bài giảng qua đó các bông hoa xuất hiện, hứa hẹn một cuộc sống đời đời… và cũng là mời gọi ăn năn đền tội vì Nước Chúa đã đến gần. Và mùa hè là sự Thương Khó, Chúa Giêsu bị khô héo và đau đớn vì đau khổ. Cuối cùng là mùa thu, mùa thu hoạch dồi dào. Đó là mùa Sống Lại; mùa khuấy động rơm rạ đau khổ, phủi bụi bặm trên các ngôi mộ, và nhân tính của ngôi Lời, như men thiêng liêng được đặt trong kho lẫm trên trời, vinh quang và bất tử, ở bên hữu Chúa Cha.”

Trong một bài giảng khác, Antôn nói đến thái độ đối với kẻ thù:

“Trong các kẻ thù của chúng ta, chúng ta phải yêu công việc của Chúa, dù công việc bị biến dạng và nhiễu loạn. Nơi kẻ thù chúng ta, chúng ta phải yêu thập giá của Đấng Cứu Chuộc. Nếu chúng ta thấy Thập giá dính bùn, chắc chắn chúng ta sẽ không thích bùn; nhưng không vì thế mà chúng ta không trân trọng chiến quả của Đấng Cứu Chuộc chúng ta.”

“Kẻ thù có gây tổn hại cho mình không? Nhưng Chúa dùng các phương tiện này để làm cho chúng ta không bám dính những chuyện ở trần thế, làm cho chúng ta thăng tiến để xứng công và để chúng ta đền tội ở thế gian này. Mặt khác anh em phải hy vọng kẻ thù của mình sẽ ăn năn trở lại và một ngày nào đó họ sẽ sống lại vinh quang…” 

Những kẻ vi phạm bị trúng đòn

Chúng ta biết Antôn không thiếu can đảm cũng không sợ làm mất lòng người nghe mình. Mỗi người bị chỉnh theo lỗi của họ. Antôn vừa nhắm đến những người thầy có ý xấu muốn khai thác người phục vụ mình, những người cho vay nặng lãi chỉ nghĩ đến tiền bạc của họ và các quan tòa chỉ muốn vét hết túi khách hàng của mình:

“Quý vị là những người vắt chanh đè bẹp người nghèo, người khốn khổ, lấy hết tiền bạc của họ… Như tiên tri Mi-kha đã nói: “Các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ.” Với quý vị thật vô ích để nghe lời giảng vì nó không làm cho tâm hồn chai cứng của quý vị mềm lại, nước mắt cũng không dập tắt tính keo kiệt nuốt chửng quý vị.”

Antôn cũng nói đến các tính xấu của giáo sĩ:

“Nước sốt ngon thức dậy tính ham ăn của họ. Họ thích nói xấu. Họ thấy chẳng có gì hấp dẫn khi cầu nguyện; họ chỉ thích nằm trên giường… Tôi muốn nói những người làm biếng có một cuộc sống thoải mái trong Giáo hội. Trong câu chuyện của họ, chúng ta không nghe tiếng thở than của ăn năn, tiếng thở dài của hối cải mà chỉ nghe tiếng cười, tiếng bông đùa bất lịch sự kèm theo tiếng ợ hơi của cái bụng no nê.”

Antôn cũng tấn công các “phụ nữ ham muốn và đồi trụy” làm suy đồi các thanh niên trẻ và các tâm hồn ngây thơ, phá hủy các gia đình.

Hàng ngàn người nghe

Đâu đâu danh tiếng của Antôn cũng đi trước, mọi người chờ để được nghe giảng: “Chúng ta thấy nhà nhà đóng cửa, công việc ngưng lại, đường xa ban đêm đầy người, đàn ông cũng như phụ nữ, họ đi bộ dưới ánh đuốc…”

Khi Antôn đến một thành phố hay một làng nào đều có cả ngàn người chờ nghe ngài.

Trẻ con “vẫy cành dương liễu và hát thánh ca”, Antôn rất yêu trẻ con. Rồi họ bắt đầu lên đường đi theo Antôn cho đến tu viện nơi ngài ngụ. Sau đó đám đông giải tán sau khi biết ngày giờ và nơi Antôn giảng. Tùy theo số người đi nghe, hoặc tổ chức ở nhà thờ, và nếu cần thì ở nơi công cộng. Còn giờ thì chọn giờ nào phù hợp với nhiều người nhất, ban đêm để nông dân có thì giờ sau khi làm lụng ngoài đồng về… Người nghe rất nhiều, nhiều đến mức họ ngồi chung quanh bục giảng (nếu ngoài trời và ở chỗ công cộng), có khi lên đến cả ba mươi ngàn người.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua 

Các thu hoạch đầu tiên (1/4)

Các thu hoạch đầu tiên (2-4)