Đức Tổng Giám mục Pontier rời Marseille để về làm cha xứ thường

922

Đức Tổng Giám mục Pontier rời Marseille để về làm cha xứ thường

Đức Tổng Giám mục Georges Pontier rời chức Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp về làm một cha xứ bình thường

Năm nay 76 tuổi, Đức Tổng Giám mục Pontier rời chức vụ Chủ tịch Hội đồng giám mục Pháp để về làm cha xứ họ đạo bình thường ở giáo phận Toulouse. Ngạc nhiên.

laprovence.com, Philippe Schmit, 2019-06-23

Cha rời Marseille lòng thanh thản?

Tôi ra đi với tấm lòng biết ơn với những gì tôi sống ở thành phố đặc biệt đa dạng này. Tôi rất thích các cuộc gặp gỡ với các cộng đoàn hồi giáo, do thái, Armenia, Liban, Irak, Melkit, tín hữu Đông phương…

Cuộc đối thoại có hiệu quả?

Có hiệu quả nhiều với người hồi giáo vì có nhiều vấn đề thực tế. Có những cuộc gặp gỡ giữa gia đình công giáo và hồi giáo. Chúng tôi có các trường công giáo có sỉ số học sinh hồi giáo rất cao và mỗi sáu tuần có các linh mục, các giáo sĩ hồi giáo đến nói chuyện với học sinh. Gặp gỡ giữa người công giáo và hồi giáo thường rộng lớn hơn giữa người công giáo và các tôn giáo khác, nhưng tất cả đều mang kết quả vì vấn đề lớn là chúng ta không hiểu nhau, không biết nhau và có thành kiến với nhau. 

Đâu là các niềm vui và thành công của cha?

Tôi muốn nói đến bầu khí thân ái ở nhà xứ, một tình huynh đệ giữa các linh mục. Sự hiện diện của chúng tôi cũng rất đáng kể ở các bệnh viện, một tinh thần làm việc chung với các sinh viên, các người tốt nghiệp trẻ thu hút rất nhiều người.

Chúng ta biết tình trạng tài chánh của giáo phận cha rất mong manh…

Chúng tôi sống nhờ tiền quyên góp. Chúng tôi quyên góp được 2 triệu âu kim mỗi năm và số tiền cũng không giảm. Nhưng chúng tôi không được trừ thuế vì nhà nước bỏ thuế trên tài sản, những ai cho theo diện này họ không cho nữa. Và chúng tôi cũng lo về việc các ân nhân của chúng tôi ngày càng già vì thế số tiền cho sẽ giảm. Nhưng chúng tôi không ở trong tình trạng đáng lo. Chúng tôi xử lý ngân sách lành mạnh. Chúng tôi trả lương hàng tháng cho 180 linh mục và khoảng bốn mươi giáo dân. 

Marseille là một giáo phận khó điều hành?

Chúng tôi ở một thành phố nghèo, chúng tôi ít có các tín hữu kitô được đào tạo như các thành phố khác, nhưng lòng mộ đạo của giáo dân Marseille rất lớn. Chúng tôi có các cộng đoàn bình dân cũng như giới khá giả, họ có tinh thần dấn thân rất cao. Họ có nhiều sáng kiến để giúp người nghèo, người di dân, người vô gia cư, người mù chữ và có nhiều sáng kiến để giải quyết vấn đề. 

Cha có nhiều hối tiếc?

Chúng tôi mong xã hội Marseille và Giáo hội hợp tác với nhau trong việc đón nhận người di dân. Đó là những người sống trong thảm cảnh nhân loại, họ buộc lòng phải ra đi. Chúng ta không có chương trình đón nhận, chúng ta chỉ phản ứng tùy theo trường hợp với cái tối thiểu nhất. Chúng ta tỏ ra lạnh lùng đón tiếp để người khác đừng tới nữa. Đối với tôi, việc thiếu chương trình này thật đáng tiếc. Nơi tín hữu kitô có nhiều người dấn thân nhưng cũng có những người cự lại. Có một khác biệt giữa hình ảnh một thành phố thường được mô tả là thành phố đón nhận nhưng trên thực tế tôi thấy có những chuyện cự lại. 

Cha có thể làm nhiều hơn với tín hữu kitô của mình?

Nhưng chúng tôi cũng cần xã hội dân sự hỗ trợ. Để có nhiều gia đình đón nhận người di dân thì cần cả xã hội hợp tác và chính quyền lo về mặt quản trị và tài chánh để giúp các gia đình này. Ở đây chúng tôi có một chương trình với người tin lành, 30 gia đình dấn thân cùng với các giáo xứ ở Marseille, chúng tôi hy vọng có 100 gia đình. Nhưng có từ 400 đến 500 trẻ em di dân. Phải có một chương trình chung giữa Quốc gia, các chính trị gia và dân chúng. 

Cha đòi hỏi một cố gắng phi thường…

Đón nhận ai về nhà mình là thay đổi chính mình. Mình thay đổi hình ảnh, lý luận, thay đổi các sợ hãi của mình. Thu hẹp vào mình thì thật kinh khủng. 

“Người ta sẽ không còn gọi tôi là ‘Đức ông’ nữa, như thế lại là tốt hơn.” 

Giáo dân không đông, ơn gọi hiếm, Giáo hội bị rúng động vì tai tiếng ấu dâm. Cha còn lý do nào để hy vọng?

Hy vọng trong Chúa Kitô! Điều này cho tôi khả năng nhìn thấy những gì chúng ta sống ngày hôm nay không phải là những cái gì chết, nhưng sẽ tái sinh. Chúng ta được mời gọi để thanh tẩy theo tinh thần kitô trong đời sống chứ không phải cuộc sống hai mặt đã tồn tại. Chúa không vắng mặt trong các vụ lạm dụng tình dục. Thử thách này không làm khô héo những chuyện tốt đẹp chúng ta sống, như các vụ rửa tội của người lớn hay các ơn gọi. Chúng ta chấp nhận có những chuyện không thể chấp nhận, chúng ta phải nhìn chúng trước mặt, phải lắng nghe nạn nhân và phải làm sao để những chuyện này không xảy ra nữa. Chỉ có sự thật mới làm chúng ta tự do. Chúng ta phải sáng tạo để sống một cách mới đức tin của mình trong một xã hội đa dạng như xã hội hiện nay. Bổn phận của chúng ta là phải nuôi dưỡng các cuộc tranh luận của xã hội về chính trị, về đạo đức sinh hóa và về nhân chủng học. 

Giáo hội thật sự bị lung lay sâu đậm vì tai tiếng ấu dâm không?

Chắc chắn. Đây là một thảm kịch. Từ năm 2000, chúng tôi đã thiết đặt một nơi chốn để lắng nghe, để báo động các trường hợp, để phòng ngừa, để đào tạo. Và đã mang đến thành quả. Chúng tôi đã bước qua một giai đoạn. Chúng tôi không còn nhìn nhau như kẻ thù, cùng với các nạn nhân, chúng tôi hiểu chúng tôi sẽ cùng nhau thoát ra. 

Cha sẽ làm gì sau ngày 30 tháng 6, ngày cha rời giáo phận Marseille?

Tôi sẽ đi Toulouse làm cha phó họ đạo Saint Jérôme ở trung tâm thành phố, nơi chúng tôi lắng nghe, tiếp nhận và giải tội. Tôi kết thúc 31 năm giám mục, nó đánh dấu một kiểu quan hệ với giáo dân, có một bộ lọc khoảng cách. Giáo dân sẽ không còn gọi tôi là “Đức ông” (Monseigneur), như thế sẽ tốt hơn nhiều vì gọi như thế tạo ra một rào cản. Ước mong của tôi bao giờ cũng là gặp những người bình thường, giản dị.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch