Tính mến khách

452

Tính mến khách

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

Tháng Mười năm 1933, Peter Maurin viết bài thơ sau và lời bình trên tờ Catholic Worker:

Những người đang trong cảnh túng thiếu

và không ngại đi ăn xin,

họ cho người khá giả

cơ hội để thực hiện lòng tốt.

Xã hội hiện đại gọi người ăn xin

là người không gia cư, người ăn mày

là người không giá trị

Nhưng người Hy Lạp thường nói,

những người túng thiếu

là sứ giả của các vị thần.

Dù bạn có thể bị gọi là người vô gia cư, người ăn mày

nhưng bạn thật sự là sứ giả của Thiên Chúa.

Là sứ giả của Thiên Chúa bạn sẽ được

những người khá giả

cho thức ăn, áo quần, chỗ ở.

 

Các vị thầy Hồi giáo nói với chúng ta,

Thiên Chúa đòi hỏi lòng mến khách

và lòng mến khách vẫn được thực hành

nơi những quốc gia Hồi giáo.

Nhưng bổn phận mến khách

không được dạy, cũng như không được thực hành

nơi những nước Công giáo.

 

Người nghèo không còn được dân cho ăn, cho mặc, cho ở

với tiền túi của họ mà nhờ tiền thuế.

Và vì người nghèo không còn

được cho ăn, cho mặc, cho ở

nhờ hy sinh riêng của mình,

nên người ngoại đạo nói về người Ki-tô,

“Hãy xem họ đẩy trái banh.”

 

Maurin tiếp tục bình luận, hội đồng Giáo Hội ở thế kỷ thứ năm đã buộc các giám mục thành lập các ngôi nhà tiếp đón khách trong mỗi giáo xứ. Những ngôi nhà này mở cửa đón tất cả những ai nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, già cả và túng thiếu. Xuất phát từ ý tưởng là, phải luôn luôn nhận ra Đức Ki-tô trong khuôn mặt người không quen và vì thế mọi giáo xứ, mọi gia đình đều có chỗ cho Đức Ki-tô, dành sẵn để đón nhận các sứ giả của Chúa, đến trong hình dáng của người đang túng thiếu.

Tin Mừng gởi tín hữu Do thái 13:2 mời gọi chúng ta quan tâm đến lòng mến khách, vì khi tiếp đón những người lạ “đôi khi chúng ta đang tiếp đón các thiên thần mà không biết.”

Ngày nay chúng ta hờ hững với lòng mến khách. Đó là sự trượt dốc không nên có. Giáo xứ, gia đình và quả tim chúng ta không còn có “chỗ cho Đức Ki-tô.” Chúng ta không thấy lòng mến khách như một ân huệ, mà cho đó như một bổn phận.

Có nhiều lý do cho sự biến mất ý nghĩa về lòng mến khách. Chắc chắn một trong các lý do đó như Maurin nêu ra, là chúng ta giao khoán nhiệm vụ hiếu khách cho chính phủ, tiền đóng thuế, an sinh xã hội, dịch vụ xã hội. Họ được giao phó để lo cho các góa phụ, trẻ mồ côi, người già cả, khách lạ.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, lòng hiếu khách đã biến mất vì trong lòng chúng ta đã phát triển một khái niệm về đời sống riêng tư và làm việc phải có hiệu năng, chúng cản trở cho lòng hiếu khách được phát triển.

Nền văn hóa chúng ta ngày càng vị kỷ và chú ý đến phong cách của mình, làm cho chúng ta ngày càng có thái độ xem mọi thứ là của mình. Chúng ta nói không gian của tôi, thời gian, của tôi, gia đình của tôi, cộng đoàn của tôi, phòng của tôi, dàn nhạc của tôi, kế hoạch của tôi, lịch làm việc của tôi, bạn của tôi, hiệu năng của tôi, thậm chí còn nói nhà thờ của tôi.

Trong bối cảnh như vậy, chúng ta để người khác đi vào cuộc sống, gia đình, cộng đoàn và giáo hội của mình, một cách chọn lựa. Chúng ta chỉ mến khách của mình, với những ai đáp ứng các tiêu chuẩn và lịch làm việc của mình. Như vậy luôn luôn loại người nghèo ra khỏi quả tim, gia đình và giáo hội của chúng ta, bởi vì họ chẳng có ý nghĩa nào với tiêu chuẩn và lịch làm việc của chúng ta. Vấn đề của họ không hợp và thuận lợi như kế hoạch đã dự trù của chúng ta.

Thêm vào vấn đề này là vấn đề hiệu năng. Khi được hỏi vấn đề nghiêm trọng nhất mà văn minh phương Tây đang đối diện là gì, thay vì trả lời một vài điều chẳng hạn “bất công,” “suy thoái đạo đức” hay “thiếu chiều sâu,” Thomas Merton đáp, “Hiệu năng!”

Vấn đề trong thế giới phương Tây, bất cứ đâu từ Lầu Năm Góc đến các tu viện là, kế hoạch phải thực hiện! Các lớp học phải được dạy, các vụ mùa phải được gieo trồng và thu hoạch, trẻ con phải được kèm học thêm, cuộc họp phải diễn ra như dự trù, bữa cơm phải được nấu chín, bài luận phải được viết xong, nợ nần phải trả, máy bay phải đúng giờ, mọi thứ phải trôi chảy, không được làm khác, buổi diễn phải tiếp tục, chúng ta phải thực hiện những gì phải thực hiện!

Trong tất cả cái đó, một phần, chúng ta đang đánh mất tâm hồn của mình bởi vì trong đó không có khoảng trống và thời gian nào cho lòng mến khách và lòng mến khách chính là dấu hiệu của một tâm hồn được ân phúc.

Dấu hiệu đảm bảo của gia đình và Giáo Hội Ki-tô sẽ là sự tử tế trong tiếp đón của chúng ta và rằng, khi chết, mỗi chúng ta có thể được nhớ nhất vì điều đó, lòng mến khách, sự tử tế trong tiếp đón của chúng ta!

 Nguyễn Kim An dịch

Xin đọc: Công bình xã hội và đời sống chiêm nghiệm